Thái Hà (21.8.2015) Trong thông điệp “Mẹ Chúa Cứu Thế”, ra ngày 25 tháng 3 năm 1987, Đức Gioan Phaolô II đã nhấn mạnh đến sự liên hệ chặt chẽ giữa mầu nhiệm Nhập thể của Đức Kitô và tín điều Maria là Mẹ Thiên Chúa. Lặp lại lời của Công đồng Vaticano II, ngài nói: “Con Thiên Chúa…, sinh bởi Đức Nữ trinh Maria, đã thật sự trở nên một trong chúng ta, đã làm người”. Như thế mầu nhiệm Nhập thể là nền tảng cho tín điều Maria là mẹ Thiên Chúa, và tín điều Maria Mẹ Thiên Chúa chỉ có thể là xác nhận sâu xa mầu nhiệm Thiên Chúa làm người, làm người trọn vẹn.
Nhưng cũng như Đức Kitô, tuy Ngài làm người thực sự, nhưng vẫn là Thiên Chúa, thì Maria, tuy là Mẹ Thiên Chúa nhưng vẫn chỉ sống thân phận con người một cách thành toàn. Không phải vì là Mẹ Thiên Chúa, mà Maria thoát ly khỏi trần thế, sống “dễ dàng”, “phây phây” lòng tin, mà trài lại, Maria đã lớn lên qua bao nhiêu thử thách, trong lòng tin, giữa những thực tại trần gian cũng như những giá trị con người mà Mẹ của Thiên Chúa làm người chỉ có thể hằng bảo trọng! Bởi vì không có hoàn cảnh sống nào có thể gọi là thuận tiện hay bất lợi cho Đức tin, cũng như không có chỗ đứng nào trong Hội Thánh có thể nói là lý tưởng cho Đức tin cả. Trước tình yêu của Thiên Chúa, không có vấn đề may hay rủi, không có chuyện thân phận lên hương hay bất hạnh. Thiên Chúa luôn mãi là ơn huệ cho mọi người sống trong mọi thứ hoàn cảnh khác biệt. Maria cũng đã lãnh nhận và cũng đã được kêu gọi sống đức tin như mỗi một người trong chúng ta.
Chính vì thế mà Đức Gioan Phaolô II đã dùng rất nhiều lần những danh từ nói đến “hành trình” của lòng tin Đức Nữ trinh Maria. Nói đến hành trình là quả quyết có nỗ lực tìm kiếm, lơn lên, không bao giờ an phận, mà luôn chiến đấu để nhận thấy cho được ánh sáng từ cao qua những thực tại hay hoàn cảnh cụ thể, có khi là bẽ bàng hay ru ngủ.
Trong nhãn giới rộng đó, và trong chiều hướng suy niệm tìm kiếm đó, chúng ta thử nhìn vào một điểm nhỏ trong đời Mẹ: mối tương quan với Giuse. Trong Tin mừng theo thánh Mathêô, có viết những lời như sau:
“Maria, Mẹ Ngài (Đức Kitô) đã đính hôn với Giuse; song trước khi ở cùng nhu, thì bà đã mang thai bởi phép Thánh Thần. Giuse, chồng bà, vì là người công chính, vả lại cũng không muốn lộ việc bà, nên đã muốn đoạn giao cách thầm kín. Ông đang suy tính như vậy thì Thiên Thần Chúa hiện ra trong mộng và bào rằng: Giuse, con Davít, chớ sợ đem Maria về làm vợ; đã hẳn, thai sinh nơi bà là bởi phép Thánh Thần và bà sẽ sinh con, nhưng ông sẽ đặt tên là Giêsu… Tỉnh giấc, Giuse đã thi hành như ý Thiên Thần Chúa truyền dạy, và ông đã rước vợ về nhà; và dù ông không hề biết bà, bà đã hạ sinh con bà, và ông đặt tên là Giêsu”. (Mat.1:18-25)
Qua đoạn trên, thánh sử Mathêô đã muốn quả quyết Đức Giêsu Kitô đích thực là con Thiên Chúa làm người, sinh bởi Maria, và “qua” Giuse, đã du nhập vào dòng tộc Davít, để thực hiện những lời tiên tri đã loan báo về Đấng Cứu Thế. Đàng khác, Mathêô còn muốn nói đến sự đồng trinh trọn đời của Maria. Trong câu: “dù ông không hề biết bà”, chữ biết hiểu theo sách thánh, nghĩa là liên lạc vợ chồng.
