Một năm rưỡi đã trôi qua từ khi chiến tranh giữa Nga và Ucraina bắt đầu từ ngày 24/2/2022. Chưa ai biết khi nào chiến tranh này sẽ kết thúc nhưng có những dấu hiệu cho thấy Tây Phương bắt đầu mệt mỏi và tìm một giải pháp khác ngoài chiến thắng quân sự. Trong bối cảnh này, người ta hiểu rõ hơn lập trường ngay từ đầu của Tòa Thánh đối với cuộc chiến đẫm máu này.
Nhận định của Giáo Sư Eugenio Capozzi
Trong một bài bình luận đăng trên trang mạng “La nuova bussola quotidiana”, truyền đi ngày 18/8/2023, Giáo sư Capozzi chuyên về môn sử học hiện đại và biên tập viên của tạp chí “Nghiên cứu lịch sử chính trị” (Ricerche di Storia politica), đưa ra một số nhận định:
Cách đây ít ngày, ông Stian Jenssen, người Na Uy, Chánh văn phòng của Tổng thư ký khối Nato, đã tuyên bố trong một hội nghị bàn tròn rằng giải pháp thực tiễn cho cuộc xung đột giữa Nga và Ucraina có thể là một thỏa hiệp: Ucraina nhượng các lãnh thổ đã bị chiếm đóng cho Nga và bù lại Ucraina được gia nhập NATO.
Lời tuyên bố trên đây đã gây phản ứng phẫn nộ từ phía chính phủ Ucraina. Nhưng trong thực tế, nó chỉ là tiết lộ một bí mật mà ai cũng biết trong giới ngoại giao tây phương: thực tế mọi người đều biết và đồng ý, cho dù mặt ngoài người ta tuyên bố ngược lại.
Chân lý “hai mặt”
Thậm chí có thể nói rằng giới lãnh đạo các chính phủ tây phương và NATO, trong những tháng gần đây, đã bắt đầu truyền đi một thứ chân lý “hai mặt”: một đàng là lập trường chính thức, hầu như được các cơ quan truyền thông loan đi như những chiếc loa tuyên truyền, về một cuộc chiến thắng hoàn toàn của Ucraina, phục hồi toàn bộ miền Donbass và thậm chí cả bán đảo Crimea, qua cuộc phản công mùa xuân và mùa hè này. Nhưng đàng khác là một cuộc thẩm định thực tế, trước tình trạng cuộc phản công của Ucraina ít hiệu quả: 2 tháng phản công, với sự trang bị vũ khí từ các nước tây phương nhưng chỉ chiếm lại được 360 cây số vuông hoang tàn, nhưng bị thiệt hại 40, 50 ngàn binh sĩ trẻ, tình trạng này tạo nên nạn hối lộ để tránh bị đầu quân, khiến Tổng thống Zelensky phải sa thải toàn bộ hệ thống tuyển quân.
Thực ra ai cũng biết sự phản công đó không nhắm tái lập tình trạng trước chiến tranh, vốn bị mọi người coi là hầu như không thể thực hiện được, nhưng chỉ là để tránh sự nhượng bộ thêm đối với Nga xâm lược, hoặc cùng lắm là đạt được vài thành công nào đó trên chiến trường, đặt Kiev ở vị thế mạnh mẽ bao nhiêu có thể trong cuộc hòa đàm tương lai.
Chủ trương của Mỹ và đồng minh
Nhưng sự “buột miệng tiết lộ” của ông Jenssen, rồi bị rút lại vì lý do ngoại giao, là điều không thể cải chính, vì nay đó là một bí mật “tỏ tường”. Và người ta còn nói rằng ngay từ đầu đường lối của chính phủ Joe Biden và guồng máy quân sự của Mỹ là kiểm soát NATO, biến Ucraina của Zelensky thành tiền quân của NATO để mở rộng về phía đông, trong cuộc thử sức chung kết giữa Nga và Ucraina sau cuộc xung đột hồi năm 2014 và dùng nó để hoàn toàn thu tóm Ucraina, khi nước này không còn lãnh thổ nguyên thủy nữa, đồng thời đặt chế độ Putin dưới sức ép và loại trừ mọi liên hệ chính trị kinh tế giữa chế độ này với Liên hiệp Âu Châu.
Tóm lại, theo giáo sư Capozzi, càng ngày người ta càng thấy viễn tượng một thỏa hiệp trong đó các cường quốc thế giới, mỗi nước đều chiếm được phần lợi của mình. Nhưng giá phải trả cho tình trạng đó là máu của toàn thể nhân dân Ucraina, những người theo tây phương cũng như những người theo Nga, và máu của nhân dân Nga. Cả hai bên đều phải hy sinh hàng chục ngàn những người lính trẻ tại mặt trận.
Trong thực tế, đó là một kết quả mà người ta dễ thấy ngay từ đầu chiến tranh. Ngay từ đầu người ta đã khó có thể tưởng tượng được Ucraina, dù có vũ khí dồi dào, và được tây phương huấn luyện, có thể đánh bại một nước lớn hơn nhiều và có nhiều tiềm năng kinh tế, quân sự và dân số như Nga, trừ khi có sự leo thang xung đột đến độ đi tới chiến tranh hạt nhân, với sự can thiệp trực tiếp của NATO. Rất may giả thuyết này, với những hậu quả bi thảm cho đến nay chỉ có trên giấy tờ.
