Theo Giáo Huấn Xã Hội Công giáo, hòa bình “không hẳn là vắng bóng chiến tranh”, cũng không chỉ là sự quân bình giữa các lực lượng đối phương, nhưng hòa bình là “công trình của công bằng”. Người ta ta chỉ có hòa bình thực sự khi tài sản của con người được công nhận và bảo vệ (x.Gs, số 14-16)
Pháp luật nhà nước đã quy định khá đầy đủ về các quyền của con người, nhưng trên thực tế, những quyền căn bản ấy vẫn bị vi phạm trong nhiều lĩnh vực. Nhà cầm quyền cộng sản độc tài, với hệ thống truyền thông khổng lồ, vẫn chỉ trình bày chân lý nửa vời “đã định hướng”, với nạn tham nhũng có hệ thống và lòng tham vô giới hạn của những tập đoàn “cá mập đỏ” đã gây ra bao bất công xã hội, được đong đếm bằng sự cùng khốn trên khắp các vùng miền trên đất nước, bao nước mắt uất nghẹn đổ ra với máu, và cả mạng sống của người dân. Những tiếng kêu phản kháng đòi công lý và công bằng hằng ngày vẫn vang lên chốn công đường, ngoài phố chợ, tại cái tư gia và vọng về từ trong những nấm mồ!
Vì không giải quyết triệt để các vấn đề, dẫn đến việc phản kháng, khiếu kiện đông người, trong đó đại đa số liên quan đến đất đai. Vì luật định đất đai là sở hữu toàn dân, nhà nước quản lý, người dân chỉ có quyền sử dụng, nên khi thấy có lợi ích, đảng sẽ chỉ đạo và nhà nước sẽ mạnh tay thi hành, sẽ cưỡng bức và cưỡng chế những tài sản của người dân, bất kể là của dân thường, của cộng đồng hay của các tổ chức tôn giáo.
Đức Thánh Cha Gioan XXIII trong thông điệp Hòa bình trên thế giới (Pacem in Terris) đã khẳng định “Không thể có hòa bình nếu không có công lý”. Người dân, dù ở bất cứ đâu, thuộc bất cứ dân tộc, cộng đồng, tôn giáo nào sẽ luôn đặt mình trong tình trạng bất an, bởi cuộc sống họ không được bảo đảm và bảo vệ dựa trên luật pháp, xây dựng trên công lý và hòa bình. Như việc chính quyền thành phố Huế từ nhiền năm qua và kéo dài đến nay, với đủ mọi cách thức “ma quỷ” quyết chiếm cho bằng được đất đai của Đan viện Thiên An Huế, gây ra sự phẫn nộ của những người yêu chuộng công lý và hòa bình trong nước và quốc tế. Với sự phản kháng theo tinh thần Chúa Kitô và Tin Mừng, các đan sỹ Thiên An quyết đòi công lý, đòi nhà cầm quyền cộng sản phải tôn trọng công bằng xã hội, vì “lý tưởng về hoà bình không thể nào có được trên trần gian này, nếu đời sống ấm no của con người chưa được bảo đảm” (Gs, số 78).
Vì vậy, vấn đề của Đan viện Thiên An không đơn thuần là chuyện đấu tranh vì tài sản, bảo vệ đất đai, nhưng sâu xa hơn, họ đang xây dựng hòa bình, vì “hòa bình đích thực là hoa trái của công lý”, và là lời công bố cho mọi người dân Việt biết rằng, công lý vẫn còn hiện diện trên quê hương đất nước và công bằng vẫn còn nằm trong tay người dân; với tư cách là những đan sỹ, họ lên tiếng tiếng nói của sự thật, về công bằng và quyền tự do tôn giáo của các tôn giáo, trong đó có Hội thánh Công giáo Việt Nam.
Công lý phải là gốc của hòa bình. Công lý phải là nền tảng của luật pháp, là căn bản cho những cuộc đối thoại, chứ không phải thương lượng và thỏa hiệp dựa trên tình cảm, cảm thông nỗi khổ của nhau và để cho mau qua sự việc. Sự phản kháng theo tinh thần Phúc Âm của Đan viện Thiên An bắt nguồn từ sự thúc đẩy của công lý nhắm đến quyền lợi của người khác, nhắm đến công bằng, nhắn đến toàn dân tộc, không phải là sự thôi thúc của tính vị kỷ: đất ta, ta đòi.
Vẫn biết công lý, không phải lúc nào cũng cãi lý ai đúng , ai sai, mà cần ngồi lại với nhau, dựa trên những giá trị chung để bàn thảo, nhưng vì nhà cầm quyền cộng sản chẳng bao giờ có tinh thần đối thoại, biết lắng nghe. Cực chẳng đã mới phải dùng biện pháp cuối cùng là phản kháng nhiều dị nghĩa đối với những người tu hành, nhưng những vị tu hành đó vẫn sẵn sàng đối thoại để làm sáng tỏ công lý, và vì công lý, sẵn sàng tha thứ, chấp nhận những thiệt hại trong quá khứ mà chính quyền thánh phố Huế đã gây ra.
Sự phản kháng của những Đan sỹ Đan viện Thiên An cộng với những dân oan trên cả nước, là tiếng nói của công lý nói rằng, bất cứ thể chế nào trên thế giới được dựng lên, là vì quyền lợi của con người, chứ không phải vì quyền lợi của tổ chức. Nhà nước có và tồn tại là vì con người như Học thuyết Xã Hội của Giáo Hội Công Giao1 chỉ rõ: “con người là một hữu thể, là một nhân vị, là con đường của giáo hội và quyền con người, nhân phẩm con người phải đặt lên trên hết” (HTXHCH, trang 117.134)
Lm. Giuse Ngô Văn Kha, DCCT