Gửi tới quý vị và các bạn bài viết của linh mục Phêrô Nguyễn Văn Khải, Dòng Chúa Cứu Thế. Bài viết liên quan đến cuộc chiến tranh Việt Nam 1954 – 1975, cách riêng biến cố ngày 30 tháng 4 năm 1975 để chúng ta, nhất là những người trẻ ngày nay có cái nhìn chính xác về biến cố đã xảy ra cách đây 46 năm trên quê hương đất nước chúng ta nhưng còn để lại nhiều viết thương chưa được chữa lành. Bài viết được cha Phêrô Khải thực hiện vào ngày 30.4.2020, xin được đăng lại:
30 THÁNG 4 – GỌI TÊN CUỘC CHIẾN
Cuộc chiến Việt Nam 54-75 được gọi tên thế nào? Càng ngẫm nghĩ càng thấy phức tạp và khó có một tên gọi duy nhất phản ảnh được đầy đủ bản chất, các phương diện và các yếu tố liên quan đến cuộc chiến Việt Nam.
1. Báo chí Tây Phương thường gọi là “Chiến tranh Việt Nam” hoặc “Cuộc chiến tranh Đông Dương lần 2”. Đây là cách gọi theo nơi chốn diễn ra chiến tranh. Cách gọi này chung chung, không phản ánh được bản chất cuộc chiến.
2. Một số nhà nghiên cứu ở Tây phương gọi là “cuộc chiến tranh ủy nhiệm”. Theo họ cuộc chiến ở Việt Nam là cuộc đối đầu giữa hai khối Tư bản tự do và Cộng sản độc tài mà đại diện Hoa Kỳ và Nga-Tầu. Thay vì hai bên đánh nhau trực tiếp thì họ dùng Việt Nam làm chiến trường để giải quyết mâu thuẫn và ủy nhiệm cho các bên ở Việt Nam tiến hành chiến tranh thay họ. Theo đó, Hoa Kỳ và các đồng minh đã ủy nhiệm cho Việt Nam Cộng Hòa trong khi đó Nga -Tầu đã ủy nhiệm cho Việt Nam Dân Chủ Cộng Hòa.
Cách gọi tên này phản ánh quan hệ quốc tế thời chiến tranh lạnh, nhưng nhưng rất ít đúng, vì không coi Việt Nam Dân Chủ Cộng Hòa và Việt Nam Cộng Hòa là những chủ thể quan trọng nhất, trực tiếp nhất và có tính quyết định nhất của cuộc chiến.
3. Nga-Tầu gọi tên cuộc chiến thế nào? Miền Bắc Cộng Sản rất đói nghèo, trong khi Miền Nam thì ấm no, tự do và và hạnh phúc. Để tiến đánh Miền Nam, Miền Bắc Cộng Sản phải có sự đồng ý của Nga -Tầu và phụ thuộc chủ yếu vào viện trợ của Nga-Tầu, nhất lầ về quân trang và quân dụng. Ý định của Nga -Tầu can dự có chủ đích vào cuộc chiến ở Việt Nam là hiển nhiên. Đối với họ cuộc chiến tranh này là gì? Họ gọi tên cuộc chiến thế nào?
Tôi không biết. Tôi chưa được đọc tài liệu nào nói về vấn đề này. Tuy nhiên, tôi đi học ở Việt Nam, tôi luôn thấy chế độ cộng sản Việt Nam công khai tự nhận và tuyên truyền cho mọi người rằng: “Việt Nam là một bộ phận của Cộng sản Quốc tế”, rằng cuộc chiến tranh mà họ tiến hành ở Miền Nam là một phần quan trọng của “cuộc cách mạng vô sản trên toàn thế giới”, etc. Chính vì vậy mà Tổng Bí thư Lê Duẩn nói: “Ta đánh Mỹ là đánh cho Liên Xô, Trung Quốc”, đồng thời Cộng sản Việt Nam coi việc chiếm được Miền Nam là một “thắng lợi của phong trào cách mạng vô sản trên toàn thế giới.” Đối với Nga-Tầu và Miền Bắc đấy là cuộc chiến vì ý thức hệ cộng sản.
4. Hoa Kỳ gọi tên cuộc chiến thế nào? Cộng sản cướp được chính quyền ở Nga năm 1917 và mở rộng quyền lực sang các nước Đông Âu và Bắc Hàn từ năm 1945. Đến năm 1949 Cộng sản chiếm được trọn nước Tầu lục địa, đẩy Trung Hoa Dân Quốc của Tưởng Giới Thạch ra đảo Đài Loan, và đến năm 1954 thì Cộng sản “chiếm” được Miền Bắc Việt Nam.
Hoa Kỳ và các nước đồng minh lo rằng cứ đà đấy thì cộng sản sẽ chiếm nốt Nam Việt Nam, rồi chiếm Đông Nam Á và các vùng đất khác cứ thế rơi vào tay Cộng sản như quân cờ domino sụp đổ, etc. Từ đó họ coi việc giúp Miền Nam là một phần của chiến lược ngăn chặn sự bành trướng của cộng sản nhằm bảo vệ thế giới tự do. Đối với họ cuộc chiến Việt Nam là một cuộc CHIẾN TRANH NGĂN CHẶN.
5. Chế độ Cộng sản Việt Nam gọi cuộc chiến họ tiến hành ở Miền Nam là “CUỘC CHIẾN TRANH GIẢI PHÓNG DÂN TỘC và THỐNG NHẤT ĐẤT NƯỚC”.
Gọi là “chiến tranh giải phóng dân tộc” là sai, vì lúc bấy giờ ở Miền Bắc cũng như Miền Nam không bị thế lực ngoại xâm nào thống trị. Thực tế Miền Nam là một quốc gia độc lập và dân chủ. Nếu người cộng sản coi Miền Nam bị Hoa Kỳ thống trị thì người quốc gia ở Miền Nam cũng có thể coi Miền Bắc bị Nga-Tầu thống trị và tiến hành “giải phóng” Miền Bắc vậy sao?
Gọi là “chiến tranh thống nhất đất nước” cũng không đúng, vì thực tế là người dân Việt Nam bấy giờ theo các xu hướng chính trị khác nhau. Hiệp định Genève được ký kết nhằm tôn trọng quyền tự quyết dân tộc của người Việt: những người theo chủ nghĩa quốc gia lập nên chế độ Việt Nam Cộng Hòa ở Miền Nam, những người theo cộng sản lập nên nước Việt Nam Dân Chủ Cộng Hòa ở Miền Bắc. Đó là hai quốc gia, hai chủ thể được công nhận và bình đẳng trong quan hệ quốc tế.
Nếu gọi là “chiến tranh thống nhất đất nước” thì có nghĩa là công khai thừa nhận việc xâm lược chủ quyền quốc gia và quyền tự quyết dân tộc của một nửa số người Việt Nam còn lại. Miền Bắc Cộng sản gây chiến tranh ở Miền Nam và gọi đó là “chiến tranh thống nhất đất nước” như thế là ngụy hiện cho hành vi xâm lược của mình. Nếu được phép làm vậy thì Miền Nam Cộng Hòa cũng có quyền đưa quân ra xâm lược Miền Bắc và cũng có quyền gọi tên cuộc xâm lược Miền Bắc của mình là “thống nhất đất nước” sao? Không! Điều đó không đúng và Việt Nam Cộng Hòa không làm!
Vì vậy, cái gọi là “CUỘC CHIẾN TRANH GIẢI PHÓNG DÂN TỘC và THỐNG NHẤT ĐẤT NƯỚC” thì chỉ là cách chế độ Cộng sản Miền Bắc ngụy biện cho hành động xâm lược và thôn tính Miền Nam Cộng Hòa là một quốc gia hợp pháp, có chủ quyền được thế giới công nhận nhiều hơn nước VNDCCH ở Miền Bắc.
