Đại học Duy Tân: Khánh thành bia tri ân cha Alexandre De Rhodes, Isfhan, Ba Tư

 

Bia tri ân đã chính thức được trân trọng đặt để và một buổi lễ khánh thành long trọng, ấm cúng và trang nghiêm đã được tổ chức tại mộ phần cha Alexandre de Rhodes sáng ngày 5/11/2018, nhân ngày giỗ thứ 358 của cha.

Buổi lễ đã có sự tham dự của chinh quyền thành phố: Ông Mazaheri (cộng đồng Hồi giáo tại Isfahan – cộng đồng chủ quản), Ông Gestabian (cộng đồng cơ đốc giáo Armenian tại Isfahan), Bà Gukasian (trưởng phòng quan hệ dân chúng nhà thờ VANK) và 20 công dân Việt Nam đến từ ba miền đất nước, có cả người Việt định cư ở nước ngoài.

Giáo sư Nguyễn Đăng Hưng, Viện Trưởng Viện Vinh Danh Chữ Quốc ngữ và Bảo tồn tiếng Việt (ĐH Duy Tân) đã phát biểu mở đầu trong sự xúc động sâu lắng của cử tọa:

“Hôm nay, chúng tôi, những phó thường dân từ Việt Nam xa xôi, là nội trợ gia đình, là hướng dẫn viên du lịch, là chuyên gia nhiếp ảnh, là nhà báo, nhà thơ, nhà văn, nhà khảo cổ học, giáo sư đại học, đến từ Nam, Trung, Bắc, có người định cư ở nước ngoài hồi hương. Chúng tôi vượt không gian trên 6000 km tụ tập về đây, nhân ngày giổ thứ 358 của ngài.

Chúng tôi kính cẩn đặt bia tri ân, với tư cách là người Việt Nam, nói tiếng Việt và sử dụng mỗi ngày Chữ Quốc Ngữ.

Chúng tôi ghi rõ lòng biết ơn sâu xa của chúng tôi lên bia đá:

‘Tri ân Cha Alexandre de Rhodes đã đóng góp to lớn trong việc tạo tác Chữ Quốc Ngữ – chữ Việt viết theo ký tự Latinh’ (We are very grateful to Father Alexandre de Rhodes who contributed greatly to the creation of Chữ Quốc Ngữ, Vietnamese script using the Latin alphabet).

Ngài đã góp phần cho ra đời một sản phẩm văn hóa tuyệt vời giúp cho người Việt có cơ hội nhanh chóng hòa nhập với thế giới văn minh, giúp các trẻ em Việt Nam có thể nhanh chóng biết đọc và biết viết, thoát ra những rối rắm của cách viết tượng hình vay mượn từ Trung Hoa.

Chúng tôi tin tưởng rằng từ nay, tấm bia đá lấy từ Quảng Nam này, nơi ngài lần dầu đặt chân đến học tiếng Việt, sẽ mãi mãi đứng dưới chân ngài, đem đến cho ngài hơi ấm và lòng biết ơn sâu sắc của người Việt chúng tôi!”

Sau đó, các vị khách quí đã phát biểu bằng tiếng Ba Tư, tiếng Anh. Nhà khảo cổ học Nguyễn Thị Hậu và nhà văn Hoàng Minh Tường đã có bài phát biểu.

Cộng đồng nói tiếng qua đại diện là bà Anna Owhadi Richardson, Chủ tịch Hội Ái hữu Alexandre Yrsin (AD@lY) đã gửi lời chia sẻ và ủng hộ bằng tiếng Pháp.

Buổi lễ thắp hương và dâng hoa đã diễn ra sau đó. Sáu phụ nữ trong đoàn trong trang phục áo dài đội nón lá truyền thống, đã nhẹ nhàng kéo về phía sau nấm mộ một tấm lụa lớn, mang đến từ Hội An có in hình trống đồng Đông Sơn, biểu tượng của dân tộc Việt. Hai tấm bia vừa được đặt đã từ từ hiện ra, cùng một lúc cả đoàn đã khoan thai nhẹ nhàng cất tiếng đồng ca bài Tình ca của nhạc sỹ Phạm Duy…

Một buổi sáng trời trong của cố đô Ba Tư, trước chứng kiến của đông đảo các khách quý, ban Giám đốc và công nhân khu nghĩa địa, đã vang lên trong trong nghẹn ngào xúc động lời ca:

Tôi yêu tiếng nước tôi từ khi mới ra đời, người ơi
Mẹ hiền ru những câu xa vời
À à ơi, tiếng ru muôn đời …

Hương đã được đốt, nến đã được thắp, bó hoa hồng tươi thắm ba màu vàng, xanh, đỏ, đã được trân trọng đặt lên mộ bên cạnh các văn bia rõ nét trong ánh nắng rực rỡ của xứ Ba Tư, ngày cuối thu…

Các vị khách quý, và đoàn người Việt Nam lần lượt từng người đặt một nhánh hoa hồng, cũng theo thứ tự vàng, xanh, đỏ trên mộ ngài Alexandre de Rhodes… Cuối cùng, ba thành viên thuộc tín ngưỡng cơ đốc đã đọc kinh thỉnh nguyện bên cạnh mộ.

GS Nguyễn Đăng Hưng đã thay mặt Viện Vinh Danh Chữ Quốc ngữ và Bảo Tồn tiếng Việt và toàn thể các thành viên đoàn hành hương, nói lời bế mạc buổi lễ. Giáo sư Hưng đã không quên hẹn mọi người sẽ gặp lại một ngày không xa, trong buổi khánh thành quan trọng hơn, đó là ngày khánh thành không gian Tri ân và Tưởng niệm tiếng Việt và Chữ Quốc Ngữ tại Việt Nam!

Không gian này sẽ được phát động thiết kế, huy động vốn thực hiện, bắt đầu từ năm 2019, năm kỷ niệm 100 năm ngày vua Khải Định xuống chiếu chấm đứt các khóa học và khoa thi chữ Hán, công nhận Chữ Quốc Ngữ là chữ viết chính thức của dân tộc Việt trên toàn cõi Việt Nam!

Mong thay có được sự hưởng ứng đóng góp của đông đảo cá nhân người Việt ở trong và ngoài nước, cũng như của các tổ chức văn hóa Việt Nam và Quốc Tế!

Mai Anh Nguyên từ Báo Tiếng Dân

……………………………….

Bài phát biểu ngày khánh thành bia tri ân cha Alexandre De Rhodes, Isfahan, Ba Tư, 5/11/2018

GS Nguyễn Đăng Hưng, Viện Trưởng Viện Vinh Danh Chữ Quốc Ngữ và Bảo tồn Tiếng Việt, Đại học Duy Tân Đà Nẵng

Kính thưa các vị khách quý,

Basalame khanoomha va agkayan

Thưa các bạn

Vẫn biết lúc ban đầu các giáo sỹ cơ đốc chỉ muốn tạo dựng một phương tiện hữu hiệu để truyền đạo, nhưng tính cách nghiêm túc và khoa học của công trình của họ đã cho ra đời một sản phẩm văn hóa tuyệt vời giúp cho người Việt có cơ hội nhanh chóng hòa nhập với thế giới văn minh, giúp các trẻ em Việt Nam có thể nhanh chóng biết đọc và biết viết, thoát ra những rối rắm của cách viết tượng hình vay mượn từ Trung Hoa.

Các chí sỹ yêu nước của các phong trào canh tân đất nước như Duy Tân, Đông Kinh Nghĩa Thục… đã sớm ý thức được lợi thế này và đã chọn chữ quốc ngữ làm phương tiện truyền bá những tư tưởng dân chủ tiến bộ, mưu cầu giải phóng dân tộc khỏi ách nô lệ của thực dân Pháp.

Sự ra đời và phổ biến của chữ quốc có công sức của nhiều người: Các giáo sỹ Bồ Đào Nha, Pháp, Ý, các cộng tác viên người Việt, các học giả người Việt: Trương Vĩnh Ký, Huỳnh Tịnh Của, Nguyễn Văn Vĩnh, Phạm Quỳnh, Phan Kế Bính, Nguyễn Đỗ Mục…, các chí sỹ của phong trào Duy Tân và Đông Kinh Nghĩa Thục: Phan Châu Trinh, Phan Bội Châu, Trần Quý Cáp, Trần Cao Vân, Lương văn Can, Nguyễn Quyền, Ngô Đức Kế, Huỳnh Thúc Kháng… các thành viên chủ chốt của Hội Truyền Bá Chữ Quốc Ngữ: Nguyễn Văn Tố, Hoàng Xuân Hãn, Bùi Kỷ, Vũ Đình Hòe, Nguyễn Hữu Đang…. Họ đã là những nhân tố tích cực cho việc mở mang dân trí, phổ biến các tư tưởng tiến bộ cho toàn dân dẫn đến độc lập dân tộc và thông nhất đất nước Việt Nam.

Nhưng công đầu có lẽ thuộc về cha Alexandre de Rhodes.

