Cuộc sống làm người không tránh được những đau khổ và bế tắc, nhưng đừng ở lỳ trong đó mà gào thét rên rỉ, hãy hướng con mắt đức tin với niềm hy vọng và lắng tai nghe tiếng Chúa nói. Dường như Đức Giêsu, Đấng Phục Sinh muốn thanh luyện đức tin cho các môn đệ, giúp họ hiểu biết và sống mầu nhiệm Vượt qua của Người – phải trải qua đau khổ mới được vinh quang. Những khi họ đối diện với những thất bại và mất mát, khi họ giam mình trong sợ hãi, buồn phiền, để trải nghiệm sự cùng cực của khổ đau và bế tắc, thì Người đến với họ, vào những lúc bất ngờ nhất, dưới những hình dạng không ngờ nhất.
Được Đức Giêsu giải thoát sức mạnh của quỷ dữ, Maria Magdala trở nên môn đệ mộ mến Người trong hành trình truyền giáo, là chứng nhân cho cái chết của Người, và là người đầu tiên ra mộ vào sáng sớm ngày thứ nhất trong tuần.
Chính tình thương mến sâu đậm của bà dành cho Đức Giêsu, dù là những cảm xúc của trái tim, muốn nhìn lại khuôn mặt khả ái của vị thầy kính yêu đã giúp bà được vinh hạnh là người đầu tiên được Đấng Phục Sinh hiện ra. Tình yêu, nếu đương đầu với mọi bi thương bế tắc mà không có đức tin, chỉ là tình yêu vô vọng. Câu hỏi của Đức Giêsu, “này bà, sao bà khóc” và “bà tìm ai?” khéo léo kéo cái nhìn của bà rời khỏi phần mộ người chết, nhắc cho bà nhớ điều cần nhớ, tin điều cần tin, vẫn chưa đủ sức kéo bà ra khỏi nấm mồ của sự thất vọng, thì tiếng gọi: “Maria!” của Đức Giêsu khiến bà giật mình reo lên: “Rabuni” nghĩa là, Lạy Thầy.
Những lời nói của Đức Giêsu, người bà rất thương mến, có cung giọng đặc biệt in sâu vào trong ký ức và trong tâm hồn, không lầm lẫn với bất kỳ ai khác. Được gọi tên, là một vinh dự biểu lộ sự quý mến, ngay lập tức bà nhận ra và chạy đến ôm chân Người. Đấng Phục Sinh ngăn cản thái độ này. Người không muốn tái lập tương quan cũ, với cung cách diễn tả cũ, nhưng để thiết lập một tương quan mà chính Người sẽ tập cho các môn đệ quen với “sự hiện diện mới” của Người, không phải bằng các giác quan, nhưng bởi đức tin.
Báo Tin mừng này cho các môn đệ, những người còn đang sầu não trong nỗi bi thương thất vọng, bà trở nên đặc sứ của “Niềm vui gặp gỡ Chúa”. “Tôi đã thấy Chúa” là một kinh nghiệm thiêng liêng đầy hy vọng, là chứng tá đức tin phục sinh, là tâm điểm Kitô giáo.
Điều ấy không chỉ dành cho những môn đệ “ưu tuyển”, nhưng dành cho tất cả người tin, trong những cách thức riêng mà Đấng Phục Sinh muốn tỏ mình. Có những lúc khổ đau dồn dập, thất vọng thấy cuộc đời như nấm mồ, đừng mãi mê man vào đó, nhưng hãy hướng mắt lên Đấng Phục Sinh trong niềm tin và hy vọng, và lắng nghe tiếng Người gọi đích danh; tiếng của Đấng luôn hiện diện – ở cùng muốn gặp gỡ ta trong hoàn cảnh bi đát đó, để trao một tín thư.
Lm. Giuse Ngô Văn Kha, DCCT