Nói về Dòng Chúa Cứu Thế Hà Nội, ngoài cha Giuse Vũ Ngọc Bích, trong số những con người đã ghi lại dấu ấn đậm nét trên bước đường tồn tại và phát triển của Dòng Chúa Cứu Thế tại Hà Nội phải kể đến Thầy Gioakim Marcel Nguyễn Tấn Văn – người tù không án, người tôi tớ Chúa, dám sống cho sự thật, bị bắt vì sự thật và chết cho sự thật.
Thầy Gioakim Nguyễn Tấn Văn sinh ngày 15 tháng 03 năm 1928, tại Ngăm – Giáo, một làng quê nhỏ nằm giữa Hà Nội và Hải Phòng, thuộc tỉnh Bắc Ninh.
Ngày 17 tháng 10 năm 1944, thầy được nhận vào làm Dự tập sinh Dòng Chúa Cứu Thế và được nhận tên Dòng là Marcel. Ngày 8 tháng 9 năm 1946, lễ sinh nhật Đức Mẹ, thầy được khấn trong Dòng.
Ngày 7 tháng 2 năm 1950, thầy rời nhà Hà Nội tới phục vụ tại Dòng Chúa Cứu Thế Sài Gòn.
Ngược với dòng người đang hoảng loạn di tản vào Nam tránh nạn cộng sản, ngày 14 tháng 9 năm 1954, lễ Suy tôn Thánh giá, thể theo lời kêu gọi của các bề trên, thầy rời Nhà Đà Lạt trở về Hà Nội cùng với hai vị thừa sai Canada là các cha Thomas Côté và Denis Paquette. Trước khi lên máy bay trở lại Miền Bắc và sẽ không bao giờ trở lại, thầy đã quả quyết với những người khuyên thầy đừng trở lại Hà Nội rằng:
“Không ai, không gì có thể tước được vũ khí của Tình yêu của tôi. Tôi ra đi để chứng tỏ giữa vùng cộng sản vẫn có người yêu mến Chúa, yêu mến Thiên Chúa nhân lành… Cái chết của tôi sẽ là sự sống của nhiều người. Cái chết của tôi sẽ đánh dấu thời kỳ bắt đầu hòa bình cho Việt Nam” (trích Tiểu sử Marcel Văn: “Tình yêu không thể chết”, tr. 10).
Lời đanh thép này đã là lời tiên báo con đường thập tự mà thầy sẽ trải qua và điều ấy đã xảy ra sớm hơn những gì thầy dự định: ngày 7 tháng 5 năm 1955, ngày kỷ niệm 26 năm thành lập Tu viện Dòng Chúa Cứu Thế tại Hà Nội, Marcel Văn bị bắt khi đứng ra làm chứng cho sự thật. Chuyện kể rằng:
“Sáng ngày 7 tháng 5 năm 1955, Marcel Văn ra phố mua đồ dùng và nhân tiện lấy chiếc xe Môbilét gửi sửa từ hôm trước. Trên đường phố, Văn nghe thấy một số người bàn qua, tán lại câu chuyện hoàn toàn sai sự thật… về Miền Nam. Những người này cho rằng, ở Miền Nam, dân bị đưa đi làm khổ sai, thanh niên phải đi lính cho đế quốc… Trước những lời lẽ thô bỉ, những luận điệu sai trái này, nghĩ cần phải lên tiếng, Marcel Văn đã ôn tồn và lịch sự xác nhận: “Chính tôi đây, từ trong Nam ra…tôi xác nhận là Chính phủ Miền Nam không hành động như vậy” (theo Tiểu sử Marcel Văn: “Tình yêu không thể chết”, tr. 10).
Những năm tháng tù đầy đối với thầy là những năm tháng nghiệt ngã: bị tra tấn, biệt giam, đấu tố… bị mua chuộc, dụ dỗ ra nhập “Ủy Ban Liên Lạc Những Người Công giáo Yêu nước” và bị kết 15 năm tù không án, nhưng thầy vẫn kiên trung với sứ mạng và tiếp tục làm chứng cho sự thật. Trong một bức thư viết vội trong tù gửi cha bề trên Dòng, thầy đã viết:
“Nếu con muốn sống, thật quá dễ dàng: con chỉ việc tố giác cha. Chắc cha biết qua về “phong trào tố khổ” của những người “yêu nước”, những người “cách mạng Việt Nam” rồi chứ gì? Ôi! Tinh thần yêu nước! Ôi! Cách mạng! Người ta đã nhân danh ngươi để phạm biết bao tội ác!”
Thầy cũng viết cho cha linh hướng của mình:
“…thời gian qua con đã phải chiến đấu rất nhiều, và chịu đủ mọi khổ hình về tâm não. Kẻ thù dùng nhiều mưu bắt con phải đầu hàng, nhưng chưa bao giờ con lại để mình hèn nhát đến thế. Cũng có thể nói nếu con ham sống, thì ngày nay con không còn bị nhốt trong tù nữa. Nhưng kẻ thù lại không muốn để con chết một cách anh dũng và dễ dàng như thế. Cha hiểu con nói gì rồi. Cha cầu nguyện nhiều cho con, cách riêng cho các tín hữu Bắc Việt” Tù 304 A. (Thư 17.11.1955 gửi cha A. Boucher).
Theo các chứng từ còn để lại, chính quyền thời đó đã dùng mọi biện pháp để thuyết phục thầy “nhận tội”, nhưng thầy đã quả quyết: “Tôi không thú nhận tội ác mà không bao giờ tôi phạm” và sự kiên cường ấy khiến thầy phải trả giá bằng chính mạng sống mình.
Tháng 8 năm 1957, thầy bị chuyển tới trại số 2, Yên Bình, Yên Bái. Suốt hai năm sống tại đây phần lớn thời gian thầy bị biệt giam, không được tiếp tế thăm nuôi. Thầy bị lao phổi nặng.
Ngày 10 tháng 7 năm 1959, thầy đã an nghỉ trong cánh tay Chúa nhân từ, kết thúc một cuộc đời luôn dám sống cho sự thật và đã chết vì can đảm làm chứng cho sự thật. Chút xương tàn của thầy, giờ đây, vẫn còn đang chìm dưới lòng Hồ Thủy điện Thác Bà như một chứng tích tố cáo một thời kỳ lịch sử đầy bất công mà chế độ cộng sản đã gây ra cho đất nước và cho dân tộc.
Cuộc sống, cái chết và tấm gương anh dũng của thầy trong cuộc đấu tranh cho công lý và sự thật đã làm nẩy sinh những tín hữu trung kiên, đang và sẽ mãi là động lực thôi thúc các thế hệ kế tiếp của Nhà Dòng tại Hà Nội tiếp bước thầy trong cuộc đấu tranh, dấn thân cho những con người bị áp bức, bị đẩy ra bên lề.
Thầy đã ra đi, nhưng con người và sự nghiệp đấu tranh cho sự thật vẫn còn đó. Thầy đã ra đi, cái chết, sự khổ nhục trong chốn lao tù đã làm trổ sinh ơn phúc giúp Dòng Chúa Cứu Thế Hà Nội vượt qua được những giai đoạn gian khó nhất trong quá trình hình thành và phát triển suốt 90 năm qua.
Lm. Gioan Nguyễn Ngọc Nam Phong, C.Ss.R.