Thứ Tư Lễ Tro: Ăn chay hãm mình

Hình: một vị khổ tu mặc áo nhặm, đi chân trần, đang hãm mình quỳ gối cầu nguyện ở Quảng trường Thánh Phêrô giữa trời mưa gió rét buốt, trong khi Cơ mật viện đang bầu giáo hoàng. Ảnh tôi (NVK) chụp chiều ngày 13.03.2013, vài giờ trước khi ĐGH Phanxicô đắc cử

THỨ TƯ LỄ TRO: ĂN CHAY HÃM MÌNH

1.TẠI SAO VÀ ĐỂ LÀM GÌ?

Trong khi người ta chủ trương phải ăn cho nhiều, tiêu cho lắm mới hơn người, thì Chúa lại mời gọi chúng ta ăn chay hãm mình.

Có ngược đời không? CÓ đối với người quan niệm “Sống trên đời ăn miếng dồi chó/Xuống âm phủ biết có hay không!”

CÓ đối với người duy vật, vô thần, người chỉ coi vật chất là có thật, vật chất quyết định tất cả, vật chất được tượng trưng bằng miếng dồi chó kia!

KHÔNG đối với những người có ý thức về sự thánh thiêng của Trời Đất, thí dụ các vua Nhà Nguyễn ở Việt Nam ngày xưa phải ăn chay hãm mình mấy ngày trước khi đến Đàn Nam Giao thay dân tế Trời.

KHÔNG đối với người theo một tôn giáo chân chính, vì hầu hết các tôn giáo này đều dạy người ta ăn chay hãm mình.

KHÔNG ĐỐI VỚI CÁC KITÔ HỮU CHÚNG TA!

Chúng ta tin rằng ăn chay hãm mình là cần thiết.

Kinh Thánh Cựu Ước cho biết ngôn sứ Môsê và ngôn sứ Êli đã ăn chay hãm mình để dọn mình đi gặp Đức Chúa Trời.

Kinh Thánh Cựu Ước cho biết dân Hipri thường ăn chay hãm mình để tỏ lòng thống hối và để cầu xin lòng xót thương của Thiên Chúa khi ý thức rằng mình đã phạm tội.

Kinh Thánh Tân Ước cho thấy chính Chúa Giêsu cũng đã ăn chay hãm mình 40 ngày trong hoang địa trước khi đi rao giảng Tin mừng.

Nhờ ăn chay và cầu nguyện mà Chúa có đủ sức mạnh và sự khôn ngoan để chiến thắng ma quỷ; Ngài đã không rơi vào cái bả dục vọng, danh vọng và quyền lực do ma quỷ bày ra.

Chúa biết rõ lợi ích và sức mạnh của việc ăn chay, nên Ngài nói với các môn đệ: “Giống quỷ ấy chỉ trừ được nhờ cầu nguyện và ăn chay.”

Chúa cũng muốn đến thời đến buổi xác định thì chúng ta sẽ ăn chay: “Khi tới ngày chàng rể bị đem đi rồi, bấy giờ họ sẽ ăn chay.”

Chúa còn nói rằng: “Ai muốn theo Ta thì phải từ bỏ chính mình, vác thập giá mình mà theo.”

Từ những gì Kinh Thánh viết, đặc biệt từ những việc làm và lời nói của Chúa, Giáo Hội hiểu rằng ăn chay hãm mình gắn liền với đời sống đức tin của chúng ta.

Tôi tin nên tôi ăn chay hãm mình.

Để cầu xin ơn tha thứ, góp phần đền tội và chứng tỏ quyết tâm từ bỏ tội lỗi và hoán cải đời sống.

Để hãm dẹp xác thịt dục vọng, vực dậy tinh thần trong con người tôi và dọn đường cho nó đón nhận ơn thánh của Chúa.

