Tri thức và khôn ngoan

Tri thức (hoặc kiến thức) gồm các dữ kiện, thông tin, cách mô tả, kỹ năng nhờ trải nghiệm cuộc sống hoặc được giáo dục. Vô tri bất mộ. Người ta yêu mến vì đã biết rõ và tin tưởng. Và đó là khôn ngoan.

Nhưng thế nào là khôn ngoan và khôn ngoan là gì? Kinh Thánh cho biết: “Bước đầu để đạt tới Đức Khôn Ngoan là thật lòng ham muốn học hỏi. Chăm lo học hỏi là yêu mến Đức Khôn Ngoan. Mà yêu mến là tuân giữ lề luật. Chú tâm tới lề luật của Đức Khôn Ngoan là bảo đảm được trường sinh bất tử.” (Kn 6:17-18) Các đạo sĩ thực sự là những con người có tri thức và khôn ngoan.

Sự khôn ngoan là một nhân đức cần thiết: “Đức Khôn Ngoan là kho báu vô tận cho con người. Chiếm được Đức Khôn Ngoan là được nên bạn hữu với Thiên Chúa, và được Người tin cậy, vì đã tiếp nhận những lời dạy dỗ bảo ban.” (Kn 7:14) Nhiều vấn đề có liên đới với nhau: “Kẻ có lương tri là có nguồn sự sống, sự dại khờ là hình phạt kẻ ngu si. Trí khôn ngoan làm miệng nên khéo léo và thêm sức thuyết phục cho đôi môi.” (Cn 16:22-23) Kinh Thánh còn cho biết điều lạ lùng: “Sự khôn ngoan làm cho người khôn mạnh hơn cả mười thủ lãnh trong thành.” (Gv 7:19) Không thể sống thiếu khôn ngoan, vậy thì chắc chắn phải tìm kiếm, bởi vì “trí khôn ngoan là cội rễ không thể nào hư hoại.” (Kn 3:15)

Các đạo sĩ đã quyết định tìm kiếm Nguồn Mạch của Đức Khôn Ngoan khi nhận biết điều kỳ diệu từ Ngôi Sao Lạ. Họ mau mắn lên đường dù biết sẽ gặp gian khó trên hành trình đức tin, và lòng thành của họ đã được đền đáp: Gặp được chính Thiên Vương Giêsu. Họ đã quên mình và tiến dâng Ngài những gì quý giá nhất trên đời này.

Người ta biết nhờ học hỏi và tìm hiểu, nhưng biết gì thì thực sự là vấn đề. Cái cần biết thì không biết, cái không cần biết thì lại biết. Hiểu biết điều hay thì tốt, hiểu biết điều xấu thì nguy hiểm – trức tiên là hại chính mình.

Chắc hẳn Hêrôđê là người hiểu biết, nhưng lại hiểu biết những thứ xấu xa. Ông không thật lòng muốn gặp Chúa bởi vì ông độc ác, nham hiểm, ích kỷ, tham quyền cố vị, ưa hình thức, trọng địa vị, khoái chức tước, thích quyền lực để hành hạ người khác. Có quyền hành mà hèn hạ, sợ người khác lấn quyền nên sát hại cả những trẻ thơ vô tội, thậm chí ông giết cả con trai của mình vì sợ nó chiếm ngôi báu. Vô cùng hèn hạ và độc ác!

Từ hàng ngàn năm trước, Thiên Chúa Cha đã hứa ban Ngôi Con, và nay đã ứng nghiệm: Ngôi Hai mặc xác phàm làm người ở giữa nhân loại. Ngài làm người để chia ngọt sẻ bùi với thân phận con người của nhân loại, và Ngài muốn tỏ mình ra cho muôn dân nhận biết Ngài, thế nhưng người nhà lại không chịu đón nhận Ngài khi Ngài đến nhà mình. (Ga 1:11)