Thông thường khi đọc đoạn phúc âm nói trên, chúng ta hầu như chỉ nghĩ đến Giuse. Trong thánh lễ mừng kính thánh cả, Hội thánh cũng đọc đoạn Phúc âm này. Để nói lên sự công chính của người. Sự công chính ấy là gì? Một khi đã được Maria cho biết “việc kỳ diệu” Thiên Chúa trong lòng dạ Maria, Giuse đã không dám đứng ra trước mặt người đời như người cha của Đấng Cứu Thế. Vì như thế, là trắng trợn lạm quyền bất chính, nếu không phải là phạm thánh một cách nguy hiểm. Chính Thiên Thần đã trấn an Giuse, cho biết chỗ đứng của Giuse trong chương trình cứu rỗi; cho Giuse hiểu rằng, tuy không phải là cha của Giêsu, nhưng vẫn lãnh nhận sứ vụ cao cả là đặt tên Giêsu cho Hài nhi…
Nhưng ít khi chúng ta nghĩ đến Maria, khi đọc đoạn Phúc âm này, ngoại trừ việc nói đến sự đồng trinh vĩnh viễn của Mẹ như đã nói trên. Maria đã đính hôn với Giuse. Đính hôn vào thời ấy là một chuyện nghiêm chỉnh. Vị hông phu được gọi là chồng và từ hôn cũng phải được chuẩn. Giuse và Maria đã thật sự yêu thương nhau, và chuẩn bị cho cuộc đời đôi lứa sau này xừng hợp với sứ mạng mà Thiên Chúa đã ấn định trong Sách Thánh, cách riêng sách khởi nguyên. Trong một xã hội mà sự son sẻ được coi là bạc phước, và có “được vợ hiền con đông” (thánh vịnh) là hồng ân của Đấng Tối Cao, thì Giuse và Maria chỉ có thể mong muốn một gia đình đông đúc và êm ấm.
Nhưng ngay trước khi hai người ở chung cùng nhau, định mệnh của Maria đã thay đổi hẳn: Thiên Chúa đã chọn người làm Mẹ Đấng Cứu Thế, con Thiên Chúa làm người. Không thắc mắc khắc khoải, lòng tràn đầy khiêm tốn và yêu thương, Maria đã thẳng thắn tỏ bày hết mọi sự với Giuse, để Giuse tự do quyết định và chọn lựa. Dù quyết định và chọn lựa như thế nào đi nữa, thì Maria vẫn giữ lòng mếm phục đối với một hôn phu “công chính”. Và sau khi được Giuse cho biết kế đồ của Đấng Tối Cao, muốn người làm “cha nuôi” của con-Thiên-Chúa-làm-người, Maria từ đó đã sống trong mến thương vô vàn vâng phục và kính trọng đối với Giuse! Maria đã thầm hiểu chỗ đứng lạ lùng của Giuse trong chương trình cứu rỗi: Giuse nói được là thay mặt Đấng Tối Cao để lo cho Maria và Giêsu. Chính vì thế mà Maria sẽ không ngần ngại khi theo Giuse về Bêlem, mặc đầu ngày tháng thai nghén đã đầy. Trong câu chuyện lạc mất trong đền thờ, tìm lại được Giêsu, Maria đã nói với Giêsu thế này: “Này con, sao con làm thế? Này cha con và mẹ khốn khổ tìm con!” Trong lời đó, chúng ta đã thấy Maria nói đến “cha con” trước, chứng tỏ lòng mến phục và kính trọng đối với Giuse, và có thể nói lòng yêu thương sâu xa, trong sáng của Maria đối với người.
Có cả một lối sống đức tin phù hợp với Mầu nhiệm Nhập thể, là mở rộng với tha nhân chân thành trong tương quan trung thực với người khác, và không chắp nhận những gì làm vẩn đục tương quan ấy. Còn hơn nữa, làm sao “cho” mối tương quan ấy “vươn lên” đến Chúa Kitô. Trong ân huệ Chúa, những tâm tình cao quý giữa người với người không thể bị hủy bỏ, mà phải được tăng cường, thăng tiến. Người đứng trước mặt mình có một chỗ đứng riêng biệt trong lịch sử cứu rỗi. Không thể viện cớ nào khác để tự cô lập mình, tránh né đi đến với kẻ khác và mến thương họ.
Trên con đường dài của kiếp sống, và nếu đã hiểu rằng Hội Thánh là một thân thể gồm có những cơ quan khác biệt, mỗi người chỉ có thể cảm thấy sung sướng bước đi và sống bên cạnh những kẻ khác, không đồng hình đồng đạn với mình. Mội người anh em là một con người quý giá vô song, chính vì mang nhiều sắc thái dị biệt sâu sắc. Bàn tay với con mắt khác nhau, nhưng bàn tay cũng quy báu như con mắt. Chính lòng tin đưa chúng ta vượt qua cái vỏ bề ngoài của mỗi người, với những điều có vẻ lẩm cẩm, kỳ quái, mà nhận ra phẩm già lớn lao của con người đó trước mặt Chúa. Bởi vì một khi “Thiên Chúa đã quá yêu thương thế gian”, thì mỗi người là con chí ái của Ngài.
Nét độc đáo của cuộc hành trình Đức Tin Maria là không dừng lại ở định mệnh riêng biệt của Mẹ, mà còn biết nhìn đến định mệnh của kẻ khác, kình trọng định mệnh riêng biệt của người khác. Chủ yếu là tìm ra nới kẻ khác, nơi bất cứ ai “con người Kitô” độc nhất vô nhị. Chính vì thế mà sau khi được sứ thần truyền tin, Maria đã cảm mến Giuse hơn nữa, một lòng cảm mến trong trắng, nhưng sâu xa, đặt tin tưởng nơi vị hôn phu công chính. Lòng tin đã khai hóa tình người nơi Maria nên lớn rộng, phù hợp với kích thước của cõi lòng Thiên Chúa làm người.
Lm. Đoàn Thanh Dũng, DCCT