14 ngày cách ly, 14 ngày bước vào sa mạc nội tâm – Ngày 2: Cám dỗ trong sa mạc

(1) Ngày thứ nhất: Cùng với Chúa Giê-su trong Sa mạc: Thực hiện cuộc tĩnh tâm cá nhân trong thời gian “cách ly toàn xã hội”

NGÀY II: CÁM DỖ TRONG SA MẠC

Duc Trung Vu Cssr

Dẫn nhập: Sau ngày tĩnh tâm đầu tiên, bạn đã có ít nhiều kinh nghiệm thiêng liêng nhưng ắt hẳn cũng gặp phải rất nhiều trở ngại phải không? Có thể bạn đang ngồi thinh lặng, hàng xóm lại nổi hứng hát Karaoke. Có thể bạn đang hồi tâm, bỗng chuông điện thoại đổ dồn. Cũng có thể bạn chiêm niệm “sâu” quá đến nỗi ngủ thiếp đi lúc nào không biết. Đừng lo lắng, cứ nhẩn nha, qua mỗi ngày bạn sẽ có thêm kinh nghiệm để giữ thinh lặng bên ngoài và cả thinh lặng nội tâm. Nên nhớ rằng tĩnh tâm là thao luyện tâm linh nên cần một quá trình rèn luyện.

Cấu trúc của ngày thứ 2 và cả những ngày tiếp theo sẽ tương đối giống ngày đầu tiên. Tôi hi vọng sau khi thực hành phương pháp tĩnh tâm này nhiều lần, bạn sẽ quen thuộc và thành thạo với cách tĩnh tâm cá nhân này. Hệ quả tất yếu, tôi hi vọng đời sống tâm linh của bạn cũng được trở nên phong phú hơn.

Ngày thứ 2, tôi muốn bạn tiếp tục dừng lại ở hai trích đoạn Kinh Thánh: đoạn Tin mừng Lu-ca 4:1-4 và Thánh vịnh 121. Chúng ta sẽ luyện tập lại chương trình ngày đầu tiên một lần nữa.

Điểm khác nhau với ngày hôm qua là chúng ta sẽ dừng lại ở chi tiết: “tên quỷ cám dỗ” thách thức Đức Giê-su biến đá sỏi thành bánh mỳ để xoa dịu cơn đói đang hành hạ Ngài.

Chúng ta hãy khởi động tâm hồn trước khi bước vào sa mạc nội tâm trong ngày hôm nay.

1. Chuẩn bị cầu nguyện

Ngồi xuống một cách thoải mái, thả lỏng cơ thể. Hãy để bản thân bạn thư giãn. Nhìn xung quanh căn phòng, nơi sẽ là “sa mạc tâm linh” của bạn trong kì tĩnh tâm này. Nhìn qua khung cửa sổ để thấy thế giới xung quanh bạn. Hãy để Thiên Chúa bước vào căn phòng và bước vào cuộc đời của bạn.

2. Dâng Chúa những nguyện ước

Bằng vài từ ngắn gọn hoặc bằng một hình ảnh nào đó, bạn có thể diễn tả bạn cảm thấy thế nào lúc này không? Bạn mong muốn Thiên Chúa sẽ đồng hành với bạn như nào trong ngày hôm nay? Hãy cầu xin Ngài mở lòng mở trí bạn, để bạn đón nhận bất kì điều gì Ngài gửi đến cho bạn.

3. Cầu nguyện

Lạy Chúa, xin giúp con mở lòng ra với Chúa, ngay bây giờ và trong suốt ngày hôm nay. Con tin rằng Ngài hiện diện ở mọi nơi, xin cho con cảm nhận được Ngài đang hiện diện với con lúc này đây. Xin cho con luôn nhớ rằng Ngài yêu thương và muốn ở bên con. Amen.

4. Đoạn Tin Mừng để cầu nguyện trong ngày

(Lu-ca 4, 1-4)
1 Đức Giê-su được đầy Thánh Thần, từ sông Gio-đan trở về.2 Suốt bốn mươi ngày, Người được Thánh Thần dẫn đi trong hoang địa và chịu quỷ cám dỗ. Trong những ngày ấy, Người không ăn gì cả, và khi hết thời gian đó, thì Người thấy đói.3 Bấy giờ, quỷ nói với Người: “Nếu ông là Con Thiên Chúa thì truyền cho hòn đá này hoá bánh đi! “4 Nhưng Đức Giê-su đáp lại: “Đã có lời chép rằng: Người ta sống không chỉ nhờ cơm bánh.”

Thánh Vịnh 121

ĐỨC CHÚA là Đấng bảo vệ Dân

Ca khúc lên Đền.
Tôi ngước mắt nhìn lên rặng núi,
ơn phù hộ tôi đến tự nơi nao?

