Có những lý do chính đáng để có thể phá bỏ một công trình xây dựng, một tu viện, một ngôi nhà thờ lên đến hàng trăm tuổi (xuống cấp không sửa được hay có sửa thì rất tốn kém hơn xây mới, vì không gian quá hẹp để đáp ứng nhu cầu sử dụng…)
Tuy vậy, mời quý vị và các bạn đọc bài viết của tác giả Hoàng Hương trên trang motthegioi trong một cái nhìn khác liên quan đến ngôi nhà thờ Chính Tòa Giáo Phận Bùi Chu để chúng ta hiểu hơn về bối cảnh xã hội mà con người quan tâm nhiều đến giá trị thời gian, văn hóa…
…..
Thông tin từ trang web của Giáo phận Bùi Chu cho biết nhà thờ Bùi Chu có tuổi 134 năm – ngang ngửa tuổi nhà thờ Đức Bà ở Sài Gòn (năm 1880) và nhà thờ Lớn Hà Nội (1886), sẽ bị hạ giải vào ngày 13.5 để xây nhà thờ mới.
Sẽ đập bỏ trong hơn chục ngày tới
Bản tin ngày 17.4.2019 của Giuse Văn Nhân mang tiêu đề Lễ Truyền dầu năm nay sẽ được tổ chức ở đâu? đăng trên website mang tên Giáo phận Bùi Chu (gpbuichu.org) cho biết: Theo dự kiến của Đức cha, nhà thờ Chính tòa sẽ được hạ giải vào ngày 13.5.2019.
“Có thể nói đây là lần cuối cùng các tín hữu sẽ được dự lễ tại nhà thờ Chính tòa cổ kính, gắn chặt với những thăng trầm của đời sống đức tin giáo phận suốt trên 130 năm.
Hy vọng anh chị em tín hữu sẽ về tham dự thánh lễ thật đông đảo vừa để một lần nữa được chiêm ngắm nhà thờ mẹ của Giáo phận đã đứng đó để yêu thương con cái giáo phận suốt 134 năm, cầu nguyện cho các cha được trung thành với sứ mạng linh mục và nhất là cầu nguyện cho việc tái thiết thánh đường mới được diễn tiến và hoàn thành trong bình an tốt đẹp” – Giuse Văn Nhân viết.
Không cứu được?
Nhà nghiên cứu Phan Cẩm Thượng mới đây cũng xác nhận thông tin nhà thờ Bùi Chu sắp bị đập bỏ.
Trước đó, ông Phan Cẩm Thượng cho biết ông mới có chuyến về thăm nhà thờ Bùi Chu. Ông đánh giá nhà thờ rất đẹp, có giá trị kiến trúc và giá trị lịch sử quý giá, rất cần được bảo tồn.
Ông Thượng chia sẻ một số dự định nhằm cứu nhà thờ này khỏi số phận đị đập bỏ, nhưng sau đó ông lắc đầu nói “không cứu được, không có cách nào”.
Theo ông Thượng, hiện nay chỉ có 4 nhà thờ ở Việt Nam nằm trong danh sách được bảo vệ là nhà thờ Phát Diệm ở Ninh Bình, nhà thờ Đức Bà ở TP. HCM, nhà thờ Lớn và nhà thờ Cửa Bắc ở Hà Nội.
Trong đó, mới chỉ có nhà thờ Phát Diệm đã được xếp hạng Di tích lịch sử văn hóa cấp quốc gia năm 1988. Nhà thờ Đức Bà Sài Gòn thì nằm trong danh mục Kiểm kê di sản của TP.HCM.
Theo ông Thượng, một khi các nhà thờ chưa được xếp hạng di tích các cấp thì sẽ không được bảo vệ theo Luật Di sản văn hóa và việc bảo vệ hay phá bỏ các nhà thờ sẽ hoàn toàn thuộc quyền của giáo dân và các cha xứ.
Theo quy định của pháp luật hiện nay thì quy trình xếp hạng một di tích được thực hiện “từ dưới lên”, nghĩa là các chủ thể của công trình kiến trúc nào đó phải trình hồ sơ lên các cấp có thẩm quyền theo quy định để xin công nhận di tích, chứ cơ quan nhà nước không thể chủ động xếp hạng di tích cho công trình nào.
Các chuyên gia đồng loạt lên tiếng
Mấy hôm nay, thông tin cảnh báo về việc nhà thờ Bùi Chu sắp bị đập bỏ được lan truyền mạnh mẽ trên mạng xã hội Facebook. Khởi đầu từ bài đăng trên tài khoản Facebook của ông Martin Rama – cố vấn cao cấp tại Ngân hàng Thế giới và Giám đốc dự án tại Trung tâm Phát triển đô thị bền vững thuộc Viện Hàn lâm khoa học xã hội Việt Nam – và tài khoản Facebook của ông Vũ Minh Quang (Minh Quang Vu) – Đại sứ Việt Nam tại Campuchia, thông tin đã được lan truyền trên nhiều tài khoản Facebook của các kiến trúc sư, các nhà nghiên cứu và cả những công chúng yêu di sản.
Ông Martin Rama đã đăng tải một bức ảnh nhà thờ Bùi Chu của nhà nhiếp ảnh Nguyễn Hữu Bảo (Hà Nội) với dòng chữ “Sẽ bị phá hủy vào ngày 13 tháng 5”.
Đại sứ Vũ Quang Minh ngoài việc giới thiệu bài báo của ông Martin Rama thức tỉnh người Việt khi “khóc” cho nhà thờ Đức Bà Paris thì cũng nên “khóc” cho nhà thờ Bùi Chu sắp bị đập bỏ, còn đưa ra một số đề xuất với các cơ quan chức năng của Việt Nam.
Ông Vũ Quang Minh cho rằng Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch cùng các nhà bảo tồn văn hóa Việt cần khẩn trương xem lại chính sách bảo tồn và phân loại các di sản hiện hành, không thể chỉ quan tâm tới các di tích “đã xếp hạng”
Quan trọng hơn, đừng để chủ sở hữu có quyền đăng ký bảo tồn hay không, mà đó phải là quyết định của một hội đồng các nhà bảo tồn, từ trên xuống.
“Chúng ta hiểu sửa chữa bảo tồn sẽ khó khăn hơn nhiều so với đập đi xây mới lại, và chưa kể, có thể còn có nhiều lợi ích khác nữa nếu xây mới. Nhưng những công trình như thế này không còn thuộc sở hữu và quyền sinh sát của riêng cá nhân ai hoặc nhóm người nào, dù là giáo xứ” – Đại sứ Vũ Quang Minh viết.
Trong khi đó, KTS Sơn Đặng cũng bày tỏ ý kiến của mình trên trang Facebook cá nhân của mình liên quan tới số phận của nhà thờ Bùi Chu.
Trong bài viết của mình, ông đồng tình với ý kiến của ông Martin Rama trong bài báo mà đại sứ Vũ Quang Minh nhắc tới, đó là tập hợp các tòa kiến trúc đáng chú ý như các nhà thờ công giáo ở miền Bắc Việt Nam hoàn toàn có thể khát vọng lọt vào danh sách Di sản thế giới của UNESCO. Nếu chúng được bảo vệ và cải tạo đúng cách, chúng sẽ trở thành một mạch du lịch hấp dẫn và mang lại thu nhập cao hơn cho người dân địa phương.
Nhà thờ giáo họ Phêrô xây từ năm 1888 cũng đã hạ giải Cũng trên trang của Giáo phận Bùi Chu, trong bài viết Họ Phêrô, Tứ Trùng hạ giải nhà thờ của Linh mục Giuse Nguyễn Văn Toanh, ngày 3.9.2017 cũng cho biết một nhà thờ khác, Nhà thờ giáo họ Phêrô được xây từ năm 1888 cũng cùng chung số phận. Linh mục Giuse Nguyễn Văn Toanh viết: “Giáo họ Phêrô, giáo xứ Tứ Trùng, giáo hạt Tứ Trùng đã tổ chức thánh lễ tạ ơn và cầu bình an cho việc hạ giải nhà thờ cũ và khởi công xây nhà thờ mới vào lúc 09 giờ 30 Chúa Nhật, ngày 03 tháng 09 năm 2017. Nhà thờ giáo họ Phêrô được xây dựng từ năm 1888 . Trải qua thời gian dài cùng với thời tiết khắc nghiệt miền Bắc dù đã được tu sửa nhiều lần, song nhà thờ đã không còn an toàn cho giáo dân mỗi khi đến thờ phượng Chúa, tham dự phụng vụ, nhất là diện tích nhà thờ cũ quá nhỏ không đáp ứng được nhu cầu của giáo dân đến tham dự thánh lễ. Vì thế, ai ai cũng mong ước có một nhà thờ mới, rộng rãi khang trang hơn, đáp ứng được nhu cầu của giáo họ. Do đó, khi bàn bạc và quyết định khởi công xây nhà thờ mới, ai cũng nhiệt thành ủng hộ” |
Ông Sơn lấy ví dụ: Khi đến thăm Bolivia ông đã được chào 1 tour có tên là Jesuit Missions Circuit đi thăm liên tuyến các nhà thờ được xây dựng từ thế kỷ 17-18.
Theo ông, về mặt hình ảnh kiến trúc, chuỗi các nhà thờ được xếp hạng di sản quốc tế UNESCO này khó mà so với chuỗi nhà thờ cổ của miền Bắc nước ta.
“Ở một nước nghèo và lạc hậu như Bolivia, những di sản nho nhỏ được trùng tu và bảo quản cẩn thận, được cộng đồng giáo dân chăm chút, và thu được tiền từ du lịch rất ổn. Rất đáng tiếc, Việt Nam và các giáo xứ miền Bắc lại chọn một cách khác. Sau nhà thờ Trà Cổ 162 năm tuổi bị đập bỏ, nay đến lượt nhà thờ Bùi Chu 134 năm tuổi sắp bị chính giáo xứ quyết định san phẳng để xây mới”, KST Sơn Đặng bày tỏ nỗi thất vọng.
Theo ông Sơn, tất cả những lý do mà người ta đưa ra để đập bỏ các nhà thờ này như công trình cũ nát, xuống cấp và cần một nhà thờ rộng hơn… đều là “nghĩ quẩn”.