Bí ẩn đời sống Kitô hữu

Phải chăng không thể sống đời sống Kitô hữu? Không thể – nếu chỉ cậy sức mình! Cố gắng sống đời sống Kitô hữu bằng nỗ lực bản thân cũng giống như con tàu nằm trên đất, nó không thể hoạt động, vì con tàu đi đâu cũng phải nhờ nước. Sống đời sống Kitô hữu, chúng ta cần biết cách dựa vào Thiên Chúa. Thánh Phaolô biết điều này: “Với Đấng ban sức mạnh cho tôi, tôi chịu được hết.” (Pl 4:13)

Bí ẩn đời sống Kitô hữu là kiên định sống đời sống của Đức Kitô: “Tôi sống, nhưng không còn phải là tôi, mà là Đức Kitô sống trong tôi. Hiện nay tôi sống kiếp phàm nhân trong niềm tin vào Con Thiên Chúa, Đấng đã yêu mến tôi và hiến mạng vì tôi.” (Gl 2:20)

Một buổi chiều tối, Chúa Giêsu nói với các môn đệ rằng Ngài sẽ rời xa họ, nhưng họ không hề mồ côi: “Thầy ra đi thì có lợi cho anh em. Thật vậy, nếu Thầy không ra đi, Đấng Bảo Trợ sẽ không đến với anh em; nhưng nếu Thầy đi, Thầy sẽ sai Đấng ấy đến với anh em.” (Ga 16:7)

Ai đó được trao cho bạn để giúp bạn sống đời sống Kitô hữu một cách ngoan cường. Người đó là Chúa Thánh Thần. Ngài không chỉ là Hướng Dẫn Viên đưa chúng ta về trời mà Ngài còn là Thần Khí của Đức Kitô. Ngài đến sống trong chúng ta.

1. THẦN KHÍ LÀ AI?

Thần Khí là Thiên Chúa, như Ngôi Cha và Ngôi Con. Có nhiều lầm lẫn xung quanh việc Chúa Thánh Thần hiện hữu mà người ta không nhận ra Ngài là Thiên Chúa. Ngài có tính cách. Ngài là một Ngôi Vị Thiên Chúa với ý muốn và cảm xúc.

Thần Khí có những thuộc tính như Chúa Cha và Chúa Con. Ngài toàn năng, toàn trí, bất biến và vĩnh hằng. Ngài là Ngôi Ba Thiên Chúa.

2. MỤC ĐÍCH CỦA THẦN KHÍ?

Thần Khí là phần quan yếu trong đời sống Kitô hữu. Chúng ta hãy xem tại sao Ngài giữ vai trò quan trọng.

Chúa Thánh Thần giải thoát chúng ta khỏi tội lỗi và thỏa mãn nhu cầu của chúng ta về Đức Kitô. (x. Ga 16:8-11) Thiếu sự giúp đỡ của Thần Khí nên người ta nghĩ các Kitô hữu chỉ là một “lũ điên”: “Lời rao giảng về thập giá là một sự điên rồ đối với những kẻ đang trên đà hư mất, nhưng đối với chúng ta là những người được cứu độ, thì đó lại là sức mạnh của Thiên Chúa.”(1 Cr 1:18) Chúng ta có thể cho đó là điên rồ khi chúng ta được hướng tới Đức Kitô! Người ta không hiểu được điều đó nếu Chúa Thánh Thần không mặc khải cho chúng ta biết sự kỳ diệu của sự sống trong Đức Kitô.

