Những quy định bị chỉ trích!
Để hạn chế tình hình dịch bệnh viêm phổi cấp do Covid-19 xuất phát từ thành phố Vũ Hán thuộc Trung Quốc và đã lây lan qua nhiều các quốc gia trong thời gian ngắn, Bộ Giáo dục và Đào tạo Việt Nam lúc đầu ban hành công văn cho phép học sinh được nghỉ học thêm một tuần sau Tết nguyên đán. Tiếp đó được kéo dài thêm trong khi tiếp tục thu nhận thông tin về dịch bệnh. Đến ngày 8 tháng 2, Bộ Y tế đã gửi công văn đến Bộ Giáo dục-Đào tạo với nội dung là học sinh có thể đi học lại tại các địa phương không có dịch bệnh Covid-19, sau khi đã tiêu độc, khử trùng lớp học, vệ sinh bàn ghế…
Đến ngày 12/2, Sở Giáo dục-Đào tạo tỉnh Khánh Hòa, Đồng Nai và thành phố Hồ Chí Minh thông báo học sinh đi học trở lại từ ngày 17/2.
Đáng quan tâm, nhiều trường phổ thông trung học ra đã đăng tải kế hoạch học bù chi tiết vào thứ 7 và chủ nhật để học sinh bù lại lượng kiến thức bị mất trong 2 tuần qua.
Trao đổi với Đài Á Châu Tự Do, thầy giáo Đỗ Việt Khoa, hiện đang dạy tại trường Trung học phổ Thông Thường Tín ở Hà Nội cho rằng đây là điều không nên:
“Ở Việt Nam thật sự chưa biết khi nào bùng phát. Ngày hôm qua số liệu giảm xuống thì tôi nghĩ nên cho học sinh các địa phương đi học lại. Nhưng hôm nay tôi thay đổi ý kiến không nên cho học sinh đi học lại, hãy nghỉ tiếp 2 tuần nữa vì 2 tuần nữa là đủ thời gian qua khỏi đỉnh của dịch, dịch có bùng phát hay không 2 tuần nữa họ sẽ biết. Chắc chắn lúc đó đi học lại cũng không muộn. Nếu đi học muộn 1 tháng thì chúng ta sẽ lui thời gian kết thúc năm học 1 tháng và lui thời gian thi quốc gia lại 1 tháng, không nên bắt học sinh đi học bù thứ 7, chủ nhật. Việc đó rất không có lợi cho học sinh.”
Không chỉ riêng ngành giáo dục, ngành Giao thông-Vận tải cũng đang gặp phải sự phản đối từ phía người dân khi các tài xế, chủ hàng mặc đồ bảo hộ khi chở hàng sang Trung Quốc. Sau khi trở về thì khử trùng và thu lại bộ đồ bảo hộ đem đi tiêu hủy và không phải cách ly 14 ngày theo văn bản đồng ý của Bộ Y tế. Đây là nội dung công điện về việc tháo gỡ khó khăn cho hoạt động xuất nhập khẩu, vận chuyển hàng hóa qua biên giới do Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc ban hành vào ngày 12/2 vừa qua.
Trên các diễn đàn, nhiều ý kiến cho thấy sự bất hợp lý của việc không cách ly tài xế. Nguyên nhân được đưa ra vì nhiều người cho rằng không biết tài xế khi qua Trung Quốc sẽ tiếp xúc với những ai, những người đó liệu có đang trong thời gian ủ bệnh hay không, hoặc liệu những tài xế hay chủ hàng có mặc đồ bảo hộ khi qua đến Trung Quốc hay không vì thời tiết nắng nóng hiện nay…
Trước đó, báo trong nước vào ngày 10/2 loan tin cho biết Sở Công Thương TP.HCM đã ban hành kế hoạch đảm bảo cân đối cung-cầu các mặt hàng lương thực, thực phẩm thiết yếu trong giai đoạn ứng phó khẩn cấp đối với dịch Corona, đặc biệt cho biết sẵn sàng miễn phí thực phẩm nếu dịch bệnh lây lan rộng rãi.
Trao đổi với Đài Á Châu Tự Do qua Facebook Messenger, bạn Tú Anh bày tỏ lo ngại:
“Tại thành phố tương đối an toàn nên nói gì thì người dân nghe đó, còn chuyện tin thì chưa chắc. Có cái khẩu trang và nước rửa tay là hai cái cơ bản để người dân tự phòng ngừa còn không phát miễn phí, nói chi tới lương thực thực phẩm. Ai tin chứ mình không tin.”
Rập khuôn Trung Quốc?
Nhận xét vì sao các ban ngành cấp cao đưa ra những biện pháp không mang tính thuyết phục cũng như lòng tin của người dân bị giảm đi, Bác sĩ Trần Tuấn, Tiến sĩ dịch tễ từng làm cho Bộ Y tế về vệ sinh dịch tễ và vaccine cho rằng nguyên nhân đầu tiên bắt nguồn từ phía chính quyền thành phố Vũ Hán và Trung Quốc kiểm soát thông tin cung cấp qua tổ chức Y tế Thế giới (WHO). Toàn thể các nước cũng như Việt Nam nhận định trên cơ sở đó để triển khai, khởi động một chương trình mà nếu xét về tình hình diễn biến dịch vừa qua thì dư luận xã hội đánh giá là chậm trong giai đoạn đầu, thậm chí còn có phần chủ quan.