Phàm nhân chúng ta chỉ là những kẻ nô lệ tội lỗi, nhưng số phận của chúng ta được chính Đức Giêsu đến biến đổi, và chúng ta còn được trở nên con cái của Thiên Chúa. Ngôn sứ Isaia kêu gọi: “Đứng lên, bừng sáng lên! Vì ánh sáng của ngươi đến rồi. Vinh quang của Đức Chúa như bình minh chiếu toả trên ngươi. Kìa bóng tối bao trùm mặt đất, và mây mù phủ lấp chư dân; còn trên ngươi, Đức Chúa như bình minh chiếu tỏa, vinh quang Người xuất hiện trên ngươi.” (Is 60:1-2) Đó là Ánh Sáng vinh quang của Thiên Chúa, là chính Đức Kitô giáng sinh tại Belem năm xưa, và từ nay, Ánh Sáng đó luôn chiếu tỏa khắp nơi, khiến bóng tối phải lùi bước mọi nơi và mọi lúc.

Chúng ta không chỉ được giải thoát và trở nên con cái của Thiên Chúa, mà còn được Ngài quan tâm, chăm sóc, nâng niu, chiều chuộng,… Quả thật, chúng ta không thể không vui mừng hớn hở với tâm hồn rạo rực. Thật diễm phúc biết bao!

Vì thế, “chư dân sẽ đi về phía ánh sáng của ngươi, vua chúa hướng về ánh bình minh của ngươi mà tiến bước. Đưa mắt nhìn tứ phía mà xem, tất cả đều tập hợp, kéo đến với ngươi: con trai ngươi từ phương xa tới, con gái ngươi được ẵm bên hông.” (Is 60:3-4) Trong số chư dân đó có chúng ta, những con dân nước Việt bé nhỏ, và trong số những người Việt, chúng ta lại được diễm phúc làm con cái của Thiên Chúa. Ánh Sáng Đức Kitô đã và đang chiếu sáng khắp đất nước hình chữ S thân yêu của dân Việt, không ngoại trừ ai.

Từ ngàn xưa, ngôn sứ Isaia tiên báo: “Trước cảnh đó, mặt mày ngươi rạng rỡ, lòng ngươi rạo rực, vui như mở cờ, vì nguồn giàu sang sẽ đổ về từ biển cả, của cải muôn dân nước sẽ tràn đến với ngươi. Lạc đà từng đàn che rợp đất, lạc đà Mađian và Êpha: tất cả những người từ Sơva kéo đến, đều mang theo vàng với trầm hương, và loan truyền lời ca tụng Đức Chúa.” (Is 60:5-6) Và rồi điều đó đã ứng nghiệm một cách kỳ diệu.

Nhận biết là điều không dễ, không phải cứ thấy là biết, nhìn ngoài mà có biết trong? Hài Nhi sinh ra nơi hang chiên lừa hôi tanh trong đêm tối ở cánh đồng hoang vu Belem kia lại chính là Tân Vương Nhi, là Thái Tử của Thiên Hoàng, ai thực sự tin? Dù người ta có tin hay không thì Ngài vẫn là Ngài, chính Ngài đến để giao hòa đất với trời, đồng thời cũng để “xét xử dân Ngài theo công lý, và bênh vực quyền lợi kẻ nghèo hèn.” (Tv 72:6)

Các vua chúa trần gian đi đâu cũng được tiền hô hậu ủng, kẻ hầu người hạ, nhưng Thiên Vương Giêsu lại khác, Ngài đến để phục vụ chứ không được ai phục vụ, Ngài “đến không để kêu gọi người công chính mà để kêu gọi người tội lỗi sám hối ăn năn,” (Lc 5:32) Ngài “đến để tìm và cứu những gì đã mất,” (Lc 19:9) và Ngài “đến để cho con người được sống dồi dào.” (Ga 10:10) Phong cách và hành động của Ngài có vẻ “lập dị” lắm, nhân loại không thể hiểu hết, thậm chí có những người không muốn hiểu. Bởi vì Ngài thấu suốt mọi sự, biết rõ tư tưởng của bất kỳ ai, Ngài cũng nói thẳng: “Tư tưởng của Ta không phải là tư tưởng của các ngươi, và đường lối của các ngươi không phải là đường lối của Ta.” (Is 55:8)

Tuy nhiên, triều đại của Ngài luôn “đua nở hoa công lý và thái bình thịnh trị tới ngày nao tuế nguyệt chẳng còn,” (Tv 72:7) để rồi “mọi quân vương phủ phục trước bệ rồng, muôn dân nước thảy đều phụng sự.” (Tv 72:11) Hài Nhi nơi máng cỏ là Vua các vua, Chúa các chúa, nhưng Ngài vô cùng nhân từ, luôn theo sát đồng bào, luôn tận tụy với đám dân nghèo, đặc biệt là cương quyết bảo vệ công lý và chân lý. Ngài không chỉ tay năm ngón, sai người khác làm, Ngài trực ngôn và hành động cụ thể để “giải thoát bần dân kêu khổ và kẻ khốn cùng không chỗ tựa nương, chạnh lòng thương ai bé nhỏ khó nghèo. Mạng sống dân nghèo, Ngài ra tay tế độ.” (Tv 72:12-13)

Vương Quốc của Ngài là Vương Quốc Hòa Bình, mọi công dân đều sống trong cảnh thái an, vô ưu, vô sầu, và tận hưởng niềm hạnh phúc đích thực mãi mãi.

Người ta tuôn đến từ mọi miền, ngay cả những vùng sâu xa nhất, từ “các hải đảo xa xăm, hàng vương giả sẽ về triều cống Ngài, những vua chúa cũng đều tới tiến dâng lễ vật, mọi quân vương phủ phục trước bệ rồng, muôn dân nước thảy đều phụng sự” (Tv 72:10-11). Đức Kitô là Vua Công Lý, “Ngài giải thoát bần dân kêu khổ và kẻ khốn cùng không chỗ tựa nương, chạnh lòng thương ai bé nhỏ khó nghèo. Mạng sống dân nghèo, Người ra tay tế độ.” (Tv 72:12-13) Đó là điều mà Giáo Hội luôn quan tâm, được trình bày qua Giáo huấn Xã hội Công giáo thời Đức Leo XIII (1810-1903), nhất là từ Công Đồng Vatican II.

Như để giải thích, Thánh Phaolô nói: “Hẳn anh em đã được nghe biết về kế hoạch ân sủng mà Thiên Chúa đã uỷ thác cho tôi, liên quan đến anh em. Ngài đã mặc khải để tôi được biết mầu nhiệm Đức Kitô như tôi vừa trình bày vắn tắt trên đây.” (Ep 3:2-3) Tông truyền là một trong bốn đặc tính của Giáo hội Công giáo, và đó cũng là mối dây liên kết các chi thể trong Nhiệm Thể Đức Kitô, đồng thời cũng là tình liên đới với nhau – kể cả với người khác đạo.

Thánh nhân nói rõ: “Mầu nhiệm này, Thiên Chúa đã không cho những người thuộc các thế hệ trước được biết, nhưng nay Ngài đã dùng Thần Khí mà mặc khải cho các thánh Tông Đồ và ngôn sứ của Ngài. Mầu nhiệm đó là: trong Đức Kitô Giêsu và nhờ Tin Mừng, các dân ngoại được cùng thừa kế gia nghiệp với người Do-thái, cùng làm thành một thân thể và cùng chia sẻ điều Thiên Chúa hứa.” (Ep 3:5-6) Vì thế, chúng ta không có lý do gì để ỷ lại hoặc kỳ thị bất kỳ ai.

