Video – Đức Hồng Y Phêrô giới thiệu Sở Kiện – nơi khai mạc Năm Thánh ngày 19/6/2018

Sở Kiện hiện là trung tâm tổ chức các sự kiện công giáo quan trọng của Tổng Giáo Phận, Giáo Tỉnh Hà Nội và Giáo hội Công giáo Việt Nam, như:

10/11/1912: Công Đồng Bắc Kỳ họp tại Sở Kiện: “Công Đồng Kẻ Sở”.

24/11/2009: Thánh lễ Khai mạc Toàn quốc Năm Thánh 2010, Kỷ niệm 350 năm truyền giáo tại Việt Nam và 50 năm thiết lập hàng Giáo phẩm Việt Nam.

01//6/2010: Hội ngộ Niềm Tin của Giáo Tỉnh nhân dịp Năm Thánh 2010, qui tụ 820 linh mục đến từ 10 giáo phận Miền Bắc.

24/11/2012: Kỷ niệm 100 năm Công Đồng Kẻ Sở (1912-2012).

17 -19/06/2013 Kỷ niệm 25 năm tôn phong các thánh tử đạo Việt Nam.

17-18/11/2015: Đại Hội Giới Trẻ Giáo Tỉnh Hà Nội, với  22.300 tham dự viên.

Các Thánh lễ khai mạc Năm Đức Tin, Khai mạc và Bế mạc Năm Thánh Lòng Thương Xót.

Đến với Sở Kiện thì chúng ta tìm được những gì?

Tìm lại được quá khứ hào hùng của các thánh tử đạo VN, đặc biệt là các thánh tử đạo Hà Nội để từ đó hiểu hơn lịch sử đầy thăng trầm của Giáo Hội Công Giáo tại VN…

Trung tâm hành hương Sở Kiện nổi bật với khu trưng bày thánh tích của các vị tử đạo như: sợi dây trói cha Thánh Phêrô Lê Tùy, hũ đất thấm máu cha Thánh Ven, xiềng xích, gông cùm, các vật dụng tra tấn, các thẻ ghi án lệnh, bia mộ,… Đặc biệt là hộp sọ của cha Thánh Phêrô Thi, Xương Thánh Anrê Dũng Lạc… 14 bức tranh vẽ lại cảnh tử đạo được lưu trữ tại Hội Thừa sai Paris bên Pháp cũng được sao chụp nguyên vẹn và trưng bày ở đây.

Tiểu Vương Cung Thánh Đường Đức Mẹ Vô Nhiễm Sở Kiện xưa là Nhà Thờ Chính Tòa của địa phận Tây Đàng Ngoài (Hà Nội) mang tước hiệu Đức Mẹ Vô Nhiễm. Khởi công xây dựng vào ngày 25 tháng 10 năm 1877 và khánh thành vào tháng 1 năm 1883, dưới sự chỉ đạo của Đức Cha Puginier Phước (1835 – 1892).

Nhà thờ được xây với lối kiến trúc Gô-tích (lối kiến trúc phương Tây thịnh hành thời Trung Cổ).

Chiều dài 67m20, rộng 31m20, cao 23m20, nhà thờ có 5 lòng, gồm 9 gian, 4 hàng cột.

Hai ngọn tháp cao 27m, treo bốn quả chuông. Quả lớn nhất nặng 2.461kg, quả nhỏ nhất nặng 318kg.

Bàn thờ được sơn son thiếp vàng, chạm trổ rất tinh xảo mang đậm văn hóa Á Đông. Do đó, nhà thờ là sự giao thoa văn hóa Đông – Tây.

Trong thời gian năm thánh này, mỗi chúng ta được mời gọi sống đức tin bằng những việc làm cụ thể.

Như Thư Chung của Hội Đồng Giám mục:

– Ơn toàn xá:  khi tham dự Lễ Khai mạc và Bế mạc Năm Thánh; khi hành hương đến các địa điểm được chỉ định.

– Việc bác ái tông đồ: Thăm viếng thăm những người đang sống trong cảnh túng nghèo quẫn bách, bệnh tật, tù đày, già cả, cô đơn, khuyết tật… là hành hương về với Đức Kitô (x. Mt 25, 34-36).

