Thuận ngôn nghịch nhĩ

Kẻ hảo ngọt không thích người thẳng tính, xưa nay vẫn vậy. Kinh Thánh nói: “Chúng ghét người sửa trị nơi cửa công và thù oán kẻ ăn ngay nói thật.” (Am 5:10) Thuận ngôn nghịch nhĩ – Lời thật mất lòng. Đó là một sự thật phũ phàng nhưng rất cần thiết cho cuộc sống, đặc biệt là đời sống Kitô hữu.

Thiên Chúa có nghiêm lệnh: “Đây là những điều các ngươi phải thi hành: Hãy nói thật với nhau; nơi cổng thành của các ngươi, hãy theo lẽ thật, lẽ công minh và sự ôn hoà mà xét xử. Chớ để lòng mưu điều ác hại nhau; đừng ưa chuộng thề gian, vì Ta ghét tất cả những điều đó.” (Dcr 8:16-17) Sách Huấn Ca khuyên: “Dù phải chết, con hãy phấn đấu cho sự thật, và Đức Chúa là Thiên Chúa sẽ bênh vực con.” (Hc 4:28)

Trong thời gian khổ sở vì dịch bệnh này, các phương tiện truyền thông “nóng lên” về chuyện những người có “máu lạnh” và vô cảm. Họ đã không giúp đỡ thì thôi, mà họ lại nhẫn tâm tìm tư lợi bằng cách cướp phần của những người nghèo khó. Vô cùng bất nhân. Những người có tật rất dễ giật mình bất cứ lúc nào, vì họ “yếu tim” lắm.

Chắc chắn rằng dù là ai thì cũng phải yêu thương, giữ Đạo Làm Người. Là Kitô hữu thì càng phải yêu thương nhiều hơn vì đã được Thiên Chúa xót thương. Không yêu thương là ích kỷ, là chống lại chính Thiên Chúa. Người đời cũng vẫn nói: “Không sợ người hại, mà chỉ sợ Trời hại.” Bất cứ ai không biết chạnh lòng trước cảnh khổ của người khác thì đều là kẻ bất hạnh. Càng bất hạnh hơn nếu người đó là người được giao trách nhiệm chăm sóc tha nhân.

Thời Cựu Ước, ngôn sứ Giêrêmia cho biết lời nguyền rủa của Thiên Chúa: “Khốn thay những mục tử làm cho đoàn chiên Ta chăn dắt phải thất lạc và tan tác.” (Gr 23:1) Mục tử PHẢI chăm sóc đoàn chiên. Đã không chu toàn trách nhiệm mà chỉ tìm cách “vỗ béo” mình, bằng cách này hay cách nọ, thì không chỉ bất xứng mà chỉ là mục tử giả, đáng nguyền rủa hơn nếu họ còn làm tản mác đoàn chiên của Chúa.

Trong bài “Cầu Nguyện với Chúa về Tình Hình Quỷ Dữ Lộng Hành Ngày Nay,” ĐGM G.B. Bùi Tuần chia sẻ: “Kinh nghiệm cho tôi thấy những gì Chúa phán đều đã xảy ra nhiều cách khác nhau. Có một số ít người được lãnh nhận chức thánh, do tranh đấu, do vận động, do mưu lược. Có nghĩa là đã có sự lừa dối trong việc trở thành mục tử. Mục tử giả bị Chúa gọi là kẻ trộm, kẻ cướp. Cũng có một số ít người vào chuồng chiên một cách đàng hoàng, nhưng không hy sinh cho đoàn chiên thì bị Chúa gọi là kẻ làm thuê. (x. Ga 10:12) Nghĩa là họ cũng có sự lừa dối trong trách nhiệm, một trách nhiệm đòi nhiều từ bỏ chính mình, vác thánh giá mà theo Chúa.” Sự thật vẫn thường hay phũ phàng như thế. Ai dám thay đổi, dám chấn chỉnh, dám nói thẳng nói thật? Người đó phải thực sự can đảm lắm mới dám. Không thiếu những kẻ tránh né, nịnh hót và phe cánh.

