Truyền thông địa phương ngày 6/5 đưa tin một cuộc biểu tình phản đối Linh mục Đặng Hữu Nam đã diễn ra ở Nghệ An vì “hành động trái pháp luật, bóp méo chiến thắng lịch sử 30/4/1975” và “rao giảng nói xấu Đảng Cộng Sản Việt Nam” của vị linh mục Công Giáo.
Theo baonghean.com, cuộc biểu tình có đến hơn 2.000 người dân xã Sơn Hải, huyện Quỳnh Lưu, bao gồm phụ nữ, cựu chiến binh, đoàn thanh niên… tham gia, để phản đối việc Lm. Đặng Hữu Nam rao giảng với giáo dân rằng “Ngày 30/4 là ngày mà dân tộc Việt Nam mất đi tự do, ngày mà người dân không có quyền làm người, ngày đã làm cho đất nước tang thương, ngày đã đưa đất nước trở thành lạc hậu, nghèo đói, ngày mà Việt Nam mất đi cơ hội phát triển, ngày đã tạo nên bất công trên mọi miền đất nước…”
Trong đoạn video đăng trên YouTube, bà Phạm Thị Hải Yến, Chủ tịch Hội Liên hiệp Phụ nữ Quỳnh Lưu, kêu gọi thông qua Nghị quyết đề nghị Đảng và Nhà nước khởi tố Lm Đặng Hữu Nam.
Bà cho biết nội dung của Nghị quyết: “Một, yêu cầu Lm. Đặng Hữu Nam chấp hành nghiêm pháp luật, không có những lời nói kích động bà con giáo dân, làm những việc vi phạm pháp luật để bọn xấu lợi dụng, lôi kéo, gây mất an ninh, trật tự và an toàn xã hội. Hai, dừng ngay mọi hành động nhằm chia rẽ khối đại đoàn kết dân tộc, thực hiện tốt chức phận của mình đối với những con chiên của Chúa, động viên bà con đoàn kết, yên tâm làm ăn, phát triển kinh tế, nâng cao đời sống, có lời xin lỗi trước nhân dân những phát ngôn xuyên tạc lịch sử, ý nghĩa và phủ nhận thành quả cách mạng mà biết bao thế hệ người dân đã đổ công sức, máu và nước mắt để có được chiến thắng ngày 30/4/1975. Ba, chúng tôi đề nghị chính quyền, cơ quan chức năng các cấp ngăn chặn kịp thời mọi hoạt động phản động, lời nói gây mất đoàn kết, chia rẽ khối đại đoàn kết toàn dân của Lm. Nam, có biện pháp xử lý Đặng Hữu Nam trước pháp luật”.
Bình luận về sự kiện này, Tiến sĩ Nguyễn Quang A, một nhà hoạt động cho xã hội dân sự tại Việt Nam, nói với Đài VOA:
“Những lời thóa mạ, lên án, bôi nhọ của họ chỉ làm cho họ mất uy tín mà thôi, chứ không làm cho những người hoạt động như các cha ở Nghệ An, Hà Tĩnh bị mất uy tín. Bởi vì người dân mới là người biết rõ nhất các cha hoạt động vì ai”.
Theo ông, cuộc biểu tình có hai tác động “không hay”. Thứ nhất, nó gây ra sự chia rẽ tôn giáo và phụ họa cho những vu cáo đối với Lm. Đặng Hữu Nam. Thứ hai, về khía cạnh tôn trọng quyền biểu tình, ông cho rằng “Nếu những cuộc biểu tình như thế xảy ra mà chính quyền không can thiệp gì cả, thì chả có lý gì mà những cuộc biểu tình khác xảy ra mà chính quyền lại đi can thiệp, ngăn cản”.
Lm Đặng Hữu Nam và Lm. Nguyễn Đình Thục hiện đang giúp cho nhiều người dân đòi quyền lợi sau vụ ô nhiễm môi trường do Công ty Formosa gây ra ở các tỉnh miền Trung
Một ngày trước khi diễn ra cuộc biểu tình mà nhiều người gọi là một cuộc “đấu tố”, Lm. Nguyễn Đình Thục nói với VOA:
“Những ngày này họ đang mọi cách tấn công cha Nam, em và bà con. Họ dùng rất nhiều thủ đoạn bỉ ổi. Họ gây chia rẽ, tuyên truyền, gây khó khăn, dọa dẫm những người đi chợ búa hay các em học sinh đến trường lớp…”
Phản ứng về cuộc “đấu tố”, trong một đoạn video đăng trên mạng xã hội trong một buổi giảng lễ trước khi diễn ra biểu tình, Lm. Đặng Hữu Nam thông báo cho giáo dân về cuộc biểu tình sắp diễn ra và khen ngợi chính quyền đã thực hiện điều 25 của Hiến pháp Việt Nam, cho phép tự do biểu tình.
Ngay sau khi xảy ra cuộc biểu tình, nhiều người đã lên tiếng phản đối hoạt động “đấu tố” tại Nghệ An đối với các linh mục Công Giáo. Một trang trên Facebook mang tên “Một Ngày Là Cha Nam” đã được thành lập với hình ảnh người dân cầm biểu ngữ “Tôi là cha Nam”, “Nếu chính quyền VN kết tội cha Thục và cha Nam, tôi xin gánh án thay ở tù hoặc tử hình”.
Hồng Ngọc, một thành viên tham gia trang “Một Ngày Là Cha Nam”, nói cuộc “đấu tố” cho thấy nhà cầm quyền “vu khống và có thể dùng mọi xuyên tạc đối với một linh mục”. Cô Ngọc cho rằng điều này vi phạm quyền con người.
Song song với hoạt động biểu tình, các cơ quan truyền thông của Nghệ An còn tung ra hàng loạt bài đả kích Lm Đặng Hữu Nam và Lm. Nguyễn Đình Thục.
Kể từ khi xảy ra thảm họa môi trường được xem là lớn nhất trong lịch sử Việt Nam, nhiều cuộc biểu tình đòi quyền lợi cho các nạn nhân Formosa đã diễn ra tại địa phương và trên khắp các tỉnh thành, thậm chí lan sang các nước khác.
TS. Nguyễn Quang A đánh giá các cuộc biểu tình trên là “rất có ý nghĩa” và “rất có tác dụng” không chỉ trong việc thúc ép chính quyền phải tăng cường kiểm soát chặt chẽ hơn đối với Formosa, mà còn với tất cả các doanh nghiệp khác đầu tư vào Việt Nam.
Ông nói: “Cha Nam và cha Thục đã hoạt động rất có trách nhiệm, giúp giáo dân hiểu được vấn đề và cất lên tiếng nói của mình”.
Trước đó, trên mạng xã hội Facebook lan truyền một lá thư của tỉnh Nghệ An gửi cho Giám mục Giáo phận Vinh và Lm. Đặng Hữu Nam vào ngày 26/4, yêu cầu không cho phép Lm. Nguyễn Duy Tân, một linh mục hay “nói thẳng” những tiêu cực của chính quyền, được phép giảng lễ tại Nghệ An trong và sau dịp 30/4.
VOA không liên lạc được với chính quyền tỉnh Nghệ An để xác minh tính xác thực của lá thư đó.
Nguồn: VOA Việt ngữ