Để tham dự vào cuộc thương khó và cái chết của Chúa Giêsu, hiệp thông với những đau khổ của Chúa, nhờ vậy mà được thông phần với vinh quang phục sinh của Ngài, nghĩa là được cứu độ.

Để hiệp thông và chia sẻ với người nghèo khổ khi ta đến nhà thờ dự Lễ Chúa nhật.

2. ĂN CHAY HÃM MÌNH LÀ GÌ?

Mỗi tôn giáo có quan niệm và cách thực hành chay tịnh khác nhau.

Công giáo coi con người là hình ảnh của Đức Chúa Trời và thân xác con người là Đền thờ Chúa Thánh Thần.

Do đó, con người được phép dùng các loại lương thực-thực phẩm Chúa ban để nuôi dưỡng cơ thể và duy trì sự sống của mình.

Vì vậy, theo Công giáo, ăn chay không có nghĩa là chỉ được ăn ngũ cốc và rau quả. Cũng không có nghĩa là tuyệt thực hoàn toàn trong một ngày hay nhiều ngày.

Ăn chay, như Thánh Giáo hoàng Phaolô VI nói trong Tông hiến Paenitemini năm 1966, thì có nghĩa là được ăn một bữa chính trong ngày; hai bữa còn lại có thể ăn tý chút.

Hãm mình là việc tự nguyện từ bỏ tạm thời những thú vui thể xác, cụ thể là không ăn thịt, không uống rượu, không hút thuốc, không ân ái vợ chồng…

Trong ngôn ngữ nhà đạo ở Việt Nam người ta thường đồng hóa hãm mình với kiêng thịt. Vì thế thay vì gọi là ăn chay hãm mình, người ta thường gọi là ăn chay kiêng thịt.

3. ĂN CHAY KHI NÀO?

Giáo Hội buộc ta phải ăn chay hãm mình vào Thứ Tư Lễ Tro và Thứ Sáu Tuần Thánh. Chỉ có hai ngày! Rất ít! Giáo Hội cũng buộc ta phải hãm mình vào Thứ Sáu hàng tuần. Không nhiều!

Tuy nhiên, nhiều Giáo phận hiện nay chỉ buộc kiêng thịt; nhiều Giáo phận khác lại nói nếu ăn thịt, thì làm một việc đạo đức hay bác ái để bù lại.

Giáo Hội cũng khuyến khích ta ăn chay hãm mình trước khi chịu các bí tích thêm sức, hôn phối, truyền chức, trước các kỳ tĩnh tâm, trước các sự kiện quan trọng xảy ra trong Giáo Hội hoặc thế giới. Thí dụ năm nay chúng ta được mời gọi ăn chay để cầu nguyện cho hòa bình thế giới.

Ngoài những dịp trên đây, mỗi tín hữu có thể tùy ý ăn chay hãm mình bất cứ khi nào mình muốn, nhất là khi ta khấn xin điều gì hay chuẩn bị có một quyết định gì quan trọng.

Ngày nay có nhiều người, vì lý do chữa bệnh hay vì muốn giữ vóc dáng dung nhan, đã ăn chay dài ngày theo những cách thức khác nhau. Thường chỉ ăn ngũ cốc và rau quả và ăn rất ít.

Đây không phải là kiểu ăn chay của Công giáo, cũng không trái với chuẩn mực của Giáo Hội; tuy nhiên, nếu nhịn ăn nhiều quá, khiến cho cơ thể trở nên gầy yếu vì thiếu dinh dưỡng thì có tội.

4. AI PHẢI ĂN CHAY HÃM MÌNH VÀ ĂN CHAY HÃM MÌNH NHƯ THẾ NÀO?

Ai 14 tuổi trở lên, phải kiêng thịt.

Ai 18 tuổi trở lên, phải kiêng thịt và ăn chay.

Ai từ 60 tuổi trở lên, không buộc phải ăn chay nhưng vẫn phải kiêng thịt.

Ăn chay thì chỉ được ăn một bữa chính. Hai bữa còn lại chỉ ăn qua loa. Không được ăn vặt.

Ăn chay thì phải kiêng thịt. Được phép cá tôm cua trai ốc. Không được sử dụng rượu bia, các thứ đồ uống có cồn.

Ăn chay thì không ăn thực phẩm đắt tiền như tôm hùm, thịt cá sấu, hay ăn vi cá mập, vân vân, vì trái với tinh thần hiệp thông và liên đới với người nghèo khổ của chay tịnh của Kitô giáo!

Ăn chay đi liền với hãm mình. Tức là trong ngày chay tịnh, vợ chồng phải kiêng cữ chuyện ăn ở với nhau. Ai hút thuốc lá hay các loại chất kích thích khác thì cũng phải nhịn.

Hơn nữa, theo tinh thần chay tịnh Kitô giáo, trong suốt Mùa Chay và nếu được thì trong suốt cuộc đời, mình nên:

Tránh lãng phí đồ ăn thức uống.

Tránh lạm dụng rượu bia, tránh hút thuốc và sử dụng các chất kích thích.

Tránh yêu chiều thân xác quá mức đến mức trở thành nô lệ cho thời trang và mỹ phẩm.

Tránh mua sắm đồ dùng nhiều quá đến nỗi không dùng hết, thừa thãi, lãng phí, còn gây ô nhiễm môi sinh.

Tránh tổ chức lễ hội linh đình lãng phí, ngay cả các lễ hội liên quan đến người có đạo, đến các tu sĩ, linh mục, giám mục.

Thí dụ Mùa Chay mà một linh mục như tôi lại đi tổ chức mừng lễ bổn mạng, rồi yến tiệc linh đình thì rõ là không phù hợp, làm tục hóa đời sống đạo và gây gương mù gương xấu.

Tránh giải trí thiếu lành mạnh và thiếu điều độ. Thí dụ đi chơi Casino thì rõ ràng là giải trí thiếu lành mạnh; đi chơi videogame nhiều quá quên ăn quên ngủ bỏ học thì rõ là thiếu điều độ!

Tránh làm nô lệ cho công việc khiến cho bản thân không còn thời giờ để thinh lặng, suy gẫm và cầu nguyện cũng như trò chuyện và chăm sóc những người xung quanh.

Tránh lạm dụng internet hay truyền hình dẫn đến mức nô lệ cho các phương tiện này, gây trở ngại cho suy tư cá nhân và đối thoại giữa các thành viên trong gia đình.

Vân vân và vân vân…

Đừng bảo mình vất vả làm ra tiền thì mình có quyền hưởng thụ theo ý thích. Không! Ơn riêng Chúa ban cho mỗi người là để phục vụ mọi người. Thánh Phaolo nói vậy.

Còn Thánh Giáo hoàng Phaolô VI nói: “Ở đâu kinh tế càng sung túc, ở đó các con cái của Giáo Hội càng cần phải sống chừng mực, để khỏi dính líu đến tinh thần ‘thế tục’…”

Mình có quyền nhưng nên nhớ người khác cũng có quyền sống và các thế hệ tương lai cũng có quyền sống. Nếp sống của mỗi cá nhân phải bảo đảm góp phần vào việc phát triển bền vững trong tương lai cho các thế hệ. Càng tiêu thụ lắm càng hại mình và hại tương lai của con em mình.

Là Kitô hữu nghĩa là ánh sáng thế gian như Chúa nói, ta phải ăn ở như con cái ánh sáng, phải chiếu sáng như những vì sao trên bầu trời, phải chấm dứt những việc vô ích của con cái bóng tối. Thánh Phaolô dạy vậy.

5. ĂN CHAY HÃM MÌNH TRONG TÂM TÌNH NÀO?