Thế kỷ I đã có vị mục tử đích thực là Thánh GH Grêgôriô (540?-604). Chính ngài đã thẳng thắn và cương quyết CÁCH CHỨC các linh mục bất xứng, CẤM lấy tiền từ nhiều loại lễ. Ngài lấy tiền của Tòa Thánh để giúp các tù nhân của Lombard, chăm sóc những người Do Thái bị hành hạ, giúp đỡ các nạn nhân bị dịch bệnh và nạn đói. Ngài nổi tiếng là nhà cải cách phụng vụ và củng cố tín lý. Khi Rôma bị tấn công, chính ngài đã dám đi đối chất với vua Lombard.

Sự thật thường gây mất lòng, vì nó chạm vào những gì nhạy bén nhất. Kẻ yếu bóng vía rất sợ sự thật. Thật đáng quan ngại về lời xác nhận của Thánh Phaolô: “Chính Satan cũng đội lốt thiên thần sáng láng! Vậy có gì là khác thường khi kẻ phục vụ đội lốt người phục vụ sự công chính.” (2 Cr 11:14-15)

Có những chữ bắt đầu bằng mẫu tự T rất kỳ diệu: Thật Thà, Thanh Thản, Từ Từ Truy Tìm, Thẳng Thắn Trách Tới Tấp, Triệt Tiêu Tụi Tà Tâm,… Thật vậy, chính Thiên Chúa đã tuyên án rạch ròi đối với các mục tử dỏm: “Chính các ngươi đã làm cho đoàn chiên của Ta phải tan tác; các ngươi đã XUA ĐUỔI và CHẲNG LƯU TAM gì đến chúng. Này Ta sẽ để ý đến các HANH VI GIAN AC của các ngươi mà TRỪNG PHẠT các ngươi. Chính Ta sẽ quy tụ đoàn chiên Ta còn sót lại từ khắp mọi miền Ta đã xua chúng đến. Ta sẽ đưa chúng về đồng cỏ của chúng; chúng sẽ sinh sôi nảy nở thật nhiều. Ta sẽ cho xuất hiện các mục tử để lãnh đạo chúng; họ sẽ chăn dắt chúng. Chúng sẽ không còn phải hãi hùng, kinh khiếp và bị bỏ rơi nữa.” (Gr 23:2-4)

Tối sợ sáng. Xấu sợ tốt. Dốt sợ giỏi. Lỏi sợ đầy. Giả sợ thật. Người nói thẳng sẽ khiến người nghe rát tai, thế nên người chói tai sẽ ghét người nói thật và tìm cách xa lánh, trù dập. Thường thì người ta thích “che chắn” cho nhau bằng nhiều kiểu tinh vi lắm – gọi là phe cánh, vây cánh, đồng bọn,… Rất khó phát hiện. Thời nay, những cái giả nhìn còn đẹp hơn cái thật – từ hàng hóa đến con người, chuyên gia còn khó phân biệt, huống chi người không chuyên. Nhưng rồi điều gì đến cũng đến, công lý mãi là công lý, sự thật mãi là sự thật: “Này, sẽ tới những ngày Ta làm nẩy sinh cho nhà Đa-vít một chồi non chính trực. Vị vua lên ngôi trị vì sẽ là người khôn ngoan tài giỏi trong xứ sở, vua sẽ thi hành điều chính trực công minh. Thời bấy giờ, Giuđa sẽ được cứu thoát, Israel được sống yên hàn. Danh hiệu người ta tặng vua ấy sẽ là: ‘Đức Chúa, sự công chính của chúng ta’.” (Gr 23:5-6)

Theo bí quyết của Chúa Giêsu, chúng ta rất cần xin ơn khôn ngoan để tỉnh táo và có thể “xem quả mà biết cây.” (x. Mt 12:33) Cuộc sống quá nhiêu khê, cả xã hội và Giáo Hội, chúng ta chỉ còn biết tín thác vào Thiên Chúa: “Chúa là mục tử chăn dắt tôi, tôi chẳng thiếu thốn gì. Trong đồng cỏ xanh tươi, Người cho tôi nằm nghỉ. Người đưa tôi tới dòng nước trong lành và bổ sức cho tôi. Người dẫn tôi trên đường ngay nẻo chính vì danh dự của Người.” (Tv 23:1-3) Miệng nói là một chuyện, tay làm hay không là chuyện khác. Kiểu Biệt Phái ở đâu cũng có.

Ai cũng sợ “hàng giả” – người và vật. Nhưng chúng ta có thể an tâm nếu chân thành tín thác vào Thiên Chúa: “Lạy Chúa, dầu qua lũng âm u con sợ gì nguy khốn, vì có Chúa ở cùng. Côn trượng Ngài bảo vệ, con vững dạ an tâm. Chúa dọn sẵn cho con bữa tiệc ngay trước mặt quân thù. Đầu con, Chúa xức đượm dầu thơm, ly rượu con đầy tràn chan chứa. Lòng nhân hậu và tình thương Chúa ấp ủ tôi suốt cả cuộc đời, và tôi được ở đền Người những ngày tháng, những năm dài triền miên.” (Tv 23:4-6) Có được Chúa không phải dễ, vì phải từ bỏ chính mình, từ bỏ những gì phù phiếm, xa hoa, ích kỷ, thực dụng…

Cháy nhà mới ra mặt chuột. Trong thời buổi dịch bệnh hiện nay, chúng ta dễ nhận thấy “đồ giả” hơn lúc bình thường: Những kẻ có chức quyền luôn khoác lác về đủ thứ, nhưng khi dân chúng gặp hoạn nạn thì không thấy kẻ nào lên tiếng hoặc bỏ ra 1 đồng nào để giúp đỡ, thậm chí họ còn ăn chặn đồ từ thiện và ngăn cản người khác làm từ thiện. Rồi còn tăng giá xăng, giá điện, trong khi dân đang khốn khổ vì dịch bệnh. Hệ lụy tất yếu: Dân khốn đốn vì quan khốn nạn. Đừng nghe, hãy mở to mắt để nhìn cho rõ, đừng mê muội hoặc nhẹ dạ cả tin nữa!

Thánh Phaolô nói: “Trước kia anh em là những người ở xa, nhưng nay, trong Đức Kitô Giêsu, nhờ máu Đức Kitô đổ ra, anh em đã trở nên những người ở gần.” (Ep 2:13) Thật vậy, thánh nhân xác nhận chính Đức Kitô là bình an của chúng ta. Ông giải thích: “Người đã liên kết đôi bên, dân Do Thái và dân ngoại, thành một; Người đã hy sinh thân mình để phá đổ bức tường ngăn cách là sự thù ghét; Người đã huỷ bỏ Luật cũ gồm các điều răn và giới luật. Như vậy, khi thiết lập hoà bình, Người đã tác tạo đôi bên thành một người mới duy nhất nơi chính bản thân Người.” (Ep 2:14-15) Phải can đảm mới có thể từ bỏ mọi thứ. Từ bỏ để có Chúa, được là thân nhân của Ngài.

Thập Giá Đức Kitô là “dấu cộng” để nối lại những gì tách rời: “Nhờ thập giá, Người đã làm cho đôi bên được hoà giải với Thiên Chúa trong một thân thể duy nhất; trên thập giá, Người đã tiêu diệt sự thù ghét. Người đã đến loan Tin Mừng bình an: bình an cho anh em là những kẻ ở xa, và bình an cho những kẻ ở gần. Thật vậy, nhờ Người, cả đôi bên, chúng ta được liên kết trong một Thần Khí duy nhất mà đến cùng Chúa Cha.” (Ep 2:16-18) Đó là sự no thỏa tinh thần giúp chúng ta phát triển và trưởng thành tâm linh, tương tự thân xác cần được no thỏa để duy trì sự sống thể lý vậy.

