Từ hơn 3 tuần nay, thế giới dồn mọi chú ý vào chiến tranh tại Ucraina với bao nhiêu hậu quả khốc hại cho nhiều phía và đồng thời làn sóng liên đới ngoại thường được bày tỏ với nhân dân Ucraina, đặc biệt đối với hơn 3,5 triệu người dân nước này phải rời bỏ quê hương để tránh bom đạn. Trong khi đó thảm trạng chiến tranh Syria bước sang năm thứ 12 và tiếp tục bị dư luận thế giới quên lãng.
Nhân dân Syria vô tội tại nước này tiếp tục chịu đói khổ vì Syria tiếp tục bị Mỹ và Liên hiệp Âu Châu cấm vận gọi là để trừng phạt chế độ độc tài của Al Assad tại nước này. Nhưng Đức Thánh Cha, Tòa Thánh và Giáo Hội Công Giáo không quên dân chúng trong thảm trạng này.
Trong sứ điệp gửi các vị lãnh đạo Công Giáo và đại diện mọi thành phần tín hữu nhóm tại thủ đô Damasco hôm 15/3 vừa qua và được ĐHY Leonardo Sandri, Tổng trưởng Bộ các Giáo Hội Công Giáo Đông phương tuyên đọc, ĐTC Phanxicô viết: “Mặc dù chiến tranh tại Syria nay đang ở năm thứ 12, tiếp tục gây đau khổ, đói kém, chết chóc, và cuộc chiến tiếp tục giữa người Syria, anh chị em không bị quên lãng. Có những cố gắng lớn được thực hiện để mang lại hy vọng và những viễn tượng tương lai cho những người ở lại”.
11 năm chiến tranh
Nội chiến tại Syria khởi sự cách đây 11 năm, ngày 15/3/2011, bắt đầu bằng những cuộc biểu tình ôn hòa để phản đối chế độ độc tài của tổng thống Bashar al-Assad trong khuôn khổ “mùa xuân Arập”, đòi ông từ chức và giải tán độc đảng Ba’th. Rồi những cuộc đụng độ xảy ra và ngày càng gia tăng cường độ, với sự can dự của những lực lượng Hồi giáo cực đoan với chủ trương lật độ chế độ tại đây để thiết lập một nhà nước Hồi giáo áp dụng nghiêm ngặt luật Sharia. Cả Mỹ, Pháp và Anh quốc cũng nhảy vào vòng chiến, ủng hộ phe phiến quân, trong khi Nga và Trung Quốc ủng hộ chính phủ Syria. Mỹ, Anh và Pháp can thiệp, bắn các tên lửa vào các căn cứ của phe chính phủ Syria vì cho rằng chế độ al-Assad sử dụng vũ khí hóa học. Với sự hỗ trợ mạnh mẽ của Nga, chế độ al-Assad dần dần phục hồi các lãnh thổ bị chiếm, đặc biệt là thành Aleppo, thủ đô kinh tế của Syria và cũng là nơi tập trung đông đảo nhất các Kitô hữu ở Syria.
Theo Liên Hiệp Quốc, hiện nay 90% dân chúng Syria sống dưới mức nghèo đói, thiếu lương thực, thuốc men, bệnh viện. Vào mùa đông, dân chúng chịu giá lạnh, các trẻ sơ sinh và trẻ em chịu buốt lạnh vì tuyết.
Về phần ĐHY Mario Zenari, Sứ Thần Tòa Thánh tại Syria, ngài nhiều lần kêu gọi cộng đồng quốc tế đừng bỏ rơi Syria, đồng thời mời gọi các cơ quan truyền thông đừng quyên thảm trạng của Syria.
Quan tâm của Tòa Thánh
Đức Thánh Cha đặc biệt quan tâm đến thảm trạng chiến tranh tại Syria. Chẳng hạn, trong buổi tiếp kiến ngoại giao đoàn cạnh Tòa Thánh ngày 10/01 năm nay, ngài kêu gọi Âu Mỹ hãy chấm dứt các cuộc cấm vận bất công làm gia tăng những đau khổ của nhân dân Syria.
Trước đó trong số những dấu hiệu Đức Thánh Cha chứng tỏ sự quan tâm đặc biệt của ngài đối với Syria là việc thăng hồng y (2016) cho Đức TGM Mario Zenari, Sứ thần Tòa Thánh tại Syria từ năm 2008, một điều rất họa hiếm. Cũng nhờ vị thế này, tiếng nói của ĐHY Zenari được nhiều người chú ý hơn. Ngài nhiều lần lưu ý dư luận về tình trạng Giáo Hội và nhân dân Syria.
Chẳng hạn trong cuộc phỏng vấn dành cho Vatican News hôm 15/3 vừa qua, ĐHY Zenari tái tố giác bạo lực, nghèo đói và tình trạng bị bỏ rơi mà nhân dân Syria còn phải chịu, đồng thời ngài kêu gọi đừng để cho hy vọng bị tắt lịm.
ĐHY Zenari nói: “Hôm nay là một kỷ niệm buồn, trước tiên vì chiến tranh vẫn chưa chấm dứt và hơn nữa, vì từ vài năm nay, Syria dường như biến mất khỏi các radar của các cơ quan truyền thông. Thay vào đó là các cuộc khủng hoảng tại Liban, rồi đại dịch Covid-19 và nay là chiến tranh tại Ucraina.”
