Phát biểu trong hội nghị thượng đỉnh về “Sử dụng trí tuệ nhân tạo có trách nhiệm trong lĩnh vực quân sự”, tiến sĩ Francesca Di Giovanni, Thứ trưởng Ngoại giao Toà Thánh, đã nói rằng “Các hệ thống dựa trên ‘AI’ – trí tuệ nhân tạo – không thể đưa ra quyết định vì chúng thiếu động lực đạo đức.”
Phát biểu tại hội nghị được tổ chức tại La Haye của Hà Lan, trưởng phái đoàn của Tòa Thánh nhấn mạnh rằng “Những nỗ lực sử dụng ‘AI’ trong quân đội phải đi kèm với một nỗ lực thậm chí còn lớn hơn là để trái tim và khối óc của chúng ta có quyền quyết định, nhằm tránh xung đột hoàn toàn.”
Thực tế không thể bị biến thành một mô phỏng đơn thuần
Bà Di Giovanni nhận xét rằng nói về trí tuệ nhân tạo “có trách nhiệm” dường như là một điều mâu thuẫn. Bà giải thích, trên thực tế, các hệ thống dựa trên ‘AI’ “không thể suy nghĩ, cảm nhận, quyết định hoặc chịu trách nhiệm về hành động của mình vì chúng thiếu động lực đạo đức”. Ở mức tốt nhất, chúng chỉ có thể thực hiện các hướng dẫn và mô phỏng các hành vi, trong khi “thực tế không bao giờ có thể bị biến thành một mô phỏng đơn thuần của chính nó.”
Mọi cuộc tấn công vũ trang phải được cân nhắc cẩn thận và phải hợp pháp
Theo phái đoàn Toà Thánh, “Nếu các quyền ra quyết định quan trọng về việc sử dụng vũ lực được giao cho một hệ thống vũ khí có hành vi không thể đoán trước hoặc mục đích và phạm vi hoạt động của chúng không được xác định hoặc biết rõ” – ví dụ là hệ thống vũ khí tự động được trang bị khả năng tự hiểu – “mối liên hệ quan trọng giữa ‘hành động’, hiệu quả và trách nhiệm chắc chắn sẽ bị hủy hoại”, trên hết bởi vì, “mọi cuộc tấn công vũ trang phải được cân nhắc cẩn thận và tính hợp pháp của nó phải được chứng minh.”
Thúc đẩy việc sử dụng trí tuệ nhân tạo để tạo sự bình đẳng
Thứ trưởng Ngoại giao Toà Thánh cũng xác định rằng điều này không có nghĩa là Tòa thánh có ý định cản trở việc nghiên cứu, phát triển và sử dụng công nghệ. Thay vào đó, những điều này nên được định hướng, “hướng tới một viễn tượng phù hợp và hữu ích hơn, không chỉ dựa trên các tiêu chí tiện ích hoặc hiệu quả, mà còn dựa trên việc thúc đẩy lợi ích chung của nhân loại và cho nhân loại, tôn trọng phẩm giá con người và ủng hộ lợi ích của chúng ta.” Vì lý do này, phía Toà Thánh đề xuất thành lập một cơ quan quốc tế về trí tuệ nhân tạo nhằm thúc đẩy việc sử dụng trí tuệ nhân tạo một cách hòa bình trong các ứng dụng dân sự khác nhau nhằm giảm bớt sự bất bình đẳng và ngăn chặn việc sử dụng có hại, bằng cách hạn chế những hậu quả không mong muốn của nó.
Hồng Thủy – Vatican News