Chúa Giêsu đã làm vì chạnh lòng thương dân chúng, những người vì mê say Ngài “nói chuyện” mà bỏ ăn quên uống. Ngài biết họ đang đói lắm, nên Ngài hành động cụ thể chứ không nói suông. Trình thuật Mc 6:30-44 (≈ Mt 14:13-21; Lc 9:10-17; Ga 6:1-13) cho biết phép lạ bánh hoá nhiều lần thứ nhất.

Các Tông Đồ tụ họp chung quanh Đức Giêsu, kể lại cho Người biết mọi việc họ đã làm và mọi điều họ đã dạy. Nhưng Ngài bảo họ: “Chính anh em hãy lánh riêng ra đến một nơi thanh vắng mà nghỉ ngơi đôi chút.” Ngài biết công việc mục vụ vất vả nên mệt mỏi lắm, Ngài thương họ lắm, vì làm những việc cần mà không có giờ ăn lót dạ. Thế nên Ngài bảo các ông cứ nghỉ ngơi cho lại sức rồi “chiến đấu” tiếp.

Thầy trò không kịp ăn uống vì người ta quá đông. Phải hy sinh thôi. Sau đó, thầy trò xuống thuyền đi lánh riêng ra một nơi hoang vắng. Thấy vậy, người ta từ khắp các thành cùng nhau theo đường bộ chạy theo, họ còn đến trước các ngài. Đúng là Chúa Giêsu có sức thu hút rất mạnh, mặc dù nhìn Ngài rất “bụi,” không gì đặc biệt.

Vừa bước ra khỏi thuyền, Đức Giêsu thấy một đám người rất đông thì chạnh lòng thương, vì họ như bầy chiên không người chăn dắt. Chạnh lòng thương là điều kiện tiên quyết để có thể dẫn tới hành động cụ thể. Rồi Ngài bắt đầu dạy dỗ họ nhiều điều, dạy cả bí quyết sống tốt. Ngài thương xót họ nên muốn cứu họ.

Đề cập vấn đề mục vụ, chắc hẳn ai cũng nhớ ngay tới Thánh LM Jean-Marie Vianney (1786-1859), người Pháp. Cuộc đời ngài thể hiện rõ nét một mục tử đích thực, thực sự hành động theo đúng Thánh Ý Chúa, chính xác như lời Chúa Giêsu đã xác định: “Con Người đến KHÔNG phải để ĐƯỢC người ta phục vụ, nhưng là ĐỂ phục vụ, và HIẾN MẠNG SỐNG làm giá chuộc muôn người.” (Mt 20:28; Mc 10:45) Thánh Vianney lo mục vụ giải tội mà bỏ cả ăn uống, ngủ ít, hy sinh cả những thứ cơ bản nhất của mình, đói thì chỉ ăn mấy củ khoai lót dạ mà thôi. Suốt đời linh mục, ngài rất coi trọng việc giải tội vì ngài muốn mọi tội nhân được giải hòa với Thiên Chúa, thậm chí ngài không hề nghĩ tới chuyện nghỉ hưu.

Người ta đưa ra “chuỗi” này: Linh mục là thánh nhân thì giáo dân sẽ thánh thiện, linh mục thánh thiện thì giáo dân tốt lành, linh mục tốt lành thì giáo dân tử tế, linh mục tử tế thì giáo dân vô tín ngưỡng. Thánh Vianney đã và đang nhắc nhở chúng ta nhiều điều lắm. Đừng biện hộ bằng những cái NẾU, VÌ, BỞI, TẠI, GIÁ MÀ,… Đừng ảo tưởng mà vỗ ngực, bởi vì ảo tưởng rồi sẽ há ảo giác, ảo giác rồi thì bất trị.

