Lm. Antôn Nguyễn Văn Dũng, DCCT
Thái Hà (22.3.2016) – (Mt 26, 14 – 25) – Dưới con mắt người đời, Chúa Giêsu bị xem là dại khờ đến mức khó hiểu. Ngài biết rõ Giuđa Iscariốt sẽ bán đứng mình, vậy mà Ngài không ra tay trước để loại bỏ con người đó ra khỏi hàng ngũ các môn đệ. Trái lại, Ngài còn đối xử quá nhân từ với y cho đến độ cho y chấm chung cùng một đĩa với Ngài (Trong bữa ăn của người Do thái, nhất là bữa ăn Vượt Qua, chỉ những người thân thiết trong một gia đình mới dùng chung một đĩa. Chúa Giêsu để cho Giuđa chấm chung một đĩa nghĩa là Ngài vẫn coi ông ta là người nghĩa thiết dẫu biết rằng ông ta sẽ phản bội Ngài).
Tại sao Chúa lại trở nên như thể dại khờ làm vậy? Tại sao Ngài chấp nhận bị phản bội và chịu khổ hình thập giá như vậy? Câu trả lời đơn giản: Thiên Chúa là tình yêu! Chúa muốn lấy tình yêu để cải hóa những con người bội bạc, vô ơn! Cũng chỉ vì tình yêu, Chúa chấp nhận mọi khổ hình, đau thương thập giá. Khi chú giải sách Diễm Ca (4, 9), thánh Bonaventura ám chỉ đến cuộc thương khó của Chúa mà bảo rằng ai yêu thì thường chấp nhận thương tích vì tình yêu.
Đức Giáo Hoàng Bênêđictô XVI thì bảo rằng vì yêu mà Thiên Chúa như thể chống lại chính Ngài: Một Đấng vốn quyền năng vô biên bây giờ lại chấp nhận đi vào trong sự giới hạn và chấp nhận chịu nhục hình, khổ giá! Nhưng chính khi Chúa yêu con người đến mức hiến mình trên thập giá, thì sức mạnh tình yêu của Ngài có khả năng biến đổi nhân loại lỗi lầm, lôi kéo họ ra khỏi vũng lầy hận thù, chết chóc mà hướng tới đời sống vĩnh cửu, viên mãn. Đức Giáo Hoàng thêm rằng giữa chốn khổ đau, Thiên Chúa chấp nhận đi xuống để an ủi và thắp lên ánh sáng niềm hy vọng cho con người (Spe Salvi, # 39).
Khi đối diện với bóng tối của gian dối, lừa lọc, hận thù thế gian, bạn và tôi có để ánh sáng hy vọng của Chúa chiếu tỏa hay không?
Nhân loại ngày nay vẫn tràn ngập bóng tối của tội lỗi và sự ác là bởi vì người ta vẫn còn hành xử với nhau theo cung cách con người: lấy ác báo ác, chứ không phải lấy tình yêu đáp lại hận thù!