Chúa Thánh Thần ban sự sống mới. Chúa Giêsu nói: “Cái bởi xác thịt sinh ra là xác thịt; cái bởi Thần Khí sinh ra là thần khí.” (Ga 3:6) Nhờ Chúa Thánh Thần, Tình Yêu Thiên Chúa đổ đầy vào tâm hồn chúng ta. (x. Rm 5:5) Thần Khí chứng thực chúng ta là Kitô hữu. (x. Rm 8:16)

Chúa Thánh Thần là Thầy và làm cho có thể. Ngài dẫn chúng ta tới chân lý của Lời Chúa. Ngài soi sáng Kinh Thánh để chúng ta có thể hiểu và áp dụng chân lý đó. (x. Ga 16:13,14) Ngài ban sức mạnh và hiệu quả tâm linh khi chúng ta làm nhân chứng. (x. Cv 1:8) Ngài bào chữa cho chúng ta trước mặt Chúa Cha khi chúng ta cảm thấy không biết cách cầu nguyện. (x. Rm 8:26,27)

Chúa Thánh Thần được Đức Kitô sai đến giúp chúng ta sống đời sống Kitô hữu.Thánh Phaolô viết: “Nếu Thần Khí ngự trong anh em, Thần Khí của Đấng đã làm cho Đức Giêsu sống lại từ cõi chết thì Đấng đã làm cho Đức Giêsu sống lại từ cõi chết, cũng sẽ dùng Thần Khí của Người đang ngự trong anh em, mà làm cho thân xác của anh em được sự sống mới.” (Rm 8:11) Đời sống Kitô hữu chỉ khả thi nhờ sức mạnh của Chúa Thánh Thần!

Có thể bạn đang nghĩ mình cần Chúa Thánh Thần trong cuộc sống! Nếu bạn là một Kitô hữu, Ngài hiện diện trong bạn rồi: “Anh em không bị tính xác thịt chi phối, mà được Thần Khí chi phối, bởi vì Thần Khí của Thiên Chúa ngự trong anh em. Ai không có Thần Khí của Đức Kitô, thì không thuộc về Đức Kitô.” (Rm 8:9) Chúa Thánh Thần cư ngụ trong bạn, nhưng có thể bạn chưa sống đúng theo hướng dẫn của Ngài. Ngài có thể là một cư dân nhưng Ngài không là một tổng thống hoặc chủ tịch để ép buộc ai. Bạn hoàn toàn được tự do!

Có hai dạng Kitô hữu: Kitô hữu tâm linh (spiritual Christian) và Kitô hữu trần tục (carnal Christian).

a/ Kitô Hữu Tâm Linh– Kitô hữu tâm linh là người sống theo Thần Khí. Thánh Phaolô viết:“Con người sống theo Thần Khí thì xét đoán được mọi sự, mà chẳng có ai xét đoán được người đó.” (1 Cr 2:15)

Người tâm linh chấp nhận Đức Kitô và sống tập trung vào Đức Kitô. Người đó không phạm tội nhưng vẫn đối mặt với mọi vấn nạn và những cơn cám dỗ hằng ngày, như mọi người khác. Nhưng cách sống của họ tín thác vào Đức Kitô đến từng chi tiết và mọi vấn đề. Người đó khao khát làm vui lòng Chúa, không lệ thuộc vào sự chấp nhận của người khác.

b/ Kitô Hữu Trần Tục– Kitô hữu trần tục là người sống theo xác thịt. Thánh Phaolô nói:“Thưa anh em, về phần tôi, tôi đã không thể nói với anh em như với những con người sống theo Thần Khí, nhưng như với những con người sống theo tính xác thịt, như với những trẻ nhỏ trong Đức Kitô. Tôi đã cho anh em uống sữa chứ không cho dùng thức ăn, vì anh em chưa chịu nổi. Nhưng bây giờ anh em cũng vẫn còn không chịu nổi, vì anh em còn là những con người sống theo tính xác thịt. Bao lâu giữa anh em có sự ghen tương và cãi cọ, thì anh em chẳng phải là những con người sống theo tính xác thịt và theo thói người phàm sao?” (1 Cr 3:1-3)

Trần tục nghĩa là “xác thịt.” Kitô hữu trần tục là người đã dâng cuộc đời mình cho Chúa Giêsu vào một lúc nào đó, nhưng cách sống của họ chỉ hướng về mình và các nhu cầu của mình (tức là sống ích kỷ và tự ái). Người này có thể biểu lộ mình là một Kitô hữu bằng cách nào đó, nhưng công việc của Chúa Thánh Thần bị họ đè nén khi họ cố ý không nghe theo hoặc làm ngơ hoạt động của Chúa Thánh Thần.

Làm sao phân biệt được Kitô hữu trần tục và Kitô hữu tâm linh? Kitô hữu trần tục thiếu vắng Đức Kitô hoặc Chúa Thánh Thần. Họ cũng sở hữu nguồn tâm linh như các Kitô hữu tâm linh, nhưng Kitô hữu tâm linh dựa vào quyền năng của Đức Kitô để sống đời sống Kitô hữu,còn kitô hữu trần tục lại dựa vào sức riêng mình. Sống đời sống Kitô hữu theo nỗ lực riêng chỉ là chuyện phù phiếm, cũng giống như bạn muốn đẩy chiếc xe hơi đi vòng quanh thành phố vậy.

3. ĐƯỢC THẦN KHÍ HƯỚNG DẪN

Kinh Thánh nói về việc “được Thần Khí hướng dẫn.” Nghĩa là chúng ta vâng lời Chúa Thánh Thần dạy: Ngài hướng dẫn, chúng ta theo. Rất đơn giản! Nhưng chúng ta thường không thích người khác bảo chúng ta làm – dù đó là Thiên Chúa! Nhưng “đầy Thần Khí” nghĩa là để cho Chúa Thánh Thần và Lời Chúa hướng dẫn chúng ta hành động.

Hằng ngày chúng ta đều có sự chọn lựa: Chúng ta để Chúa Thánh Thần hướng dẫn hay để người khác/cái khác hướng dẫn? Lo lắng về tương lai hay muốn đạt được điều mình muốn? Vâng lời Đức Kitô hay vâng lời ai? Khi Chúa Thánh Thần làm đầy bạn, Ngài sẽ kiểm soát tư tưởng và hoạt động của bạn. Lòng bạn không thể đầy sự hận thù, sợ hãi hoặc lo lắng khi bạn đầy Thần Khí, vì không còn khoảng trống nào nữa.

Thánh Phaolô cảnh báo: “Đừng hóa ra ngu xuẩn, nhưng hãy tìm hiểu đâu là Ý Chúa. Chớ say sưa rượu chè, vì rượu chè đưa tới truỵ lạc, nhưng hãy thấm nhuần Thần Khí.” (Ep 5:17-18) Khác với rượu bia, sự thay đổi của Chúa Thánh Thần không hề giả tạo hoặc nhân tạo, không hề phai nhạt theo thời gian. Kinh Thánh gọi sự thay đổi lâu dài này là hoa trái sản sinh nhờ đời sống tập trung vào Đức Kitô: “Còn hoa quả của Thần Khí là: bác ái, hoan lạc, bình an, nhẫn nhục, nhân hậu, từ tâm, trung tín, hiền hòa, tiết độ. Không có luật nào chống lại những điều như thế” (Gl 5:22.23)

4. LÀM SAO CÓ THỂ ĐẦY THẦN KHÍ?

Sự kiểm soát của Chúa Thánh Thần thuộc quyền chọn lựa của chúng ta. Hoàn toàn tự nguyện chứ không do sự thẩm thấu (osmosis). Người ta không say sưa nếu không mở bia hoặc khui rượu. Chỉ sau khi uống rồi mới bị chếnh choáng. Là Kitô hữu,bạn có thể được vây quanh bởi Kinh Thánh mà vẫn không “đầy Thần Khí.” Tùy bạn, một là tự nỗ lực riêng, hai là được đầy Thần Khí.

Bạn có thể bày tỏ ước muốn theo sự hướng dẫn của Chúa Thánh Thần qua lời cầu nguyện. Đây là lời cầu nguyện có thể hữu ích: “Lạy Cha, con cần Cha. Con biết con đang được hướng dẫn cách sống, thế nên con không phạm tội phản nghịch Cha. Con tạ ơn Cha đã tha thứ tội lỗi của con qua cái chết của Đức Kitô trên Thập giá vì con. Con xin kính mời Đức Kitô ngự trị trong cuộc đời con. Xin ban cho con được đầy Thần Khí như lòng con mong ước, và xin Chúa Cha qua Ngôi Lời rằng Cha sẽ thực hiện nếu con xin với cả lòng tín thác. Con cầu xin nhân danh Đức Giêsu Kitô.” [*]

Nếu bạn cầu nguyện như vậy, muốn được Chúa Thánh Thần hướng dẫn, bạn sẽ được đầy Thần Khí. Bạn đã dâng cuộc đời mình cho Đức Kitô khi nào? Có thể bạn đã có kinh nghiệm đầy cảm xúc, hoặc có thể bạn đã cảm thấy không có gì khác thường sau khi chấp nhận Đức Kitô. Chính Đức Kitô đến trong bạn không vì cảm xúc, mà vì Lời Chúa là chân lý. Cũng vậy khi được đầy Thần Khí.

Một số người coi việc “đầy Thần Khí” cũng như kinh nghiệm về thần bí. Không hề thần bí. Đó là sự quyết định của đức tin: Đáp lại tiếng Chúa nói qua Ngôi Lời. “Đầy Thần Khí” không lệ thuộc vào cảm xúc con người, mà lệ thuộc vào Kinh Thánh mà bạn tin.

5. BA VẤN ĐỀ CẦN LƯU Ý

Sứ vụ của Chúa Thánh Thần vô cùng quan trọng đối với đời sống Kitô hữu! Có thể vẫn có vài vấn đề nan giải trong chúng ta.

a/ Tại Sao Nhiều Kitô Hữu Không Được Đầy Thần Khí?

Trả lời ngắn gọn là vì tội lỗi – tức là vì chúng ta bất tuân lệnh Chúa và không cho Chúa đồng hành.

Tội lỗi có thể ở dạng kiêu ngạo: Muốn mọi thứ theo cách của mình. Chúng ta không cho Chúa kiểm soát tài chính: Chúng ta không làm việc chăm chỉ để kiếm tiền và cho đó là của chúng ta. Chúng ta không cho Chúa kiểm soát các mối quan hệ: Tại sao phải tha thứ khi người ta thực sự có lỗi? Chúng ta không cho Chúa kiểm soát luân lý cá nhân: Đó là việc của tôi chứ không phải việc của người khác. Đó là kiêu ngạo. Kinh Thánh xác định: “Chúa chế giễu đứa hay nhạo báng, nhưng thi ân cho kẻ khiêm nhường.” (Cn 3:34)

Tội lỗi có thể ở dạng khác: Sợ hãi. Sách Châm ngôn nói:“Nỗi sợ sệt khiến con người sa bẫy, nhưng ai cậy trông Đức Chúa thì được an toàn.” (Cn 29:25) Chúa muốn chúng ta làm điều gì đó, nhưng chúng ta không làm vì sợ người ta nghĩ này nghĩ nọ, sợ mình hóa thành kẻ làm điều ngớ ngẩn, nên chúng ta cho rằng Chúa không thể muốn chúng ta làm như thế. Nhưng thực sự đó là Ý Chúa!

Kinh Thánh nói rõ: “Ai sống liêm chính sẽ được an toàn, kẻ đi đường quanh co ắt sẽ bị phát hiện.” (Cn 10:9) Người ta dễ đề cao sự chấp nhận của người đời hơn là sự chấp nhận của Thiên Chúa. Vậy không muốn làm đẹp lòng Chúa thì chúng ta muốn gì? Đời sống chúng ta khác theo chiều hướng tích cực hoặc tiêu cực.

b/ Tôi Có Thể Đầy Thần Khí Và Chống Lại Tội Lỗi?

Nếu chúng ta lệ thuộc tội lỗi, Chúa Thánh Thần không thể kiểm soát chúng ta và chúng ta không thể “đầy Thần Khí.” Nhưng nếu chúng ta vẫn phạm tội sau khi đầy Thần Khí thì sao? Chuyện bình thường.

Bạn có thể thấy mình phạm tội và xưng tội. Đó không là yếu đuối tâm linh, điều đó cho thấy bạn đang sống và hít thở“không khí tâm linh”! Hãy biết rằng tội lỗi và xử lý tội đã được mô tả là “hơi thở Thần Khí” (spiritual breathing).

Hơi thở Thần Khí liên quan việc “thở,” tức là thú nhận tội lỗi khi điều đó xảy ra. Bạn biết mình phạm tội và chiếm chỗ của Chúa để làm chủ đời bạn. Nhờ “hít thở” mà bạn loại bỏ những thứ không trong lành, và bạn cầu xin ơn tha thứ nhờ cái chết của Đức Kitô trên Thập giá.

Hơi thở Thần Khí cũng là “hít,” tức là xin Chúa lại đổ tràn Thần Khí vào bạn để Ngài lại làm chủ đời bạn. Hãy nhớ rằng Ngài không bỏ rơi bạn khi bạn phạm tội. Bạn đã từng làm ngơ việc Ngài hướng dẫn, và nay bạn lại theo cách Ngài hướng dẫn. Bạn đang tín thác vào Ngài, nhưng cần thời gian. Đừng thất vọng khi bạn sa ngã: Hãy tìm cách đứng dậy và trở về với Ngài càng sớm càng tốt!

Chúng ta không bao giờ miễn nhiễm với tội lỗi. Nhưng sạch tội mới xứng đáng với Nước Trời. Càng khôn lớn chúng ta càng biết Chúa nhiều hơn, chúng ta biết nhìn đời bằng cách nhìn của Chúa, và trong một số trường hợp, ít phạm tội hơn. Chúng ta cũng biết cách chống trả chước cám dỗ. Nhưng có những trường hợp chúng ta phạm tội và cần hít thở Thần Khí, dù chúng ta còn trẻ hay đã già.

c/ Nếu Đời Tôi Không Thay Đổi Nhiều Thì Sao?

Mức độ tâm linh có chính xác khi Chúa muốn? Chúng ta hãy nhìn vào hai dạng Kitô hữu, Kitô hữu tâm linh và Kitô hữu trần tục. Nhưng vẫn có một phạm trù thứ ba của Kitô hữu: Con người mới. Hãy nhớ lời Thánh Phaolô nói với giáo đoàn Côrintô: “Thưa anh em, về phần tôi, tôi đã không thể nói với anh em như với những con người sống theo Thần Khí, nhưng như với những con người sống theo tính xác thịt, như với những trẻ nhỏ trong Đức Kitô.” (1 Cr 3:1)

Vài năm đầu, Thánh Phaolô đã hướng dẫn nhiều người Côrintô đến với Đức Kitô. Lúc đó, thánh nhân không trông mong họ sẽ trưởng thành để trở nên các Kitô hữu đầy Thần Khí. Nhưng thay vì phát triển bình thường trong sự trưởng thành tâm linh của một Kitô hữu, các tín hữu Côrintô vẫn là các Kitô hữu trần tục. Nếu bạn mới là tín hữu được vài tháng, bạn vẫn còn là Kitô hữu “ấu trĩ” – nghĩa là “còn trẻ” chứ không là “trần tục.”

Nếu bạn đang vâng lời Đức Kitô và tin vào sức mạnh của Ngài có thể biến đổi đời bạn, bạn sẽ biết chính xác Thiên Chúa muốn gì ở bạn. Đừng quá quan ngại về “kết quả” mà bạn chưa đạt được. Trưởng thành là một quá trình, mỗi giai đoạn phát triển đều quan trọng.

Khi vâng lời Đức Kitô thì người ta không quan tâm so sánh mình với các Kitô hữu khác, mà chỉ vui sống cuộc đời của một Kitô hữu.

TRẦM THIÊN THU (chuyển ngữ từ GodResources.org)

[*] Lời nguyện của Bill Bright trong cuốn “Have You Made the Wonderful Discovery of the Spirit-filled Life?” (San Bernardino, CA: Campus Crusade for Christ, 1966), tr. 12.

[Đăng báo TTĐM, số tháng 5-2014, Dòng Mẹ Chúa Cứu Chuộc xuất bản tại Hoa Kỳ]