Thứ Hai Tuần II Thường Niên: Tại sao các môn đệ ông không ăn chay?

“Khi ấy, môn đồ của Gioan và các người biệt phái ăn chay, họ đến nói với Chúa Giêsu rằng: “Tại sao môn đồ của Gioan và các người biệt phái ăn chay, còn môn đồ Ngài lại không ăn chay?” Chúa Giêsu nói với họ: “Các khách dự tiệc cưới có thể ăn chay khi tân lang còn ở với họ không? Bao lâu tân lang còn ở với họ, thì họ không thể ăn chay được. Nhưng sẽ đến ngày tân lang bị đem đi, bấy giờ họ sẽ ăn chay. Không ai lấy vải mới mà vá áo cũ, chẳng vậy, miếng vải vá sẽ rút lại mà kéo áo cũ, và chỗ rách lại tệ hơn. Cũng không ai đổ rượu mới vào bầu da cũ, chẳng vậy, rượu sẽ làm vỡ bầu da, và rượu đổ, bầu da hư. Nhưng rượu mới phải để trong bầu da mới” (Mc 2, 18-22).

Suy niệm: 

Vào thời Chúa Giêsu, việc ăn chay là một hành động tôn giáo quan trọng nhất của người Do Thái. Những người đạo đức như các môn đệ của Gioan Tẩy giả và các người biệt phái đều là những người thực hành việc ăn chay. Nhưng ngoài ý nghĩa ăn chay là một hành động tôn giáo, việc ăn chay còn nhằm để cầu xin Đấng Mêsia mau đến.

Tuy nhiên, việc ăn chay xét như một việc thực hành đạo đức tự nó không có đủ ý nghĩa, nhất là việc ăn chay để khoe khoang thì lại càng chẳng giá trị đạo đức nào. Trong cuộc đối thoại với người Pharisiêu hôm nay Chúa Giêsu đặt việc ăn chay vào trong tương quan đích thực của nó: Ăn chay là phương tiện để đến với Chúa, chứ không để thay thế cho Chúa. Các môn đệ Chúa không ăn chay, không phải vì họ không đạo đức, nhưng họ đạt được điều ăn chay nhắm đến, đó là sự hiện diện với Chúa. Ăn chay mà không gặp được Chúa thì chẳng có ích gì.

Nhìn lại mình, đôi khi, trong cuộc sống chung tại gia đình, trong cộng đoàn, hay bất kỳ tập thể nào, biết đâu nhiều lúc chúng ta cũng rơi vào thái độ của những người Do thái ngày xưa, khi chúng ta vì qúa gắn bó với truyền thống nên không thể chấp nhận được bất kỳ sự đổi mới nào, hay vì quá bám víu vào nếp suy nghĩ của mình nên không chấp nhận được tư tưởng, ý kiến, cách sống của một người nào đó có vẻ khác ta. Tất cả những điều này xảy ra chỉ là vì ta coi mình qúa quan trọng, coi mình là sự thật, là chân lý nên tự cho mình có quyền thẩm định, đánh giá người khác. Vậy, chớ gì Lời Chúa hôm nay giúp ta phản tỉnh để nhận rõ chính mình, hầu có lòng thông cảm, khoan dung hơn với mọi người. Amen.

(Giáo phận Xuân Lộc)