Thái Hà – Cảnh hoang tàn của những ngôi nhà hôm qua sẽ còn tiếp diễn cho đến khi nào nhà cầm quyền này biến Vườn Rau Lộc Hưng chỉ còn là “một cái tên” trong lịch sử?
Chẳng phải động đất, sóng thần; cũng chẳng phải đang có chiến tranh hoặc khủng bố do một nhóm sắc tộc, tổ chức, tôn giáo vì một lý tưởng cực đoan nào đó, mà là những hình ảnh tang thương thường thấy của bất cứ cuộc cưỡng chế nào do nhà cầm quyền cộng sản gây ra, một khi họ đã nhắm cướp, cướp cho bằng được tài sản của người dân, bất chấp công lý và đạo lý.
Từ “cướp”.
Để cấu thành “tội cướp tài sản”, khoản 1 điều 133 Bộ luật Hình sự quy định: “Người nào dùng vũ lực, đe doạ dùng vũ lực ngay tức khắc hoặc có hành vi khác làm cho người bị tấn công lâm vào tình trạng không thể chống cự được nhằm chiếm đoạt tài sản, thì bị phạt tù…”
Dùng vũ lực là dùng sức mạnh tay chân hoặc vũ khí để tấn công chủ tài sản, người quản lý tài sản hoặc bất kỳ người nào ngăn cản việc chiếm đoạt của người phạm tội nhằm đè bẹp sự phản kháng, làm tê liệt ý chí của nạn nhân để chiếm đoạt tài sản.
Đe dọa dùng vũ lực ngay tức khắc là dùng lời nói, hành vi đe dọa sẽ tấn công chủ tài sản hoặc những người khác nếu có ý định ngăn cản hành vi chiếm đoạt tài sản của người phạm tội.
Để cấu thành cơ bản “tội cưỡng đoạt tài sản”, khoản 1 điều 135 Bộ luật hình sự quy định: “Người nào đe doạ sẽ dùng vũ lực hoặc có thủ đoạn khác uy hiếp tinh thần người khác nhằm chiếm đoạt tài sản, thì bị phạt tù…”
Đe dọa dùng vũ lực là đe dọa gây thiệt hại về thể chất, vật chất cho chủ tài sản nếu người đó không đáp ứng yêu cầu của người phạm tội. Việc đe dọa này, trong khoảng thời gian nhất định, để người bị đe dọa suy nghĩ, cân nhắc để quyết định trao hay không trao tài sản.
Đến “chính trị cướp”
Chính trị, theo tác giả Hoàng Nguyên (https://thuquantriethoc.blogspot.com/2013/10/chinh-tri-la-gi.html) Một nhà nước dân chủ tự do và thượng tôn pháp luật thì nhà nước đó sẽ không trở nên một thế lực thống trị xã hội mà chỉ là một tổ chức quyền lực công, được người dân trao cho quyền lực, đổi lại họ được sống dưới sự bảo vệ của Nhà nước và một trật tự luật pháp do Nhà nước ban hành (dĩ nhiên luật pháp ấy phải công bằng đối với mọi người và không trái với đạo đức, luân lý); và quyền lực chính trị đó không thể là quyền lực tuyệt đối vì “quyền lực có xu hướng tha hóa, quyền lực tuyệt đối dẫn đến tha hóa tuyệt đối” (Lord Acton).
Nếu được nhìn dưới nhãn quan này, quyền lực chính trị xuất phát từ dân chúng, được tạo lập để phục vụ xã hội. Chính trị là nghệ thuật hay khoa học vận hành và quản lý xã hội bằng quyền lực nhà nước nhưng nó phải bị hạn chế bằng luật pháp và được giám sát bởi người dân thông qua các tổ chức xã hội, nghề nghiệp, tôn giáo.
Như vậy người dân mọi thành phần có đủ tư cách để tham gia gián tiếp vào nền chính trị quốc gia bằng những hoạt động xã hội cụ thể của mình. Đúng như những gì nhà cầm quyền vẫn hô hào, nhưng có thật không?
Hiểu biết để tham gia
Hiện nay, chính trị là một từ “nhạy cảm” bao hàm trong mọi lãnh vực phức tạp mà nhà cầm quyền cố tình uốn nắn ý nghĩa ban đầu của nó để phục vụ cho ý đồ của mình. Chính trị đánh đồng với “phản kháng”, phản kháng đánh đồng với “phản động” và chống đối những chính sách, chủ trương của đảng cộng sản là “phản quốc!”
Đa số dân chúng, trong đó không ít người Công giáo đều e sợ khi nói đến các vấn đề chính trị, không dám nói đến sự dấn thân phục vụ trong lãnh vực chính trị, nói gì đến việc can đảm tham gia các cộng đồng chính trị. Có nhiều người xem việc đem những giá trị Tin mừng vào trong lãnh vực chính trị là “tục hoá” Lời Chúa. Chủ trương người Công giáo “không làm chính trị”, chỉ đúng đối với các giáo sĩ và tu sĩ theo Giáo luật, nghĩa là không được trực tiếp tham gia chính trị.
Nhưng đối với giáo dân thì khác, Công đồng Vaticanô II khẳng định: “Giáo hội ca ngợi và quý trọng việc làm của những ai vì lợi ích quốc gia mà dấn thân phục vụ con người và nhận lãnh gánh nặng của trách nhiệm chính trị” (Gaudium et Spes, số 75) Do đó việc tách biệt giữa “đạo với đời” chẳng khác gì chủ trương tách biệt “linh hồn và thân xác” đã gây ra nhiều sự chia rẽ không đáng có và rất nguy hại trong nhiều cộng đồng tín hữu.
Tham gia vào chính trị dưới nhiều hình thức khác nhau, theo nhiều mức độ khác nhau là một hành vi đáng khích lệ, biểu lộ sự dấn thân của Kitô hữu trong việc phục vụ con người, trong sự nỗ lực đem những chân lý Tin mừng, như những giải pháp cho những lãnh vực và những mối quan hệ giữa người với người trong xã hội. Trong Tông huấn Kitô hữu Giáo dân (Christifideles laici) số 5, Đức Thánh Giáo hoàng Gioan Phaolô II viết: “Nếu trước đây, sự làm ngơ bổn phận này đã là điều không thể chấp nhận được, thì hiện giờ, thái độ đó lại càng đáng bị khiển trách hơn.”
Ở số 42, ngài còn viết: “Để đem đời sống Kitô hữu vào trật tự trần thế, tức là “đem đạo vào đời” theo ý nghĩa phục vụ con người và xã hội, các tín hữu giáo dân không thể nhất quyết từ chối tham gia vào “chính trị”, nghĩa là vào các hoạt động nhiều sắc thái, kinh tế, xã hội, lập pháp, hành chánh văn hóa, có mục đích cổ võ công ích một cách có tổ chức và theo cơ chế”
Những người dân ở Vườn Rau Lộc Hưng hiện đang ở trong tình trạng nguy nan, đời sống bị đe doạ một tương lai bất ổn đang chờ đón. Cảnh hoang tàn của những ngôi nhà hôm qua sẽ còn tiếp diễn cho đến khi nào nhà cầm quyền này biến Vườn Rau Lộc Hưng chỉ còn là “một cái tên” trong lịch sử, ghi khắc bằng máu và nước mắt, sự mất mát và tăm tối của những người trong cuộc, cũng như sự hèn nhát và kém hiểu biết của những kẻ đứng ngoài.
Lên tiếng vì lẽ công bằng trước những tội ác là điều rất cần thiết trong một xã hội còn nhiều điều bất ổn. Lên tiếng vì lẽ công bằng có nghĩa là lương tri của tôi, của bạn cũng đã lên tiếng, để cùng nhau, chúng ta mạnh hơn. Điều đó sẽ góp phần đẩy lùi những bóng đen tàn ác như Mục sư Martin Luther King nói: “Trong thế giới này, chúng ta không chỉ xót xa vì những hành động và lời nói của người xấu mà còn cả vì sự im lặng đáng sợ của người tốt”.
Lm. Giuse Ngô Văn Kha, DCCT