Bắt đầu từ năm 2000, để thực hiện dã tâm cướp đất của bà con Vườn Rau Lộc Hưng, nhà cầm quyền địa phương thực hiện “thủ tục” không cấp QSD đất cho bà con đang sử dụng ổn định đất và công bố đất bà con đang sử dụng từ năm 1954 đến nay là “đất công”.
Và sau khi xảy ra vụ cưỡng chế đất bà con dân oan Vườn Rau Lộc Hưng kinh hoàng, tàn sát ngay giữa lòng thành phố mang tên Hồ Chí Minh vào ngày 04 và 08.01.2019, dưới sự đinh hướng của tuyên giáo cộng sản, đồng loạt các loa “nhà”, loa công cộng lu loa lên rằng “nhà nước đập phá nhà vì bà con xây dựng trên đất công”. Có cả những “nhà” tự nhận “am hiểu” pháp luật, tình hình thực tế cũng đồng tình “áp đặt” khu đất Vườn Rau là “đất công”, “thuộc quản lý của Tổng nha Bưu điện VNCH (khu Nhà dây thép gió Chí Hòa). Sau 1975, nó thuộc quyền quản lý của Bưu điện TP. HCM”… Chỉ dựa vào cơ sở “có một vài cột ăng ten của bưu điện trên khu đất” mà không đưa ra được bất cứ bằng chứng, căn cứ pháp lý nào.
– Thế nhưng, ngay từ năm 2007, khi mà nhà cầm quyền liên tục gây sức ép, buộc bà con Vườn Rau phải giao đất để họ giao cho các doanh nghiệp thực hiện các “dự án” kinh doanh thương mại, Tòa Tổng Giám Mục Sài Gòn – chủ đất Vườn Rau Lộc Hưng – đã quả quyết bằng Văn bản khoảng 5 ha đất Vườn Rau, đường Chấn Hưng, phường 6, quận Tân Bình “thuộc quyền sở hữu của Giáo Hội” trước 30/04/1975. Và từ năm 1954, bà con đã liên tục sử dụng ổn định trên khu đất này cho đến nay. Hoàn toàn “không hề có cơ sở pháp lý nào cho phép xác định khu Vườn Rau, đường Chấn Hưng, phường 6, quận Tân Bình là thuộc diện chính quyền cách mạng tiếp quản sau 1975 và cũng không hề có một cơ sở pháp lý nào cho phép xác định rằng trong thực tế, khu đất trên đã được Trung tâm viễn thông 3 tiếp quản cùng lúc với các cột anten và khu nhà điều hành của Trạm phát sóng”. Từ đó xác định “Một lần nữa Tòa Tổng Giám Mục Sài Gòn có cơ sở vững chắc để khẳng định rằng bà con canh tác tại khu Vườn Rau, đường Chấn Hưng, phường 6, quận Tân Bình có đầy đủ cơ sở pháp lý để được công nhận QSD của mình và được quyền hưởng chính sách đền bù mà pháp luật quy định cho người có QSD, khi đất của họ bị thu hồi. Do đó bà con có quyền khiếu nại cho đến khi nào quyền lợi hợp pháp của họ chưa được công nhận và giải quyết thỏa đáng.”
Không phải “đất công”
Trong văn bản số: I.83.2007.285 đề ngày 21 tháng 8 năm 2007, Tòa Tổng Giám Mục Sài Gòn đã nêu rõ “Quan điểm của Tòa Tổng Giám Mục về quyền lợi và nghĩa vụ của các hộ dân canh tác tại khu “Vườn rau”, phường 6, quận Tân Bình” với nội dungtóm lược:
– “Khu Vườn rau khoảng 5 ha, đường Chấn Hưng, phường 6, quận Tân Bình, trước 30/04/1975, hoàn toàn không phải đất của nhà nước cũ sở hữu. Nhà nước cũ chỉ sở hữu 1 phần nhỏ (1,5 ha), diện tích còn lại thuộc quyền sở hữu của Giáo hội (3 ha) và một số sở hữu chủ khác.”
