Sáu căn nhà nhỏ bé nằm khuất trong khu “Vườn Rau” được xây dựng từ những đồng tiền chắt chiu của những người thiện tâm dành cho những Thương Phế Binh Việt Nam Cộng Hoà đơn thân, không thể nghèo hơn ấy có chỗ nương thân, cũng cùng chung số phận với hơn 200 ngôi nhà của những người dân Lộc Hưng khác.
Thế là tan tác những phận người lất lây, nghĩ tưởng sẽ được cùng nhau an thân trong lúc sức cùng lực kiệt, nhưng đành phải lảo đảo ngậm ngùi dìu nhau ra đi, trong sự vô vọng về một tương lai vô định.
Khổ thì hơn bốn mươi năm qua đã khổ, nhục thì cũng bằng ấy thời gian đành phải nuốt vào trong cho nẫu cả ruột gan. Một thời trai trẻ oanh liệt, có những ước mơ và lý tưởng, có những cống hiến và hy sinh, đánh đổi một phần thân thể cho những giá trị cao cả, cho tổ quốc quê hương, cho dân tộc trong cuộc chiến nghiệt ngã, nhưng hào hùng và đầy khí phách.
Vì thế những Thương Phế Binh ấy đã không kéo lê sự tồn tại, mà can đảm sống cuộc sống với những giá trị của mình, vượt trên nỗi nhục nhằn mặc cảm như vòng kim cô của “bên thua cuộc.”
Cảm thông và liên đới với những nỗi đau bị ruồng bỏ và sự mất mát to lớn của những người nghèo không thể nghèo hơn ấy, chương trình tri ân các Thương Phế Binh được tổ chức định kỳ tại Dòng Chúa Cứu Thế Sài Gòn, để khơi dậy tình tương thân tương ái của những người cùng một dân tộc, cùng chia sẻ những thăng trầm của vận mệnh tổ quốc và cùng xoa dịu nỗi đau thời hậu chiến, mặc cho những nghi kỵ rình mò và cản ngăn của nhà cầm quyền cộng sản, những người gièm pha, đố kỵ.
Nghĩ rằng, Bên Nhau Đi Nốt Cuộc Đời, dù là cuộc đời của những Thương Phế Binh héo tàn hiu quạnh. Nhưng đó là những con người cụ thể, đã góp phần nhỏ bé “làm nên lịch sử” của dân tộc Việt Oai hùng Bất khuất, đã từng sống và bảo vệ những giá trị của con người, của tự do, của độc lập, của văn minh và tiến bộ là những giá trị mà lớp người hôm nay khó có thể mường tượng được. Mà quả thật, Bên Nhau Đi Nốt Cuộc Đời, như một một sự tri ân để tưởng nhờ anh linh những người đã góp công và sinh mạng mình cho Đất Việt, cho tự do và quyền tự quyết, tự chủ của Dân Việt như một lời cảm ơn và một phận vụ phải có dành cho những người đã trở nên “tàn phế” vì quê hương dân tộc.
Nhưng thật ra, đó là chiến tích mãi không hề phai về khí phách hào hùng của một sự hy sinh không hề hối tiếc, cho vinh quang Đất Việt, trong đó cói “tôi”. Bổn phận của những người được thụ hưởng là phải trả cái nghĩa nặng với tình sâu ấy, mới hợp với đạo lý làm người. Những Thương Phế Binh ấy chỉ là bề nổi của hàng hàng lớp lớp những Anh Hùng “vô danh” đã hy sinh cuộc đời, vĩnh viễn nằm xuống, hoà thân xác mình vào lòng Đất Mẹ, như sự trả ơn, trả nghĩa trọn vẹn nhất cho niềm tự hào được làm người Việt Nam, tạo nên sự “màu mỡ” cho mảnh đất chữ S này, là tiền đề cho một tương lai tươi sáng hơn; và họ, những Thương Phế Binh còn tồn tại cho đến hôm nay, như những chứng nhân mang trong mình khí phách hào hùng ấy.
Khổ thì hơn bốn mươi năm qua đã khổ, nhục thì cũng bằng ấy thời gian ấy. Bây giờ có tan cửa nát nhà ở “Vườn Rau” ấy cũng chẳng sao, vì bao năm qua, có mái gì ấm gọi là nhà? Không than thân trách phận, kẻo hổ ngươi với anh linh đồng đội đã nằm xuống, những người đã cùng chung chiến tuyến, cùng chung lý tưởng, cùng chung chí hướng và cùng chung những sự hy sinh.
Có Còn Được Bên Nhau Đi Nốt Cuộc Đời? Còn chứ! Đã chung tay, góp sức để nhằm xoa dịu một phần những thương tổn thể xác lẫn tinh thần của những “kiếp sống đọa đày” ngay trên quê hương mình, bất chấp những trở ngại, những sách nhiễu và cả những sự bắt bớ, tù tội bởi nhà cầm quyền cộng sản này.
Bên Nhau Đi Nốt Cuộc Đời là bản trường ca thắm đượm tình lân ái. Bên Nhau Đi nốt cuộc đời không phải là sự kéo lê những phần thân thể còn sót lại trong một cuộc đời đầy tủi nhục và nước mắt, của những người bị chế độ cộng sản này, hay sự hắt hủi và vô cảm của những kẻ chỉ biết sống ích kỷ và hưởng thụ. Nhưng là sự đồng hành dấn mình vào trong cuộc, một cuộc chiến còn gay gắt hơn cả sự sống còn, để làm sáng tỏ giá trị nhân sinh cao cả của những con người – những người con Đất Việt; khí tiết công dân, là “người một nhà” của một dân tộc hào hùng vượt trên mọi thể chế cầm quyền.
Bên Nhau Đi Nốt Cuộc Đời như thế, trở nên là sự đóng góp nhỏ bé của những người Thiện Tâm, cho sự xây dựng và phát triển một quê hương Việt Nam trường tồn và nhân ái.
Lm. Giuse Ngô Văn Kha, DCCT
Bài liên quan:
Sáng sớm nay (08.01.2019) nhà cầm quyền tiếp tục phá nhà dân tại Vườn Rau Lộc Hưng, Sài Gòn
Cưỡng chế vườn rau Lộc Hưng: Chốn nào dung thân?
Lời kinh của bà con vườn rau Lộc Hưng, Sài Gòn
Bà con Vườn Rau Lộc Hưng: Đã tan cửa nát nhà – Chẳng còn gì nữa để xem!
Lời Cầu Nguyện Từ Vườn Rau Lộc Hưng