Ơn phù hộ tôi đến từ ĐỨC CHÚA
là Đấng dựng nên cả đất trời.

Xin Đấng gìn giữ bạn đừng để bạn lỡ chân trật bước,
xin Người chớ ngủ quên.

Đấng gìn giữ Ít-ra-en,
lẽ nào chợp mắt ngủ quên cho đành!

Chính CHÚA là Đấng canh giữ bạn,
chính CHÚA là Đấng vẫn chở che,
Người luôn luôn ở gần kề.

Ngày sáu khắc, vầng ô không tác hoạ,
đêm năm canh, vành nguyệt chẳng hại chi.

CHÚA giữ gìn bạn khỏi mọi điều bất hạnh,
giữ gìn cho sinh mệnh an toàn.

CHÚA giữ gìn bạn lúc ra vào lui tới,
từ giờ đây cho đến mãi muôn đời.

5. Gợi ý suy niệm

Trong thời gian cách ly này, chúng ta có rất nhiều thời gian.

Kỳ nghỉ bất đắc dĩ lôi chúng ta ra khỏi quỹ đạo của vòng xoay cuộc sống thường nhật. Không còn phải vội vàng đến công sở, vội vàng đi đón con, vội vàng đi chợ, vội vàng ăn cơm, vội vàng gặp người này người kia … Kỳ nghỉ này khác hẳn với kỳ nghỉ Tết. Tết nghỉ làm, nhưng chúng ta lại có trăm ngàn mối lo: lo tết bên nội, tết bên ngoại, tết sếp lớn, sếp bé … ôi thôi là đủ thứ đau đầu.

Kỳ cách ly dài ngày này buộc chúng ta ở nhà, không đi ra ngoài, không giao tiếp xã hội. Nó cho phép chúng ta có thời gian suy nghĩ về cuộc đời và tương lai. Đã bao ngày tháng chúng ta quay cuồng trong vòng xoáy của cuộc đời, thì đây, đây là lúc chúng ta được mời gọi suy nghĩ về giá trị cuộc sống này.

Bước vào sa mạc, Chúa Giê-su cũng có kinh nghiệm như vậy. Trước khi bước vào đời sống hoạt động công khai, Ngài bị thử thách bởi cơn đói. Sau bốn mươi ngày chay tịnh, cái đói dằn vặt đến quằn quại nơi thân xác. Qua một tiếng thì thào, quỷ thúc giục Đức Giê-su sử dụng quyền năng Thiên Chúa để biến sỏi đá xung quanh thành bánh ăn nuôi xác. Nếu là tôi, có lẽ tôi nghĩ : “Hợp lí quá ! Đang đói mà, mình có dư khả năng mà, tội gì. Ôi, cái cơn cám dỗ sao mà khó cưỡng lại đến vậy?” Nhưng với Đức Giê-su, Ngài đặt cả tương lai của mình trong câu trả lời. Với Ngài, ở đây có hai lựa chọn: Hoặc chọn lối sống thoải mái tiện nghi hay là chọn bước theo con đường Thiên Chúa dẫn đi.

Trong cảnh cách ly này, chúng ta sẽ ý thức rõ hơn những nhu cầu, những cơn đói mà ngày thường mình không để ý đến. Chúng ta có thể bực dọc khi không thể đi ra ngoài phố làm li cà phê. Hoặc, chúng ta có thể lo lắng về thu nhập, về những dự tính tương lai, về con cái, về sức khỏe.

Hãy dừng lại, hãy suy nghĩ về những điều đang khiến chúng ta bận tâm. Liệu hạnh phúc của chúng ta phụ thuộc vào đẳng cấp và vị trí trong xã hội ư?

Hôm nay, khi cầu nguyện, chúng ta hãy để những nỗi lo lắng, những nhu cầu này nổi lên trên bề mặt như Chúa Giê-su đã làm khi Ngài kết thúc 40 ngày chay tịnh. Cùng với Giê-su, hãy trả lời thành thật với bản thân: Điều gì quan trọng hơn sối thoải mái tiện nghi?

6. Cầu nguyện như nào

Chọn cách cầu nguyện phù hợp với bạn nhất.

Nếu bạn cầu nguyện về cơn cám dỗ của Chúa Giê-su trong sa mạc, hãy đọc đoạn Kinh Thánh đó vài lần một cái chậm rãi, để chìm đắm trong câu chuyện. Sau đó, hãy tưởng tượng khung cảnh qua ánh mắt của Giê-su. Tưởng tượng ra cơn đói và nỗi âu lo của Ngài sau 40 ngày chay tịnh. Hãy so sánh điều Ngài có thể trải qua với điều bạn cảm nhận trong thời gian cách ly này. Hãy nói chuyện với Ngài như thể nói với một người bạn thân.

