Thúc giục Việt Nam điều chỉnh luật an ninh mạng mới

Các nhà hoạt động khẳng định luật an ninh mạng đe dọa quyền tự do ngôn luận và lợi ích kinh tế của đất nước

Người Công giáo ở Sài Gòn truy cập mạng xã hội trên điện thoại. Nhiều người đang lo ngại luật an ninh mạng mới sẽ bóp nghẹt quyền tự do ngôn luận tại Việt Nam. Ảnh: Mary Tran/ucanews.com

Các tổ chức xã hội dân sự và các nhà hoạt động gửi đơn kiến nghị kêu gọi Quốc hội Việt Nam tạm hoãn thi hành và điều chỉnh luật an ninh mạng gây tranh cãi gay gắt.

Họ chỉ trích đạo luật có hiệu lực vào ngày 1-1-2019, mang “nhiều điều khoản vi phạm trắng trợn quyền tự do ngôn luận của công dân” và cấm những hành vi không rõ ràng như “phá hoại thuần phong, mỹ tục”, “xuyên tạc lịch sử” và “xúc phạm vĩ nhân”.

Các tổ chức và nhà hoạt động cảnh báo những lệnh cấm đó có thể trao quyền cho nhà chức trách xâm phạm quyền tự do ngôn luận của công dân, vốn được hiến pháp đảm bảo.

Đạo luật này còn yêu cầu Facebook, Google và các công ty công nghệ toàn cầu khác lưu trữ dữ liệu cá nhân của người sử dụng tại Việt Nam và mở văn phòng đại diện tại nước này.

Các nhà cung cấp dịch vụ internet được yêu cầu ngăn chặn và xóa bỏ các thông tin đã đăng theo lệnh của nhà chức trách mà không cần sự chấp thuận của tòa án.

Các nhà hoạt động lo ngại công dân không được trao cho các cơ chế pháp lý để bảo vệ dữ liệu và thông tin cá nhân. Họ nói luận an ninh mạng được Quốc hội thông qua hôm 12-6, đi ngược lại các tiêu chuẩn nhân quyền quốc tế.

Đạo luật “sẽ tạo ra các rào cản thương mại cho các doanh nghiệp quốc tế hoạt động tại Việt Nam, ép buộc các doanh nghiệp này thành lập chi nhánh hay văn phòng đại diện và lưu trữ thông tin của người sử dụng trong nước”, theo các nhà hoạt động.

Khoảng 1.500 cá nhân bao gồm các tổ chức xã hội dân sự đã ký đơn kiến nghị kêu gọi xem xét lại luật an ninh mạng.

Hôm 13-9, quyền Bộ trưởng Bộ Thông tin và Truyền thông Nguyễn Mạnh Hùng đề nghị “Facebook trên cơ sở kinh doanh thành công tại Việt Nam, thì cũng nên giành một tỷ lệ doanh thu để tái đầu tư vào nghiên cứu và phát triển và sớm mở văn phòng đại diện tại Việt Nam”.

Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc đề nghị với ông Simon Milner, phó chủ tịch về chính sách công tại khu vực châu Á – Thái Bình Dương của Facebook, rằng trang mạng xã hội khổng lồ này nên hợp tác chặt chẽ với chính quyền của ông, gỡ bỏ các thông tin xấu độc, và có trách nhiệm bảo vệ 60 triệu tài khoản của người dùng Việt Nam.

Các nhà hoạt động nói đạo luật này còn đe dọa khả năng thông qua Hiệp định Thương mại Tự do Việt Nam – EU (EVFTA).

Các thành viên trong Quốc hội châu Âu đang yêu cầu Việt Nam cải thiện nhân quyền nhiều hơn nữa trước khi thông qua EVFTA. Họ đang kêu gọi Việt Nam điều chỉnh luật an ninh mạng cho phù hợp với các tiêu chuẩn nhân quyền quốc tế theo Công ước quốc tế về các quyền dân sự và chính trị mà Việt Nam đã tham gia từ năm 1982.

Nguồn: vietnam.ucanews.com

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai.