Hôm nay chúng ta bắt đầu tam nhật kính Thánh Anphongsô, Đấng sáng lập Dòng Chúa Cứu Thế. Ngài được chọn làm bổn mạng của Giáo xứ Thái Hà và Tu viện Dòng Chúa Cứu Thế Hà Nội nơi đây.
Chương trình tam nhật năm nay, cha Bề trên cũng như Hội đồng Mục vụ đưa ra chủ đề Hiệp thông cho Giáo xứ. Mong tất tả chúng ta, Giáo xứ nơi đây hiệp thông, nên một với nhau trong đời sống đức tin. Do vậy, sau Thánh lễ của hai ngày đầu trong tam nhật sẽ có giờ hội thảo dành cho các giáo khu, các hội đoàn với chủ đề: “Thúc đẩy các hoạt động nhằm nâng cao liên kết giữa các đơn vị trong Giáo xứ”. Thúc đẩy “Tình hiệp thông trong cộng đoàn Giáo xứ”.
Với ý hướng đó, trong ngày đầu cử hành Thánh lễ Kính Thánh Anphongsô, tôi xin chia sẻ với anh chị em 2 ý được rút ra từ Lời Chúa, mà chính nơi cuộc đời của Thánh Anphongsô ngài đã sống, nhằm gợi ý cho chúng ta sống tình hiệp thông, liên kết với nhau trong tư cách là anh chị em trong các hội đoàn, giáo khu hay trong giáo xứ. Hai ý này rất quen thuộc, nhưng thật quan trọng. Hai ý ấy, diễn tả qua 2 động từ: Cầu nguyện và Ra đi.
Ý thứ nhất: Kết hợp với Chúa qua động từ “Cầu nguyện”
Chúa Giêsu trước khi về trời, Ngài xin với Chúa Cha: “Xin cho họ nên một, như Cha ở trong Con và Con ở trong Cha” (Ga 17, 21). Sự hiệp thông của Ba Ngôi Thiên Chúa là khuôn mẫu cho sự hiệp thông của cộng đoàn Kitô hữu.
Là con cái Thánh Anphongsô, chúng ta biết: Người cha của chúng ta được mệnh danh là “tiến sĩ cầu nguyện”. Người cùng thời nói rằng, một ngày Thánh Anphongsô cầu nguyện đến 8 tiếng đồng hồ.
Một trong những tác phẩm của Thánh Anphongsô được nhiều người biết là cuốn “Phương Thế Cầu Nguyện”. Trong đó, Thánh Anphongsô xác tín rằng, cầu nguyện là “một phương thế cần thiết và chắc chắn để đạt tới ơn cứu độ và tất cả các ơn thánh mà chúng ta cần có để đạt tới cứu độ”. Cho nên: “Ai cầu nguyện sẽ được cứu rỗi. Ai không cầu nguyện sẽ hư mất”.
“Việc được cứu rỗi mà không cầu nguyện thì rất khó, hầu như không thể đạt được… nhưng khi cầu nguyện, việc được cứu rỗi là điều chắc chắn và rất dễ dàng”. Nếu chúng ta không cầu nguyện, thì không thể bào chữa được, vì ơn cầu nguyện được ban cho mọi người… nếu chúng ta không được cứu rỗi, thì đó là hoàn toàn do lỗi của chúng ta, vì chúng ta đã không cầu nguyện”.
Vào năm 2012, trong một bài Giáo lý, Đức cố Giáo hoàng Bênêđictô XVI đã nói đến đời sống cầu nguyện và tác phẩm “Phương Thế Cầu Nguyện” của Thánh Anphongsô, Đức Bênêđictô XVI nói rằng: “Thánh Anphongsô nhắc cho chúng ta biết, tiếp xúc với Thiên Chúa là điều cốt yếu trong cuộc sống chúng ta. Không có tiếp xúc với Thiên Chúa, thì thiếu tương quan nền tảng, và tương quan với Thiên Chúa được thực hiện trong việc đối thoại liên lỉ với Thiên Chúa, trong lời cầu nguyện hằng ngày, và với việc tham dự các bí tích. Và như thế, tương quan này có thể lớn lên nơi chúng ta, có thể làm tăng trưởng trong chúng ta sự hiện diện của Thiên Chúa, là Đấng hướng dẫn hành trình của chúng ta, soi sáng nó và khiến cho nó được chắc chắn và an bình, ngay cả giữa những khó khăn và hiểm nguy”.
Để có thể hiệp thông, liên kết với nhau. Trước tiên chúng ta cần ý thức hiệp thông với Thiên Chúa. Cụ thể là qua đời sống cầu nguyện. Chúng ta biết, chúng ta mỏng giòn, yếu đuối, giới hạn như thế nào. Nếu không có ơn Chúa nhờ đời sống cầu nguyện, chúng ta sẽ đề cao cái tôi. Chúng ta không thể lắng nghe nhau, khi chúng ta không biết lắng nghe Chúa.
Không có đời sống cầu nguyện – nói chính xác hơn, không có Chúa, thần tăm tối sẽ len lỏi vào, phá vỡ sự hiệp nhất nên một với nhau trong từng cộng đoàn, từng giáo khu và giáo xứ chúng ta.
Đức Thánh Cha Phanxicô nhắc chúng ta rằng: ma quỷ phá hủy bằng cái lưỡi, với những lời nói hành, nói xấu, với sự phân rẽ, và thói quen nói hành nói xấu là một tập quán của ‘chủ nghĩa khủng bố’.
Thật hão huyền, nếu như chúng ta muốn nên một với nhau trong từng cộng đoàn, từng giáo khu và giáo xứ chúng ta, mà nơi mỗi người, mỗi hội đoàn, giáo khu, giáo xứ không có đời sống kết hiệp với Chúa. Bởi khi đó, chúng ta không đi tìm ý Chúa cho hội đoàn, giáo khu, giáo xứ của mình, mà chúng ta bắt người khác phục vụ ý riêng của ta. Ta không có sự kiên nhẫn, bao dung đủ. Ta để cho tính khí nóng nảy, thích quát tháo khống chế người khác. Nếu có chăng chỉ là một hội đoàn, giáo khu, giáo xứ im lặng, không một ý kiến trái chiều nhưng lại đầy tiếng xầm xì to nhỏ sau lưng, bỏ mặc, bất hợp tác.
Dấu hiệu cho thấy một hội đoàn, một giáo khu hiệp nhất, đoàn kết và phát triển bền vững là khi cộng đoàn, giáo khu đó mỗi người, mỗi gia đình, từng hội đoàn, giáo khu biết kiên trì kết hợp với Chúa qua đời sống cầu nguyện mỗi ngày.
Ý thứ hai là: Loan báo Tin Mừng qua động từ “Ra đi”
Lời Chúa như hằng vang lên trong tâm trí của Thánh Anphongsô:“Đức Giêsu trông thấy một đoàn người đông đảo thì chạnh lòng thương, và Ngài chữa lành các bệnh nhân của họ.” (Mt 14,14).
Năm 1723, một cuộc trở lại của chàng trai trẻ Anphongsô với câu nói nổi tiếng: “Thế gian ơi, ta đã biết mi rồi”. Thánh nhân rời bỏ pháp đình, rời bỏ nghề luật sư để ra đi, bước theo Chúa Giêsu cách triệt để hơn. Ngài nghe tiếng gọi của Chúa để trở thành linh mục. Ngài mong nhiều người biết Chúa, đến với Chúa, yêu Chúa.
Chủng sinh Anphongsô ghi danh gia nhập nhóm truyền giáo tại Trung Hoa, mong có ngày lên đường ra đi đến vùng đất xa xôi. Tiếp bước những nhà truyền giáo đã bỏ thân mình nơi vùng đất lạ vì Tin Mừng.
Khi đã là linh mục, cha Anphongsô ra khỏi giờ giấc mục vụ quen thuộc. Ngài thấy những người lao động chân tay vất vả không có thời gian đến nhà thờ vào những giờ thông thường, ngài tổ chức “nguyện đường về đêm”. Nghĩa là đêm xuống, lúc trời tối, ngài tổ chức những giờ cầu nguyện, dạy giáo lý và dâng Thánh lễ cho dân lao động nghèo.
Với lòng sục sôi trong tâm hồn như chính Thánh Phaolô: “Khốn thân tôi, nếu tôi không loan báo Tin Mừng” (1 Cr 9:16). Vì lẽ ấy, khi thấy những người chăn cừu tại Scala không được chăm sóc về mặt thiêng liêng, cha Anphongsô không đành lòng. Ngài bỏ kỳ nghỉ để giúp họ và chính từ đây ngài lập hội dòng mang tên Chúa Cứu Thế vào năm 1732, với mục đích “theo gương Chúa Giêsu Kitô Cứu Thế” bằng cách rao giảng Lời Chúa cho người nghèo, như chính Ngài đã tuyên bố về mình: “Người đã sai tôi rao giảng Tin Mừng cho người nghèo khó” (HP,1).
Một cộng đoàn lành mạnh là một cộng đoàn biết ra đi loan báo Tin Mừng. Không quanh quẩn với những thói quen tầm thường, nhưng biết đáp lại lời mời gọi cao quý của Chúa Giêsu: “Anh em hãy đi và làm cho muôn dân trở thành môn đệ” (Mt 28,19).
Có một thực tế, nếu chúng ta không cùng nhau ra đi, hướng đến mục đích cao quý là loan báo Tin Mừng cho anh chị em của mình, thì chúng ta sẽ chỉ nhìn vào mình, vơ vén cho chính chúng ta. Nói cách khác, một cộng đoàn, một giáo xứ không loan báo Tin Mừng, không có khả năng loan báo Tin Mừng, khi đó cộng đoàn, giáo xứ chỉ quanh quẩn với những gì trong cộng đoàn, trong giáo xứ: Lễ lạt, rước sách, liên hoan và dần cộng đoàn, giáo xứ trở nên khô cằn thiếu sức sống. Từ đây, nhiều chuyện sẽ xảy ra: so đo, so bì, bắt bẻ, nhìn vào lỗi lầm của nhau để lên án, chỉ trích.
Rất vui là qua các sinh hoạt và những gì đang diễn ra trong các hội đoàn, các giáo khu và giáo xứ Thái Hà chúng ta đây, ít nhiều đã quan tâm đến việc loan báo Tin Mừng cho anh chị em của mình. Qua việc phục vụ các đám tang, các chị Têrêsa hát lễ, quý ông hội Gia trưởng phục vụ việc di quan…các giáo khu sắp xếp đến đọc kinh tại gia…đã giới thiệu Chúa và đưa nhiều anh chị em về với Chúa. Các hoạt động của anh chị em các ca đoàn, hay Gia đình Anphongsô hôm nay mừng Bổn Mạng…qua cách thức hoạt động của hội đoàn mình, đã có nhiều anh chị em trở thành con cái Chúa trong những năm vừa qua…Các hội đoàn xa quê, các giáo khu, các ca đoàn, các bạn giới trẻ, thiếu nhi đều có những hoạt động hướng đến anh chị em chưa có đức tin, đi đến vùng sâu vùng xa…không gì khác hơn là chia sẻ đức tin và giới thiệu đức tin đến anh chị em của mình.
Trong kỳ gặp mặt khoảng 300 cha xứ được quy tụ về Rôma vào tháng 5 vừa qua, Đức Thánh Cha Phanxicô ngài căn dặn và mong muốn “Các cộng đoàn Giáo xứ ngày càng cần trở thành những nơi mà từ đó những người đã được rửa tội ra đi trở thành những người môn đệ truyền giáo và là nơi họ trở về, tràn đầy niềm vui, để chia sẻ những điều kỳ diệu mà Thiên Chúa đã thực hiện qua chứng tá của họ”.
Như người mục tử tìm thấy con chiên lạc, ông mừng rỡ vác nó trên vai trở về. Như người đàn bà đánh mất đồng xu, tìm được rồi, bà hớn hở khoe với bạn bè. Như người cha nhân hậu đón đứa con hoang đàng, ông mở tiệc ăn mừng (Lc15,1-31).
Miền vui của việc loan báo Tin Mừng. Niềm vui của chính Chúa nơi chúng ta vì chúng ta là anh chị em với nhau được biết Cha và quy tụ về nhà Cha. Khi ấy ta sẽ nên một với nhau, và nên một với Cha chúng ta.
Ngước nhìn lên Thánh Anphongsô và xin ngài chuyển cầu cho mỗi người, mỗi gia đình, hội đoàn, giáo khu và giáo xứ chúng ta. Biết kết hiệp với Chúa mỗi ngày qua đời sống cầu nguyện và quan tâm đến việc loan báo Tin Mừng. Nhờ vậy, chúng ta sẽ có những gia đình, hội đoàn, giáo khu và giáo xứ hiệp thông, nên một với nhau như lòng Chúa mong muốn. Amen.
Lm. Giuse Nguyễn Văn Toản, C.Ss.R