Trách nhiệm và lương tâm trong nghề nghiệp

Ai cũng mong muốn, xã hội có những người làm việc có lương tâm,có trách nhiệm, để đem lại an vui hạnh phúc cho con người, và tiến bộ cho xã hội. Nhưng qua các phương tiện thông tin và thực tế, ta thấy đó đây luôn xẩy ra tình trạng trái ngược nhau.Có nhiều người rất có trách nhiệm trong công việc, ngược lại không ít người thật vô tâm, vô trách nhiệm với công việc, nghề nghiệp của mình, xin đan cử một vài thí dụ nhỏ:

“Không được, chú ơi! Bọn cháu bị xăng dổm rồi!”

Hơn mười năm trước, có 5 người thợ mộc từ Sài Gòn về làm cầu thang, và cửa cho mấy gia đình chúng tôi. Thổi PU là giai đoạn cuối cùng. Sáng hôm đó, sau khi pha chế xong, họ thổi thử tay vịn cầu thang. Dưới mắt tôi, tay vịn cầu thang sau khi thổi PU bóng láng, đẹp quá! Tôi, một người không có chuyên môn trong ngành mộc, nên cứ gật đầu tấm tắc khen. Trong khi đó thì anh Thạch, trưởng trong năm anh em thợ có vẻ băn khoăn, rồi quan sát kỹ lưỡng, anh lắc đầu, và nói với tôi: “Không được, chú ơi! bọn cháu bị xăng dổm rồi! Chú cho chúng cháu chậm hai ba ngày, để gởi về Sài Gòn đổi xăng rồi mới thổi được”. Năm ngườithợ bị toi mấy ngày lương, vì trách nhiệm và lương tâm với nghề nghiệp. Thật đáng trân trọng!

“Anh về lo cho vợ anh đi, chị ấy mất máu nhiều lắm!”

Mười chín năm trước, vợ tôi được phẫu thuật tại bệnh viện Ung Bứu, Nơ Trang Long TP. HCM. Ca phẫu diễn ra vào 11 giờ đêm. Sáng hôm sau,tôi và con cái tôi chờ dưới chân cầu thang, mãi vẫn chưa thấy vợ tôi xuống. Sau cùng, gần 9 giờ sáng, vợ tôi được đưa xuống bằng băng ca. Cả nhà bàng hoàng, được biết, sau ca mổ từ 11 giờ đến 12 giờ khuya, vợ tôi trong phòng hồi sức, chỉ khâu nơi vết mổ bung ra, máu từ cổ chảy ra nhiều lắm,may được bác sĩ Thịnh trực ca kịp thời cứu giúp, nên thoát hiểm nghèo. Ngay trưa hôm đó, tôi đã tìm đến nhà bác sĩ Thịnh để tạ ơn. Bác sĩ không những không nhậnmà còn la tôi: “Anh về lo cho vợ anh đi, chị ấy mất máu nhiều lắm!”. Thật cảm động và biết ơn bác sĩ Thịnh! Trước ca mổ cả tháng trời, tôi và con trai tôi đã gặp gỡ,và gởi gấm bác sĩ điều trị, và bác sĩ trong ca phẫu thuật, trừ Bác sĩ Thịnh, tôi không biết, và chưa từng gặp. Do đó ta không nên “Vơ đũa cả năm”.

“Không được, cực cũng phải làm lại.”

Anh Trực, chủ tiệm vàng, bạn rất thân với tôi ở Cần Thơ kể rằng: Sau năm 1975, vàng ở nhiều nơi, người ta làm bát nháo lắm. Đủ loại vàng,từ 4 số 9 rồi đến 9t9 , 9t8, 9t7, 9t6, 9t 5…Phần thiệt luôn thuộc về người tiêu dùng. Anh Trực quyết định chỉ làm hai loại vàng, một loại 4 số 9 và loại 9 tuổi 8*. Anh mua máy đo tuổi vàng, mỗi chiếc nhẫn làm ra anh có đóng tuổi vàng. Một ngày kia, 3 người thợ bạc, từ chiều đến nửa đêm đã đập được kha khá số nhẫn, để bán hôm sau. Khi kiểm tra lần cuối, trước khi đưa số vàng bán ra thị trường, anh phát hiện vàng chỉ đạt 9 tuổi 7. Anh quyết định phải làm lại tất cả số nhẫn đã làm. Một vài người thợ bàn lui “làm lại cực lắm chú ơi, phải thức tới sáng”. Anh Trực nói: “Không được, cực cũng phải làm lại”. Rồi anh Trực kể thêm cho tôi nghe, chính anh giữa đêm khuya mưa gió, anh phải chạy xe Honda đến một tiệm vàng một người bạn, cách tiệm anh gần 10 km, chia lại số vàng 4 số 9, để bù vào số vàng mới có 9 tuổi 7,để vàngđạt đúng 9 tuổi 8.

Ngày nay, người ta đã nói nhiều đến sự vô trách nhiệm trong nghề nghiệp, và sự vô cảm trước nỗi buồn vui, thương tâm của người khác; đôi khi với chính bản thân của họ nữa, như chuyện rải đinh xuống đường; rau sạch để ăn, rau xịt thuốc thì bán…hàng nhái, hàng giả…

Vô trách nhiệm trong giáo dục.

Một điều thật buồn, và thật lo ngại là sự vô trách nhiệm đó đã và đang diễn ra ngay trong ngành giáo dục, một ngành chuyên đào tạo những con người mẫu mực, để truyền dạy về kiến thức, về đạo đức, trong đó có dạy về trách nhiệm nghề nghiệp cho thế hệ mai sau. Điển hình như các vụ chạy trường, chạy lớp, mua bằng, thi mướn… Gần đây nhất, là vụ gian lận thi cử trong kỳ thi phổ thông năm nay 2018 tại các tỉnh Sơn La, Hòa Bình, Hà Giang… Sự trung thực trong xã hội trở thành khan hiếm.

Sự vô cảm đáng sợ trong ngành y tế!

Cùng lúc đó, thì sự vô cảm thật mỉa mai lại đã và đang xẩy ra ngay trong ngành Y tế của Việt Nam, một ngành đào tạo những thầy thuốc để cứu chữa người. Xin được đan cử,trong buổi họp báo thông tin về Hội nghị Thủ Tướngvới doanh nghiệp Việt Namnăm 2017,ông Vũ Tiến Lộc – Chủ tịch VCCI (Việt Nam Chamber of commerce and industry: phòng thương mại và công nghiệp Việt Nam) đã nêu: “Từ chuyện rút ruột Văc- xin ở Trung Tâm y tế dự phòng Hà Nội, đến việc nhân bản phiếu kết quả xét nghiệm huyện Hoài Đức Hà Nội, rồi việc nhân viên thẩm mỹ Cát Tường Hà Nội làm chết người rồi ném xác phi tang…Rõ ràng, đây không còn là hồi chuông cảnh báo, mà nó phản ảnh một thực tế: Y đức đang xuống cấp một cách trầm trọng! ”.

Nguyên nhân tạo ra nhữngtiêu cực trong nghề nghiệp.

Thực ra, xã hội đã nói nhiều đến sự vô trách nhiệm trong công việc và nghề nghiệp, và cũng đã đưa ra nhiều cách để ngăn chặn sự vô trách nhiệm.Nghiêm túc và bài bản hơn là các đạo luật để giúp con người cần phải có trách nhiệm với nghề nghiệp của mình, hầu giúp xã hội văn minh tiến bộ. Người ta đã nói nhiều đến tính ích kỷ,cùng sự quá coi trọngvật chất, và hưởng thụ, trong lúc lại coi nhẹ các giá trị tinh thần, cùng kỷ cương pháp luật không nghiêm minh, là nguyên nhân chính dẫn đến các vụ vô trách nhiệm, và vô cảmtrong xã hội Việt Nam hôm nay.Cao điểm tột bực trong vô trách nhiệm và vô cảm chính là các trường họp tham nhũng hàng ngàn tỉ trong xã hội hiện tại…

Các giải pháp cũng đã được đề nghị từ thấp đến cao, từ cảnh cáo, giáo dục đến trừng phát, rồi tù tội, cao điểm hơn cả là tử hình. Xong thực tế, tham những ngày càng gia tăng, và tinh vi hơn, khó phát hiện và trùng trị.

