Cha Roman Ostrovskyy, Phó Giám đốc Chủng viện Công giáo Hy Lạp ở Kyiv, đã bày tỏ cảm giác bị áp bức của người dân Ukraine vào năm thứ ba xảy ra cuộc xung đột ở đất nước họ. Vị Linh mục người Ukraine nói rằng, vào những ngày đen tối nhất, đức tin giúp ngài tiếp tục bước đi.
“Chừng nào người ta còn sống thì luôn có hy vọng, mong muốn thấy mọi thứ thay đổi tốt đẹp hơn và tin rằng chúng ta có thể tạo ra sự khác biệt”.
Phát biểu với Vatican News, Cha Roman Ostrovskyy, Phó Giám đốc Chủng viện Công giáo Hy Lạp ở Kyiv, đã chia sẻ những suy tư của ngài về Sắc chỉ “Spes Non Confundit” mà Đức Thánh Cha Phanxicô mới đây đã công bố Năm Thánh sắp tới.
Cha Roman là một học giả Kinh Thánh, đã nghiên cứu thần học Kinh Thánh tại Đại học Giáo hoàng Gregorian và hiện đang giảng dạy tại Chủng viện.
“Tôi đã đọc kỹ văn bản của Sắc chỉ”, Cha Roman nói, “và tìm thấy nhiều chủ đề hay và thú vị. Chẳng hạn, một đoạn quan trọng là đoạn Đức Thánh Cha nói rằng đời sống Kitô hữu là một cuộc hành trình, và mục tiêu của cuộc hành trình này, cũng như Năm Thánh sắp tới, là cuộc gặp gỡ với Chúa Giêsu. Các tín hữu Công giáo và tất cả mọi Kitô hữu ở Ukraine cảm nhận được sự hiện diện chở che này của Chúa Giêsu”.
“Tuy nhiên, mặt khác, tất cả chúng tôi đều nhận thấy sự chán nản ngày càng gia tăng. Chúng tôi đang ở năm thứ ba của cuộc chiến, và mọi người cảm thấy điều đó một cách sâu sắc: họ mệt mỏi, mất hy vọng rằng mọi thứ ở đây có thể thay đổi tốt hơn, mất hy vọng rằng tiếng nói của chúng tôi sẽ được lắng nghe”.
Vị Linh mục trẻ tuổi kể lại rằng khi chiến tranh toàn diện nổ ra ở đất nước của ngài, có rất nhiều nỗi sợ hãi và hoang mang về những gì đang xảy ra. “Tuy nhiên”, Cha Roman nhấn mạnh, “vẫn có hy vọng vì Ukraine đã tự bảo vệ mình một cách mạnh mẽ; có điều gì đó đang diễn ra”.
Tuy nhiên, hiện nay, khi chiến tranh kéo dài, gây ra nhiều đau khổ và bấp bênh, nhiều người đang rơi vào tình cảnh tuyệt vọng.
“Thật khó để chúng tôi nghĩ đến ngày mai”, Cha Ronan nói. “Ở Ukraine, việc lên kế hoạch trước hơn một tuần là điều phi thực tế. Còi báo động không kích vang lên, người lớn và trẻ em trốn trong hầm trú ẩn… Mọi người đều chờ đợi xem chuyện gì sẽ xảy ra tiếp theo, mảnh đất nào sẽ bị lấy đi. Và điều tồi tệ nhất là chúng tôi không thể đơn độc chống lại điều đó. Đôi khi, có cảm giác như chúng tôi đang bị theo dõi giống như một trò chơi trên máy tính, thật thú vị khi xem điều gì sẽ xảy ra, nhưng không ai muốn tham gia một cách tọn vẹn và giúp đỡ những người cần sự trợ giúp bình thường nhất, và về cơ bản, chỉ cần ngăn chặn kẻ xâm lược”.
Nói dối vì một đứa trẻ
Khi được hỏi điều gì giúp người ta sống sót trong những điều kiện này, Cha Roman trả lời: “Mỗi người chúng tôi nỗ lực bảo vệ những khía cạnh cơ bản của cuộc sống mình. Chắc chắn, đức tin giúp ích rất nhiều; lời cầu nguyện chữa lành và giúp chúng tôi tiến về phía trước trong những ngày tồi tệ nhất, để nhìn thấy một chút ánh sáng và tin tưởng rằng Thiên Chúa sẽ không bỏ rơi chúng tôi”.
“Nhưng”, Cha Roman nói, “khi bạn gặp những người và gia đình nói với bạn rằng: ‘Chúng tôi chưa nói với con mình rằng cha nó đã chết trong chiến tranh, bởi vì nó chỉ mới 4 tuổi và vẫn tiếp tục viết thư gửi cho cha của chúng’, bạn hiểu việc một gia đình chỉ đơn giản là buộc phải nói dối, giả vờ, chỉ để bảo vệ sức khỏe tinh thần của đứa trẻ. Và có hàng trăm, hàng nghìn gia đình như vậy. Thế giới nên phản ứng nhiều hơn và nói nhiều hơn vì sự xâm lược vẫn đang tiếp diễn”.
Cuộc sống dưới cảnh bom đạn
Phó Giám đốc Chủng viện Công giáo Hy Lạp lưu ý rằng nhiều sáng kiến có thể được tổ chức trong Năm Thánh không thể thực hiện được ở Ukraine. Chẳng hạn, hành hương là một trong những hoạt động được các Kitô hữu trong nước yêu thích nhất.
“Mỗi khi chúng tôi lên kế hoạch cho một điều gì đó”, Cha Ronan giải thích, “chúng tôi phải tính đến thực tế là bom có thể dội xuống chúng tôi. Luôn cần có một nơi trú ẩn nào đó gần đó để trốn thoát và ẩn náu. Vì vậy, mọi hoạt động bình thường hiện nay đều bị đặt vấn đề”.
Cha Roman chia sẻ thêm nhiều suy tư về các khía cạnh được đề cập trong Sắc chỉ của Đức Thánh Cha mà theo ngài, rất quan trọng, chẳng hạn như vai trò làm cha mẹ. Ở Ukraine, ngay cả những điều này cũng là một cuộc tranh đấu: “Nhiều bà mẹ có con phải rời quê hương, người cha phải ở lại, có người đang chiến đấu ngoài mặt trận. Và đáng tiếc là chúng tôi đã có nhiều ví dụ về các gia đình tan vỡ vì người vợ ở nước ngoài còn đàn ông không được rời đi, tạo ra căng thẳng rất lớn, ảnh hưởng đến nhiều gia đình”.
Bi quan về tương lai
Năm Thánh cũng là thời gian giúp những người thiệt thòi cảm nhận được lòng thương xót của Thiên Chúa. Thật không may, cuộc chiến kéo dài hai năm rưỡi đã ngăn cản điều này xảy ra: nghèo đói ngày càng gia tăng, các bệnh viện bị tên lửa Nga tấn công một cách có hệ thống, số người tị nạn và di cư ngày càng tăng, và người già bị bỏ lại một mình.
“Cuộc xâm lược này có nghĩa là phẩm giá của con người bị chà đạp đến mức thấp nhất. Khi chúng tôi chứng kiến bom dội xuống bệnh viện hoặc nhà trẻ và sau đó chẳng có phản ứng gì”, Cha Roman kết luận, “điều đó thực sự lấy đi tất cả mọi hy vọng và khiến người ta nhìn về tương lai với thái độ vô cùng bi quan”.
Thiên Ân (theo Vatican News)