Phát hiện 143.000 chiếc khẩu trang giả làm từ giấy vệ sinh, là tin được báo chí trong nước, điển hình là tờ Tuổi Trẻ có nhiều độc giả, giật tít hôm thứ Năm 13/2 vừa qua.
Chi tiết đọc được từ mạng báo Tài Chính cho thấy Đội Quản Lý Thị Trường số 1- Cục Quản Lý Thị Trường Hà Nội, phối hợp cùng cơ quan chức năng, tiến hành kiểm tra và phát giác một chiếc xe chở gần 3.000 hộp khẩu trang tổng cộng 143.000 chiếc, không có hóa đơn, chứng từ chứng minh nguồn gốc xuất xứ.
Đây là loại khẩu trang 4 lớp nhưng không có lớp kháng khuẩn, được mua gom trên mạng và bán ra với giá 364.000 Đồng một hộp. Cả lô hàng bị phác giác trên chiếc xe đậu trước căn nhà số 69 đường Hồ Văn Chương, quận Đống Đa, thành phố Hà Nội.
Qua kiểm nghiệm và giám định, như báo Tuổi Trẻ loan tin, thì trên trăm ngàn khẩu trang lót bằng giấy vệ sinh này không đạt chất liệu yêu cầu theo qui định TCVN8389-1:2020 của Việt Nam. Chủ nhân lô hàng là một người tên Chu Ngọc Tú, quê ở Lạng Sơn.
Nguồn tin về khẩu trang giả, khẩu trang làm bằng giấy vệ sinh khiến dư luận choáng váng, nhất là vào khi từ chính phủ đến người dân bằng mọi cách tự bảo vệ, tự cách ly mình trước mọi nhân tố có thể phát tán và lây lan dịch truyền nhiễm hô hấp cấp do siêu vi Corona chủng mới (Covid-19) gây ra, khiến 16 người ở trong nước bị lây nhiễm. Chính vì thế mức độ cung cầu khẩu trang y tế trở nên cấp thiết, dẫn đến tình cảnh hút hàng từ giữa tháng Giêng đến nay.
Từ Vĩnh Phúc, nơi bị coi là ổ dịch Covid-19 vì có người từ Vũ Hán, Trung Quốc về, khẩu trang đang là thiết bị y khoa tối cần cho người địa phương. Không có khẩu trang giả ở Vĩnh Phúc là khẳng định của ông Đoàn Thanh Bình, chánh văn phòng Sở Y Tế Vĩnh Phúc:
“Khẩu trang là có nguồn gốc cả và qua cơ quan Y Tế hết. Tất cả các khẩu trang đều có hãng cung cấp, có nguồn gốc cho nên an toàn”.
Dưới mắt nhà báo Phạm Thành, cựu phóng viên Đài Tiếng Nói Việt Nam ở Hà Nội, khẩu trang giả trong thời dịch lây lan quả rất đáng sợ nhưng nghĩ cho cùng lâu nay Việt Nam đâu phải là không có gian dối hay giả mạo trong những ngành sản xuất khác:
“Lâu nay hàng hóa Việt Nam họ còn tiêm thuốc vào những con tôm, những quả, cây, rồi thịt lợn, thịt gà … Họ tiêm vào những chất giữ cho tươi để bán. Chuyện gian dối đó xảy ra hàng ngày vì đồng tiền thôi”
“Cho nên chuyện làm khẩu trang giả, hay là nhặt khẩu trang ở đâu đó, giặt đi rồi vào bao làm mới rồi bán là chuyện bình thường. Cái tinh thần tương thần tương ái, đạo đức làm người, mình vì mọi người vì cộng đồng chung nó đều giảm rồi. Chuyện này xảy ra chủ yếu là tinh thần vô trách nhiệm”.
Theo nhiều người khác thì chuyện khẩu trang giả từ giấy vệ sinh hoặc khẩu trang không có lớp kháng khuẩn, là hành động của những cá nhân hay những nhóm bất lương thừa cơ trục lợi, chứ thực tế không phải sản phẩm của những công ty Y Dược lớn nhỏ và có uy tín, kể cả công ty tư nhân trong nước.
Chị Ngọc Dung, một công nhân ở Sài Gòn, cho biết chị cũng suy nghĩ như vậy dù biết khẩu trang bây giờ trong tình trạng hút hàng:
Tôi đang gần như hết khẩu trang rồi. Có những nhà thuốc lớn ở Sài Gòn họ vẫn nhập khẩu trang về và mỗi người vẫn mua được một hộp khẩu trang, số lượng 10 hay 20 cái gì cũng có. Mình có thể canh giờ ra nhà thuốc đó. Bây giờ nhà thuốc không cho mua tràn lan nữa, họ giới hạn một người mua bao nhiêu cái thôi. Thí dụ như PharmaCity ở Sài Gòn, hoặc bên chợ thuốc ở Quận 10, Quận 11, là những nơi cung cấp khẩu trang rất chất lượng, rất tốt. Trong thời điểm này thì nó là như vậy”.
