Vào hôm 7/2, ông Đào Ngọc Dung, Bộ trưởng Bộ Lao động- Thương binh và Xã hội (LDTBXH) khẳng định với báo chí rằng, cần tập trung đổi mới cho giáo dục dạy nghề, đưa chương trình đào tạo đạt tiêu chuẩn thế giới, đào tạo nghề cho nguồn lao động nông thôn, nâng cao trình độ ngoại ngữ và kỹ năng cho học sinh sinh viên trong thời gian tới.
Ngoài ra, ông Đào Ngọc Dung còn nhấn mạnh rằng, để đạt được mục tiêu đó cần thay đổi nhận thức của bậc cha mẹ và học sinh hiểu được vấn đề và coi việc học nghề là xu hướng tất yếu trong cơ chế thị trường hiện nay của Việt Nam.
Lâu nay tại Việt Nam hầu hết giới học sinh sau khi tốt nghiệp trung học phổ thông và cha mẹ luôn nhắm đến cấp đại học với hy vọng con em họ có một tương lai sáng sủa. Tuy nhiên, nhiều sinh viên tốt nghiệp đại học bị thất nghiệp; trong khi đó thì các nhà tuyển dụng cho rằng qua tuyển dụng họ thấy sinh viên nộp đơn không đạt được yêu cầu của đơn vị.
Thầy giáo Nguyễn Khoa Văn, giảng viên trường đại học tại Sài Gòn trao đổi với chúng tôi rằng giáo dục Việt Nam trước giờ đi theo hai hướng là học thuật và lý thuyết cũ kỹ nó không thiên về hướng thực hành. Thầy giải thích:
“Ví dụ như đại học kinh tế ở thành phố HCM có khoa là quản trị kinh doanh thì trước giờ nhưng người học quản trị kinh doanh thì chỉ học để biết quản trị là gì còn để làm nó như thế nào thì hầu như không ai dạy. Nên việc Bộ Lao động Thương binh và Xã hội ra thông tư như vậy nó thể hiện sự yếu kém của ngành giáo dục, bởi vì giáo dục của mình chỉ mang tính định hướng và lý thuyết thôi, mà lý thuyết thì cũ kỹ.”
Ngoài ra, theo thầy Văn thì những bộ ngành chia nhau quản lý chồng chéo nên việc dù có chuyển qua dạy nghề, nghiên cứu thì nó cũng chẳng ra gì.
“Không chỉ riêng Bộ LDTBXH đâu mà lúc trước các đại học và cao đẳng VN mình có rất nhiều bộ quản lý, như trường đại học marketing bây giờ đó, lúc trước là trường cao đẳng vật giá và marketing kết hợp với nhau thì nó thuộc bộ tài chính, sau đó mới thành đại học tài chính marketing rồi sát nhập thêm trường cao đẳng hải quan vô, đến bây giờ vẫn do bộ tài chính quản lý chứ không thuộc Bộ Giáo dục.”
Thầy giáo Đỗ Việt Khoa từ Hà Nội cho biết, kiểu dạy nghề tại Việt Nam hiện nay chỉ mang tính hoàn toàn hình thức và nó không mang lại được kết quả thực sự. Thầy cho biết:
“Từ trung học cơ sở lẫn phổ thông đa số các thầy cô định hướng như học mấy nghề làm vườn, điện và soạn thảo tin học văn phòng họ coi đó là nghề nhưng ở thời đại hiện nay thì nghề điện là nghề gì là lắp ráp mấy bảng điện mà học sinh học 180 tiết rồi đến lúc thi để kiểm tra thì chỉ cần lắp rắp một cái công tắc, nối một cầu chì với một bóng đèn là đậu. Thời đại công nghệ thông tin như hiện nay thì học những thứ đó quá lãng phí vì học sinh học xong chả làm được cái gì hết, sự lãng phí vô cùng về nhân lực, chương trình, thời gian của thầy cô lẫn học trò mà người ta không hề xót và cứ để cho nó tiếp tục tồn tại mấy chục năm rồi, chưa ai lên tiếng là bỏ nó đi.”
Thầy Khoa còn giải thích thêm rằng, thầy công nhận ý tưởng của việc dạy nghề và học nghề đó là mục tiêu quan trọng cả đời người nhưng những cái nghề để đáp ứng được nhu cầu thị trường xã hội hiện nay thì từ trung học lẫn đại học Việt Nam không đáp ứng nổi điều kiện.