6. Việt Nam Cộng Hòa gọi cuộc chiến chống cộng sản xâm lược của mình là “CUỘC CHIẾN TRANH BẢO VỆ TỰ DO”. Việt Nam Cộng Hòa hiểu rằng quốc gia của mình là một phần của thế giới tự do và họ tự hào rằng chế độ cộng hòa ở Miền Nam là chế độ dân chủ và người dân có quyền tự do. Họ hiểu rằng Cộng sản xâm nhập Miền Nam và nếu cộng sản thôn tính được Miền Nam thì người dân sẽ mất tự do. Vậy họ coi việc đứng lên ngăn chặn làn sóng xâm lăng của cộng sản và bảo vệ Miền Nam là góp phần bảo vệ thế giới tự do đồng thời bảo vệ giá trị lớn nhất mà nền dân chủ ở Miền Nam mang lại cho người dân ấy là TỰ DO, vì vậy họ gọi tên là “CUỘC CHIẾN BẢO VỆ TỰ DO”.
Cách gọi tên này gắn với chính sách ngăn chặn của Hoa Kỳ và chưa phản ảnh được đấy đủ bản chất cuộc chiến từ vị trí và vai trò của Việt Nam Cộng Hòa.
7. Nhiều người gọi cuộc chiến tranh kia ở Việt Nam kia là một “cuộc nội chiến”, hay một “cuộc chiến tranh huynh đệ tương tàn”, vì đây là cuộc chiến tranh diễn ra trên đất Việt và giữa người Việt vời nhau. Tuy nhiên, cách gọi này cũng chỉ đúng phần nào, vì cách gọi này đánh đồng các bên tham chiến. Trong khi đó, trên thực tế phát động cuộc chiến là Chế độ Cộng sản Miền Bắc và thực tế chỉ có Miền Bắc đưa quân vào đánh chiếm Miền Nam. Miền Nam không hề có ý định hay hành động đánh chiếm Miền Bắc. Hoa Kỳ trợ giúp Miền Nam; không lực Hoa Kỳ và không lực Miền Nam có ném bom Miền Bắc cũng chỉ nhằm ngăn chặn hành động Miền Bắc đưa quân xâm lược Miền Nam mà thôi. Miền Bắc trong cuộc chiến là bên gây chiến, bên đi xâm lược. Miền Nam là bên bị tấn công, bị xâm lược. Bởi vậy gọi là nội chiến hay huynh đệ tương tàn là không công bằng, không phản ánh được chính xác bản chất của cuộc chiến tranh.
GỌI THẾ NÀO CHO ĐÚNG NHẤT?
Nếu coi nước Việt Nam Dân Chủ Cộng Hòa ở Miền Bắc và nước Việt Nam Cộng Hòa ở Miền Nam là hai chủ thể quan trọng nhất của cuộc chiến thì phải gọi tên cuộc chiến mà mỗi bên tiến hành thế nào cho đúng nhất?
Theo hiệp định Genève được ký kết năm 1954 Việt Nam chia thành hai Miền: Miền Nam cho những người có tinh thần quốc gia dân tộc. Miền Bắc cho những người cộng sản. Miền Nam lập nên nước Việt Nam Cộng Hòa theo thể chế dân chủ. Miền Bắc lập nên nước Việt Nam Dân Chủ Cộng Hòa, theo chế độ chuyên chính vô sản, nghĩa là độc tài cộng sản. Ai muốn theo phía quốc gia thì vào Nam. Ai muốn theo phe cộng sản thì ra Bắc. Thời hạn 300 ngày để mỗi người chọn đất sống.
Sau đó từ năm 1959 Miền Bắc cho làm đường Trường Sơn và dùng đất Lào và Cambodia để đưa quân đội vào Miền Nam, tiến hành đánh chiếm Miền Nam, gây ra hàng triệu cái chết của đồng bào Miền Nam và cuối cùng năm 1975 chiếm được toàn bộ Miền Nam, xóa bỏ quốc gia Việt Nam Cộng Hòa, một chủ thể được quốc tế công nhận, tước đoạt quyền tự quyết của một nửa số người Việt Nam từ mấy chục năm trước đã chọn đi theo chủ nghĩa quốc gia, không theo chủ nghĩa cộng sản. Vậy phải gọi cuộc chiến do Chế độ Cộng sản Việt Nam gây ra ở Miền Nam là CUỘC CHIẾN TRANH XÂM LƯỢC, nhằm THÔN TÍNH nước Việt Nam Cộng Hòa và XÓA BỎ QUYỀN TỰ QUYẾT của người dân sống ở Miền Nam. Vậy về phía Miền Bắc Cộng sản đấy là một CUỘC CHIẾN PHI NGHĨA.
