Ý nghĩa Giáng Sinh

Ý nghĩa của lễ Giáng sinh là gì? Câu hỏi đó có thể không hoàn toàn đơn giản.

Đối với nhiều người, Giáng Sinh có nghĩa là những bữa ăn thịnh soạn, vui vẻ với gia đình và bạn bè, hát những bài thánh ca theo mùa trong nhà thờ, trao nhau quà tặng. Còn đối với một số tâm hồn hào phóng, Giáng Sinh có nghĩa là phục vụ bữa ăn cho người nghèo, thăm viếng những người cô đơn trong bệnh viện hoặc viện dưỡng lão.

Thiết tưởng đó là những câu trả lời hay – tất cả những điều đó thực sự là phần đáng hoan nghênh của Lễ Giáng Sinh. Nhưng để hiểu sâu hơn về vấn đề này, chúng ta hãy chuyển sang hai nhà tư tưởng tôn giáo vĩ đại và bậc thầy về hùng biện, Thánh Augustinô và Thánh John Henry Newman.

Đối với cả hai người, sự xuất hiện của Chúa Giêsu liên quan trực tiếp đến học thuyết về Tội Nguyên Tổ. Thánh Newman nói đó là “tai họa khủng khiếp” khiến nhân loại xa lánh Thiên Chúa và tiếp tục là nơi sinh sôi của tội lỗi cá nhân. Sự Nhập Thể, mà chúng ta cử hành vào Lễ Giáng Sinh, là phương tiện được Thiên Chúa chọn để xóa bỏ thiệt hại khủng khiếp đó qua cuộc sống cứu chuộc và ban ơn của Chúa Giêsu Kitô.

Trong bối cảnh đó, Thánh Augustinô thích sắp xếp các nghịch lý để minh họa “sự khiêm nhường của Thiên Chúa” trong các bài giảng Lễ Giáng Sinh của ngài. Do đó, ngài nói về Đấng Cứu Độ mới sinh là “khôn ngoan khôn tả, khôn ngoan không thể nói nên lời như trẻ sơ sinh; làm đầy thế gian, nằm trong máng cỏ; quá vĩ đại dưới hình dạng Thiên Chúa, quá nhỏ bé dưới hình dạng tôi tớ, theo cách mà sự vĩ đại không bị giảm bớt bởi sự nhỏ bé, cũng không phải sự nhỏ bé bị lấn át bởi sự vĩ đại.”

Đến cùng là gì? Đây là câu trả lời của Thánh Augustinô: “Nếu Ngài không sinh ra làm người, chúng ta sẽ không bao giờ được tái sinh; Ngài sinh ra để chúng ta có thể được tái sinh… Đức Mẹ cưu mang Ngài trong lòng Mẹ, chúng ta cũng hãy cưu mang Ngài trong lòng mình. Đức Trinh Nữ quan trọng với sự nhập thể của Chúa Kitô, chúng ta hãy để cho lòng mình lớn lên với đức tin của Chúa Kitô. Đức Mẹ sinh Đấng Cứu Thế, chúng ta hãy sinh lời chúc tụng, ngợi khen. Chúng ta không được cằn cỗi, linh hồn chúng ta phải sinh hoa trái với Thiên Chúa.”

Sau 14 thế kỷ, Thánh John Henry Newman đưa ra nhiều câu chuyện tương tự về Lễ Giáng sinh theo phong cách không thể bắt chước của riêng ngài. Ngài cho biết rằng sau khi Nguyên Tổ sa ngã, Ngôi Hai Thiên Chúa “có thể vẫn ở trong vinh quang mà Ngài có với Chúa Cha trước khi có thế gian. Nhưng Tình Yêu không thể tìm kiếm đó đã thể hiện trong sự tạo dựng nguyên thủy của chúng ta, không hài lòng với công việc thất bại, mà lại đưa nó xuống từ lòng Chúa Cha để làm theo ý Ngài và sửa chữa điều ác mà tội lỗi gây ra.”

Tuy nhiên, Giáng Sinh đầu tiên không phải là sự kết thúc mà là sự khởi đầu, vì chúng ta vẫn phải hoàn thành công cuộc cứu chuộc trong chính mình. Một lần nữa Thánh Newman cho biết: “Ân sủng đầu tiên là đức tin, ân sủng cuối cùng là tình yêu; trước là nhiệt tâm, sau là từ tâm; trước là bẽ bàng, sau là bình an; trước là chuyên cần, sau là nhẫn nhục. Cầu mong chúng ta biết trưởng thành mọi ân sủng trong chúng ta – sợ hãi và run rẩy, tỉnh thức và ăn năn vì Chúa Kitô đang đến; vui mừng, biết ơn và không lo lắng tương lai vì Ngài đến.”

Vì vậy, Lễ Giáng Sinh chắc chắn có nghĩa là bữa tối thịnh soạn, gia đình vui vẻ, hát bài thánh ca quen thuộc, tặng quà, cùng với những nghĩa cử đẹp được thực hiện cho những người túng thiếu và u buồn. Nhưng giữa những điều đó, chúng ta hãy hướng mắt của trái tim mình vào Chúa Hài Nhi trong máng cỏ. Cuối cùng, bất cứ điều gì chúng ta làm sẽ không có giá trị nếu Ngài không đến mừng Lễ Giáng Sinh với chúng ta.

RUSSELL SHOW

TRẦM THIÊN THU (chuyển ngữ từ CatholicExchange.com)