Năm 1651 sau khi bổ sung và hoàn thiện các công trình tiếng Việt khởi đầu từ các công trình của các giáo sỹ Bồ Đào Nha (Francisco De Pina, Gaspar De Amaral, Antonio Barbosa) ngài cho ra đời tại Roma, quyển tự điển Từ điển Việt–Bồ–La (Dictionarium Annamiticum Lusitanum et Latinum), công bố khoa học đầu tiên về Tiếng Việt và cách viết dùng ký tự La Tinh.

Đây là cả một nỗ lực, khổ luyện cá nhân hiếm có. Cha ADR đã ghi lại:

“Khi tôi vừa đến đàng trong VN và nghe người dân bản xứ nói, đặc biệt là phụ nữ, tôi có cảm tưởng mình đang nghe chim hót líu lo, và tôi đâm ra ngã lòng, vì nghĩ rằng, có lẽ không bao giờ mình học nói được một ngôn ngữ như thế. Thêm vào đó, tôi thấy hai cha Emmanuel Fernandez và Buzomi, khi giảng, phải có người thông dịch lại. Chỉ có cha Francois Pina là hiểu và nói được tiếng Việt, nên các bài giảng của cha Pina thường đem lại nhiều lợi ích hơn là của hai cha Fernandez và Buzomi. Do đó tôi tự ép buộc mình phải dồn mọi khả năng để học cho được tiếng Việt. Mỗi ngày tôi chăm chỉ học tiếng Việt y như ngày xưa tôi học môn thần học ở Roma. Và nhờ ơn Chúa giúp, chỉ trong vòng 4 tháng, tôi học biết đủ tiếng Việt để có thể giải tội và sau 6 tháng, tôi có thể giảng được bằng tiếng Việt… “

Cha ADR đã góp phần to lớn, giúp cho dân tộc Việt Nam hòa nhập với thế giới văn minh trước hơn 350 năm so với các nước khác tại Á Châu!

Đây cũng là thành quả giao lưu văn hóa Âu-Á trong sáng và trường tồn vào bậc nhất của nhân loại. Có công trình giao lưu văn hóa nào ngay thế kỷ 17 mà đã có hợp tác của đông đảo các quốc tịch: Bồ Đào Nha, Ý, Tây Ban Nha, Nhật, Trung Hoa, Pháp và Việt Nam… đế sáng tạo, hình thành và đạt kết quả mỹ mãn như tiếng Quốc Ngữ mà ta có ngày nay?

Hôm nay, chúng tôi, những phó thường dân từ Việt Nam xa xôi, là hướng dẫn viên du lịch, là chuyên gia nhiếp ảnh, là nhà báo, nhà thơ, nhà văn, nhà sử học, giáo sư đại học, đến từ Nam, Trung, Bắc, có người định cư ở nước ngoài hồi hương, chúng tôi vượt không gian trên 6000 km tụ tập về đây, nhân ngày giỗ thứ 358 của ngài.

Chúng tôi kính cẩn đặt bia tri ân, với tư cách là người Việt Nam, nói tiếng Việt và sử dụng mỗi ngày Chữ Quốc Ngữ.

Chúng tôi ghi rõ lòng biết ơn của chúng tôi lên bia đá:

“Tri ân Cha Alexandre de Rhodes đã đóng góp to lớn trong việc tạo tác Chữ Quốc Ngữ – chữ Việt viết theo ký tự Latinh” (We are very grateful to Father Alexandre de Rhodes who contributed greatly to the creation of Chữ Quốc Ngữ, Vietnamese script using the Latin alphabet).

Chúng tôi cũng mang sang đây một tấm bia ngắn, cho khắc in chân dung ngài và hình ảnh cuốn từ điển trứ danh của ngài.

Chúng tôi tin tưởng rằng từ nay, tấm bia đá lấy từ Quảng Nam này, nơi ngài lần dầu đặt chân đến học tiếng Việt, sẽ mãi mãi đứng dưới chân ngài, đem đến cho ngài hơi ấm của lòng biết ơn sâu sắc của người Việt chúng tôi!

Thật vậy, Chữ Quốc Ngữ đã quyện cùng tiếng Việt, thấm vào hồn người Việt và trong giai đoạn khó khăn đầy bất trắc hôm nay của đất nước, chúng tôi tin tưởng không gì có thể lay chuyển được là Vinh danh Chữ Quốc Ngữ chính là bảo tồn tiếng Việt, chính là bảo vệ đất nước Việt Nam!

Xin cám ơn quý vị…

GS Nguyễn Đăng Hưng

Viện Trưởng Viện Vinh Danh Chữ Quốc Ngữ và Bảo tồn Tiếng Việt

Đại học Duy Tân Đà Nẵng

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai.