10 cách ăn chay

Chúa Giêsu nói: “Nếu các ông không sám hối thì các ông cũng sẽ chết hết.” (Lc 13:3) Trong lần rao giảng đầu tiên khi công khai sứ vụ, Chúa Giêsu khuyến khích chúng ta hoán cải: “Thời kỳ đã mãn, và Triều Đại Thiên Chúa đã đến gần. Anh em hãy sám hối và tin vào Tin Mừng.” (Mc 1:15) Nhiệm Thể Chúa Kitô quảng đại ban cho chúng ta Mùa Hồng Ân, dịp sám hối hằng năm. Đó là bốn mươi ngày của Mùa Chay.

Ông Môsê đã ăn chay 40 ngày trên Núi và Chúa Giêsu đã ăn chay 40 ngày trong hoang địa. Trong Mùa Chay, Giáo Hội khuyến khích chúng ta đào sâu những nơi sâu thẳm trong linh hồn mình và cầu xin ơn hoán cải.

Sự hoán cải này có thể trở thành hiện thực bằng cách thực hiện ba cách truyền thống: Cầu Nguyện, Bố Thí và Ăn Chay. (Mt 6:1-18) Khi cầu nguyện, chúng ta nâng tâm trí lên với Thiên Chúa; khi bố thí, chúng ta ra ngoài để gặp gỡ những anh chị em của chúng ta đang đau khổ; khi ăn chay, chúng ta đào sâu tâm hồn mình và cầu xin Chúa ban ân sủng để chúng ta từ bỏ sự ràng buộc đối với tội lỗi!

Trong trường hợp này, một số cách cụ thể để chúng ta có thể ăn chay là gì? Một lưu ý quan trọng: ăn chay không phải là chế độ ăn kiêng đơn thuần, với mong muốn đơn giản là giảm thêm vài cân. Đúng hơn, mục đích của việc ăn chay là làm đẹp lòng Thiên Chúa, hoán cải tâm hồn và cầu xin ơn hoán cải cho người khác. Nói cách khác, ăn chay phải có ý siêu nhiên!

1. ĂN ÍT, RƯỚC LỄ NHIỀU

Bằng cách thực hành này, chúng ta đánh giá cao tầm quan trọng đối với đời sống tinh thần và sự cứu rỗi linh hồn của chúng ta. Chúa Giêsu phán: “Hãy ra công làm việc không phải vì lương thực mau hư nát, nhưng để có lương thực thường tồn đem lại phúc trường sinh, là thứ lương thực Con Người sẽ ban cho các ông, bởi vì chính Con Người là Đấng Thiên Chúa Cha đã ghi dấu xác nhận.” (Ga 6:27)

2. KIỀM CHẾ MIỆNG LƯỠI

Thánh Giacôbê nói: “Anh em nên biết rằng: mỗi người phải mau nghe, đừng vội nói, và khoan giận, vì khi nóng giận, con người không thực thi đường lối công chính của Thiên Chúa.” (Gc 1:19-20) Hãy đọc chương 3 thư Thánh Giacôbê – một lời khuyên tốt nhất về việc kiềm chế miệng lưỡi.

3. SỐNG DŨNG CẢM

Tổ chức Opus Dei (một đoàn thể của Giáo hội Công giáo Rôma với giáo huấn rằng mọi người đều được gọi để nên thánh, cuộc sống đời thường là con đường đạt tới sự thánh thiện) và dùng khẩu hiệu: “Khoảnh khắc anh hùng.” Bằng cách này, Thánh Giuse Maria Escriva khẳng định rằng ngay khi nghe tiếng chuông đồng hồ báo thức, chúng ta nên bước ra khỏi giường, cầu nguyện và bắt đầu một ngày mới. Ác quỷ của sự lười biếng khuyến khích chúng ta nhấn nút tạm dừng. Tôi không tin rằng nút tạm dừng tồn tại trong tự điển và cách làm của các thánh. Bạn nghĩ sao?

4. KIỂM SOÁT CON MẮT

Đôi mắt là tấm gương phản chiếu tâm hồn – người Việt gọi là “cửa sổ tâm hồn.” Vua Đavít lao vào tội lỗi và phạm tội nhiều hơn, dẫn đến việc sát nhân chỉ vì một lý do đơn giản là ông để cho đôi mắt của mình đi lang thang. Đôi mắt ông đảo qua đảo lại và nhìn chằm chằm vào một người phụ nữ đã có gia đình – bà Bát Seva. Những ý tưởng tà dâm dẫn đến ngoại tình thể xác, chối bỏ tội lỗi của mình và cuối cùng là giết một người đàn ông vô tội – chồng của Bát Seva. (2 Sm 11:1-26) Chúng ta hãy cố gắng sống theo Mối Phúc này: “Phúc thay ai có tâm hồn trong sạch, vì họ sẽ được nhìn thấy Thiên Chúa.” (Mt 5:8)

5. ĐÚNG GIỜ GIẤC

Chúa Giêsu nói: “Khá lắm! Hỡi đầy tớ tài giỏi và trung thành! Được giao ít mà anh đã trung thành, tôi sẽ giao nhiều cho anh. Hãy vào mà hưởng niềm vui của chủ anh!” (Mt. 25:23) Đúng giờ là biểu hiện của trật tự, tôn trọng người khác và là phương tiện để hoàn thành tốt công việc đúng kỳ hạn.

6. LẮNG NGHE NGƯỜI KHÁC

Quá dễ dàng để ngắt lời người khác khi họ nói và cố gắng áp đặt ý tưởng của mình trước khi người đó hoàn tất ý tưởng của họ. Đức ái, tình yêu đối với Thiên Chúa và tha nhân, dạy chúng ta tôn trọng người khác và cho phép họ nói mà không làm gián đoạn hoặc áp đặt ý tưởng mình đối với họ.

Lắng nghe người khác cũng là hành động khiêm tốn – đặt người khác trước chính mình! Chúa Giêsu khuyên: “Anh em hãy mang lấy ách của tôi, và hãy học với tôi, vì tôi có lòng hiền hậu và khiêm nhường. Tâm hồn anh em sẽ được nghỉ ngơi bồi dưỡng. Vì ách tôi êm ái, và gánh tôi nhẹ nhàng.” (Mt. 11:29-30)

7. BIẾT ƠN HƠN LÀ THAN PHIỀN

Đừng bao giờ để một ngày trôi qua mà bạn không cảm tạ Chúa. Chúng ta không ngừng cảm tạ Ngài: “Hãy tạ ơn Chúa vì Chúa nhân từ, muôn ngàn đời Chúa vẫn trọn tình thương.” (Tv 118:1) Hơn nữa, chúng ta nên tạo thói quen thường xuyên cảm ơn người khác.

8. CỨ CƯỜI, MẶC DÙ KHÔNG MUỐN

Quả thật, đây có thể là sự đền tội tuyệt vời – mỉm cười với ai đó ngay cả khi bạn đang mệt mỏi, đang mang trong mình cơn đau đầu hoặc cảm lạnh. Đó là đức tính anh hùng. Một nụ cười là một điều gì đó nhỏ bé nhưng rất to lớn, dễ lây lan. Thật vậy, một nụ cười chân thành có thể nâng những người nhìn thấy nó từ hoang vắng đến trạng thái an ủi. Một trong những dấu hiệu rõ ràng nhất để trở thành môn đệ của Chúa Giêsu là nụ cười vui vẻ rạng rỡ trên khuôn mặt: “Anh em hãy vui luôn trong niềm vui của Chúa. Tôi nhắc lại: vui lên anh em! ” (Pl 4:4)

9. CẦU NGUYỆN, NGAY CẢ KHI KHÔNG MUỐN

Rất tiếc là nhiều người trong chúng ta đặt đời sống tinh thần của mình vào những cảm giác chỉ là phù du, nhất thời và mau qua như sương bay hơi theo ánh nắng ban mai. Ví dụ tốt nhất của chúng ta dĩ nhiên là Chúa Cứu Thế Giêsu của chúng ta trong Vườn Dầu. (x. Lc 22:39-46) Khi Chúa Giêsu đang trải qua cơn đau đớn và hoang tàn đến mức rỉ ra những giọt máu từ lỗ chân lông, thực sự Ngài cảm thấy không muốn cầu nguyện. Tuy nhiên, Ngài càng cầu nguyện nhiệt thành hơn.

Vì vậy, chúng ta hãy thực hành ăn chay và sám hối trong cuộc sống, dành thời gian và địa điểm nhất định để cầu nguyện vào những lúc chúng ta cảm thấy không thích. Đó là sự sám hối và tình yêu đích thực dành cho Chúa, và là một dấu hiệu của sự trưởng thành thực sự trong đức tin!

10. ĐỘNG VIÊN

“Barnaba” thực sự có nghĩa là “người có tài yên ủi.” (Cv 4:36) Chúng ta hãy thoát ra khỏi vỏ bọc tự cao tự đại của mình, tập trung hơn vào Thiên Chúa và nhìn thấy Chúa Giêsu nơi người khác – noi gương người Samari nhân hậu. (Lc 10:29-37) Chúng ta hãy học cách trở thành một Simon của Xyrênê và giúp đỡ những anh chị em khác, những người đang mang trên mình thập giá rất nặng nề. Chúng ta hãy làm sáng tỏ điều đó bằng những lời nói khích lệ, những cử chỉ động viên, với trái tim tràn đầy tình yêu thương và lòng trắc ẩn. Hãy nhớ khuôn vàng thước ngọc này: “Những gì anh em muốn người ta làm cho mình, thì chính anh em cũng hãy làm cho người ta.” (Mt 7:12) Trong bão tố dữ dội của trận chiến trên thế gian, một lời động viên thực sự có thể là một luồng gió mạnh thổi vào cánh buồm!

Với tâm tình cầu nguyện, hãy đọc mười gợi ý này về cách ăn chay – từ chối bản thân – và chọn ít nhất một hoặc hai điều mà bạn có thể bắt đầu thực hành ngay lập tức. Xin Đức Mẹ giúp chúng ta từ bỏ mình và “xin vâng” (Lc. 1:38) với lòng yêu mến Chúa bằng cách phục vụ anh chị em của chúng ta với tấm lòng quảng đại!

LM ED BROOM, OMV

TRẦM THIÊN THU (chuyển ngữ từ CatholicExchange.com)

Khởi đầu Mùa Chay – 2022