Những ngày trong Tuần Thánh, đặc biệt Tam Nhật Thánh, Lời Chúa dồn dập đi qua khiến nhiều khi chúng ta không kịp ghi nhớ, không kịp cảm nhận nói gì đến chuyện suy niệm? Đôi ba ngày trôi qua, nhiều ngày trôi qua, thế rồi có một biến cố nào đó xảy ra trong nhịp sống xã hội, những Lời quý báu ấy chợt hiện về, làm trí ta có dịp suy gẫm, rồi thấm thía lời của Ngài.
Thứ Sáu Tuần Thánh, bài Thương Khó trích Tin Mừng theo Thánh Gioan dài đến… mệt mỏi, bỗng một lời làm lay tỉnh con tim, nhói đau cảm xúc, lời của những nhà lãnh đạo tôn giáo xách động dân chúng tuyên bố chắc nịch trong vụ án kết tội Chúa Giêsu: “Chúng tôi không có vua nào cả, ngoài Xêda”.
Xin ghi lại đoạn Kinh Thánh này để chúng ta thấy các bối cảnh chung quanh lời khẳng định:
“Đức Giêsu bị kết án tử hình
Từ đó, ông Philatô tìm cách tha Người. Nhưng dân Do Thái kêu lên rằng: “Nếu ngài tha nó, ngài không phải là bạn của Xêda. Ai xưng mình là vua, thì chống lại Xêda.” Khi nghe thấy thế, ông Philatô truyền dẫn Đức Giêsu ra ngoài. Ông đặt Người ngồi trên toà, ở nơi gọi là Nền Đá, tiếng Hípri là Gápbatha. Hôm ấy là ngày áp Lễ Vượt Qua, vào khoảng mười hai giờ trưa. Ông Philatô nói với người Do Thái: “Đây là vua các người!” Họ liền hô lớn: “Đem đi! Đem nó đi! Đóng đinh nó vào thập giá!” Ông Philatô nói với họ: “Chẳng lẽ ta lại đóng đinh vua các người sao?” Các thượng tế đáp: “Chúng tôi không có vua nào cả, ngoài Xêda.” Bấy giờ ông Philatô trao Đức Giêsu cho họ đóng đinh vào thập giá”. (Chương 19 – Tin Mừng theo Thánh Gioan).
Thật đau đớn, Philatô, một vị quan của triều đình Rôma, của đế quốc đang chiếm đoạt đất nước của dân tộc Do Thái nhưng lại nhìn nhận sự thật và thương cảm con người Giêsu, ngược lại, những người Do Thái, với sự xách động của các nhà lãnh đạo Do Thái, ngang nhiên bỏ qua một bên lòng tự trọng dân tộc, tinh thần yêu nước phải có, tư cách tối thiểu của một con người, tuyên xưng sự thần phục lãnh tụ ngoại bang.
Tính pháp lý được nhìn nhận ở đây khi Kinh Thánh ghi lại rằng đám đông đã hô lên như vậy, cả các vị chức sắc cao cấp Do Thái Giáo cũng đồng lòng và chuẩn nhận ý kiến của toàn dân: phải giết một người công chính, phải giết một người dám nói lên sự thật, và cùng lúc tuyên bố công khai tôn sùng lãnh tụ ngoại bang.
Chắc chắn không phải tất cả những người Do Thái, chắc chắn không phải toàn bộ các nhà lãnh đạo Do Thái, đã đồng lòng như vậy, nhưng bên cạnh đó, những người không đồng ý đã không có tiếng nói giữa sự cuồng nhiệt tăm tối thống trị, họ âm thầm theo dõi, và lặng lẽ làm những gì có thể làm được, nhưng sự im lặng của họ xem ra đã như thể đồng lõa, gián tiếp khẳng định chuyện tôn sùng lãnh tụ ngoại bang, tiêu diệt người bất đồng chính kiến là chính đáng!
Có thể ngày nay chúng ta phê phán và không đồng lòng với những suy nghĩ và hành động như vậy, kể cả kẻ làm sự dữ lẫn người im lặng, nhưng dòng Lịch Sử Cứu Độ cứ lặng lẽ trôi theo ý định của Thiên Chúa. Biến cố chết và Phục Sinh của Chúa Giêsu minh chứng không ai có thể cản con đường cứu độ của Thiên Chúa, và quyền năng cứu độ hoàn toàn không phụ thuộc vào con người, chương trình này bắt nguồn tự Thiên Chúa, Thiên Chúa thực hiện và dẫn dắt chương trình đến điều mà Thiên Chúa muốn, con người được mời gọi cộng tác với chương trình, Lịch Sự Cứu Độ sẽ ghi dấu ấn của con người, cả những yếu đuối và tội lỗi để quyền năng Thiên Chúa tỏ rạng. Với những con người như vậy mà chương trình của Thiên Chúa vẫn đến đích thì không ai có thể tự hào, vơ vào bảo là do tài trí và sự khôn ngoan của mình.
Lại nữa, không ai có quyền tuyệt vọng, cho dù hoàn cảnh xem ra hoàn toàn bế tắc, tiếng nói của người công chính bị đè bẹp, người dám lên tiếng bị bịt miệng, kẻ nhìn ra sự thật thì sợ hãi im lặng… Thiên Chúa là chủ lịch sử, Ngài biến cái không thể thành có thể, Ngài thực hiện chương trình yêu thương của Ngài bằng quyền năng vô song của một vị Chúa. Một lời nghêu ngao nào đó của Trịnh Công Sơn: “Tôi ơi, đừng tuyệt vọng” như là một lời “tiên tri” giữa một xã hội nhiễu nhương như chúng ta hôm nay.
Tuy nhiên, trong Kinh Thánh cũng có một Lời của Thiên Chúa, lời đắng cay dành cho kẻ sai trái lương tâm, cho kẻ hèn nhát và ngu dốt: “Thà kẻ đó đừng sinh ra thì hơn” (Mc 14, 21).
Lm. VĨNH SANG, DCCT, 7.4.2018