Thánh GH Piô X là gương sáng mục tử. Ngài xác định: “Tôi sinh ra nghèo hèn, tôi sống nghèo hèn, tôi sẽ chết nghèo hèn.” Ngài đã tỏ ra lúng túng vì một số nghi thức long trọng dành cho ngài trong lễ đăng quang giáo hoàng. Ngài nói trong nước mắt: “Nhìn kìa! Người ta cho tôi mặc đẹp biết bao!” Rồi ngài nói thêm: “Phải chấp nhận như thế là việc đền tội. Họ dẫn tôi đi với lính tráng vây quanh như Chúa Giêsu khi Ngài bị bắt tại Vườn Dầu vậy.” Nhân đức tuyệt vời quá!

Thánh GH Gioan XXIII cũng là gương sáng mục tử thật. Ngày nhận chức thượng phụ Venezia năm 1953, ngài viết trong chúc thư: “Sinh trưởng trong sự nghèo nàn, ở một gia đình giản dị nhưng được trọng kính, tôi rất sung sướng được chết trong sự nghèo nàn, vì theo sự đòi hỏi và các trường hợp sinh sống của đời giản dị và hèn mọn của tôi, tôi đã phân phát cho người nghèo và Giáo Hội đã nuôi dưỡng tôi, những gì ít ỏi của tôi đã có, trong những năm làm linh mục và giám mục. Đời Giám mục mà cứ phải ngồi bàn giấy và làm ngoại giao thì tội nghiệp quá. Tôi bắt đầu sứ vụ trực tiếp vào tuổi mà người khác kết thúc hoạt động của mình (72 tuổi). Từ nay tôi nghèo hơn trước, một vị hồng y nghèo lo giúp người nghèo… Tôi thấy mình như một bà mẹ nghèo, phải nuôi một đoàn con đông đảo. Tôi xuất thân từ giới bình dân. Cha mẹ tôi là người nghèo. Chúa đã đưa tôi ra khỏi xóm làng quê hương, cho tôi chung đường và kề vai sát cánh với những người có tín ngưỡng khác nhau. Bây giờ cũng vậy, tôi không quan tâm đến những gì gây chia rẽ mà chỉ quan tâm đến những gì gây tình đoàn kết. Xin anh chị em hãy coi tôi như một tôi tớ của Chúa.”

Hiện nay, hình ảnh GH Phanxicô cũng cho chúng ta thấy rõ nét chân dung Đức Kitô: Nghèo khó, khiêm nhường, giản dị, hòa nhã, tươi cười,… nhưng vẫn cương trực, thẳng thắn và dứt khoát.

Cuộc sống luôn phải can đảm và dứt khoát – nghĩa là không sợ gì hoặc sợ ai. Thiên Chúa động viên chúng ta “Đừng sợ!” tới 365 lần. Con số “kỷ lục” này chia đủ cho số ngày của một năm, điều đó chứng tỏ rằng ngày nào Thiên Chúa cũng động viên chúng ta can đảm sống khôn như con rắn, hiền như bồ câu, như chiên giữa bầy sói, nhưng vẫn cương quyết bảo vệ sự thật để làm chứng về Đấng duy nhất – Thiên Chúa Ba Ngôi.

Lạy Thiên Chúa nhân lành, chính trực và công minh, xin thêm can đảm để chúng con hành động theo ý Ngài, xin giải thoát chúng con khỏi tay người áp bức, (Nkm 9:27) giúp chúng con chân thành thương xót nhau, luôn sống xứng đáng là tín nhân mọi nơi và mọi lúc, nhất là trong lúc khó khăn vì dịch bệnh này. Chúng con cầu xin nhân danh Thánh Tử Giêsu, Đấng Cứu Độ duy nhất của nhân loại. Amen.

TRẦM THIÊN THU