Xem ra những giải pháp hữu hiệu tại Việt nam hôm nay,lại thườngtừ phía các tôn giáo mang lại. Nếu tham nhũng là cao điểm của sự vô trách nhiệm và sự vô cảm, thì tham nhũng lại nằm ở những người có vị trí có chức có quyền trong xã hội. Trong khi đó,  nơi có số đông tín đồ các tôn giáo tốt, giữ đúng lề luật của đạo giáo, thường là những nơi ít thấy tệ nạn xã hội…Xã hội đang đề cao những xứ đạo ba không, bốn không(Không tội phạm, không ma túy,không mại dâm, không tai nạn…)

Một vài suy nghĩ về vô trách nhiệm, và vô cảm trong thời đại cách mạng 4.0

Dù nhân loại đã bước vào cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ tư, khởi đi từ nước Đức năm 2011,cách mạng 4.0*, cao điểm của nền văn minh hiện đại, nhưng tình trạng vô trách nhiệm, vô cảm và vô lương tâm vẫn diễn ra thực trên quê hương. Hệ quả là một xã hội bất ổn từ trong gia đình, xóm thôn, xã hội khi chỉ biết chạy theo “đồng tiền”.Nhiều nơi, những giá trị đạo đức ngàn đời bị đảo lộn, tiền bạc, vật chất lên ngôi; những giá trị tinh thần bị chà đạp “Tiền là tiên là Phật, là sức bật của tuổi trẻ, là sức khỏe của tuổi già, là cái đà của danh vọng, là cái lọng che thân…”.

Để cứu vãn xã hội hôm nay, chống lại việc tham nhũng, tột điểm của sự vô trách nhiệm, vô cảm, vô lương tâm, vô đạo đức,một giải pháp được nhiều người đồng tình là:

Tính minh bạch:Mọi việc cần triệt để thực hiện tính minh bạch, để ngườimuốn tham nhũng,không thể thực hiện được, như việc kê khai nghiêm túc tài sản các quan chức…

Pháp luật nghiêm minh: Luật pháp phải được nghiêm minh, không có vùng cấm kị, để ai muốn tham nhũng, cũng không dám, vị hệ quả là bị tịch biên tài sản,là tù tôi…

Lương phải đủ sống: Phải trả lương bổng cho công chức, không những chỉ đủ sống, mà còn có thể tích lũy, để họ có đời sống xứng đáng là người …

Xây dựng con người có đạo đức. Đây có lẽ là điều khó nhất, vì có thật nhiều yếu tố tạo ra con người đạo đức.Và đạo đức theo quan điểm nào, lại là vấn đề nữa. Người tin vũ trụ và con người do một Đấng toàn năng tạo dựng, tin con người có xác và hồn thiêng bất tử, thì quan niệm đạo đức của họ khác với người nghĩ rằng vũ trụ nay tự nhiên mà có, không có Đấng, hay thần linh nào tạo dựng ra cả, người ta chết là hết. Chính cội nguồn của suy tư đó, tạo ra hành động và cách sống khác nhau…

Người xưa đã nói: “Lấy quá khứ chứng minh cho hiện tại, lấy hiện tại đảm bảo tương lai”. Nhìn vào xã hội qua các thời kỳ, tôi thấy những người tin vào Đấng tối cao, xây dựng đạo đức cho con người thành công hơn, vì họ có điểm tựa tinh thần thật vững chắc. Họ tin rằng: “Lời Chúa là ngọn đèn soi con bước, là ánh sáng chiđường con đi” (Thánh Vịnh 119, 105) vì thế họ luôn khắc ghi: “Chính thầy là con đường, là sự thật và là sự sống, không ai đến với Chúa Cha mà không qua thầy” (Ga 14, 6).

  Cursillista Inhaxio Đặng Phúc Minh

Phụ ghi:

  • Vàng 9 tuổi 8 là trong 100 chỉ vàng có pha 2 chỉ bạc
  • 1784 cách mạng lần I, cách mạng hơi nước, do James watt người Anh;
  • 1870, cách mạng lần II, cách mạng điện khí hóa;
  • 1969, cách mạng lần thứ III, cách mạng máy tính, thiết bị điện tử;
  • 2013 Cách mạng lần thứ IV, 4.0, từ nước Đức,  cách mạng tự động hóa, nhà máy thông minh.

Cursillista Inhaxiô Đặng Phúc Minh

 

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai.