Thái Hà (23.07.2017) – Đức Giê-su trình bày cho dân chúng nghe một dụ ngôn khác: “Nước Trời ví như chuyện người kia gieo giống tốt trong ruộng mình”. Khi mọi người đang ngủ, thì kẻ thù của ông đến gieo thêm cỏ lùng vào giữa lúa, rồi đi mất. Khi lúa mọc lên và trổ bông, thì cỏ lùng cũng xuất hiện. Đầy tớ mới đến thưa chủ nhà rằng: “Thưa ông, không phải ông đã gieo giống tốt trong ruộng ông sao? Thế thì cỏ lùng ở đâu mà ra vậy? Ông đáp: “Kẻ thù đã làm đó!” Đầy tớ nói: “Vậy ông có muốn chúng tôi ra đi gom lại không?” Ông đáp: “Đừng, sợ rằng khi gom cỏ lùng, các anh làm bật luôn rễ lúa. Cứ để cả hai cùng lớn lên cho tới mùa gặt. Đến ngày mùa, tôi sẽ bảo thợ gặt: Hãy gom cỏ lùng lại, bó thành bó mà đốt đi, còn lúa, thì hãy thu vào kho lẫm cho tôi”.
Đức Giê-su còn trình bày cho họ nghe một dụ ngôn khác. Người nói: “Nước Trời cũng giống như chuyện hạt cải người nọ lấy gieo trong ruộng mình. Tuy nó là loại nhỏ nhất trong tất cả các hạt giống. Nhưng khi lớn lên, thì lại là thứ lớn nhất: Nó trở thành cây, đến nỗi chim trời tới làm tổ trên cành được”.
Người còn kể cho họ một dụ ngôn khác: “Nước Trời cũng giống như chuyện nắm men bà kia lấy vùi vào ba đấu bột, cho đến khi tất cả bột dậy men”. (Mt 13,24-43)
Trong niềm tin của người Do Thái, Thiên Chúa là Đấng Toàn Năng, chính Người đã tạo dựng trời đất, biển khơi cùng muôn loài trong đó. Thiên Chúa còn là Đấng toàn tri, thông biết mọi điều, thấu hiểu mọi sự. Người còn là Đấng toàn mỹ, có tất cả mọi điều thiện hảo tốt lành. Đối với vua Đavit, khi suy niệm về Thiên Chúa, vua còn nhận thấy: “Chúa là Đấng từ bi nhân hậu, Người chậm giận và giàu tình thương” (Tv 102,8)
Sự chậm giận, kiên nhẫn chờ đợi Thiên Chúa được thể hiện rõ qua hình ảnh người chủ trong câu chuyện dụ ngôn hôm nay. Trước tình cảnh lúa và cỏ lùng mọc chung với nhau, cũng như để đáp lại câu hỏi của các đầy tớ: “Ông có muốn chúng tôi ra đi gom có lùng lại không?”, ông chủ ôn tồn trả lời: “Cứ để cả hai mọc lên cho tới mùa gặt”. Ông đã kiên nhẫn chờ đến ngày mùa mới phân tách và tiêu diệt cỏ lùng.
Thiên Chúa giống như ông chủ. Trước tình cảnh tốt – xấu, thiện – ác lẫn lộn của thế giới, Thiên Chúa cũng kiên nhẫn chờ đợi cho đến ngày cánh chung mới phân tách kẽ dữ ra khỏi người lành. Sở dĩ Thiên Chúa kiên nhẫn chờ đợi, không phải vì Người sợ kẻ dữ nổi dậy chống lại, nhưng Người muốn họ có thêm thời gian để ăn năn sám hối, trở thành người tốt và được thưởng hạnh phúc Nước Trời, như chính Người đã nói qua ngôn sứ Êdêkien: “Ta chẳng vui gì khi kẻ gian ác phải chết, nhưng vui khi nó thay đổi đường lối để được sống” (Ed 33,11).
Là Kitô hữu chúng ta được mời gọi bắt chước Thiên Chúa qua đời sống tha thứ, kiên nhẫn và khoan dung với lỗi lầm của mọi người.
Cầu nguyện: Lạy Chúa, xin giúp chúng con biết khoan dung, nhân hậu và kiên nhẫn như lời Ngài dạy. Amen.
Suy niệm Tin Mừng hằng ngày,
Chấm nối chấm…