Thánh Thể và Chân – Thiện – Mỹ

Plato, Aristotle và Thánh Tôma Aquinô đã dạy rằng Thượng Đế là Chân, Thiện, Mỹ. Để tìm kiếm điều gì là thật, điều gì là tốt hay là đẹp thì phải tìm kiếm Thiên Chúa. Trái ngược với niềm tin phổ biến, khi chúng ta tìm kiếm chân lý, điều thiện và vẻ đẹp, Thiên Chúa không trốn tránh chúng ta. Ngài để lại dấu vết gợi ý dẫn đến Ngài nếu chúng ta đủ quan tâm để tìm kiếm Ngài. Ngài làm điều đó vì Ngài biết chúng ta thích tìm tòi và khám phá.

Đây là sự thật: Cuộc sống là một trò chơi, và Thiên Chúa là người thiết kế trò chơi. Trong bài thơ “Hound of Heaven” (Tìm Kiếm Nước Trời), Francis Thompson nói rằng Ngài chạy trốn ông… ông chạy trốn Ngài, giống như con chó săn đuổi. Rõ ràng, đó là cách chơi trò chơi. Chúng ta chạy theo Ngài, Ngài chạy theo chúng ta – giống như trốn tìm – và cho dù chúng ta có thừa nhận hay không, chúng ta vẫn thường hồi hộp bởi việc chạy trốn và tìm kiếm. Chúng ta trốn Chúa ở một nơi nào đó mà chúng ta nghĩ rằng Ngài sẽ không tìm thấy chúng ta. Tất nhiên Ngài cùng chơi với chúng ta. Ngài tìm thấy chúng ta và chúng ta giật mình khi bị Ngài phát hiện. Sau đó, Ngài đi náu, nhưng chỉ đủ để làm chút thử thách cho chúng ta mà thôi, để giữ cho trò chơi thú vị. Chúng ta là những kẻ ngu ngốc, chúng ta đi ngang qua Ngài hết lần này đến lần khác mà không nhận thấy Ngài đang ở rất gần chúng ta.

Ngài đã tạo tác chúng ta giống như Ngài. Ngài hồi hộp tìm kiếm. Ngài biết rõ chúng ta hơn chính chúng ta biết mình, nhưng trong tình yêu của Ngài dành cho chúng ta, Ngài vẫn xúc động khi mạo hiểm chơi trò chơi với chúng ta. Chân, Thiện, Mỹ là những điều chỉ cho chúng ta thấy rằng chúng ta đã tìm thấy Ngài. Vì Thiên Chúa là sự thật, nên Ngài biết mọi điều về chúng ta. Niềm vui của Ngài đến từ việc chúng ta tìm kiếm và học hỏi về chính mình. Qua sự dạy dỗ của Đức Kitô, qua sự thờ phượng và qua lòng bác ái, chúng ta khám phá những gợi ý mà Thiên Chúa ban cho chúng ta để giúp chúng ta tìm thấy Ngài. Ngay cả khi tìm hiểu thêm về bản thân, chúng ta cũng tìm hiểu thêm về Ngài vì Ngài là Đấng tạo dựng chúng ta.

Giáo lý Công giáo cho biết: “Tất cả các thụ tạo đều mang một nét tương đồng nhất định với Chúa, đặc biệt là con người. Sự thật, sự tốt lành, vẻ đẹp của con người đều phản ánh sự hoàn hảo vô hạn của Thiên Chúa.” (GLCG số 41) Lời đó ám chỉ đến giáo huấn trong sách Khôn Ngoan: “Vì các thọ tạo càng lớn lao đẹp đẽ thì càng giúp nhận ra Đấng tạo thành.” (Kn 13:5)

Trong cột trụ thứ hai của Sự Phục Hưng Thánh Thể, Hội đồng Giám mục Hoa Kỳ đã làm nổi bật tầm quan trọng của cuộc tìm kiếm này – tìm kiếm Chân, Thiện, Mỹ. Cột trụ thứ hai của Sự Phục Hưng là: Chiêm ngưỡng và công bố giáo lý về Sự Hiện Diện Thật của Chúa Giêsu trong Bí tích Thánh Thể qua chân lý giáo huấn, vẻ đẹp của sự thờ phượng, sự tốt lành của việc đồng hành với những người nghèo khó và những người dễ bị tổn thương.

1. SỰ THẬT CỦA GIÁO HUẤN

Chúa Giêsu nói “Ta là sự thật,” nghĩa là sự thật là con người. Khi chúng ta biết Con Người này, chúng ta nhận ra giọng nói của Ngài. Chúa Giêsu nói: “Chiên của tôi biết tôi và nghe tiếng tôi.” Khi chúng ta tìm kiếm sự thật, chúng ta bắt đầu nhận ra điều đó tốt hơn và chúng ta bắt đầu có khả năng phân biệt với đồ giả. Khi chúng ta biết tiếng nói của Sự Thật, khi nghe thấy điều gì đó có vẻ sai hoặc không đúng, chúng ta có thể quyết định và nói: “Tôi biết sự thật và Ngài sẽ không nói điều gì đó như vậy.”

Học về Thiên Chúa cũng giống như học về sự thật: Chúng ta học điều gì là sự thật qua một quá trình loại bỏ. Như Sherlock Holmes nói: “Khi bạn đã loại bỏ tất cả những gì là không thể thì bất cứ thứ gì còn lại, dù không thể xảy ra, cũng phải là sự thật.”

Thánh Tôma Aquinô đồng ý và đi xa hơn khi nói rằng chân lý mà bạn tìm thấy chính là Thiên Chúa. Hoặc, theo cách nói của thánh nhân là “liên quan Thiên Chúa, chúng ta không thể hiểu Ngài là gì, mà chỉ biết Ngài không phải là gì, và những thụ tạo khác trong mối quan hệ với Ngài như thế nào.”

Nhưng bạn có thể nghĩ rằng tôi đang tự mâu thuẫn với chính mình. Đầu tiên, tôi nói rằng chúng ta có thể biết sự thật, do đó tôi có thể biết Chúa vì Ngài là sự thật. Sau đó, tôi trích dẫn lời Thánh Tôma Aquinô nói rằng chúng ta không thể hiểu Ngài là ai. Điều này dẫn đến điểm chính xác mà các giám mục Hoa Kỳ nhắm đến trong cột trụ thứ hai này. Chúng ta không thể biết Thiên Chúa là Cha ngoại trừ Con – Đức Giêsu Kitô. Thánh Tôma Aquinô đủ thông minh để tạo ra sự khác biệt này. Công Đồng Chalcedon nói rõ rằng chúng ta cần phải cẩn thận để không nhầm lẫn hai bản tính của Đức Giêsu Kitô. Đức Giêsu Kitô không phải là Cha, nhưng Đức Giêsu Kitô là Thiên Chúa. Đừng cố gắng bám vào điều đó. Chúng ta không được tạo ra để làm điều đó. Tuy nhiên, chúng ta đã được trao ban Thánh Thể.

Có thể Thiên Chúa đã ban cho chúng ta một chất tốt hơn cho chuyến lưu trú của chúng ta trên trái đất chăng? Thánh Tôma Aquinô nói về sự hiệp nhất giữa những người siêu việt với Chân, Thiện, Mỹ. Còn cách nào tốt để nên một với Thiên Chúa hơn là tiêu thụ chính Ngài? Nếu chúng ta muốn tiêu thụ Ngài, còn cách nào tốt hơn là làm như vậy khi Ngài ở dạng tấm bánh – thực phẩm là nguồn cung cấp chủ yếu nhất trong bữa ăn hằng ngày của chúng ta?

Liệu Ngài có nên trao chính Ngài cho chúng ta theo cách khác ngoài dạng thực phẩm? Tội lỗi đến thế gian bởi Adam và Eva ăn Trái Cấm. Thiên Chúa đã đảo ngược lời nguyền bằng cách ban cho chúng ta lương thực từ trời. Thánh Phêrô Giulian Eymard nói: “Hãy có một tình yêu lớn lao đối với Chúa Giêsu trong Bí tích Tình Yêu. Đó là ốc đảo thánh thiêng của sa mạc. Đó là thần lương của người lữ hành. Đó là Hòm Bia Thánh. Đó là sự sống và Thiên Đàng tình yêu trên trái đất.” (Gởi Con Cái của Đức Mẹ, ngày 21-11-1851)

Vì vậy, chúng ta có thể tự tin công bố Sự Hiện Diện Thật của Chúa Kitô trong Bí tích Thánh Thể qua chân lý giáo huấn của chúng ta, bởi vì Thánh Thể là Chúa Kitô, Chúa Kitô là Chân Lý, và đó là điều Giáo Hội dạy. Không chỉ đơn giản là chân lý, Thánh Thể là hiện thân hoàn hảo nhất của chân lý bởi vì đó chính là Đấng Chân Lý.

2. VẺ ĐẸP CỦA SỰ TÔN THỜ

Vẻ đẹp cũng là con người. Vì vậy, chúng ta phải xây dựng những nhà thờ đẹp và thờ phượng trong những Thánh Lễ đẹp với âm nhạc hay, những lời cầu nguyện đẹp, và những bài giảng hay. Sự thật và vẻ đẹp có thể hoán đổi lẫn nhau. Ở đâu có vẻ đẹp, ở đó có sự thật; ở đâu có sự thật, ở đó có vẻ đẹp. Nếu điều gì đó không thật, nó sẽ không ngân vang vẻ đẹp vào tai chúng ta. Nếu cái gì đó không đẹp, nó sẽ không vang lên sự thật.

Chúng ta biết điều này bởi vì khi chúng ta nghe một bản nhạc hay, chúng ta nhận ra một sự thật nào đó trổi vượt hơn cả ngôn ngữ. Cách mà vẻ đẹp khiến chúng ta không nói nên lời không phải là bằng chứng cho thấy nó rời rạc, mà là bằng chứng về sự sâu sắc và sự thật ở thế giới khác của nó. Do đó, sự thờ phượng của chúng ta phải đẹp, vì nhờ vẻ đẹp mà sự thật trên trời vượt qua thế giới này có thể xuống trên chúng ta.

3. SỰ TỐT LÀNH CỦA SỰ ĐỒNG HÀNH

Thiên Chúa xác định: “Mỗi lần các ngươi làm như thế cho một trong những anh em bé nhỏ nhất của Ta đây, là các ngươi đã làm cho chính Ta vậy.” (Mt 25:40)

Khi nhận thấy điều tốt lành vị tha nào đó mà ai đó đã làm, tôi cảm thấy giằng xé trái tim mình giống như cảm giác khi tôi nghe một bài hát hay hoặc nhận ra một sự thật sâu sắc nào đó. Tất cả những kinh nghiệm này là những cuộc gặp gỡ nhỏ với Thiên Chúa. Riêng tôi cũng có thể làm chứng rằng cảm giác này chưa bao giờ mạnh hơn khi tôi lãnh nhận Thánh Thể. Không phải lần nào tôi cũng cảm nghiệm được như vậy, nhưng không có kinh nghiệm nào chạm đến trái tim tôi thường xuyên hơn việc rước lễ. Bởi vì Thiên Chúa tạo ra trái tim của chúng ta nên Ngài biết chính xác cách tiếp cận nó tốt nhất.

Việc lãnh nhận Thánh Thể chạm đến trái tim tôi bởi vì tôi nhận ra sự hy sinh yêu thương của Ngài khi tôi lãnh nhận. Chúa Giêsu đồng hành với chúng ta trong Bí tích Thánh Thể. Sự tốt lành trong việc đồng hành của chúng ta với người khác bắt đầu từ việc Chúa Kitô đồng hành với chúng ta trong Bí tích Thánh Thể. Sự tốt lành của chúng ta là sự tràn đầy tình yêu và sự tốt lành mà chúng ta nhận được khi chúng ta tiêu thụ Mình Thánh Chúa và làm cho sự tốt lành trở nên một với chúng ta.

Qua việc giảng dạy, tôn thờ và làm việc thiện theo sự thật, người Công giáo tuyên bố giáo lý về sự Hiện Diện Thật của Chúa Giêsu, đó là nguồn gốc của tất cả những điều này. Tôi ca ngợi nỗ lực của các giám mục Hoa Kỳ trong việc giảng dạy những chân lý sâu sắc này theo một cách độc đáo. Hy vọng Cuộc Phục Hưng Thánh Thể thành công trong việc cho người Công giáo thấy rằng Sự Hiện Diện Thật của Chúa Giêsu không chỉ là một giáo huấn khác của Giáo Hội, mà đó là hiện thân của Chân, Thiện, Mỹ. Và đó là điều Giáo Hội dạy.

DAVID KILBY

TRẦM THIÊN THU (chuyển ngữ từ CatholicExchange.com)

Đêm 08-07-2022