“Chúa có thể gửi một linh mục đến với tôi sao?”

Vào một trong những ngày khốc liệt nhất ở mặt trận Nga, tôi hoàn toàn kiệt sức do phải làm việc với quá nhiều quân nhân bị thương và tử nạn. Hy vọng tranh thủ được một chút nghỉ ngơi để hồi sức, tôi bắt đầu đào một hố cá nhân ngay trong tầm quan sát của ‘đối phương’.

Vừa khi bắt đầu đào, tôi nghe một tiếng rên ở gần đó: “Cứu thương, cứu tôi với!” Xét theo tự nhiên con người và xét trong bối cảnh nhà binh, lúa ấy tôi có thể cho phép mình làm ngơ. Thứ nhất, vì tôi cảm thấy mình hoàn toàn kiệt sức; và thứ hai, con người đang kêu rên kia không phải là người của đơn vị tôi, không phài là “một người trong chúng tôi” !

Ảnh minh họa: Linh mục Luis Padilla tuyên úy cho quân đội đang đỡ một người lính bị thương trong cuộc chiến năm 1962 tại Venezuela. Nhiếm ảnh gia Hector Rondón Lovera.

Tuy nhiên, bất chợt tôi nhận thấy rõ rằng anh ta là “một người trong chúng tôi”, một người – như mọi người chúng ta – đang cần tôi trong tư cách là một linh mục. Tôi tập trung hết sức lực còn lại của mình, bò ra kiếm người lính ấy.

Mười phút sau, tôi tìm thấy anh ta giữa khoảng đồng trống, ngay trong tầm nhìn của lính Nga. Giờ đây nhớ lại, tôi vẫn còn ngạc nhiên không biết tại sao hôm ấy phía Nga đã không bắn tôi. Có lẽ họ nhận ra tôi là một lính cứu thương, và vì họ tôn trọng luật quốc tế nên tha mạng cho tôi. Đối với tôi, không bao giờ có chuyện phân biệt đối xử bên ta bên địch. Người linh mục không biết đến các vành đai phân cách; và người nhân viên cứu thương – do đặc tính công việc của mình – là người phục vụ kẻ khác không cần biết kẻ đó là ai.

Khi tôi tới chỗ người lính bị thương, tôi cố gắng giúp anh ta nhưng lập tức nhận ra rằng mình không thể làm gì để cứu sống anh ta được. Trong tâm trạng ân hận, tôi nói vói anh: “Là một nhân viên cứu thương, tôi đã đến quá trễ, nhưng trong tư cách là một linh mục, tôi đang có mặt ở đây kịp thời cho anh.”

Đôi mắt mở rộng với ánh nhìn ngạc nhiên, người lính hỏi: “Chúa có thể gửi một linh mục đế với một tội nhân như tôi sao?” Anh càng sửng sốt hơn nữa khi tôi cho biết rằng tôi có đem theo Mình Thánh Chúa cho anh làm của ăn đàng.

Về sau, khi tôi báo tin cho gia đình người lính ấy về cái chết của anh, một linh mục – là anh em họ của người quá cố – đã cho biết: “Thật là một phép lạ ! Anh ấy đã bỏ không lui tới nhà thờ kể từ khi xảy ra một vụ trong đó anh bị cha sở cư xử bất công một cách thậm tệ. Anh ấy đã không bao giờ trở lại – dù mẹ anh ấy vẫn không ngừng cầu nguyện đêm ngày cho anh được ơn trở lại.”

Một linh mục, nếu không phải là người cho người khác, thì linh mục ấy đang đi ngược lại ơn gọi của mình. Chỉ khi nào linh mục đáp ứng cho nhu cầu của con người trong bất cứ hoàn cảnh nào mình được mời gọi đáp ứng, thì linh mục mới khám phá ra căn tính đích thực của mình nơi Đức Ki-tô, Đấng là “Con Người”, Đấng mãi là “một người trong chúng ta”.

(trích sách Giáo hội cần loại linh mục nào? – Bernard Haring CSsR – trang 22-24)