Tạ ơn 50 năm linh mục Phêrô Nguyễn Thành Tâm, C.Ss.R

Ngày lễ tạ ơn 50 năm Linh mục của cha Phêrô Nguyễn Thành Tâm, Dòng Chúa Cứu Thế được tổ chức tại  lầu 2, nhà nguyện Giêrađô, trong tòa nhà Nhà Sách Đức Mẹ 38 Kỳ Đồng. Hiện diện trong Thánh lễ có: cha Giám Tỉnh DCCT; cha Giuse Đỗ Đình Tư, Giám đốc Học Viện DCCT, giảng lễ; bốn cha phó xứ Giáo xứ Đức Mẹ Hằng Cứu Giúp; một số cha trong DCCT; đặc biệt có cha Rôcô Nguyễn Duy, Thư ký Ủy Ban Thánh Nhạc trực thuộc Hội Đồng Giám Mục Việt Nam; một số rất ít thân nhân là khách mời; còn lại là các cựu Huynh trưởng và các cựu Thiếu Nhi; khoảng 20 tu sĩ là sinh viên Học viện DCCT.

Không gian tổ chức Thánh lễ rất đơn giản, khiêm tốn nhưng không kém phần trang trọng và ấm cúng, lý giải của Ban Tổ Chức là cha Phêrô không đồng ý cho tổ chức rềnh rang và chỉ bằng lòng theo hình thức này vào những ngày gần đây.

Nội dung bài giảng cha Giuse Đỗ Đình Tư ca tụng quyền năng của Thiên Chúa khi sử dụng cha Phêrô với sứ vụ linh mục để rao giảng và đào tạo những con người cống hiến cho Giáo Hội, đặc biệt là các thiếu nhi và các bạn trẻ. Thánh ca Vào đời đã là một ơn gọi, một con đường mà Cha Phêrô dấn thân với tất cả các nét độc đáo, khai phá và thăng tiến. Ca tụng và ngợi khen Chúa, tri ân cha Phêrô một người cha, một người thầy tận tụy không mệt mỏi suốt 42 năm cho đàn chiên của mình.

Mặc dù tuổi cao, sức yếu, nhiều lúc trong Thánh lễ ngỡ tưởng cha không thể thực hiện được các động tác phụng vụ, tuy nhiên cha Phêrô Thành Tâm đã dâng trọn vẹn một Thánh lễ sốt sắng, nghiêm trang và thánh thiện, trong cả Thánh lễ ngài không nói riêng một lời nào mà chỉ để tâm vào chính hành vi tế lễ.

Kết thúc Thánh lễ, Ban Tổ Chức đã xin cha Giám Tỉnh trao cho cha Phêrô “Phép lành Tòa Thánh” do một người con của cha Phêrô đang làm việc tai Rôma đứng xin.

15 phút giải lao cùng với phần ăn nhẹ, phần hai được diễn ra tại khán phòng An Phong lầu 3 cũng trong tòa nhà Nhà Sách Đức Mẹ.

Trong khi mọi người chờ một chương trình văn nghệ với các tác phẩm thánh nhạc của cha Phêrô được trình bày như xưa nay vẫn thường thực hiện, Ban Tổ Chức đã dẫn dắt cả khán phòng sang một trạng thái khác, một buổi chia sẻ về sự nghiệp linh hướng, đào tạo và chữa lành của một người cha, người thầy và là của một thừa sai Dòng Chúa Cứu Thế, Linh mục Phêrô Thành Tâm.

Qua cha Phêrô đã có những gia đình Công giáo bền vững, thủy chung (anh Giuse Phạm Văn Khương là đại diện), những con người dấn thân trong môi trường giáo dục, giúp hướng dẫn giáo lý Dự tòng, hôn nhân, và tham gia trong Hội đồng Mục vụ Giáo xứ (Chị Kim Anh là đại diện). Tuy nhiên trong hàng ngũ con cái của Cha cũng đã có những con người rơi vào tình trạng đổ vỡ, có lúc đã thất vọng hoàn toàn, Thiên Chúa đã dùng những lời giáo huấn xưa của Cha, những ca từ trong một bản thánh ca của Cha, họ đã được chữa lành và tìm lại được sức sống (Chị Nhi là đại diện).

Bốn người là đại diện cho cả một gia đình mang tên THÀNH TÂM, hiện diện trên sân khấu tượng trưng cho các nốt nhạc bổng trầm thăng hoa (Cha Giuse, anh Phạm Khương, và chị Kim Anh) mà Chúa đã dệt lên trong cuộc đời của Cha, nốt lặng (chị Nhi) đã giữ vai trò chứng nhân mạnh mẽ của Tình yêu và quyền năng của Thiên Chúa cho Cha Phêrô và cho mọi người chúng ta khi nhận mình là nốt lặng trong cuộc đời của Bố. Anh Phạm Văn Khương đại diện cho các anh chị thế hệ đầu của Bố nêu ý muốn tiếp tục con đường của Bố để đồng hành cùng với các anh chị em của mình, cách riêng các bạn trẻ, trước là trong đại gia đình có tên là THÀNH TÂM, sau là mở ra cho cộng đoàn dân Chúa. Anh tiết lộ, hai chữ “ĐỒNG HÀNH” được đề nghị bởi Đức Thánh Cha trong các Tông Huấn, đặc biệt Tông Huấn Niềm Vui của Tình Yêu làm nền tảng cho năm thánh gia đình năm nay (2021-2022).

Buổi họp mặt được kết thúc bằng phần TRI ÂN BỐ. Cha Gioakim Quang Minh, người anh linh mục lớn nhất trong số các linh mục hiện diện, cùng với đại diện các thành phần là con cái của cha Phêrô, đặc biệt có các bạn Cựu Huynh Trưởng người Dân Tộc về từ Tây Nguyên, nói lời cám ơn Cha Phêrô, lời cám ơn ngắn ngủi nhưng chứa đựng tất cả lòng biết ơn của nhiều thế hệ con cái ngài, và cả những ai qua con cái của ngài mà được thụ hưởng, muốn nói nhiều hơn nhưng từ đầu Cha Phêrô đã không cho phép nói về ngài. Những nụ cười, những tấm hình kỷ niệm níu kéo cha Phêrô và níu kéo các thành viên con cái ngài như muốn đêm họp mặt dài hơn, bởi không biết có còn cơ hội nào để họp mặt với Bố nữa không.

Chúng tôi phải cố gắng lắm mới ghi được những bước chân của cha Phêrô khả kính ở những ngày tháng hôm nay, những bước chân nặng nhọc khi ngài trở về tu viện, đó là lý do mà chúng tôi nhận định “không biết có còn cơ hội nào để họp mặt với Bố nữa không”.

Người làm phóng sự xin chân thành xin lỗi cha Phêrô về những thước phim quay lén Cha.

Huyền Trang