Lm. Antôn Nguyễn Văn Dũng, DCCT
Thái Hà (11.12.2015) – Thông thường khi ta chờ đợ điều gì đó hệ trọng trong cuộc đời thì bao giờ trong lòng ta cũng khấp khởi vui mừng và hy vọng, nhưng cũng có chút căng thẳng, lo lắng. Chẳng hạn, khi một người mẹ trẻ cứu mang đứa con trong lòng, thì dường như suốt chín tháng mười ngày, người mẹ ấy cứ khấp khởi vui mừng đợi chờ giờ phút đứa con của mình chào đời. Nhưng cũng trong thời gian đó, người mẹ mỗi ngày cứ bổi hổi bồi hồi, căng thẳng âu lo cho đứa con trong bụng; chỉ cần đứa con nằm im, không quẫy đạp gì, thì ngày lập tức người mẹ lo sợ không biết có chuyện gì xảy đến với con mình đây. Vậy đó, sự chờ đời là thế: vừa khấp khởi vui mừng vừa âu lo, căng thẳng.
Mùa Vọng là mùa trông đợi Chúa đến: trông chờ trong hy vọng, vui mừng pha chút căng thẳng, âu lo. Nhưng có một thực tế là dân của Chúa lại dửng dưng với Chúa, chẳng âu lo mà cũng chẳng hy vọng gì. Vì thế, trong bài Tin mừng hôm nay, Chúa đã phải thốt lên: “Tôi phải ví thế hệ này với ai? Họ giống như lũ trẻ ngồi ngoài chợ gọi lũ trẻ khác, và nói: ‘Tụi tôi thổi sao cho các anh mà các anh không nhảy múa; tụi tôi hát bài đưa đám, mà các anh không đấm ngực khóc than’”. Gioan Tẩy Giả đóng vai trò như nhân vậtÊlia trở lại để báo hiệu ngày của Đấng Thiên Sai đến (Từ khi Êlia lên trời, có một niềm tin trong dân Chúa rằng ngày ông trở lại cũng là ngày của Đấng Thiên Sai xuất hiện). Ấy vậy, dân Chúa dửng dưng với Gioan Tẩy Giả và họ cũng thờ ơ với Chúa Giêsu – Đấng Thiên Sai từ trời mà đến.
Đã bao mùa Vọng trôi qua và giờ đây bạn và tôi cũng đang sống thêm một mùa Vọng nữa, vậy chúng ta tự hỏi xem chúng ta đã có thái độ trông chờ Chúa như thế nào: khấp khời vui mừng pha chút căng thăng, âu lo hay thờ ơ, lãnh đạm giống như dân Chúa xưa?