Trước hành động quỳ xuống rửa chân cho từng môn đệ của Đức Giêsu, Phêrô đã không hiểu nên sửng sốt hỏi Đức Giêsu “Thưa Thầy! Thầy mà lại rửa chân cho con sao?”. Và có lẽ chúng ta cũng chỉ có thể hiểu chút nào câu thắc mắc của Phêrô, khi Đức Giêsu trả lời Phêrô “Nếu Thầy không rửa cho anh, anh sẽ chẳng được chung phần với Thầy.” Vậy đâu là giáo huấn Đức Giêsu muốn dạy qua việc Người rửa chân cho các môn đệ?
Để có thể hiểu giáo huấn của Đức Giêsu, chúng ta cần phải trở về với bản văn chú giải Tin mừng. Khi nghe từ “chú giải” ta cứ hay mường tượng đến việc phải nghiên cứu, phải truy tìm, nên khiến ta có tâm lý không muốn nghe, không muốn đón nhận, vì cho rằng nó liên quan đến chữ nghĩa, đến việc nghiên cứu cao siêu. Thực ra không phải thế. Đơn giản ta hiểu “chú giải” ở đây chỉ là cách giải thích ý nghĩa một từ nào đó, hay một cụm từ nào đó mà người nói nói theo kiểu văn chương, nói theo kiểu ám chỉ, hay theo truyền thống xa xưa mà nhiều khi ta không biết không hiểu. Vì thế, chú giải là giải thích ra theo ngôn ngữ bình dân cho dễ hiểu. Đơn giản thế thôi.
Trước hết, ta cần trở về với việc “rửa chân”. Theo một số nhà chú giải Kinh Thánh “rửa chân” là việc của người tôi tớ đối với ông chủ. Tôi tớ phải rửa chân cho ông chủ, chứ không đời nào ông chủ rửa chân cho tôi tớ. Đàng khác, theo truyền thông Do thái thì không đầy tớ nào phải rửa chân cho đầy tớ khác. Nói cách khác, rửa chân là công việc của kẻ dưới với người cấp trên. Phêrô rất hiểu truyền thống này. Vì thế, khi Đức Giêsu rửa chân cho các môn đệ thì Phêrô sửng sốt. Bởi vì việc rửa chân lẽ ra phải là việc của ông đối với Chúa, đàng này Chúa lại rửa chân cho các ông, và Chúa đã rửa chân cho mấy ông rồi, bây giờ đến lượt Phêrô phải giơ chân ra cho Chúa rửa. Không thể có chuyện ngược đời như vậy, nên Phêrô nhất quyết không để Chúa rửa chân cho ông. Phêrô lại càng không hiểu khi mà trong nhóm mười hai đang có sự tranh giành xem ai là người lớn nhất.
Phêrô đã làm một việc rất đúng xét theo truyền thống. Nhưng đối với nhiệm cục, đối với chương trình cứu độ của Thiên Chúa thì khác. Phêrô không biết rằng trong chương trình cứu độ của Thiên Chúa thì người phục vụ lớn hơn người được phục vụ. Nên Đức Giêsu nói với Phêrô “Sau này anh sẽ hiểu.” Đang khi Phêrô còn chưa hiểu hết hành động rửa chân của Chúa, ngay cả khi ông xin Chúa rửa cả người ông, thì ông đã bị Đức Giêsu hỏi thẳng vấn đề “Anh em có hiểu việc Thầy làm cho anh em không?” Câu hỏi của Đức Giêsu không có ý tạo ra sự bối rối cho các môn đệ, nhưng dường như Người muốn cho các ông nhớ lại những điều Người đã rao giảng cho các ông về tư cách của người làm lớn. Có lần Đức Giêsu đã nói với các ông “Thủ lãnh các dân thì lấy quyền mà thống trị dân…”, “Còn anh em, ai muốn làm đầu anh em thì phải làm đầy tớ anh em.” (Mt 20,25-27). Và Người còn cho biết thêm “Cũng như Con Người đến không phải để được người ta phục vụ, nhưng là để phục vụ và hiến dâng mạng sống làm giá chuộc muôn người.” (Mt 20,28).
Qua câu hỏi, Đức Giêsu đã hướng các môn đệ vào lời rao giảng của Người. Người cho các ông thấy rằng việc các ông gọi Người là Thầy, là Chúa thì thật đúng. Bởi vì chính Đức Giêsu đã xác nhận điều này khi Người nói “Anh em gọi Thầy là ‘ Thầy ‘, là ‘ Chúa ‘, điều đó phải lắm, vì quả thật, Thầy là Thầy, là Chúa.” Mà nếu Người là Thầy là Chúa mà còn hạ mình phục vụ như một đầy tớ, thì chính các môn đệ cũng phải sẵn lòng mà phục vụ nhau. Các môn đệ hãy bắt chước Đức Giêsu mà khiêm hạ phục vụ. Phục vụ một cách hy sinh, phục vụ một cách quên mình.