Nguyên nhân chính yếu của tệ nạn khẩu trang giả chỉ là do cầu cao mà cung thiếu, là xác nhận của cô Ngọc Dung.
“Thời điểm trước dịch bệnh, thường tôi mua một hộp khẩu trang 50 cái, loại có than hoạt tính của Nhật, giá tầm 55 đến 60 hoặc 70.000 đồng tùy loại. Khẩu trang tầm 30, 40 và 50.000 đồng cũng có. Hiện tại giá khẩu trang lên đến khoảng 200 đến 250.000 đồng/ hộp nhưng mà không có để mua nữa. So với giá thành ban đầu nó tăng tới gấp 4, 5 lần”.
Dưới mắt bác sĩ Nguyễn Đăng Phấn, Khoa Tiết Niệu bệnh viện Sài Gòn, thiếu khẩu trang lúc cần đến nỗi xuất hiện hàng giả là chuyện quá đáng tiếc. Với ông, sản xuất khẩu trang giả là tội ác. Ông nói rằng bông, băng, cồn, khẩu trang đều là những thiết bị y tế vô cùng quan trọng, công nghệ sản xuất cũng rất phổ thông chứ chẳng phải cao cấp gì:
“Cái gì giả dối là tội ác! Nguyên nhân không đủ khẩu trang cho người dân rõ ràng là bây giờ cầu nhiều quá mà cung thì không còn nữa hoặc rất là khan hiếm. Tôi đứng ở những tiệm thuốc Tây thì họ đều than là họ không thể nào mua được khẩu trang để bán cho người dân. Người dân xếp rồng xếp rắn ở ngay cả những chợ gọi là chợ thuốc Tây, xếp hàng đứng đó mà cũng không tới lượt mình, không còn luôn”
Còn theo cô Ngọc Dung, nếu nghi ngờ có khẩu trang giả trong thời buổi này thì phải cảnh giác đối với những mặt hàng trôi nổi bán ở ngoài đường:
“Có những loại khẩu trang đóng gói chứ không đóng hộp. Ngày trước là hộp và nơi sản xuất ở đâu, công nghệ sản xuất như thế nào là họ ghi rõ trên bao bì. Còn bây giờ thậm chí có những chỗ bán ngoài lề đường, một bọc ny lông 5 hay 10 chiếc khẩu trang khoảng 150.000 đồng còn không có để mua”
“Tôi có vài người bạn đi mua khẩu trang để tặng cho người không có thì thậm chí có những thùng khẩu trang bị hư, bị mốc vàng lên luôn. Có những thùng hàng phải trả lại mà không biết những khẩu trang đó lấy ở đâu và để bao lâu rồi”.
Vì tệ nạn khẩu trang giả mà không khéo tránh dịch thành nhiễm dịch, nhiều người trong nước dặn nhau là sau khi sử dụng khẩu trang xài một lần rồi bỏ thì nên cắt đôi nó theo chiều dọc trước khi vất thùng rác, để không ai có thể dùng lại những thứ ấy.
Việt Nam đủ khả năng sản xuất khẩu trang cho dân dùng, tiếc rằng Hà Nội lại đem xuất khẩu qua Trung Quốc nên mới có cảnh mất cân bằng cung cầu khẩu trang trong nước, là nhận định của nhà báo độc lập Nguyễn Tường Thụy:
“Làm sao cho người Việt Nam đủ dùng đã, hoặc ít ra cũng thiếu ít thôi. Trong khi giá khẩu trang tăng lên một cách gay gắt, đã từng xử phạt nhiều chục triệu Đồng vì bán khẩu trang cao hơn giá niêm yết, thì hàng chục tấn khẩu trang được xuất sang Trung Quốc. Tôi nghĩ cái này cần phải cân đối, đừng để thị trường khẩu trang Việt Nam nó gay gắt quá mà ta lại mang viện trợ sang Trung Quốc. Không phải tất cả vì Trung Quốc mà Việt Nam phải chịu thiếu thốn” ”
“Vấn đề thứ hai là chuyện nhặt lại khẩu trang để tái chế. Tại sao người Việt Nam có thể nhẫn tâm đến mức độ hại cả cộng đồng như vậy? Vì ích kỷ mà con người Việt Nam càng ngày càng trở thành vô cảm”.
Được biết trước tình trạng khan hiếm khẩu trang dẫn đến tệ nạn trục lợi bằng những lô hàng khẩu trang giả và thiếu chất lượng, Bộ Công Thương đã công bố danh sách một số cơ sở cung cấp khẩu trang đáng tin cậy ở trong nước.
Bên cạnh đó, Tổng Cục Quản Lý Thị Trường cũng khẳng định sẽ quyết liệt với khẩu trang giả, khuyến cáo người dân bình tĩnh, cảnh giác trước những thông tin chưa được kiểm chứng trên các trang mạng xã hội. Hà Nội luôn cho rằng những thông tin về Covid-19 trên cộng đồng mạng nhằm mục đích gây hoang mang, đầu cơ tích trữ trước tình hình dịch bệnh đang diễn biến phức tạp.
\nguồn: rfa.org