Tuy nhiên, ông cho rằng kể cả khi Trung Quốc đã thông báo cô lập thành phố Vũ Hán để phòng chống dịch thì Việt Nam trong công tác phòng chống dịch vẫn còn để cho những hoạt động mà theo ông là mang tính lợi ích thương mại lấn át lợi ích cộng đồng, ví dụ như những lễ hội vẫn còn tổ chức. Mãi đến khi mạng xã hội đưa ra những hình ảnh, thông tin về khả năng lây lan dịch lớn xảy ra, lo ngại cho vấn đề đó thì lúc đấy chính phủ mới có những can thiệp. Ông nói tiếp:
“Sau khi WHO có thông tin nâng cấp cảnh báo dịch lên cấp thứ hai thì ở Việt Nam có những điều chỉnh, can thiệp mạnh hơn. Thâm chí, theo tôi, còn quá mức cần thiết, thiếu cơ sở khoa học. Ví dụ như Thủ Tướng đưa ra quyết định chỉ thị đeo khẩu trang khi tiếp xúc ở nơi công cộng. Thực ra, hàm ý “ở nơi công cộng” quá rộng nên dễ dẫn đến cho người dân tình trạng thái quá, chưa kể là WHO cũng đã khuyến cáo đeo khẩu trang chỉ trong những trường cần thiết khi tiếp xúc với người lây cho mình. Khi ký những quyết định như thế, chưa chuẩn bị kỹ một nền tảng hiểu biết khoa học một cách đầy đủ cho cộng đồng, sẽ dẫn đến những trường hợp như chúng ta đã thấy: ví dụ như buộc trẻ em phải đeo khẩu trang 100% trong suốt thời gian lên lớp thì đấy là những việc “lợi bất cập hại”.”
Bộ Y tế Việt Nam vào trưa 13/2 đã xác nhận thêm ca nhiễm virus Corona chủng mới thứ 11 ở tâm dịch Vĩnh Phúc, nâng tổng số người dương tính với Covid-19 ở Việt Nam là 16 người với 7 ca hồi phục.
Bác sĩ Trần Tuấn nhận định nguy cơ dịch lây nhiễm cao ở Việt Nam là có thật, nhất là hệ thống phòng chống dịch của ta được tổ chức và vận hành tương tự Trung Quốc, kể cả văn hóa quản lý rất giống Vũ Hán, Trung Quốc. Chính văn hóa quản lý như vậy đã đẩy cho dịch lẽ ra ở mức cúm thông thông thường trở thành thảm họa.
Khôi phục niềm tin!
Vì vậy, vẫn theo Bác sĩ Trần Tuấn, việc làm cần nhất đầu tiên là những thông tin virus corona của Tổ chức Y tế Thế giới cần được chuyển tải sang tiếng Việt và khuyến cáo toàn dân cũng như những người làm truyền thông, kể cả những người làm chính sách phải đọc, phải hiểu, phải phát triển các hành động dựa trên các khuyến cáo này. Ông khẳng định:
“Trong các quyết định đưa ra thì không chỉ mang tính chất mệnh lệnh và thi hành mà tất cả tài liệu viết đều nên có tài liệu tham khảo và có dẫn chứng để củng cố niềm tin người dân và nâng cao chất lượng. Tại sao? Vì trong dân đã có sự nghi ngờ, sụt giảm lòng tin vào các quyết định, tuyên bố, nhận định của những người làm công tác y tế trong năm qua.
Tránh khuynh hướng chủ quan khi nhìn vào tình hình diễn biến dịch hiện nay khi số nhiễm khá thấp trong khi tất cả đều thống nhất rằng Việt Nam là nước đứng thứ 2 trên thế giới chỉ sau Trung Quốc về việc dịch lan và hoành hành của virus cúm corona. Dịch rất sớm, nguy cơ rất cao nhưng đến nay chỉ có 15 trường hợp, thậm chí còn thấp hơn Hàn Quốc, Singapore. Như vậy lại xuất hiện chủ quan cho rằng nhờ thành tích chống dịch, hoạt động phòng chống dịch tốt, có khả năng điều trị khỏi… những trường hợp như thế tôi cho là cách nhìn chủ quan thái quá.”
Theo cách giải thích của Bác sĩ Tuấn, sở dĩ xác suất lây nhiễm thấp mặc dù tần suất giao tiếp, thông thương rất cao với cư dân Trung Quốc cũng như cư dân đến từ Vũ Hán một phần vì khí hậu của Việt Nam, nhiệt độ nóng ẩm như miền Nam là điều kiện không thuận lợi cho virus đường hô hấp phát triển. Ông cũng cho biết virus hô hấp thường sẽ phát triển mạnh vào khi thời tiết lạnh như mùa đông – xuân và có xu hướng giảm đi vào lúc thời tiết nóng như mùa hè.
nguồn: rfa.org