Bài giảng lễ công lý và hòa bình(Tháng Tư năm 2018): Thay đổi – đó là mệnh lệnh từ trái tim


Chúng ta đang sống những ngày cuối tháng tư lịch sử. Ngày chấm dứt tiếng súng trên mảnh đất Việt Nam.

Chiều nay, nghĩ về những sự kiện diễn ra những ngày gần đây: ngày con dân Việt Nam không phân biệt đảng phái chính trị, tôn giáo, trong nước cũng như hải ngoại, cùng hướng về cội nguồn, dâng lên tiên tổ, những nén hương nguyện cầu cho dân tộc trong ngày giỗ tổ Hùng Vương; kế đến, là ngày 27/4 – ngày bán đảo Triều tiên bỗng trở nên tâm điểm chú ý của công luận thế giới, khi lãnh đạo hai miền Nam – Bắc Triều, cùng bước qua lằn gianh của hận thù quá khứ, để hướng về một tương lai hòa bình, hữu nghị; chúng tôi cảm thấy thật tiếc cho dân tộc Việt nam, một dân tộc không được may mắn – một dân tộc sinh ra trong chiến tranh, lớn lên trong chiến tranh và đang tiếp tục chia rẽ về một ý thức hệ luôn coi chiến tranh là con đường giải phóng dân tộc.

Trong sự tiếc nuối ấy, chúng tôi nhớ tới bài thơ “Con có một tổ quốc” của Đấng Đáng Kính FX. Nguyễn Văn Thuận. Bài thơ được ngài viết, khi bị quản chế tại giáo xứ Cây Vông tháng 10/1975. Trong khung cảnh ngục tù, giữa lúc hậu quả chiến tranh đang khốc liệt, sự sợ hãi dâng tràn, trong lúc như thể tuyệt vọng, ngài đã không oán thán, đã không sân hận; trái lại, với thông điệp hy vọng gửi ra từ ngục tù, ngài mời gọi mọi tín hữu Chúa Kitô ở Việt Nam, hãy bỏ qua tất cả để cùng xây dựng quê hương Việt Nam, để cùng nhau làm cho quê hương Việt Nam khải hoàn:

Tiếng chuông ngân trầm,

Việt Nam nguyện cầu.

Tiếng chuông não nùng,

Việt Nam buồn thảm.

Tiếng chuông vang lừng,

Việt Nam khởi hoàn.

Tiếng chuông thanh thoát,

Việt Nam hy vọng.

 Con có một tổ quốc Việt Nam,

Quê hương yêu quí ngàn đời.

Con hãnh diện, con vui sướng.

Con yêu non sông gấm vóc,

Con yêu lịch sử vẻ vang.

Con yêu đồng bào cần mẫn,

Con yêu chiến sĩ hào hùng.

 Sông cuồn cuộn máu chảy cuộn hơn.

Núi cao, xương chất cao hơn.

Đất tuy hẹp, nhưng chí lớn.

Nước tuy nhỏ, nhưng danh vang.

 Con phục vụ hết tâm hồn,

Con trung thành hết nhiệt huyết.

Con bảo vệ bằng xương máu,

Con xây dựng bằng tim óc.

Vui niềm vui của đồng bào,

Buồn nỗi buồn của Dân Tộc.

 Một Nước Việt Nam,

Một Dân Tộc Việt Nam,

Một Tâm Hồn Việt Nam,

Một Truyền Thống Việt Nam.

 Là người Công Giáo Việt Nam,

Con phải yêu Tổ Quốc gấp bội.

Chúa dạy con, Hội Thánh bảo con.

Cha mong giòng máu ái quốc,

Sôi trào trong huyết quản con.

Chiều nay, cũng trong sự tiếc nuối, nhưng là một sự tiếc nuối khác – tiếc  nuối vì cái giá quá đắt mà dân tộc này phải trả cho ngày 30 tháng Tư, chúng tôi cũng nhớ tới Nhà thơ Nguyễn Việt Chiến. Nhớ bài thơ ông viết tháng Tư năm 2009, khi biển đảo một lần nữa dậy sóng. Bài thơ có tựa đề: “Tổ quốc nhìn từ biển”, trong đó có những câu thơ đau đáu một nỗi niềm:

Nếu Tổ quốc đang bão giông từ biển

Có một phần máu thịt ở Hoàng Sa

Ngàn năm trước con theo cha xuống biển

Mẹ lên rừng thương nhớ mãi Trường Sa

 Đất Tổ quốc khi chập chờn bóng giặc

Các con nằm thao thức phía Trường Sơn

Biển Tổ quốc chưa một ngày yên ả

Biển cần lao như áo mẹ bạc sờn

 Nếu Tổ quốc hôm nay nhìn từ biển

Mẹ Âu Cơ hẳn không thể yên lòng

Sóng lớp lớp đè lên thềm lục địa

Trong hồn người có ngọn sóng nào không?”