– “Trên khu vườn rau, đường Chấn Hưng, phường 6, quận Tân Bình có một ít cột ăng ten (chứ không phải 1 bãi ăng ten, như các công văn chính thức của các cơ quan hữu trách thường ghi và làm cho người ngoài cuộc ngộ nhận tai hại) thuộc trạm phát sóng hay phát tín của quân đội Pháp, sau đó của chính quyền Sài Gòn. Trạm này tọa lạc ở đường Lê Văn Duyệt, nay là Cách mạng tháng 8, cách khu vườn rau cả trăm mét, chứ hoàn toàn không phải “thuộc khuôn viên Đài phát tín vô tuyến điện quốc tế Chí hòa-Phú thọ Sài Gòn”, do đó khu vườn rau cũng không hề mang tên “Vườn rau Bưu Điện Chí hòa” (Bưu Điện chí hòa chỉ được thành lập vào ngày 23/05/1987…)”
– “Quân đội Pháp có đặt 1 ít cột ăng ten trên khu vườn rau, đường Chấn Hưng, phường 6, quận Tân Bình, mà Giáo hội sở hữu một phần lớn, nhưng chính quyền Pháp không hề tịch thu, hay truất hữu phần đất này của Giáo hội. Chính công văn S.P.55.011, ngày 17/02/1955 của Trưởng trạm phát tín là Đại úy Moinard xác nhận một cách vô tình khi ông viết “những người dân ở dọc theo hàng rào phía tây được phép trồng trọt trên khoản đất do antenne chiếm, với điều kiện thỏa thuận trước với Hội Công giáo Truyền giáo là “chủ sở hữu đất…” Theo văn mạch, ông đại úy ghi chú mấy chữ này chỉ là để giải thích tại sao người dân đã được phép của ông rồi, mà còn phải được Giáo hội chấp thuận: trách nhiệm của ông chỉ thi hành trong lãnh vực an ninh của khu vực, chứ không phải với cương vị chủ đất; nếu ông cho phép đi lại vào ban ngày, song chủ đất không chấp thuận cho trồng trọt trên đất, thì người dân chỉ được đi lại chứ không được canh tác trên đất.”
– “Ngoài ra, Trung tâm thông tin lưu trữ tư liệu địa chính nhà đất xác nhận rằng đến 30/04/1975, Hội đồng quản trị địa phận Công giáo Sài Gòn, (nay là Tòa Tổng Giám mục Tp.HCM), vẫn là chủ sở hữu của khu đất 184.360 m2 tọa lạc tại xã Phú thọ Hòa, số địa bộ 6, số bản đồ 126/5, tờ bản đồ thứ 2, trong đó có phần đất khoảng 30.000 m2 tại vườn rau.
– “Những thực tế trên đây cũng chứng minh hùng hồn rằng các cột ăng ten không quan trọng đến mức phải trưng thu, tịch thu toàn bộ khu đất và cũng không cần không hề có căn cứ gì để nói “chính quyền Pháp sử dụng với mục đích chính là làm bãi anten cho đài phát tín…”
– “Sau 30/04/1975, thực tế không hề có cơ quan, đơn vị nào của chính quyền cách mạng tiếp quản khu Vườn Rau, đường Chấn Hưng, phường 6, quận Tân Bình.”
– “Sau 1975, Trạm phát sóng hay phát tín đã được Trung tâm viễn thông 3 tiếp quản. Các cột anten thuộc Trạm thì đương nhiên cũng được tiếp quản, nhưng khu vườn rau, đường Chấn Hưng, phường 6, quận Tân Bình không thuộc trạm, thì đâu có lý do gì để tiếp quản! và thực tế cơ quan tiếp quản là Trung tâm viễn thông 3 không hề đá động gì đến khu Vườn Rau cũng như những bà con canh tác tại đó, (bằng chứng là bà con vẫn tiếp tục canh tác trên khu đất mà chẳng thấy ai có ý kiến gì cho đến năm 2000, khi bà con làm thủ tục kê khai đất sử dụng để được cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, UBND quận Tân Bình mới có văn bản bác đơn của bà con với lý do “trước và sau ngày giải phóng 30/04/1975, phần đất chuyên dùng trên bị các hộ chiếm dụng trồng hoa màu… UBND quận không thể cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất nông nghiệp cho các hộ được.”
Tại Văn bản này, Tòa Tổng Giám mục Sài Gòn khẳng định:
– “Toàn bộ 5 ha khu vườn rau, đường Chấn Hưng, phường 6, quận Tân Bình không hề được chính quyền cũ (Pháp và Việt) “sử dụng với mục đích chính là làm bãi anten cho đài phát tín”.
– “Do đó, phần đất 3 ha thuộc sở hữu của Giáo hội tại khu vườn rau, đường Chấn Hưng, phường 6, quận Tân Bình không hề bị chính quyền cũ tịch thu, truất hữu hay trưng dụng;”
– “Ngay cả phần đất 1,5 ha thuộc sở hữu Quốc gia tại khu Vườn Rau, đường Chấn Hưng, phường 6, quận Tân Bình cũng không hề được sử dụng chính yếu làm bãi anten, bằng chứng là người dân chung quanh vẫn được phép đi lại ban ngày để canh tác; đó là vì không hề có 1 “bãi đất” được sử dụng cho các cột anten, cũng không hề có bãi anten nào (chỉ có dăm ba cột thì làm sao gọi là bãi được!); trong khu đất 5 ha có 1,5 ha là đất công, dù vậy chính quyền cũ cũng không biến thành “đất chuyên dùng” dành riêng cho các cột anten, cũng không hề làm khuôn viên Trạm phát sóng, bởi vì điều đó không cần thiết.”
– “Sau Pháp, đến VNCH, cũng không ai đặt vấn đề gì đối với việc bà con chung quanh canh tác tại khu vườn rau, đường Chấn Hưng, phường 6, quận Tân Bình: điều này chứng tỏ một lần nữa khu đất này không thuộc quyền quản lý của Trạm phát sóng, tuy dù trên khu đất có một số cột anten của Trạm.”
– “Thực tế sau 30/04/1975, khi tiếp quản Trạm phát sóng cùng với các cột anten, Trung tâm viễn thông 3 không hề tiếp quản khu đất trên đó có các cột anten… Trong cuộc họp vào ngày 15/08/2007 tại trụ sở Ban Tôn giáo và Dân tộc, những người có trách nhiệm công nhận thực tế là sau 30/04/1975, không có cơ quan, đơn vị cách mạng nào đã tiếp quản khu vườn rau, đường Chấn Hưng, phường 6, quận Tân Bình, bởi lẽ và sau 1975, bà con giáo dân vẫn canh tác trên khu đất 5 ha một cách liên tục và ổn định cho đến khi bà con làm thủ tục kê khai đất để xin cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất vào ngày 18/10/1999…”
– “Nhưng điều cốt yếu ở đây là bà con có quá trình canh tác tại khu vườn rau, đường Chấn Hưng, phường 6, quận Tân Bình liên tục và ổn định từ lâu trước năm 1975 mãi cho đến ngày 18/02/2000, bà con mới được UBND quận Tân Bình chính thức thông báo rằng bà con là người chiếm dụng đất của Nhà nước trực tiếp quản lý, chiếm dụng từ thời nhà nước cũ (Pháp rồi đến Việt) đến thời Nhà nước cách mạng.”
– “Theo quan điểm của Tòa Tổng Giám mục Tp.HCM, không hề có cơ sở pháp lý nào cho phép xác định khu vườn rau, đường Chấn Hưng, phường 6, quận Tân Bình là thuộc diện chính quyền cách mạng tiếp quản sau 1975 và cũng không hề có một cơ sở pháp lý nào cho phép xác định rằng trong thực tế, khu đất trên đã được Trung tâm viễn thông 3 tiếp quản cùng lúc với các cột anten và khu nhà điều hành của Trạm phát sóng. Nếu trung tâm viễn thông 3 không tiếp quản khu đất vườn rau, thì dựa vào đâu để năm 1987 Bưu điện thành phố tiếp nhận khu đất khi Tổng cục Bưu điện ký quyết định số 578/QĐ-TCCB ngày 23/05/1987 để giao cơ sở Trạm phát sóng do Trung tâm viễn thông 3 tiếp quản và quản lý từ năm 1975 đến lúc bấy giờ?”.
Quyền lợi của bà con Vườn Rau
Chính vì lẽ vậy, tại Văn bản này, Tòa Tổng Giám mục Sài Gòn sau khi đưa ra quan điểm và lập trường của mình, cũng đã đặt ra những câu hỏi “hóc búa” cho nhà cầm quyền địa phương khi âm mưu chiếm đoạt đất của bà con giao cho doanh nghiệp.
– Về cái gọi là “xin phép giải tỏa số vườn rau màu của nhân dân xung quanh khu đất bãi anten ra khỏi khu đất đó và tiến hành xây dựng tường rào bảo vệ quanh khu bãi anten” do nhiều văn bản của Bưu điện đưa ra, Tòa Tổng Giám mục đã hỏi Bộ Tài nguyên và Môi trường “dựa vào cơ sở pháp lý nào?” “Tại sao suốt hơn nửa thế kỷ không có tường rào, dưới chế độ thực dân Pháp, rồi dưới chế độ “ngụy quân ngụy quyền” và cuối cùng dưới chế độ cách mạng, nhân dân làm chủ hơn 13 năm, không hề cần có tường bảo vệ dăm ba cột anten, bây giờ đột nhiên lại cần thiết phải xây tường rào bảo vệ? Có lý do nào khác tiềm ẩn không trong thời buổi đất đai bắt đầu có giá? Có thể đó là suy nghĩ của bà con canh tác tại khu đất, nên bà con đã kiên quyết chống lại việc giải tỏa Vườn Rau của bà con.”
– Sau khi nhiều lần nêu rõ hàng loạt các căn cứ pháp lý khẳng định QSH-QSD hợp pháp khu đất Vườn Rau thuộc về bà con, nhà cầm quyền không đưa ra được bất kỳ chứng cứ, cơ sở pháp lý nào khẳng định đây là đất công. Cuối cùng, Văn bản của Tòa Giám mục kể lại “Khi được tôi (Linh Mục Huỳnh Công Minh- Tổng Đại diện) được chứng minh rằng khu Vườn Rau, đường Chấn Hưng, phường 6, quận Tân Bình không hề có Nhà nước nào trực tiếp quản lý, Nhà nước cũ cũng như mới, bởi vì bà con đã sử dụng liên tục và ổn định suốt hơn nửa thế kỷ qua, thì một vài vị tham dự cuộc họp ngày 15/08/2007 mới ung dung pháp biểu rằng theo chủ trương chính sách thì khu Vườn Rau, đường Chấn Hưng, phường 6, quận Tân Bình thuộc diện phải được chính quyền cách mạng tiếp quản và sử dụng từ sau 30/04/1975 dù trong thực tế khu đất không được cơ quan nào tiếp quản, đó là sơ hở của các cơ quan hữu trách.”
– Linh Mục Huỳnh Công Minh đã kết luận “Tôi cũng vẫn không hiểu được trên cơ sở pháp lý nào để xếp khu Vườn Rau, đường Chấn Hưng, phường 6, quận Tân Bình thuộc diện tiếp quản của Nhà nước cách mạng sau 1975.”
Gây mất an ninh, trật tự, bị kích động
Điều đáng lưu ý là trong vụ việc cưỡng chiếm đất, tàn phá tài sản người dân Vườn Rau, định hướng của nhà cầm quyền được nhiều dư luận viên tung hô rằng do khu đất có nhiều thành phần phức tạp, nghiện ngập, thậm chí có kẻ còn sử dụng từ ngữ nặng nề là “đầu trộm đuôi cướp”… nên buộc phải tàn phá để đảm bảo an ninh, trật tự… Và rằng nhiều thế lực thù địch lợi dụng kích động.
Đây không phải là lập luận mới, mà ngay từ khi âm mưu chiếm đoạt tài sản của bà con nhằm bán cho các doanh nghiệp (sau này, khi gặp phản ứng dữ dội, nhà cầm quyền địa phương mới “học tập” gương “đạo đức” của các vụ việc đi trước như Tòa Khâm sứ, Nhà thờ Thái Hà để sửa đổi thành dự án “trường đạt chuẩn quốc gia”), vào những năm 2000, nhà cầm quyền lúc bấy giờ cũng đã rêu rao cái gọi là “an ninh, trật tự”, xúi giục, kích động…
Tuy nhiên, luận điệu này cũng đã được Tòa Tổng Giám Mục Sài Gòn chỉ rõ là: “Tại cuộc họp, Tòa TGM Sài Gòn được ông Chủ tịch UBND phường 6 cho biết thời gian gần đây tại khu vực có một số bà con giáo dân gây mất trật tự nghiêm trọng. Tòa TGM Sài Gòn xin xác định quan điểm của mình về việc này như sau:
Gây mất trật tự công cộng là điều sai trái, không thể chấp nhận được. Nhưng Tòa TGM Sài Gòn có thể khẳng định rằng: Những bà con giáo dân này là những công dân lương thiện, luôn luôn trọng chính quyền mọi cấp, sẵn sàng chấp hành mọi chủ trương, chính sách, quy định của luật pháp. Việc gây mất trật tự của bà con hoàn toàn không có động cơ xấu, cũng không do kẻ xấu lôi kéo, xúi giục, mà chỉ vì quá bức xúc trước việc khiếu nại chính đáng của bà con chậm được giải quyết. Đề nghị chính quyền lưu ý tình tiết đặc biệt này khi xử lý.”
Tự tiện đập phá, xong chiếm đoạt tài sản hợp pháp của người khác, mà không có căn cứ pháp lý, hành vi này của nhà cầm quyền quận Tân Bình đều được xác định là “cướp”, và phải chịu sự trừng phạt.
Pv.GNsP