Thực tế khi đã chiếm được Việt Nam Cộng Hòa, trong khi đối xử với người dân ở Miền Nam, CHẾ ĐỘ CỘNG SẢN VIỆT NAM ĐÃ THỂ HIỆN ĐÚNG BẢN CHẤT XÂM LƯỢC, THÔN TÍNH, THỐNG TRỊ VÀ CƯỚP BÓC chứ hoàn toàn không có tý gì gọi là “giải phóng dân tộc” ở Miền Nam cả!
Những gì diễn ra từ 30 tháng 4 năm 75 đến nay chứng minh điều đó. Người Miền Bắc cũng không được lợi gì trong cuộc chiến này. trái lại họ cũng bị đẩy vào cuộc chiến với rất nhiều đau thương và mất mát. Dân tộc và đất nước Việt Nam xét như một toàn thể cũng không lợi gì lúc đó cũng như hiện nay và trong tương lai. Vì cuộc chiến đã làm tổn hại nguyên khí và sức mạnh của cả dân tộc, biến Việt Nam thành con nợ của Tầu Cộng và thêm lệ thuộc Tầu Cộng về chính trị, quân sự, kinh tế lẫn văn hóa, và mở đường cho Tầu Cộng thôn tính đất đai và biển đảo của Việt Nam. Chỉ có tầng lớp lãnh đạo của Đảng Cộng sản Việt Nam được cái lợi trước mắt và Tầu Cộng được cái lợi trước mắt và lợi lâu dài. Bởi thế đối với cả dân tộc và đất nước Việt Nam nó là cuộc chiến tranh phi nghĩa tự bản chất.
TRÁI LẠI, khi Miền Bắc Cộng Sản đưa quân vào đánh chiếm Miền Nam, gây ra hàng triệu cái chết của đồng bào Miền Nam, làm đảo lộn đời sống thanh bình và thịnh vượng của người dân Miền Nam, thì người dân ở Miền Nam đã đứng lên bảo vệ đời sống, bảo vệ quốc gia và chế độ dân chủ tự do của họ. Vậy đúng nhất phải gọi tên cuộc chiến này là CUỘC CHIẾN TRANH CHỐNG CỘNG SẢN XÂM LƯỢC, NHẰM BẢO VỆ ĐỘC LẬP của Việt Nam Cộng Hòa và BẢO VỆ QUYỀN TỰ DO VÀ TỰ QUYẾT của người dân Miền Nam. Vậy đối với Việt Nam Cộng Hòa đấy là CUỘC CHIẾN CHÍNH NGHĨA.
Đích thị người Việt mình, “bên thắng cuộc” cũng như “bên thua cuộc”, phải gọi tên cuộc chiến như vậy mới diễn tả đúng bản chất của cuộc chiến tranh, từ đó mới giúp ta hiểu đúng lịch sử và rút ra được những bài học bổ ích trong hiện tại và tương lai của dân tộc./.
Ottawa 30.04.2020
Lm. Phêrô Nguyễn Văn Khải CSsR
PS. Nói với các em, các cháu: Hồi anh đi học ở Việt Nam, từ bậc tiểu học đến bậc cao học, từ Hà Nội đến Sài Gòn, chưa bao giờ anh thấy một thầy cô giáo dạy sử hay sách vở tài liệu nào do nhà nước Việt Nam xuất bản lại bàn đến vấn đề tên gọi cuộc chiến tranh Việt Nam. Anh đoán có lẽ phần lớn các thầy cô giáo dạy sử ở VN do bị nhồi sọ từ bé nên họ chỉ nói theo như cái máy đấy là “cuộc chiến tranh giải phóng dân tộc và thống nhất đất nước”. Một số ít đã ý thức về vấn đề này nhưng vì miếng cơm manh áo và sự an toàn của bản thân nên đành phải im lặng. Vậy các em, các cháu và các bạn trẻ nên có đầu óc phản tỉnh, đừng ăn phải bả độc tuyên truyền của chế độ cộng sản đến nỗi để mình bị lừa và bị xỏ mũi dắt đi như trâu bò. Cần phải gia công tìm hiểu sự thật vì như Chúa nói: “Sự thật sẽ giải thoát anh em”./.