Hôm nay, ngày 06/02/2018, Tòa Án Tỉnh Nghệ An đã tuyên một bản án kinh khủng 14 năm tù giam cho anh Hoàng Đức Bình, khi ghép anh vi phạm điều 257, chống người thi hành công vụ và điều 258, hành vi lợi dụng các quyền tự do dân chủ xâm phạm quyền lợi ích của nhà nước, tổ chức, công dân của Bộ Luật Hình Sự nước CHXHCNVN. Anh Nguyễn Nam Phong bị tuyên 2 năm tù giam về tội chống người thi hành công vụ.
Luật sư bào chữa cho hai anh trong phiên tòa, Hà Huy Sơn, đã viết trên fb của mình là “Một bản án mang tính thù hận, bất chấp pháp luật, bất chấp lương tri nhằm bỏ tù bằng được Hoàng Đức Bình” Bị bắt, nói chính xác, là bị bắt cóc vào ngày 15/5/2017, tại huyện Diễn Châu, tỉnh Nghệ An khi đang ngồi cùng xe với linh mục GB Nguyễn Đình Thục, quản xứ Song Ngọc, Gp Vinh, trong vụ đi khiếu kiện khu công nghiệp Formosa xả thải ra môi trường gây nên thảm họa biển, tại Tòa Án Kỳ Anh Hà Tĩnh.
Là người tích cực dấn thân chống “đường lưỡi bò” của Trung Cộng ở Biển Đông, anh Hoàng Đức Bình còn tham gia phong trào Lao động Việt, với mục tiêu trợ giúp pháp lý giúp người lao động Việt Nam đấu tranh và bảo vệ quyền lợi chính đáng, cùng với các linh mục Giáo phận Vinh và người dân bốn tỉnh Miền Trung tố cáo và khiếu kiện Formosa, đòi nhà cầm quyền cộng sản phải bồi thường thỏa đáng cho các nạn nhân của Formosa. Vì thế, anh đã bị nhà cầm quyền khép tội lợi dụng sự cố môi trường biển ở miền Trung, tổ chức, lôi kéo, kích động giáo dân, ngư dân biểu tình, phá rối an ninh trật tự, theo điều 258. Nhưng điều luật 258, một điều luật rất chung chung và quá mơ hồ, dễ bị lạm dụng để bắt bớ và dễ dàng kết tội những người đang tham gia các phong trào đấu tranh dân chủ trong nước, những người có chính kiến hoặc bất đồng chính kiến với những đường lối, chính sách của chính quyền.
Mạng lưới blogger Việt Nam luôn coi điều 258 là hành vi vi phạm không những quyền căn bản của công dân Việt Nam đã được ghi trong hiến pháp nước CHXHCNVN, mà còn vi phạm Tuyên ngôn Quốc tế nhân quyền mà Việt Nam đã ký kết, về quyền tự do tư tưởng, tự do thu nhận, quảng bá tin tức và truyền đạt ý kiến. Điều 258 được nhà cầm quyền sử dụng như một thứ “vũ khí hữu hiệu” để dập tắt mau chóng sự lên tiếng của những người yêu nước trước vận mệnh quốc gia, trước tệ nạn tham nhũng, trước những hành vi lộng quyền và lạm quyền của các viên chức trong hệ thống chính quyền. Nó gây ra những hố sâu thù nghịch, trầm trọng hoá những mâu thuẫn, ngăn cản sự đồng thuận xã hội, và loại bỏ những giải pháp tích cực có lợi cho sự phát triền hài hoà của xã hội.
Ngay cả Hội Đồng Giám Mục Việt Nam, trong bản nhận định về Luật Tín Ngưỡng, Tôn Giáo 2016, đã đưa ra những nhận xét xác đáng: “Do cách nhìn như thế, trong Luật Tín ngưỡng, Tôn giáo, có những điệp khúc được lặp đi lặp lại nhiều lần, như “theo quy định của Pháp luật”; “chia rẽ dân tộc, chia rẽ tôn giáo”, hoặc những khái niệm mơ hồ trừu tượng như “xâm phạm quốc phòng, an ninh”; “xâm phạm chủ quyền quốc gia”; “xâm phạm trật tự an toàn xã hội, môi trường”. Những điệp khúc và những từ ngữ mơ hồ trên rất dễ bị lạm dụng để quy kết trách nhiệm và lên án các tổ chức tôn giáo khi chính quyền không hài lòng. … Do đó, phải đặt lợi ích của dân tộc lên trên hết. Chúng tôi nghĩ rằng, đồng hành với dân tộc là đồng hành với những con người cụ thể đã và đang làm nên dân tộc này, nhất là những người cùng khổ và bị quên lãng.”
Hoàng Đức Bình đã bị xét xử theo điều luật mơ hồ 258, vì đã đặt lợi ích dân tộc lên trên hết, vì đã can đảm đồng hành với dân tộc trầm luân trong khổ đau, trong những sự áp bức, bất công và ngược đãi với những người dân Việt cụ thể, là những con người đã và đang làm nên dân tộc này, nhất là những người cùng khổ và bị quên lãng. Nhưng như anh từng nói: “Những đau đớn tôi phải chịu không là gì so với những đau đớn đồng bào tôi đang phải chịu đựng, khi bị đánh đập, khi bị cướp tàu, thậm chí bỏ mạng.”
Bản áp bất công và nặng nề, phi lý và ngang ngược mà nhà cầm quyền cộng sản “ưu ái” dành cho anh Hoàng Đức Bình, phải chăng là thông điệp cứng rắn muốn gửi tới những ai còn có lòng với dân tộc, với đất nước, còn dám đấu tranh trước những bất công và nạn tham nhũng của thể chế này?
Lm. Giuse Ngô Văn Kha, DCCT