Có nồng độ cồn là bị phạt!?
Hôm 30 tháng 12 năm 2019, chính phủ Hà Nội ban hành Nghị định 100/2019/NĐ-CP thay thế Nghị định 46/2016/NĐ-CP về quy định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực giao thông đường bộ và đường sắt. Nghị định mới có hiệu lực từ ngày 1 tháng 1 năm 2020, tức chỉ sau hai ngày ký.
Theo quy định mới thì mức phạt tiền sẽ là từ 6.000.000 đồng đến 8.000.000 đồng đối với người điều khiển xe trên đường mà trong máu hoặc hơi thở có nồng độ cồn nhưng chưa vượt quá 50 miligam/100 mililít máu hoặc chưa vượt quá 0,25 miligam/1 lít khí thở.
Phạt tiền từ 30.000.000 đồng đến 40.000.000 đồng đối với người điều khiển xe trên đường mà trong máu hoặc hơi thở có nồng độ cồn vượt quá 80 miligam/100 mililít máu hoặc vượt quá 0,4 miligam/1 lít khí thở. Mức phạt cũ chỉ từ 1.000.000 đồng đến 2.000.000 đồng.
Như vậy có thể thấy theo quy định mới, chỉ cần có nồng độ cồn là đã bị phạt. Điều này bị người dân lên tiếng chỉ trích mạnh mẽ trên mạng xã hội.
Ông Võ Minh Đức, chủ một doanh nghiệp vận tải ở Tp. HCM cho biết, ông hoàn toàn đồng ý với việc phạt thật nặng, thậm chí tước bằng lái vĩnh viễn với những người điều khiển phương tiện giao thông khi say xỉn và tái phạm. Việc này gây ra bao cái chết oan uổng cho người dân lành khi lái xe không làm chủ được hành vi của mình, nhất là những xe có tải trọng lớn. Tuy vậy ông phản đối cách xử phạt theo Nghị định mới bởi nó có những bất hợp lý. Ông giải thích:
“Nó không đúng với thực tiễn của cuộc sống và không phù hợp với đại đa số người dân. Thứ nhất là cứ có nồng độ cồn trong hơi thở là phạt mà không theo một tỷ lệ nào cả, cũng không cần biết nồng độ cồn xuất phát từ bia, rượu, trái cây hay thuốc…
Thu nhập của người Việt Nam thì thấp mà không cần biết nồng độ cồn là bao nhiêu vẫn phạt và giam bằng lái tới hai năm thì người lao động sao mà sống? Mục đích là họ thu tiền của dân, còn chuyện vì an toàn giao thông chỉ là trò mị dân mà thôi.”
Ông Đức nói thêm rằng đổ lỗi cho dân trong việc tai nạn giao thông tăng cao bởi bia rượu là không đúng, bởi còn nhiều yếu tố khác là nguyên nhân trực tiếp hoặc gián tiếp mà lỗi hoàn toàn thuộc về Nhà nước, như cơ sở hạ tầng quá kém, khói bụi ô nhiễm hạn chế tầm nhìn…
Cựu Đại tá công an Nguyễn Đăng Quang từ Hà Nội cũng nêu những điểm bất hợp lý:
“Nghị định 100/2019 ra đời là cần thiết vì tai nạn giao thông do bia rượu quá nhiều. Thế nhưng cách phạt trong nghị định này thì có những cái bất hợp lý. Một là người ta ăn vải, ăn trái cây mà có nồng độ cồn thì cảnh sát cứ căn cứ vào nồng độ cồn trong ống thổi để phạt và thu bằng lái. Điều thứ hai là cảnh sát giao thông được phép giữ lại tỷ lệ rất lớn số tiền phạt. Điều đó chẳng khác nào khuyến khích cảnh sát giao thông rằng càng phạt nhiều càng có lợi nhuận.”
Theo thống kê của Cục Cảnh sát giao thông thuộc Bộ Công an, trong 2 ngày đầu tiên thực hiện nghị định mới này, lực lượng Cảnh sát giao thông cả nước đã phát hiện và xử lý 615 trường hợp vi phạm nồng độ cồn, phạt tiền hơn 816 triệu đồng.
Luật sư Nguyễn Văn Hậu từng khẳng định với RFA rằng cần tạo ra ý thức và thói quen cho người dân trong việc không lái xe khi đã uống rượu. Ông nêu quan điểm của mình:
“Nhiều ý kiến nhưng tôi nghĩ cần phải xử lý nghiêm để người dân nhận thức vì khi uống rượu bia khi đi ra đường rất là nguy hiểm nên nếu chúng ta không có biện pháp để chế tài những người này thì nó tác hại không nhỏ đến cuộc sống của người dân, xã hội.
Một đất nước mà tình trạng uống rượu bia tràn lan như thế này thì không phát triển được, một đất nước không bền vững được. Một số quốc gia người ta có thể uống rượu bia được nhưng bắt buộc không thể lái xe về, thành ra nó tạo ra được thói quen.”
CSGT được hưởng 70% tiền phạt!
Thông tư số 89/2007/TT-BTC do Bộ Tài chánh Việt Nam ban hành ngày 25 tháng 7 năm 2007 có quy định trích 70% tiền thu phạt vi phạm hành chính cho lực lượng Công an tham gia giữ gìn trật tự an toàn giao thông, tức cảnh sát giao thông.
Năm 2012, Đại biểu Quốc hội Huỳnh Minh Thiện gửi văn bản chất vấn Bộ trưởng Bộ Tài chính Vương Đình Huệ về việc sử dụng hơn 1.700 tỉ đồng (70% trong số hơn 2.540 tỉ đồng) tiền phạt thu được trong năm 2011 để bồi dưỡng cảnh sát giao thông.
Bộ trưởng Vương Đình Huệ trả lời rằng số trích 70% cho lực lượng công an tham gia giữ gìn trật tự an toàn giao thông không phải là dành toàn bộ để chi bồi dưỡng cho lực lượng này mà còn chi cho nhiều hoạt động khác, như tuyên truyền phổ biến giáo dục pháp luật về trật tự an toàn giao thông, chi hỗ trợ ban đầu cho cán bộ bị thương, tai nạn hoặc gia đình của cán bộ hi sinh khi thực hiện nhiệm vụ bảo đảm an toàn trật tự giao thông.
Không chỉ có những chất vấn chính thức từ ĐBQH, mà người dân cũng thắc mắc về qui định này. Cựu Đại tá công An Nguyễn Đăng Quang nói với RFA:
“Người dân phản đối là đúng vì trước hết, cảnh sát giao thông là người thu lợi. Tiền phạt bao nhiêu thì phải nộp cho ngân sách Nhà nước rồi ngân sách mới chi lại cho cảnh sát giao thông tùy từng trường hợp.”
Ông Võ Minh Đức, chủ doanh nghiệp vận tải, cũng là một người xuất thân từ quân đội cho rằng điều này vô cùng bất hợp lý, bởi lương của cảnh sát giao thông vốn đã rất cao. Ông phân tích:
“Tôi xuất thân từ quân đội ra nên tôi biết hai lực lượng công an và quân đội khoảng 10 năm trở lại đây được hưởng lương rất cao theo hệ số K, là lương cơ bản nhân với nhiều lần tùy theo cấp bậc sĩ quan. Nếu so với mặt bằng lương chung của người lao động ở Việt Nam thì lương của hai lực lượng này cao ngất ngưởng.”
Ông nói thêm rằng việc trích 70% tiền phạt cho cảnh sát giao thông là điều không thể chấp nhận được bởi tiền phạt hành chính trong lĩnh vực giao thông cũng giống như tiền phạt của các lĩnh vực khác phải thuộc về ngân sách Nhà nước. Ngân sách này phải do Quốc Hội phân bổ chứ không một cá nhân hay cơ quan chức năng nào được tự ý trích 70% sử dụng cả.
Sau một tuần thực hiện Nghị định 100/2019 vẫn tiếp tục vấp phải những tranh cãi. Nhiều người dân cho rằng Nhà nước chỉ muốn lấy tiền của dân bất chấp những bất hợp lý đang diễn ra.
nguồn: rfa.org