Tôi đói – Nhật ký “Bữa Cơm Nhân Ái”

Một bạn trẻ trong nhóm Fiat đang hỏi thăm để giúp cụ già lang thang ở Sài Gòn.

Dịch bệnh đẩy người dân vào cảnh cùng cực. Người có một chút của để dành cũng đã rất lo lắng giữa trăm bề khốn khó. Huống chi là những người buôn thúng bán bưng, bán vé số, lượm ve chai, ăn xin… và bới rác – là “những người đang trôi bên bờ vực thẳm của đói khát và dịch bệnh”. Đặc biệt, là những người ăn xin và bới rác, họ vẫn phải miệt mài đi vào hang cùng ngõ hẻm của đường phố để thu gom, lượm nhặt… bám víu vào những gì còn sót lại ở vỉa hè, cho cuộc sống qua ngày bất kể trời nắng hay mưa.

“Tôi đói quá. Cho tôi xin thêm hộp cơm nữa được không? Hai ngày nay, chưa có gì để ăn. Tôi đói lắm”. Giọng bà lí nhí kẽ qua hai đôi môi run run nứt nẻ. Khuôn mặt đói lử, da bà nhăn nhúm như quả dưa leo héo vàng, che giấu dưới chòm nón lá cũ mèm. Bà cụ mặc cái áo nâu bạc phếch, gầy gò, ngồi co ro trước một cửa hiệu đóng cửa, dưới một góc cây đủ rợp bóng mát che cho bà giữa buổi trưa oi bức. “Tài sản” duy nhất của bà là những túi nilông lớn nhỏ, cột túm tụm lại với nhau, bên trong chứa toàn hộp nhựa mà bà đã lượm nhặt được từ mấy ngày trước.

Nhìn sự hom hem của bà, tôi liền thưa: “Dạ, con sẽ biếu bà thêm hộp nữa nhé”. Tôi nhanh nhẩu, chạy đến bên chiếc xe, lấy thêm một hộp cơm nữa biếu cho bà. Đôi tay bà lẩy bẩy, mở hộp cơm không nổi. Tôi nói: “Bà ơi, con phụ mở hộp cơm cho bà dùng nhé”. Bà khẽ gật đầu và “cảm ơn” với giọng lí nhí run rẩy.

Đó là câu chuyện của bà cụ ở cung đường Lê Văn Sỹ, Quận 3, Sài Gòn.

Ở một cung đường khác của Quận 11, Sài Gòn. Trời nắng oi bức. Đầu của chúng tôi như muốn vỡ tung ra vì cái nắng gay gắt đứng bóng của buổi trưa hè. Làn da chúng tôi như muốn “nướng cháy” đen thui dưới tia nắng chói chang. Người mệt lử, khát cả cổ họng và bụng kêu o o. Chúng tôi chạy xe nhanh hơn một chút, vụt qua bóng của một hành khất đang núp dưới bóng của cây cột điện. Do đó, Chúng tôi tìm cách quay lại chỗ người hành khất ấy.

Đó là bà cụ 85 tuổi, dáng lom khom, đội cái nón lá màu “xi-măng”. Vành nón lởm chởm tua tủa rách tươm trông giống như những chiếc nón dạo biển của quý cô. Bà mặc áo trong áo ngoài, cái thấp cái cao, nhìn xộc xà xộc xệch. Nhưng cổ lại vấn khăn hoa vằn, trông rất điệu, đẹp và thanh nhã theo đúng “moden” của quý bà lớn tuổi. Còn cái lưng gù của bà trông như cái gù của con đà điểu, nhô ra khỏi lưng, đầu cúi nhào về phía trước, tựa vào cây cột điện, tạo thế đứng vững vàng cho bà. Hai bàn tay rám nắng, gân guốc của bà ngửa ra xin lòng từ bi của người qua lại.

“Cô ơi, cho tôi thêm hộp cơm nữa nhé. Ở nhà tôi có thằng khùng 65 tuổi. Tôi già rồi nhưng phải nuôi nó. Tôi già rồi, 85 tuổi rồi, không nói dối cô đâu.” Bà chớp chớp đôi mắt dưới lớp mi nhăn nheo nhìn tôi và nói. Tôi đáp lại: “Dạ vâng, con sẽ biếu thêm bà hộp cơm nữa.” Tôi biếu bà hai hộp cơm, để vào trong cái túi nilông màu đen nằm dưới chân bà. Bà nói: “Cám ơn con gái nhé. Xin Trời Phật phù hộ cho chúng con nhé.” Tôi chúc bà ngon miệng và cảm ơn bà.

Trời nắng gay gắt và oi bức như muốn thiêu rụi sự hăng say của chúng tôi cất bước lên đường trao cho những người bên vệ đường một phần cơm nho nhỏ của bếp “Bữa Cơm Nhân Ái”. Nhưng, qua những lời thở than “tôi đói” của họ, chúng tôi lại chạnh lòng và lại… tiếp tục lên đường. Công việc trao gửi những khẩu phần “Bữa Cơm Nhân Ái” chẳng thấm vào đâu, như hạt cát trong sa mạc, nhưng thà có còn hơn không, vì nhiều hạt cát tạo nên sa mạc.

Lan Chi, ngày 19/06/2021
……
(Vài chữ vụn vặt trong Nhật ký “Bữa Cơm Nhân Ái”. Chương trình “Bữa Cơm Nhân Ái” do Cha Giuse Lê Quang Uy, DCCT linh hướng và điều phối do sự cộng tác nhiệt thành của cô Nở, cô Yến và Quý Bác-Cô-Chú-Anh-Chị trong nhóm Fiat và Nhóm Hồng Ân, đặc biệt là tấm lòng rộng mở của Quý vị ân nhân gần xa).

Cảm ơn anh Cao Hà Trực (người dân Vườn Rau Lộc Hưng) đã yểm trợ chúng em trao bữa cơm đến người nghèo trong các ngõ ngách của Sài Gòn.