ĂN CHAY HÃM MÌNH GẮN LIỀN VỚI VIỆC TRÁNH XA TỘI LỖI: Thánh Giáo hoàng Lêô Cả nói: “Ăn chay thật trong Mùa Chay không chỉ là nhịn ăn mà còn là và hơn hết là tránh xa tội lỗi”. Viện phụ Iperechio nói: “Thà ăn thịt và uống rượu còn hơn còn hơn ăn thịt anh em của mình bằng sự vu khống.”

ĂN CHAY HÃM MÌNH GẮN LIỀN VỚI BÁC ÁI VÀ LIÊN ĐỚI: Thánh Ambrosio nói: “Bạn sẽ biết chay tịnh của Kitô giáo là thế nào, nếu những gì bạn tính chi dụng cho tiệc tùng được gửi đến người nghèo!” Thánh Augustinô nói: “Chúng tôi bố thí những gì chúng tôi tiết kiệm được từ việc ăn chay hãm mình.”

ĂN CHAY HÃM MÌNH GẮN LIỀN VỚI CẦU NGUYỆN VÀ THƯƠNG XÓT: Thánh Phêrô Crisologo nói: “Ba điều: cầu nguyện, ăn chay, thương xót thực ra là một và cái này nhận được sức sống từ cái kia. Ăn chay là linh hồn của cầu nguyện và thương xót là sự sống của ăn chay. (…) Ai chỉ có một mà không có cả ba đồng thời, thì không có gì cả. Bởi vậy, ai cầu nguyện, thì ăn chay; ai ăn chay thì có lòng thương xót.”

ĂN CHAY HÃM MÌNH GẮN LIỀN VỚI VIỆC TÔN TRỌNG CÔNG LÝ VÀ QUYỀN CON NGƯỜI: Ngôn sứ Isaia nói: “Cách ăn chay mà Ta ưa thích chẳng phải là thế này sao: mở xiềng xích bạo tàn, tháo gông cùm trói buộc, trả tự do cho người bị áp bức, đập tan mọi gông cùm?”

ĂN CHAY HÃM MÌNH CÁCH KHIÊM TỐN VÀ VUI VẺ: Chúa nói: “Còn khi ăn chay, anh em chớ làm bộ rầu rĩ như bọn đạo đức giả (…) Còn anh, khi ăn chay, nên rửa mặt cho sạch, chải đầu cho thơm, để không ai thấy là anh ăn chay ngoại trừ Cha của anh, Đấng hiện diện nơi kín đáo…”

TÓM LẠI: Chay tịnh của Công giáo không phải là hình thức khổ chế vị kỷ cá nhân, nhưng là một phương thế giúp mình trở nên thuần khiết hơn, nhân bản hơn, tâm linh hơn. Nó giúp mình nhận ra mình và nhận ra Chúa Trời rõ hơn. Nó nối kết mình với Chúa Trời và với con người. Nó làm cho tương giao của mình với Chúa và với tha nhân trở nên lành mạnh, đậm đà và thắm thiết hơn. Cùng với cầu nguyện và bác ái, chay tịnh là một phương thế cứu độ.

Chúc các bạn ăn chay hãm mình cho nên đồng thời khám phá ra vẻ đẹp và lợi ích lợi của chay tịnh Công giáo.

Lm. Phêrô Nguyễn Văn Khải DCCT

CHÚ THÍCH HÌNH: Hình một vị khổ tu mặc áo nhặm, đi chân trần, đang hãm mình quỳ gối cầu nguyện ở Quảng trường Thánh Phêrô giữa trời mưa gió rét buốt, trong khi Cơ mật viện đang bầu giáo hoàng. Ảnh tôi (NVK )chụp chiều ngày 13.03.2013, vài giờ trước khi ĐGH Phanxicô đắc cử.

PS. Ai vì lý do bất khả kháng, thí dụ phải đi đám cưới vào ngày ăn chay kiêng thịt, thì sau đó phải ăn chay kiêng thịt vào một ngày gần nhất, tùy mình chọn.