“Ai cũng gù, mình thẳng lưng sẽ thành khuyết tật” là câu nói của bị cáo Diệp Thị Hồng Liên (cựu trưởng phòng khảo thí) tại phiên tòa xét xử sơ thẩm 15 bị cáo trong vụ án gian lận điểm thi THPT năm 2018 tại Hòa Bình.
Sống trong một xã hội mà “thẳng lưng”, nghĩa là sống theo lẽ phải, làm điều tốt được coi là khuyết tật thì quả không còn gì bất bình thường hơn thế. Thế nhưng, có quá nhiều điều bất bình thường được xem như là bình thường trong xã hội này. Bởi lẽ đạo đức là cội rễ căn bản trong lòng con người đã bị đánh bật gốc bởi những chủ thuyết phi nhân bản trong quá trình xây dựng chủ nghĩa Cộng Sản. Vì thế, ngay cả môi trường giáo dục, nơi được coi là “ngôi đền thiêng”, nơi dạy con người trở thành những công dân tốt, nơi giúp hình thành đạo đức, nhân cách con người cách trọn vẹn, lại là nơi mà giá trị sống của con người bị đảo lộn cách trắng trợn nhất.
Con người vốn có khuynh hướng thích làm điều xấu, họ khó lòng từ chối những cám dỗ tội lỗi. Vì thế, một xã hội thượng tôn pháp luật thì đó sẽ là tấm lá chắn giúp con người bớt phạm tội. Bằng ngược lại, xã hội đó sẽ là môi trường để cái xấu mọc lên như nấm dại sau cơn mưa.
Trong một xã hội mà những điều bình thường trở thành bất thường thì “thiên hạ có khi đang ngủ cả, việc gì mà thức một mình ta?”
“Tao không cần tiền ! Tao muốn làm người lương thiện !”. Đoạn trường tân thanh ! Tiếng thét của Chí Phèo là tiếng kêu đứt ruột của một người vừa nhìn thấy ánh sáng lương tâm của mình vừa vụt sáng lên đã bị vùi dập bởi những nghiệt ngã vô tình của cuộc sống. Chí Phèo tuyệt vọng tìm đến cái chết vì không còn đường quay về, không thể thực hiện cái khát khao “trở thành người lương thiện”.
“Sông Tương nước chảy trong veo.
Thì ta đem giặt cái lèo mũ ta.
Sông Tương nước đục phù sa
Thì ta lội xuống để mà rửa chân”.
Khuất Nguyên nước Sở thà chết chứ không chịu dày dạn, sống đục, không bằng thác trong và cái giá phải trả là bị bãi chức, mặt mũi tiều tuỵ, hình dong khô héo.
Vâng ! Làm người lương thiện không hề dễ. Không phải ai cũng có dũng khí lội ngược dòng để sống đúng với thiên lương mà Thượng Đế đã đặt để trong lòng con người. Hoặc sẽ chịu nhiều thiệt thòi như Khuất Nguyên, hoặc sẽ chết và mang theo một khát khao cháy bỏng “muốn làm người lương thiện” như Chí Phèo. Thế nhưng, vẫn cần lắm những Khuất Nguyên, Chí Phèo, những người được coi “khuyết tật”, vì sự tồn tại của họ cho chúng ta niềm tin rằng “thẳng lưng” luôn là một tư thế sống đúng với giá trị thiêng liêng với hai chữ CON NGƯỜI.