Theo lời kể của Thánh Mátthêu trong Mt 2:1-12, khi Đức Giêsu ra đời tại Bêlem, miền Giuđê, thời vua Hêrôđê trị vì, có mấy nhà chiêm tinh từ phương Đông đến Giêrusalem, và hỏi: “Đức Vua dân Do-thái mới sinh, hiện ở đâu? Chúng tôi đã thấy vì sao của Người xuất hiện bên phương Đông, nên chúng tôi đến bái lạy Người.” Lúc đó, vua Hêrôđê thấy đáng quan ngại, ngay lập tức ông triệu tập tất cả các thượng tế và kinh sư trong dân, rồi hỏi cho biết Đấng Kitô phải sinh ra ở đâu. Họ trả lời: “Tại Bêlem, miền Giuđê.” Đúng như trong sách ngôn sứ có chép rõ ràng: “Phần ngươi, hỡi Bêlem, miền đất Giuđa, ngươi đâu phải là thành nhỏ nhất của Giuđa, vì ngươi là nơi vị lãnh tụ chăn dắt Israel dân Ta sẽ ra đời.”

Vốn tính nham hiểm, ông bí mật vời các nhà chiêm tinh đến, hỏi cặn kẽ về ngày giờ ngôi sao đã xuất hiện, rồi phái các vị ấy đi Bêlem và dặn: “Xin quý ngài đi dò hỏi tường tận về Hài Nhi, và khi đã tìm thấy, xin báo lại cho tôi, để tôi cũng đến bái lạy Ngài.” Nghe có vẻ rất tử tế. Nhưng không thể nghe, mà phải nhìn. Hêrôđê là con cáo già, đểu thật chứ không đểu giả, lọc lừa và mánh khóe một cách tinh vi, người khác khó có thể nhận ra.

Động thái của cáo già Hêrôđê nhắc nhở chúng ta về lời nói và hành động, liệu có gì “lệch pha” chăng? Theo bản chất, ai cũng nói hay về mình, muốn chứng tỏ mình tốt lành, nhất là khi đang lập mưu thâm kế độc. Lời nói lúc này “ngọt” hơn cả mía lùi. Đáng sợ lắm!

Các đạo sĩ cứ tưởng ông vua này tốt bụng nên họ vui mừng lên đường, nhưng chẳng có con cáo nào hiền từ. Ông ta chỉ muốn bảo vệ “cái ghế toàn năng” của mình mà thôi.

Khi ra khỏi hoàng cung, họ lại thấy ngôi sao mà họ đã thấy ở phương Đông. Họ đi theo hướng ánh sao và tới đúng nơi cần đến. Vào trong hang đá, thấy Hài Nhi với thân mẫu là bà Maria, họ liền sấp mình thờ lạy Hài Nhi. Họ chân thành và nỗ lực tìm gặp Chúa Giêsu, và họ đã được gặp. Họ tin và can đảm ra đi, tránh người xấu như Hêrôđê, sống tốt lành và hành động tích cực.

Thiết tưởng sống tốt không chỉ là làm lành và lánh dữ, mà còn phải tích cực hành động, bảo vệ công lý cho tha nhân. Các đạo sĩ là bài học về sự cảnh giác, trong thời đại mà sự ác không ngừng hoành hành như loại đại dịch nguy hiểm vậy. Hèn nhát là động thái tồi tệ, vì Kinh Thánh nói: “Khốn thay những tâm hồn HÈN NHÁT, những bàn tay rã rời, và người tội lỗi lập lờ nước đôi.” (Hc 2:12)

Lạy Thiên Chúa, xin soi sáng để chúng con không lạc đường khi tìm kiếm Ngài, xin giúp chúng con nhận biết chính mình để không ảo tưởng, và xin ban ơn khôn ngoan để chúng con phân định đúng Thánh Ý Ngài. Lạy Mẹ Maria và Thánh Giuse, xin giúp chúng con sống ngay thẳng, không nhìn người khác bằng nhãn quan suy diễn hoặc định kiến. Chúng con cầu xin nhân danh Thánh Tử Giêsu Kitô, Đấng Cứu Độ duy nhất của nhân loại. Amen.

TRẦM THIÊN THU