ĐHY cho biết cuộc chiến tại Syria đã làm cho nửa triệu người chết, 6 triệu 600 ngàn người di cư ra nước ngoài không kể 6,7 triệu người tản cư nội địa. Ngài nói: “Rất tiếc niềm hy vọng không còn nữa trong tâm hồn của bao nhiêu người, đặc biệt là những người trẻ, họ không thấy tương lai tại đất nước của họ nên tìm cách xuất cư. Và một nước không có người trẻ, không còn những người có khả năng nữa, thì đó là một nước không có tương lai. Vài gia đình Syria, sau khi đã trả những số tiền rất lớn, để xuất cư, nay họ còn bị kẹt ở Belarus trong khi chờ đợi vượt sang biên giới Ba Lan. Thảm trạng nhân đạo Syria tiếp tục là một thảm họa trầm trọng nhất do con người gây ra sau Thế chiến thứ 2. Người ta chưa thấy có dấu hiệu tái thiết và phục hồi kinh tế. Hơn nữa, những biện pháp cấm vận và trừng phạt đè nặng trên tình trạng như thế. Tiến trình hòa bình, như Nghị quyết số 2254 của Liên Hiệp Quốc bị chặn đứng. Chỉ có nghèo đói gia tăng mạnh. Giờ đây thiên hạ nói về chiến tranh kinh tế ở Syria.”
Về điểm này, ĐHY Zenari nói thêm rằng: “Syria vốn bị thiếu bánh, nay với chiến tranh Ucraina, cả bột và các nhu yếu phẩm khác càng bị thiếu.”
Hội nghị đặc biệt
Cùng ngày 15/3 vừa qua, tại thủ đô Damasco của Syria, một hội nghị do Bộ các Giáo Hội Công Giáo Đông Phương tổ chức đã được khai mạc và diễn ra trong 3 ngày, về đề tài “Giáo Hội, Nhà bác ái – sự đồng hành và phối hợp”. Có khoảng 250 người tham dự, đại diện mọi thành phần Giáo Hội tại Syria: các Thượng Phụ và Giám mục, linh mục, tu sĩ và giáo dân. Cũng có người đến từ nước ngoài, đại diện các tổ chức và cơ quan từ thiện Công Giáo Đông phương cũng có mặt cùng với một số chức sắc Tòa Thánh và cơ quan phối hợp các tổ chức trợ giúp Giáo Hội Công Giáo Đông phương, gọi tắt là Roaco.
Nơi trung tâm của Hội nghị này, tương lai của các cộng đoàn Kitô và các những nhu cầu cấp thiết của quốc gia đau thương này đã được lắng nghe và đối thoại. Hội nghị cũng tìm cách gia tăng các hoạt động cứu trợ cho dân nghèo ở Syria.
Trong thư vừa nói trên, gửi các tham dự viên hội nghị, Đức Thánh Cha nhắc nhở rằng đừng ai quên đau khổ của nhân dân Syria và viết rằng: “Trong những ngày chiến tranh này, với đau khổ vô biên của anh chị em chúng ta ở Ucraina, chúng ta hãy quý mến cầu nguyện cho họ, tín thác rằng một nền hòa bình công chính và lâu bền phải được mau lẹ đạt tới, làm sao để hoạt động của các cơ quan từ thiện có thể tiến hành tại đất nước Ucraina yêu quý ấy, cũng như đang xảy ra tại Syria”.
Đức Thánh Cha cũng nhận xét rằng ngày nay tại Syria, người ta còn phải tiếp tục sống cuộc xung đột và điều này sinh ra đau khổ, “đói kém, chết chóc và sự tiếp tục di tản của người Syria”. Tuy nhiên, Đức Thánh Cha cũng nhìn nhận đã có những nỗ lực lớn được thực hiện để mang lại hy vọng và viễn tượng tương lai cho những người ở lại Syria. Vì thế hội nghị ở Damasco này là một cách thức tái khẳng định mối quan tâm của Giáo Hội đối với những gì đang xảy ra tại Syria để đưa ra ánh sáng tính hiệp hành mà Thánh Phaolô mô tả như thân mình với các chi thể. ĐTC viết: “Giữa các chi thể của thân mình, có sự lắng nghe, chia sẻ, nâng đỡ nhau và nhất là có ý thức về vai trò mà mỗi người được kêu gọi thi hành. Khi một phần thân thể bị đau, thì mọi chi thể khác đến giúp đỡ, chia sẻ đau khổ và làm tất cả những gì có thể để thoa dịu đau khổ ấy”.
Trong thư Đức Thánh Cha cũng khẳng định rằng “Đức bác ái, khi được sống trong tinh thần hiệp hành, thì không có chỗ cho những lợi lộc ích kỷ, từ phía người cho cũng như phía người nhận, vì đức bác ái ấy phù hợp với Chúa Kitô, Đấng đã hiến thân cho tha nhân”. Đức Thánh Cha đặc biệt cám ơn những người là dấu chỉ hữu hình đức bác ái của Giáo Hội, được Tin Mừng nuôi dưỡng. Và ngài kết luận rằng: “Tôi cầu mong những vất vả của anh chị em là cơ hội để đào sâu và khơi dậy tinh thần truyền giáo của Giáo Hội, mở ra những con đường mới cần đi chung với nhau và phối hợp các hoạt động bác ái với sự quan tâm yêu thương dành cho người nghèo và những người bị gạt ra ngoài lề”.
G. Trần Đức Anh OP