– Việc sám hối hi sinh: Hạn chế sử dụng và giảm bớt chi tiêu đối với những gì không cần thiết, để giúp đỡ người nghèo hoặc các công trình tôn giáo và xã hội, tham gia những việc có ích cho cộng đồng.

– Chiêm ngắm và học hỏi gương sống đức tin của Các Thánh Tử Đạo Việt Nam. Việc học hỏi này vừa giúp chúng ta hiểu biết hơn về lịch sử Hội Thánh và Các Thánh Tử Đạo, vừa thúc đẩy chúng ta noi theo gương sống của các ngài. Chúng tôi khuyến khích các giáo xứ, dòng tu cũng như các đoàn thể, tổ chức những buổi thuyết trình và thảo luận về Các Thánh Tử Đạo, để giúp mọi người hiểu biết, yêu mến và noi gương các ngài.

– Sống tinh thần tử đạo trong môi trường hiện nay. Bằng cái chết của mình, các Thánh Tử Đạo đã làm chứng trước mặt vua chúa, quan quyền và mọi người rằng Nước Trời là “kho tàng chôn giấu trong ruộng” và “ngọc quý vô giá” nên khi tìm được, các ngài sẵn sàng bán tất cả những gì mình có, kể cả mạng sống, để “mua thửa ruộng và ngọc quý đó” (x. Mt 13,44-46). Ngày nay, các Kitô hữu cũng được kêu gọi sống tinh thần hi sinh, từ bỏ theo bậc sống của mình để làm chứng cho Chúa và Tin Mừng Nước Trời.

Các gia đình Công giáo hãy từ bỏ những ham muốn bất chính và tính toán ích kỷ, để làm chứng rằng Tin Mừng về hôn nhân Công giáo là nẻo đường hạnh phúc. Đức Piô XII đã dạy: “Trong một gia đình mà người chồng biết quên mình đi để nghĩ đến vợ và các con, người mẹ quên mình đi để nghĩ đến chồng và các con, các con quên mình đi để nghĩ đến cha mẹ và anh chị em, gia đình đó là Thiên đàng”, vì gia đình đó là phản ảnh của Thiên Chúa Ba Ngôi.

Các anh chị em sống đời thánh hiến hãy từ bỏ những ham muốn tự nhiên để sống trọn vẹn theo các lời khuyên Phúc Âm, làm chứng cho Nước Trời là giá trị tuyệt đối và kho tàng vô giá; qua đó, chúng ta có thể góp phần “thức tỉnh thế giới” như Đức Giáo Hoàng Phanxicô kêu gọi.

Các linh mục hãy trung thành với lời thề hứa khi chịu chức, tận tụy thi hành bổn phận đã được trao phó trong khiêm tốn và cậy trông, làm chứng cho Chúa Giêsu Kitô là Mục Tử nhân lành, “hiến mạng sống cho đoàn chiên” (Ga 10,15), và hăng say rao giảng Tin Mừng trong mọi hoàn cảnh.

Đức Trinh Nữ Maria. Đức Mẹ được tôn vinh là Nữ Vương Các Thánh Tử Đạo vì hơn ai hết, chính Mẹ đã hoàn toàn từ bỏ chính mình để quy phục Thánh ý Thiên Chúa trong suốt cuộc đời. Bằng sự từ bỏ trọn vẹn đó, Mẹ đã cộng tác tích cực với Chúa Thánh Thần để Lời Thiên Chúa không chỉ là ngôn từ nhưng đã trở thành “xác phàm và ở giữa chúng ta” (Ga 1,14).

Xin Các Thánh Tử Đạo Việt Nam dâng lời cầu nguyện và mọi việc lành của chúng ta lên Thiên Chúa, giúp chúng ta sống Năm Thánh cách tốt đẹp nhất. Ước mong anh chị em được hưởng trọn vẹn những ơn ích thiêng liêng mà Năm Thánh đem lại, biết dùng ơn Chúa ban để hăng hái phụng sự Chúa, phục vụ đồng loại, và tích cực góp phần vào việc loan báo Tin Mừng trên quê hương đất nước chúng ta.

Nguồn: tonggiaophanhanoi.org

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai.