Sứ điệp của Đức Thánh Cha Phanxicô nhân dịp kỉ niệm 150 năm ngày Thánh Anphongsô được tôn phong lên hàng Tiến sĩ Hội Thánh

Chuyển ngữ: Duc Trung Vu, CSsR

Một trăm năm mươi năm trước đây, vào ngày 23 tháng 3 năm 1871, Đức Thánh Cha Pi-ô IX đã công bố Thánh An-phong-sô Ma-ri-a De Ligouri là Tiến sĩ Hội Thánh.

Sắc lệnh tuyên bố khi ấy đã làm nổi bật tính chất đặc biệt của những đóng góp về luân lý và linh đạo của thánh nhân, ngài đã chỉ ra “con đường đảm bảo giữa đống lộn xộn của những ý kiến trái chiều đến từ trường phái khắt khe và trường phái nới lỏng.”

Một trăm năm mươi năm sau sự kiện vui mừng này, thông điệp của Thánh An-phong-sô, quan thầy của các cha giải tội và các nhà thần học luân lý, và mẫu gương cho toàn thể Giáo hội lên đường truyền giáo, vẫn mạnh mẽ chỉ ra đại lộ để dẫn đưa các tâm hồn tới gần dung nhan Chúa Cha vẫn hằng ân cần chờ đợi, bởi lẽ “ơn cứu độ Thiên Chúa ban cho chúng ta là công trình của lòng thương xót của Người” ( EG 112 ).

Lắng nghe hiện thực cuộc sống

Phương pháp làm thần học của Thánh An-phong-sô nảy sinh từ việc lắng nghe và chấp nhận những yếu đuối của những anh chị em bị bỏ rơi nhất về khía cạnh tâm linh. Vị Thánh Tiến sĩ, vốn được đào tạo trong một nền luân lý hà khắc, đã hoán cải để trở về với “lòng nhân từ” nhờ việc lắng nghe hiện thực của cuộc sống.

Kinh nghiệm thừa sai nơi những vùng ngoại biên, tìm kiếm những người khô khan nguội lạnh và lắng nghe các hối nhân, thành lập và hướng dẫn Hội Dòng mới hình thành, cộng thêm những trách nhiệm của một giám mục, đã đưa ngài trở thành một người cha và một người thầy đầy lòng nhân từ, bởi lẽ “Thiên đàng hiện diện trong trái tim của con người.”

Sự hoán cải dần dần tới các công việc mục vụ truyền giáo, khả năng gần gũi với mọi người, đồng hành với họ, và chia sẻ cuộc sống với họ cho dù đang phải đối diện với những thử thách và giới hạn to lớn; đã thúc đẩy Thánh An-phong-sô duyệt xét lại ngay cả những nền tảng thần học và luật pháp mà ngài đã tiếp nhận trong những năm tháng được đào tạo; khởi đầu được đánh dấu bởi một sự nghiêm khắc nhất định, sau đó chuyển dần sang lối tiếp cận năng động, giàu lòng thương xót; một động lực loan báo Tin mừng đầy lôi cuốn. Dĩ nhiên, đây không phải là một công việc dễ dàng.

Trong những thảo luận thần học, thiên về lí trí hơn quyền lực, thánh nhân không dừng lại ở các xây dựng lý thuyết cho các nguyên tắc, mà còn cho phép mình bị chất vấn bởi chính cuộc sống. Bênh vực những người nhỏ bé nhất, yếu đuối nhất và cả những người bị xã hội loại trừ, ngài bảo vệ quyền lợi của hết thảy mọi người, nhất là những người nghèo và bị bỏ rơi hơn cả. Lối tiếp cận này đã đưa ngài tới quyết định dứt khoát là đặt mình phục vụ các tâm hồn đang tìm kiếm điều đúng đắn phải làm, để trung thành với ơn gọi nên Thánh, ngay cả giữa muôn ngàn khó khăn.

Do đó, Thánh An-phong-sô không hề cứng nhắc, cũng không hề dễ dãi. Ngài là con người thực tế theo đúng nghĩa Ki-tô giáo, bởi vì ngài hiểu rất rõ rằng “đời sống cộng đoàn và gắn bó với tha nhân là trọng tâm của Tin Mừng”( EG 177 ).

Việc loan báo Tin Mừng trong một xã hội đang thay đổi nhanh chóng đòi hỏi lòng can đảm để lắng nghe thực tế, để “huấn luyện các tâm hồn suy nghĩ theo một cách khác, trái ngược với quá khứ” [3].

Mọi hoạt động mục vụ đều có nguồn gốc từ cuộc gặp gỡ có tính chất cứu độ với Thiên Chúa trong cuộc đời, được sinh ra từ việc lắng nghe cuộc đời, và được nuôi dưỡng bởi một suy tư thần học có thể tiếp nhận những câu hỏi do con người đặt ra và vạch ra những lối đi khả thi. Dựa trên gương mẫu của Thánh An-phong-sô, tôi mời gọi các nhà thần học luân lý, các nhà thừa sai và các cha giải tội bước vào mối tương quan sống động với dân Chúa, và nhìn vào cuộc sống từ góc độ của họ, để hiểu những khó khăn thực sự mà họ gặp phải và giúp chữa lành những vết thương, bởi vì chỉ có tình huynh đệ chân thành mới “có khả năng nhìn thấy sự cao cả thiêng liêng nơi những người lân cận, và tìm thấy Thiên Chúa trong mỗi con người, khoan dung trước những phiền toái của cuộc sống chung bằng cách bám vào tình yêu Thiên Chúa, mở lòng đón nhận tình yêu thánh thiêng và tìm kiếm hạnh phúc cho những người khác, giống như Cha trên trời đã làm như vậy. ”(EG 92)

Trung thành với Tin Mừng, ước gì giáo huấn luân lý Kitô giáo được kêu gọi rao truyền, đào sâu và giảng dạy, luôn luôn là lời đáp trả cho “Thiên Chúa tình yêu, Đấng cứu độ chúng ta, để nhìn thấy Thiên Chúa nơi tha nhân và ra khỏi chính mình để tìm kiếm điều thiện lành cho tha nhân” ( EG 39). Thần học luân lý không thể chỉ phản ánh việc xây dựng các nguyên tắc, các luật lệ, nhưng cần phải chủ động về hiện thực cuộc sống, thứ vượt quá bất kỳ ý tưởng nào (xem EG 231). Điều này phải được ưu tiên (xem EG 34-39), bởi vì sự hiểu biết đơn thuần về các nguyên tắc lý thuyết, như chính Thánh Anphongsô đã nhắc nhở chúng ta, là không đủ để đồng hành và trợ giúp các tâm hồn trong việc phân định sự thiện cần làm. Cũng rất cần thiết phải để cho kiến thức trở thành thực tiễn thông qua việc lắng nghe và đón nhận những người bé nhỏ, những người yếu đuối và những người bị xã hội loại bỏ.

Những lương tâm trưởng thành cho một Giáo hội trưởng thành

Theo gương của Thánh An-phong-sô, người canh tân thần học luân lý, [4] chúng ta cần đồng hành và hỗ trợ những người bị tước bỏ đi mọi sự trợ giúp tâm linh trên con đường hướng tới ơn cứu độ. Không nên sử dụng Tin Mừng để chống lại sự yếu đuối của con người. Phải luôn tìm ra một con đường mang con người đến gần với Thiên Chúa, thay vì khiến họ trở nên xa cách Ngài, giống như Thánh An-phong-sô đã làm với các giáo huấn về luân lý và tâm linh của ngài. Điều này là do “phần lớn người nghèo có một sự cởi mở đặc biệt đối với đức tin; họ khát khao Thiên Chúa và chúng ta không được phép thất bại trong việc dẫn đưa họ tới tình bạn, ơn phúc và lời của Thiên Chúa; tới việc cử hành các bí tích và tới một hành trình lớn lên và trưởng thành trong đức tin. Lựa chọn ưu tiên của chúng ta dành cho người nghèo phải được chuyển thành một sự chăm sóc ưu tiên và đặc biệt về tôn giáo ”(EG 200).

Giống như Thánh Anphongsô, chúng ta được mời gọi hướng về dân chúng như một cộng đoàn tông đồ theo Chúa Cứu Thế giữa những người bị bỏ rơi. Việc tiếp cận với những người không có sự trợ giúp tinh thần này giúp vượt qua những đặc tính chủ nghĩa cá nhân và thúc đẩy một sự trưởng thành về mặt đạo đức để có khả năng lựa chọn điều tốt thật sự. Bằng cách huấn luyện các tâm hồn trở nên đầy trách nhiệm và giàu lòng thương xót, chúng ta sẽ có một Giáo hội trưởng thành có khả năng đáp ứng một cách xây dựng đối với những sự mong manh của xã hội, theo nhãn quan Nước Trời.

Tiếp cận với những người yếu đuối nhất có thể giúp chống lại “quy luật cạnh tranh sinh tồn của những người kẻ mạnh nhất”, trong đó “con người bị coi là những thứ hàng hóa tiêu dùng, sẽ được sử dụng và sau đó bị loại bỏ”, dẫn đến sự trỗi dậy của “nền văn hóa loại bỏ” (EG 53).

Trong giai đoạn này, xã hội đang phải đối mặt với vô số thách thức: đại dịch và những việc cần làm thời hậu Covid, sự chăm sóc cần được đảm bảo cho tất cả mọi người, bảo vệ sự sống, vấn đề trí tuệ nhân tạo, bảo vệ thiên nhiên, các mối đe dọa chống lại nền dân chủ, và sự cấp bách của tình huynh đệ. Khốn cho chúng ta nếu, trong nỗ lực truyền giáo này, chúng ta đã tách “tiếng kêu của người nghèo” [5] khỏi “tiếng kêu của trái đất” [6].

Thánh An-phong-sô, bậc thầy và là đấng bảo trợ các cha giải tội và các nhà luân lý, đã đưa ra những câu trả lời mang tính xây dựng cho những thách thức của xã hội trong thời đại của ngài, thông qua việc loan báo tin mừng một cách bình dân, cho thấy một phong cách thần học luân lý có khả năng kết hợp yêu cầu Tin Mừng và sự mong manh của phận người.

Tôi mời anh chị em noi gương Thánh Tiến sĩ và tiếp cận một cách nghiêm túc, ở cấp độ thần học luân lý, “tiếng khóc của Thiên Chúa, Đấng đang hỏi tất cả chúng ta:‘ Anh em của ngươi ở đâu? ’(St 4: 9). Anh chị em của ngươi, những người đang bị bắt làm nô lệ, họ đang ở đâu? Người anh chị em mà ngươi đang giết hại hàng ngày trong các nhà kho bí mật, trong các ổ mại dâm, nơi các trẻ em được sử dụng để ăn xin, trong việc bóc lột những người lao động không có giấy tờ, họ đang ở đâu? ” (EG 211).

Đối mặt với những thay đổi mang tính thời đại như ngày nay, chúng ta thấy có một nguy cơ rõ ràng, ấy là quyền lợi của những kẻ thống trị được đề cao, còn những người nhỏ bé thì bị lãng quên.

Việc huấn luyện lương tâm biết chọn điều thiện dường như là một mục tiêu không thể thiếu đối với mỗi tín hữu. Hãy dành không gian cho lương tâm – nơi mà tiếng nói của Thiên Chúa vang lên – để họ có thể thực hiện sự biện phân cá nhân của mình trong thực tại của cuộc sống (xem AL 37) là một nhiệm vụ huấn luyện mà chúng ta phải luôn luôn trung thành. Thái độ của người Samaritanô (Lc 10: 33-35), như tôi đã chỉ ra trong tông huấn Fratelli tutti, thúc đẩy chúng ta đi theo hướng này.

Thần học luân lý không được sợ hãi trong việc tiếp thu tiếng kêu của những người nhỏ bé nhất trên trái đất và biến nó thành của riêng mình. Bảo vệ phẩm giá của những người yếu đuối là một bổn phận luân lý không thể trốn tránh hay trì hoãn. Cần phải làm chứng rằng quyền luôn đôi với sự đoàn kết.

Tôi mời anh chị em, như Thánh Anphongsô đã làm, hãy hướng tới những anh chị em yếu đuối của xã hội chúng ta. Điều này đòi hỏi phải phát triển những suy tư thần học luân lý và công việc mục vụ có khả năng phục vụ thiện ích chung, và được bám rễ sâu trong lời rao giảng “Kerygma.” Đồng thời những suy tư và công việc ấy phải là những tiếng nói mạnh mẽ bảo vệ sự sống, hướng đến thiên nhiên và tình huynh đệ.

Nhân dịp đặc biệt này, tôi khuyến khích Dòng Chúa Cứu Thế và Học viện Giáo hoàng An-phong-sô, trung tâm đào tạo thần học và tông đồ chất lượng cao, hãy tham gia vào cuộc đối thoại mang tính xây dựng với mọi đòi hỏi của mọi nền văn hóa [7], để kiếm tìm những câu trả lời mang tính tông đồ, luân lý và tâm linh nhằm bảo vệ sự mong manh của phận người, dù biết rằng bước vào các cuộc đối thoại như vậy là chấp nhận tử đạo.

Nguyện xin Thánh An-phong-sô Ma-ri-a de ’Liguori và Đức Mẹ Hằng Cứu Giúp luôn là những người bạn đồng hành cùng cùng anh chị em.

————————————————-Rome, Saint John Lateran, ngày 23 tháng 3 năm 2021.[1] Pio IX, Acta Sancta Sedis, vol. VI, Typis Polyglottae Officinae S. C. De Propaganda Fidei, Romae 1871, 318.[2] A. de’ Liguori, «Modo di conversare alla familiare con Dio» in Opere ascetiche vol. I, CSSR, Roma 1933, 316.[3] Ibid., 221.[4] Cf. Giovanni Poalo II, «Spiritus Domini», in Enchiridium Vaticanum, vol. 10, Ed. Dehoniane, Bologna 1989, p. 1420. [cf. AAS79 (1987) pp. 1367-1368].[5] Cf. Laudato si’, n. 49.[6] Papa Francesco, «Progettare passi coraggiosi per meglio rispondere alle attese del popolo di Dio. Discorso di sua santità Papa Francesco» in Studia Moralia, 57/1 (2019) 13-16.[7] Querida Amazonia, n. 36.