Hôm thứ Ba 05/10, phát biểu tại Hội nghị Liên Hiệp Quốc về thương mại và phát triển, với chủ đề “Từ bất bình đẳng và dễ bị tổn thương đến thịnh vượng cho tất cả”, Đức Tổng Giám mục Paul Richard Gallagher, Ngoại trưởng Toà Thánh, nhấn mạnh sự bất bình đẳng toàn cầu nghiêm trọng do đại dịch Covid-19 gây ra và kêu gọi “cải cách thực sự trong thương mại, tài chính và phát triển”.
Đức Tổng Giám mục nhận định rằng, đại dịch đã dẫn đến cuộc suy thoái tồi tệ nhất kể từ Chiến tranh thế giới thứ hai. Thực tế, tình trạng khẩn cấp về sức khoẻ đã tỏ rõ tính mong manh của mô hình kinh tế hiện nay, với những hậu quả rất nghiêm trọng đối với những người yếu thế và dễ bị tổn thương.
Theo Toà Thánh, chúng ta không được “lãng phí bài học” rút ra từ cuộc khủng hoảng hiện tại. Đây là cơ hội duy nhất cho sự thay đổi bền vững và cho sự phát triển con người toàn diện đích thực, điều chỉ có thể đạt được khi tất cả các thành viên trong gia đình con người cùng tìm kiếm và đóng góp cho công ích. Do đó cần phải có những thay đổi quan trọng để giải quyết những khó khăn và bất bình đẳng.
Ngoại trưởng Toà Thánh đưa ra các giải pháp: 1) Tái phân phối tài chính và tăng tính luỹ tiến các chương trình đánh thuế thu nhập, cùng với việc áp dụng thuế thích hợp các doanh nghiệp, đặc biệt các công ty đa quốc gia. 2) Điều không kém phần quan trọng là hướng tới các kế hoạch trả nợ cho các khoản nợ công bên ngoài của các nền kinh tế đang phát triển, để đạo đức trở lại đóng vai trò xứng đáng trong thế giới tài chính và thị trường phục vụ lợi ích của các dân tộc và công ích. 3) Tăng cường hợp tác quốc tế và cung cấp cho mỗi quốc gia phương tiện thích hợp để ứng phó với những thách thức hiện tại: trên thực tế, điều này sẽ đại diện cho sự đầu tư vào khả năng phục hồi hệ thống.
Ngoại trưởng Toà Thánh kết luận: “Trong những thập kỷ gần đây, cộng đồng quốc tế hoàn toàn không có khả năng hoặc tệ hơn là không muốn đưa ra các đề xuất toàn diện nhằm giảm bớt khó khăn của các quốc gia và cộng đồng nghèo nhất. Đây là lý do tại sao đã đến lúc khôi phục quan niệm về sự phụ thuộc lẫn nhau và xây dựng lại chủ nghĩa đa phương xung quanh các lý tưởng về công bằng xã hội và liên trách nhiệm giữa các quốc gia và trong các quốc gia”. (CSR_6756_2021)
Ngọc Yến – Vatican News