Cầu nguyện với Thánh vịnh 121 nếu bạn thấy có ích. Ngẫm đi ngẫm lại những hình ảnh trong Thánh vịnh.

Có thể bật những bản nhạc nhẹ không lời để giúp bạn cầu nguyện dễ hơn.

7. Cầu nguyện kết thúc

Lạy Thiên Chúa giàu lòng thương xót, xin đồng hành với con trong thời gian khó khăn nơi sa mạc này. Xin an ủi những âu lo và những cơn đói khát trong con. Xin giúp con nhận ra điều gì quan trọng nhất trong đời.

Xin Ngài cũng nâng đỡ những người khác đang cách ly trong thời gian dịch bệnh. Cảm ơn Chúa vì món quà là những người yêu thương con và những người mà con thương yêu. Trong những ngày này, xin bày tỏ cho con thấy Ngài yêu thương con dường nào, và giải thoát con để con yêu thương Ngài sâu đậm hơn nữa. Con cầu xin Ngài nhờ Đức Ki-tô Chúa chúng con.

8. Lượng giá việc cầu nguyện 

Dành vài phút để nhìn lại quá trình bạn cầu nguyện. Đừng lo lắng vì bạn thấy chưa tốt. Thay vào đó, hãy xem lại những chỗ nào mà con tim bạn bị khuấy động – vì yêu thương, vì tức giận, vì âu lo hay bất kì cảm xúc nào khác. Dâng những lúc lo ra, chia trí này lên cho Chúa. Nếu được, hãy viết ra giấy điều bạn muốn viết.

BAN TỐI

1. Nhận thức sự hiện diện của Thiên Chúa

Hãy cảm ơn Chúa vì Ngài dẫn đưa bạn suốt ngày hôm nay. Nhớ lại những sự kiện đã xảy ra trong ngày. Ngày hôm nay có thể nặng nề và không suôn sẻ với bạn. Hãy xin Chúa giúp bạn nhìn nhận mọi việc bằng ánh mắt của Ngài.

2. Chú ý đến cảm xúc

Thần Khí Thiên Chúa hoạt động trong từng sự thay đổi của cảm xúc trong con tim. Nhìn nhận lại ngày hôm nay của bạn như một cuốn phim tua chậm lại. Bạn đã trải qua những cảm xúc nào trong suốt ngày hôm nay. Buồn chán? Phấn khởi? Bực bội? Thương xót? Giận dữ? Tự tin? Vui mừng? Những cảm xúc này đến từ đâu? Chúa muốn nói gì với bạn qua những cảm xúc này?

3. Chọn một khoảnh khắc trong ngày và sống lại giây phút đó

Cầu nguyện với Thánh Thần để Ngài hướng dẫn bạn chọn một cảm xúc tác động mạnh đến bạn trong ngày hôm nay: cảm xúc yêu thương, buồn chán, tức giận, thanh bình hay giận ghét … Đó có thể là một cuộc gặp gỡ quan trọng với một người khác, hoặc một giây phút sống động của sự bình an. Hoặc có thể một thứ gì đó, không quan trọng lắm, nhưng đụng chạm đến con tim bạn, một bông hoa, một nhánh cây ngọn cỏ chẳng hạn. Hãy để bạn đón nhận dòng chảy cảm xúc một cách tự nhiên nhất – dù bạn thấy biết ơn hay tiếc nuối, vui mừng hay tức giận.

4. Trông đợi ngày mai

Hãy xin Chúa hướng dẫn bạn vượt qua những thử thách của ngày mai. Chú ý đến cảm xúc xuất hiện khi bạn hình dung chuyện gì sẽ xảy ra ngày hôm sau. Bạn nghi ngờ? Hân hoan? Hay lo sợ? Hãy dùng những cảm xúc này làm chất liệu cầu nguyện. Xin Chúa chỉ dẫn, xin ơn hiểu biết hoặc ơn hi vọng, và lạc quan.

5. Kết thúc cuộc trò chuyện với Giê-su.

Hãy xin ơn chữa lành, xin Chúa bảo vệ, trợ giúp hoặc ban cho bạn ơn khôn ngoan để giải quyết những khó khăn bạn gặp phải. Tạ ơn Chúa vì món quà sự sống, và tạ ơn Chúa vì những người thân yêu bên cạnh bạn.

Nguồn: https://www.pray.com.au/
Chuyển ngữ: Duc Trung Vu, C.Ss.R

 

(1) Ngày thứ nhất: Cùng với Chúa Giê-su trong Sa mạc: Thực hiện cuộc tĩnh tâm cá nhân trong thời gian “cách ly toàn xã hội”

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai.