Vào ngày 26 tháng 9 năm 1944, tại Bassano del Grappa, Đức quốc xã treo cổ 31 người thuộc thành phần chống đối, mỗi người trên một cây. Tất cả còn rất trẻ. Không ai trong số các người hành quyết và người tạo ra vụ thảm sát bị đưa ra xét xử trong thời kỳ hậu chiến. Trong số các nhân chứng của vụ thảm sát, có nhiều sinh viên bị đưa từ các trường học để xem cuộc triển lãm ảm đạm. Trong số đó có một thiếu nữ 17 tuổi đang theo học ở Bassano, chuyên ngành thẩm phán, đó là Tina Anselmi, người sẽ trở thành nữ bộ trưởng đầu tiên của cộng hòa Italy. Sau sự kiện đó, cô quyết định trở thành một phần tích cực của cuộc kháng chiến và trở thành người tiếp sức cho Cesare Battisti, một người yêu nước, nhà báo, nhà địa lý, chính trị gia của Italia.
Tina Anselmi sinh năm 1927 tại Castelfranco Veneto trong một gia đình Công giáo. Người mẹ quản lý một quán rượu, người cha ngược lại theo đuổi ý tưởng xã hội chủ nghĩa, do đó bị đàn áp bởi chủ nghĩa phát xít. Vào tháng 12 năm 1944, trước khi kết thúc chiến tranh, Tina Anselmi đã gia nhập Đảng Dân chủ Thiên Chúa giáo. Niềm đam mê chính trị là nguồn cảm hứng cho cuộc đời của cô và cũng là nguồn cảm hứng việc cho việc viết sách với nội dung về chính trị. Sau chiến tranh, cô đã tốt nghiệp văn học tại đại học Công Giáo Thánh Giá ở Milan và trở thành một giáo viên tiểu học. Nhưng con đường thực sự của cô là chính trị: một chính trị được hiểu theo nghĩa rộng nhất, đó là chú ý đến các vấn đề xã hội, việc làm, cuộc sống hàng ngày cũng như quản lý các vấn đề công cộng.
Trong hai mươi năm đầu sau khi giải phóng Tina là một nhà hoạt động công đoàn, và tích cực tham gia vào nền Dân chủ Thiên chúa giáo cho đến năm 1959 trở thành một thành viên của hội đồng quốc gia. Năm 1968, lần đầu tiên bà được bầu vào Hạ viện, làm việc cho cơ quan lập pháp cho đến năm 1992. Trong những năm đương nhiệm tại quốc hội, bà là một phần của ủy ban về lao động và an sinh xã hội, y tế và xã hội. Sau ba lần là Phó tổng thư ký, trong năm 1976 dưới thời của Andreotti, bà là Bộ trưởng Bộ Lao động xã hội.
Bà là người phụ nữ đầu tiên giữ vai trò này ở Italia, và chỉ ba mươi năm kể từ năm 1946 ở cuộc bầu cử, lần đầu tiên đưa phụ nữ đến thùng phiếu. Ở vị trí này, vào năm 1977 Tina Anselmi đã phê chuẩn đạo luật quy định đối xử bình đẳng nam nữ, nhất là trong công việc. Đó là một trận chiến mà Bộ trưởng Anselmi đã đấu tranh trong nhiều năm, bắt đằu từ năm 1962, tại đại hội Napoli của đảng Dân chủ Thiên chúa giáo, đại diện cho phụ nữ trẻ của đảng, bà đã ủng hộ mạnh mẽ, phá vỡ nhiều điều cấm kỵ, sự cần thiết phải thay đổi luật pháp, hỗ trợ quyền của lao động nữ. Sau đó, vào năm 1993, về luật bầu cử mới, điều khoản về “giới tính” cho phép gia tăng con số các phụ nữ được bầu và bắt đầu giới thiệu hệ thống hạn mức, gây nhiều tranh cãi. Điều này đã mang lại hiệu quả về sau: nếu năm 1986 tỷ lệ phụ nữ được bầu vào quốc hội là 6%, năm 2017 là 30%.
Từ 1978 đến 1979 Tina Anselmi là Bộ trưởng Bộ Y tế. Và ở đây bà cũng liên kết tên của mình với một cải cách quan trọng đó là về dịch vụ y tế quốc gia, thực hiện quyền đối với sức khỏe đã được ghi nhận trong Hiến pháp: “chế độ Cộng hòa bảo vệ sức khỏe như một quyền cơ bản của cá nhân và lợi ích của cộng đồng, và đảm bảo sự chăm sóc miễn phí cho người nghèo khổ”. Đó là một cuộc cải cách ban đầu có rất nhiều chống đối, đặc biệt về phía các bác sĩ. Năm 2003, Tina Anselmi nói: “Tôi phải nói rằng trong những năm đó, ở những góc độ khác nhau, chắc chắn đã có cuộc đụng độ. Tuy nhiên, có một sự kết hợp cơ bản với nguyên tắc mà cải cách hệ thống y tế Italia đã được xây dựng: tuân thủ các giá trị để xây dựng việc bảo vệ quyền của công dân, có một sự bảo đảm từ phía nhà nước liên quan đến tính toàn vẹn của nó. Để xây dựng một hệ thống mà nó có thể đảm nhận đó là bảo vệ con người”.
Hai vấn đề cải cách được bà thực hiện có tầm quan trọng lớn. Bà là một trong số những người có ảnh hưởng nhiều nhất đến xã hội Italia trong 50 năm qua. Tina Anselmi còn để lại tên của bà liên quan đến một vấn đề quan trọng khác trong thế giới chính trị Italia; đó là những năm khủng bố.
Năm 1981, bà được chọn làm chủ tịch Ủy ban điều tra quốc hội. Đó là một nhiệm vụ mà vì nó bà có thể bị nguy hiểm đến tính mạng, đây là giai đoạn của những khoảng đen tối ghi dấu trong lịch sử của đất nước. Nhưng nó cũng là một sự công nhận phi thường về sự trung thực chính trị sâu sắc và không thể bàn cãi của bà. Một sự trung thực được đọc trên khuôn mặt của bà đó là sự cởi mở, trong sáng và dũng cảm.
Sau khi kết thúc công việc ở Ủy ban điều tra quốc hội, Tina Anselmi không còn là ứng cử viên quốc hội nữa, bà đã có một vị trí ngày càng gia tăng trong đảng. Vào cuối những năm chín mươi, bà lại giữ chức Chủ tịch Ủy ban điều tra tài sản lấy từ công dân Do thái trong những năm đàn áp chống Do Thái (1938-1945), làm việc chặt chẽ với Tullia Zevi, chủ tịch Liên hiệp các cộng đồng Do thái Italia. Công việc của bà cùng với những người cùng chí hướng là đưa ra, chống lại các ý kiến chung, sự nhiệt thành mù quáng ở Italia dẫn đến phân biệt chủng tộc năm 1938.
Sự trung thực sâu sắc, uy tín mà bà có được, đã mang lại cho bà có tên trong số các ứng cử viên cho chức tổng thống của nước cộng hòa vào năm 1992. Bà qua đời trong năm 2016. Trong cùng một năm một con tem đã được dành riêng cho bà, một vinh dự mà nói chung là không được trao cho những người vẫn còn sống. Một người phụ nữ có giá trị theo mọi nghĩa. Nhờ bà, người dân Italia có thể nói rằng nền dân chủ Italia không chỉ có những người cha mà còn cả những người mẹ, một người mẹ Công giáo gương mẫu. (L’Osservatore Romano 02-7-2018)
Ngọc Yến – Radiovanticana