Trách nhiệm của Mỹ
Ngoài ra, theo giáo sư Capozzi, chính phủ Biden và NATO, mặc dù tất cả những tuyên truyền được tung ra từ 1 năm rưỡi, họ phải mang một trách nhiệm chính trị và luân lý về tất cả máu đã đổ ra và đau khổ mà dân Ucraina phải chịu và có thể đất nước họ sẽ bị chia cắt. Thực vậy, giả sử có cuộc đình chiến ngay từ đầu xung đột, dựa trên sự trung lập của Ucraina, dưới sự giám sát của quốc tế, thì sự toàn vẹn lãnh thổ của Ucraina được bảo đảm, và sẽ tránh được cái chết cho hàng trăm ngàn người. Nhưng như đã biết, giả thiết ấy bị chôn vùi vì cuộc thảm sát ở Bucha đã bị NATO lợi dụng để ủng hộ chủ trương chiến tranh quyết liệt chống Nga.
Trong việc theo đuổi chiến tranh hiện nay, báo chí gần đây cũng nhắc đến điều này là Ucraina đang trở thành một “phòng thí nghiệm các vũ khí tương lai”. Cuộc chiến được coi như một cơ hội để cứu xét hiệu năng của các vũ khí mới, trong số này có các máy bay không người lái tự sát, chúng bay trên không cho đến khi nhận diện được mục tiêu và phá hủy nó. Các máy bay này ngày càng phổ biến ở Ucraina và các hãng kỹ thuật cao cấp đang mở chi nhánh ở Ucraina, được chính phủ liên hệ khuyến khích và thử nghiệm các loại khí giới này ngay!
Lập trường của Tòa Thánh
Thực trạng trên đây giúp hiểu rõ lập trường của Tòa Thánh, vốn không tìm kiếm lợi lộc chính trị, kinh tế nào khác, ngay từ đầu đã hết sức chống lại giải pháp chiến tranh và bạo lực, và thay vào đó là đối thoại và tìm một thỏa hiệp giữa hai bên.
Lập trường đó mới được Đức Tổng Giám mục Paul Gallagher, ngoại trưởng Tòa Thánh, lập lại trong cuộc phỏng vấn dành cho Il Mattino ở Napoli hôm 9/8 vừa qua, khi nói đến mỗi bên cần thiết phải từ bỏ một cái gì. Đức Tổng Giám mục nói:
“Người ta có thể hiểu những lý do của Tổng thống Zelensky về phương diện quân sự, nhưng điều cấp thiết là cố gắng hết sức để chiến tranh chấm dứt càng sớm càng tốt. Chắc chắn là cần phải là một nền hòa bình công chính, một giải pháp mang lại hy vọng cho tất cả mọi người. Và người ta hiểu rằng tất cả những điều đó đòi hỏi mỗi phía phải sẵn sàng chấp nhận từ bỏ một cái gì đó khi có thể. Đối với chúng tôi chiến tranh không phải là một trận đấu phải kết thúc với kẻ thắng người thua. Như Đức Thánh Cha đã nói: chiến tranh là một sự thất bại bi thảm đối với tất cả mọi người”.
Trong cuộc phỏng vấn, Đức Tổng Giám mục Gallagher nhận xét rằng điểm khủng hoảng hiện nay là “người ta chẳng hề quan tâm đến việc làm trung gian và đối thoại: về phương diện ngoại giao, tôi có thể định nghĩa tình trạng bế tắc hiện thời. Đó là một thái độ trầm trọng. Đứng trước tình trạng này, Giáo Hội cảm thấy cần phải dấn thân hơn nữa để tìm kiếm một cơ hội nói chuyện với tất cả mọi người. Chúng ta không thể cam chịu tình trạng vũ khí làm chủ mọi nơi. Hằng ngày chúng ta chứng kiến những đổ vỡ và tàn phá của một cuộc xung đột mà không ai biết khi nào sẽ chấm dứt”.
Đức Tổng Giám mục xác tín rằng sau cùng thì bàn thương thuyết là điều sẽ xảy đến. Ngài nói: “Chính tổng thống Zelensky là người đầu tiên đã nói điều đó, ngay sau cuộc xâm lược, cho dù từ đó tình trạng trở nên trầm trọng đến độ người ta thấy viễn tượng một cuộc đình chiến là điều khó khăn. Người ta có thể hiểu lập trường của Tổng thống Zelensky về phương diện quân sự, nhưng điều cấp thiết là thực hiện tất cả những cố gắng để chiến tranh sớm chấm dứt bao nhiêu có thể. Dĩ nhiên đó phải là một nền hòa bình công chính, mang lại hy vọng cho mọi người.
Sau cùng, Đức Tổng Giám mục nhận xét rằng “Bức tường dửng dưng với sự trung gian rất dày, và nó tiếp tục như vậy. Nhưng sự sẵn sàng đối thoại chính là điều đầu tiên cần đạt tới, cũng vì để đối thoại luôn cần có một nội dung chân lý. Không phải chỉ nói thôi, nhưng là đặt thiện ích của các dân tộc, của xã hội và công ích nói chung vào trung tâm. Điều này giả thiết phải sẵn sàng nhìn nhận ra thời điểm cần từ bỏ một cái gì đó và tìm kiếm một thỏa hiệp. Trong bối cảnh đó, sứ vụ của Đức Hồng Y Zuppi, đặc sứ của Đức Thánh Cha, là dọn đường, kiến tạo một bầu không khí trong đó có thể sớm tìm ra hòa bình càng sớm càng tốt”.
Giuse Trần Đức Anh O.P.