Đức Thánh Cha Phan-xi-cô mời gọi các nhà lập pháp Công giáo bảo vệ nhân phẩm của con người trên không gian mạng bằng cách đưa ra các chính sách công để chống lại nội dung khiêu dâm trẻ em, vi phạm dữ liệu và tấn công mạng. “Đặc biệt trong thời đại của chúng ta, một trong những thách thức lớn nhất mà chúng ta phải đối diện là việc quản lý công nghệ vì lợi ích chung,”. Đức Thánh Cha Phanxicô nói trong cuộc tiếp kiến tại Phủ Tông Tòa vào hôm thứ 6 ngày 27 tháng 8 vừa qua.
“Bằng các chính sách và quy định, các nhà làm luật có thể bảo vệ nhân phẩm khỏi các mối de dọa. Chẳng hạn, tôi nghĩ về tai họa của nội dung khiêu dâm trẻ em, việc lạm dụng dữ liệu cá nhân, các cuộc tấn công vào các cơ sở hạ tầng quan trọng như bệnh viện, và tình trạng lan truyền thông tin sai lệch trên mạng xã hội, v.v. ”, Đức Thánh cha nói.
Phát biểu trước các thành viên của Mạng lưới các nhà lập pháp Công giáo Quốc tế, Đức Thánh cha khuyến khích các chính trị gia “cố gắng hết sức để thực hành việc suy ngẫm luân lý một cách nghiêm túc và sâu sắc về những rủi ro và khả năng liên quan đến những tiến bộ khoa học và công nghệ”.
Đức Thánh Cha Phanxicô nói rằng sự psuy ngẫm luân lý về công nghệ sẽ giúp đảm bảo rằng các luật và quy định tập trung vào việc “thúc đẩy sự phát triển toàn diện của con người hơn là sự tiến bộ đơn thuần.”
Đức Thánh cha nói: “Những điều kỳ diệu của khoa học và công nghệ hiện đại đã nâng cao chất lượng cuộc sống của chúng ta. “Tuy nhiên, nếu chỉ để cho khoa học công nghệ và cho thị trường chi phối, mà không có các hướng dẫn phù hợp được cung cấp bởi các hội đồng lập pháp và cơ quan công quyền dưới hướng dẫn bởi ý thức trách nhiệm xã hội, những đổi mới về công nghệ này có thể trở thành mối đe dọa đối với phẩm giá của con người.”
Mạng lưới các nhà lập pháp Công giáo Quốc tế là một nhóm các nghị sĩ Công giáo từ khắp nơi trên thế giới tổ chức một cuộc họp riêng hàng năm tại Rome.
Tổ chức được thành lập vào năm 2010 bởi Đức Hồng y người Áo Christoph Schönborn và David Alton, một thành viên của Hạ viện Anh, hoạt động nhằm thúc đẩy sự tự do tôn giáo, cải thiện các mối quan hệ giữa Giáo hội và Nhà nước, bảo vệ sự sống và truyền thông tư tưởng Công giáo trong nền chính trị thế tục.
“Công việc của anh chị em với tư cách là các nhà lập pháp và các nhà lãnh đạo chính trị quan trọng hơn bao giờ hết. Với trách nhiệm phục vụ lợi ích chung, giờ đây anh chị em đang được thử thách để hướng những nỗ lực của mình vào việc đổi mới toàn diện các cộng đồng của mình và của toàn xã hội nói chung, ”Đức Thánh Cha Phan-xi-cô nói. “Điều này đòi hỏi không chỉ đơn giản là việc chống lại các loại virus hoặc tìm cách trở lại hiện trạng trước đại dịch – không, đó sẽ là một thất bại – thực tế đòi hỏi chúng ta phải đối mặt với những nguyên nhân sâu xa hơn mà cuộc khủng hoảng đã bộc lộ và làm trầm trọng hơn: nghèo đói, bất bình đẳng xã hội, tình trạng thất nghiệp tràn lan, và thiếu khả năng tiếp cận giáo dục. ”
Trong số những người có mặt tại buổi tiếp kiến với Đức giáo hoàng có Christiaan Alting von Geusau, chủ tịch kiêm hiệu trưởng Viện Thần học Quốc tế ở Vienna, Hồng y Schönborn, và Thượng phụ Ignatius Aphrem II của Giáo hội Chính thống Syriac.
Đức Thánh Cha nói: “Trong thời đại đầy biến động và phân cực chính trị, các nhà lập pháp và chính trị gia nói chung không phải lúc nào cũng được đánh giá cao. “Tuy nhiên, liệu có ơn gọi nào cao cả hơn là phục vụ lợi ích chung và đặt phúc lợi của cộng đồng lên trên lợi ích cá nhân của chúng ta?”
“Nếu chúng ta muốn chữa lành thế giới đang trải qua đau thương của cơn đại dịch và xây dựng một tương lai bền vững và toàn diện hơn, trong đó công nghệ phục vụ nhu cầu của con người mà không làm chúng ta xa cách nhau, chúng ta không chỉ cần những công dân có trách nhiệm mà còn cần những nhà lãnh đạo có năng lực được truyền cảm hứng từ nguyên tắc của công ích, ”Đức Thánh Cha Phanxicô nói.
Duc Trung Vu, CSsR
(Theo Catholic News Agency)