Bài học Đức Giêsu dạy các môn đệ cũng là bài học cho mỗi người chúng ta. Ngày nay người ta đang đặt vấn đề về nhân vị. Quả vậy, trước một xã hội mà chủ nghĩa cá nhân, chủ nghĩa tương đối, chủ nghĩa hưởng thụ, nghĩa là tất cả đều quy về cái tôi cá nhân, điều mà Stephen Hawking đã nói con người là cái rốn của vũ trụ. Vì thế, tinh thần phục vụ đang bị thử thách. Thay vào đó, người ta tìm cách thống trị người khác. Vợ chồng thống trị nhau. Con cái chống lại cha mẹ, bởi vì cha mẹ không thỏa mãn được những yêu sách của chúng. Mọi người đều muốn người khác phục vụ mình. Thế nhưng, là những Kitô hữu, chúng ta mặc lấy Chúa Kitô, chúng ta đi theo Chúa Kitô. Theo Chúa không phải chỉ là chuyện Người đi hướng nào ta đi hướng đó, nhưng còn là đón lấy những cách sống mà Người đã sống, những bài học mà Người đã học. Vì vậy, ai muốn thống trị người khác, muốn làm đầu người khác, thì hãy phục vụ, hãy khiêm nhường. Phục vụ như Đức Giêsu, không phân biệt người giàu kẻ nghèo, người tội lỗi hay kẻ hiền lành. Chính Đức Giêsu đã rửa chân cho cả Giuđa dù biết Giuđa sẽ phản bội. Chồng muốn làm chủ gia đình, làm chủ vợ, hãy âm thầm, nhẫn nại, khiêm tốn làm việc vì niềm hạnh phúc của vợ và của con cái. Vợ cũng vậy, muốn thu phục, muốn chinh phục chồng, hãy khiêm nhường phục vụ chồng với lòng kính trọng, hãy bớt nói nhiều, nhưng nết na và vui vẻ làm việc để chồng bớt gánh nặng gánh vác gia đình. Làm như vậy, chắc chắn chồng sẽ rất hạnh phúc và yêu thương vợ.
Mặt khác, phụ vụ còn có nghĩa tẩy xóa tội lỗi của ta. Có lẽ chúng ta cũng như Phêrô. Chúng ta đã được rửa tội rồi, nhưng bản tính con người vẫn còn đó, nên chúng ta vẫn còn phạm tội. Vậy mà, việc phục vụ của chúng ta có thể che giấu những tội lỗi của ta trước mặt Chúa. Hay nói cách khác, hành vi phục vụ của ta, có thể tẩy xóa những lỗi lầm ta phạm. Nếu Phêrô được Chúa rửa để ông trở nên sạch, thì việc phục vụ của ta cũng giúp ta nên sạch. Lạy Chúa, xin thêm sức để chúng con có một tinh thần phục vụ vì yêu thương. Và khi chúng con phục vụ, xin Chúa thứ tha những tội lỗi chúng con. Amen.
Gợi ý chia sẻ: khi anh chị bố thí, hay giúp ai việc gì, anh chị thường nghĩ việc làm đó có ý nghĩa gì?
Tin mừng: Ga 13,1-15
1 Trước lễ Vượt Qua, Đức Giê-su biết giờ của Người đã đến, giờ phải bỏ thế gian mà về với Chúa Cha. Người vẫn yêu thương những kẻ thuộc về mình còn ở thế gian, và Người yêu thương họ đến cùng.
2 Ma quỷ đã gieo vào lòng Giu-đa, con ông Si-môn Ít-ca-ri-ốt, ý định nộp Đức Giê-su. 3 Đức Giê-su biết rằng : Chúa Cha đã giao phó mọi sự trong tay Người, Người bởi Thiên Chúa mà đến, và sắp trở về cùng Thiên Chúa, 4 nên trong một bữa ăn, Người đứng dậy, rời bàn ăn, cởi áo ngoài ra, và lấy khăn mà thắt lưng. 5 Rồi Đức Giê-su đổ nước vào chậu, bắt đầu rửa chân cho các môn đệ và lấy khăn thắt lưng mà lau.
6 Vậy, Người đến chỗ ông Si-môn Phê-rô, ông liền thưa với Người : “Thưa Thầy ! Thầy mà lại rửa chân cho con sao ?” 7 Đức Giê-su trả lời : “Việc Thầy làm, bây giờ anh chưa hiểu, nhưng sau này anh sẽ hiểu.” 8 Ông Phê-rô lại thưa : “Thầy mà rửa chân cho con, không đời nào con chịu đâu !” Đức Giê-su đáp : “Nếu Thầy không rửa cho anh, anh sẽ chẳng được chung phần với Thầy.” 9 Ông Si-môn Phê-rô liền thưa : “Vậy, thưa Thầy, xin cứ rửa, không những chân, mà cả tay và đầu con nữa.” 10 Đức Giê-su bảo ông : “Ai đã tắm rồi, thì không cần phải rửa nữa ; toàn thân người ấy đã sạch. Về phần anh em, anh em đã sạch, nhưng không phải tất cả đâu !” 11 Thật vậy, Người biết ai sẽ nộp Người, nên mới nói : “Không phải tất cả anh em đều sạch.”
12 Khi rửa chân cho các môn đệ xong, Đức Giê-su mặc áo vào, về chỗ và nói : “Anh em có hiểu việc Thầy mới làm cho anh em không ? 13 Anh em gọi Thầy là ‘ Thầy ‘, là ‘ Chúa ‘, điều đó phải lắm, vì quả thật, Thầy là Thầy, là Chúa. 14 Vậy, nếu Thầy là Chúa, là Thầy, mà còn rửa chân cho anh em, thì anh em cũng phải rửa chân cho nhau.15 Thầy đã nêu gương cho anh em, để anh em cũng làm như Thầy đã làm cho anh em.
Nguồn: daminhvn.net