Kính thưa anh chị em,trong giây phút thiêng liêng này, khi nhớ về hàng triệu người dân Việt Nam hai Miền đã ngã xuống để làm nên những ngày tháng Tư lịch sử; trong khung cảnh các nước lân bang – những nước được cho là kém hơn chúng ta trước đây đã tiến rất nhanh và rất xa, trong khi đất nước chúng ta tiếp tục tụt hậu, vì chia rẽ, vì loạn ly; những vần thơ của Đấng Đáng Kính Fx. Nguyễn Văn Thuận hay của nhà thơ Nguyễn Việt Chiến, có đọng lại chút gì trong tâm lòng chúng ta không? Là người công giáo, chúng ta có yêu Tổ quốc như Chúa và Hội thánh truyền dạy không? Chúng ta có bao giờ đặt Tổ quốc trong tim, trong óc và luôn mãi tự hào: “Con có một tổ quốc Việt Nam,/ Quê hương yêu quí ngàn đời./ Con hãnh diện, con vui sướng.” hay không? Chúng ta có tự hào, có hãnh diện vì là người Việt Nam không? Mỗi người chúng ta có góp một bàn tay, một con tim, một khối óc, để làm cho Việt Nam giầu đẹp, hay chúng ta đang tiếp tục làm cho đất Mẹ Việt Nam ngày càng thương đau đẫm lệ, do bất đồng chính kiến, do tranh chấp đảng phái, do quyền lợi phe nhóm? Chúng ta nỡ lòng nào để giặc Tầu ngang tàng trên quê hương ta.

Thưa anh chị em, Đất nước chúng ta đã thống nhất 43 năm rồi. Mảnh đất hình chữ S mà Thiên Chúa đã ban cho chúng ta và con cháu chúng ta làm cơ nghiệp, đã chấm dứt tiếng súng hơn 40 năm. Nhưng, thưa anh chị em, có lẽ cần phải thành thật với nhau rằng, đất nước chúng ta dù đã thống nhất 43 năm, nhưng kỳ thực, chưa bao giờ, người Việt thống nhất về nhân tâm, chưa bao giờ chúng ta trở thành một nhà; vẫn còn đó sự chia rẽ vùng miền, đảng phái chính trị, tôn giáo; vẫn còn đó những kỳ thị giữa “bên thắng cuộc” và “bên thua cuộc”; vẫn còn đó thái độ cha chú hay thói kiêu ngạo của phe này, phái nọ; và trên tất cả là cuộc chiến ý thức hệ giữa hai bên “Quốc gia” và “những người theo Cộng sản” – vốn là nguyên nhân của cuộc chiến hai miền Nam Bắc kéo dài hơn 20 năm, và nay, sau 43 năm, vẫn đang tiếp tục chưa có hồi kết thúc.

Thưa anh chị em, có một điều rất trùng hợp, đó là: Lời Chúa ngày hôm nay, cũng nhắc tất cả chúng ta rằng, nhờ mầu nhiệm Chúa chết và phục sinh, trong Chúa, chúng ta hết thảy đều là anh chị em với nhau. Chúa nói: “Thầy là cây nho, anh em là cành” (Ga 15,5). Như vậy, trong Chúa, tất cả đã nên một, không còn sự phân biệt giai cấp, giầu nghèo, sang hèn; trong Chúa, không còn sự phân biệt “Do thái hay Hy lạp, nô lệ hay tự do, đàn ông hay đàn bà” (Gl 3, 28) người nam hay người bắc, người Miên hay người Thượng. Nhưng, tất cả chỉ là một trong Đức Kitô. Trong Chúa và với ý định của Chúa, chúng ta là người Việt Nam. Chúng ta cùng mang chung dòng máu đỏ da vàng. Chúng ta cùng chung chia một lịch sử và một vận mệnh. Do đó, nếu chúng ta chia rẽ chỉ vì ý thức hệ; nếu chúng ta chia rẽ chỉ vì quyền lợi đảng phái, phe nhóm, tôn giáo, thì chúng ta đã không là người Việt Nam.

Hôm nay, chúng ta cùng hiện diện nơi đây để cầu nguyện cho công lý và hòa bình, cách riêng cầu nguyện cho công cuộc hòa giải hòa hợp dân tộc sớm được thực hiện. Chúng tôi thiết nghĩ rằng, 43 năm – thế là đã quá đủ, để con dân đất Việt cùng thành tâm nhìn nhận những sai lầm của quá khứ; cùng nhau quên đi những đau thương, những hận thù vốn đã và đang gây nên biết bao thảm họa cho dân tộc này.

Cũng vây, Đất nước chúng ta cần một sự đổi thay, cần một sự hòa giải, hòa hợp đích thực từ cả hai phía để không còn sự phân biệt vùng Miền, trong nước hay hải ngoại, đảng phái, chính trị, tôn giáo, bên thắng, bên thua. Chúng ta cần quên đi quá khứ thương đau, trong ý thức cả dân tộc đang bị thua cuộc, tụt hậu so với các nước lân cận, trong đó có cả những nước yếu như Lào và Campuchia.

Thay đổi – thưa anh chị em, đó phải là mệnh lệnh của trái tim. Nếu chúng ta còn tự nhận mình là người Việt nam, thì hãy cùng nhìn về một hướng, cùng nhìn về tương lai chung của cả dân tộc. Hãy tự hỏi lòng mình: “Quê hương mình rồi sẽ ra sao?”  Nếu chúng ta còn nhận mình là người Việt Nam, thì phải biết hổ thẹn, như Đức Tổng Giám mục Giuse Ngô Quang Kiệt đã từng hổ thẹn mỗi khi xuất ngoại.  Nếu chúng ta còn tự nhận mình là người Việt Nam, thì phải thấy rõ trách nhiệm của chúng ta trước sự xuống cấp, sự tụt hậu, tình trạng đổ vỡ, sự bất an của xã hội chúng ta hiện nay.

Nói cách khác, thưa anh chị em, để có sự thay đổi, trước hết, chúng ta cần một sự can đảm của mọi thành phần dân tộc, từ những người lãnh đạo đất nước cho tới mọi công dân – can đảm nhìn thẳng vào sự thật, để thấy rằng: chúng ta đã sai lầm; chúng ta đã quá huyễn hoặc với chủ nghĩa xã hội. Đồng thời, chúng ta cũng phải thành tâm tự hỏi: những gì chúng ta đã làm trong suốt hơn 43 năm qua, đã mang lại gì cho đất nước, cho dân tộc này? Tại sao cho đến giờ này, chúng ta vẫn chưa thể cùng nhau mơ một giấc mơ chung – giấc mơ về một dân tộc Việt nam hùng mạnh, độc lập, tự cường?

Để kết thúc, chúng tôi xin mượn lại đây lời của Đức Tổng Giám mục Giuse Nguyễn Chí Linh – Chủ tịch Hội Đồng Giám mục Việt Nam, đã thay lời cho toàn thể những người công giáo Việt Nam, lên tiếng kêu gọi mọi người dân đất Việt cùng sám hối lỗi lầm, quyết tâm xây dựng một quê hương giầu đẹp. Ngài nói: “Đã đến lúc người Việt nam phải thẳng thắn nhìn nhận rằng chúng ta đã làm khổ nhau quá nhiều vì bảo thủ chính kiến và thành kiến, vì độc tôn phe nhóm và tư lợi. Phải khép lại quá khứ tị hiềm, ngờ vực để thế hệ mai sau không quy trách thế hệ chúng ta. Hãy cùng nhau chia xẻ một giấc mơ chung về đất nước, quê hương, dân tộc, xã hội, để giới trẻ của chúng ta an lòng tin tưởng bước vào tương lai.

Tắt một lời: mang trái tim Việt Nam, trên đất mẹ thân yêu hay ở bất kỳ đâu, người Việt Nam là anh em một nhà.” (Bài giảng lễ dịp khai mạc Năm Thánh 2010, kỷ niệm 50 thành lập Hàng giáo Phẩm Việt Nam).

Xin Chúa Chúc lành cho quê hương Việt Nam.

Xin Chúa chúc lành cho đại gia đình Việt Nam và chúc lành cho từng người chúng con. Amen!

29/4/2018

Lm. Giuse Trịnh Ngọc Hiên, C.Ss.R.

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai.