Bài giảng tĩnh tâm của Đức hồng Y Luis Antonio Gokim Tagle cho các thành viên Tổng Công Hội DCCT

Thái Hà (04.11.2016) – Để chuẩn bị đi vào những thảo luận thiết thực và có những quyết định cụ thể cho toàn Dòng trong giai đoạn sáu năm kế tiếp, các nghị viên Tổng Công Hội dành hai ngày đặc biệt tĩnh tâm. “Hãy để Thần Khí của Chúa Phục Sinh nói trong chúng ta và hành động nơi chúng ta. Đây là thời gian đặc biệt để Chúa Thánh Thần làm việc nơi chúng ta.” Đó là lời kêu gọi của Cha Bề Trên Tổng Quyền Michael Brehl đối với tất cả các nghị viên Tổng Công Hội.

Đức Hồng Y Luis Antonio Gokim Tagle, Tổng Giám Mục Manila, Phillipines, được mời giảng tĩnh tâm cho tất cả các anh em tham dự Tổng Công Hội. Chủ đề của tĩnh tâm và cũng chính là chủ đề của Tổng Công Hội thứ XXV là Tình Liên Đới. Trong ngày đầu tiên, Đức Hồng Y Tagle, dựa trên tài liệu làm việc của Tổng Công Hội, triển khai đề tài: Tình Liên Đới Với Người Nghèo.

Đức Hồng Y Luis Antonio Gokim Tagle, Tổng giám mục, Tổng giáo phận Manila, Phillipine tại Công Hội Dòng Chúa Cứu Thế, Thái Lan
Đức Hồng Y Luis Antonio Gokim Tagle, Tổng giám mục, Tổng giáo phận Manila, Phillipine tại Công Hội Dòng Chúa Cứu Thế, Thái Lan

Trong lời mở đầu, Đức Hồng Y nhấn rằng, “Điều Chúa nói với anh em trong cầu nguyện thì quan trọng hơn những gì tôi chia sẻ.” Khởi đi từ hạn từ “liên đới” (solidarity) là hạn từ xuất hiện nhiều trong tài liệu làm việc của Tổng Công Hội, ngài dẫn mọi người vào bối cảnh Kinh Thánh để hiểu nghĩa căn bản của từ ngữ này.

Hạn từ này thật sự không có trong Kinh Thánh, nhưng xét về nội dung và những câu chuyện thì nghĩa của từ này được diễn tả rất nhiều. Chúng ta có những từ rất gần hay cùng nghĩa như koinonia, koine (communion, common), nghĩa là hiệp thông, cùng chung với nhau. Ví dụ như thánh Phêrô, Giacôbê, Gioan có cái chung với nhau là cùng nghề đánh cá, cùng chung một công việc. Ngoài xã hội, chúng ta thấy điều này rất rõ. Con cái thế gian làm rất tốt việc liên đới với nhau trong mạng lưới nối kết buôn bán, công việc. Nhưng con cái của ánh sáng thì hình như đến nay vẫn còn đang thảo luận với nhau liên đới(solidarity) nghĩa là gì, hiệp thông (communion) nghĩa là gì.

Những người thánh hiến như chúng ta không chỉ có những chương trình làm việc liên đới, nhưng trước hết liên đới là một kinh nghiệm sống, được trao ban cho chúng ta ngay chính trong bí tích Thánh Tẩy. Liên đới là một quà tặng mà chúng ta được hiệp thông với Chúa Giêsu Kitô, được cùng chết và sống lại với Ngài, và nhờ đó chúng ta liên đới với nhau. Đó là một tặng phẩm làm nên chuẩn sống của chúng ta. Chính trong kinh nghiệm liên đới của Chúa Giêsu Kitô với chúng trước, chúng ta được hiệp thông với nhau và liên đới với tội nhân, người nghèo, người yếu đuối, kẻ lạc lối. Chúa Giêsu chính là nguồn của sự liên đới.

Năm Thánh của Lòng Thương Xót đã mang lại cho chúng ta nhiều hoa trái. Nhiều người tái khám phá lòng thương xót của Chúa như là “sự dịu dàng” (tenderness). Thế giới ngày hôm nay đang thiếu lòng thương xót, sự dịu dàng, sự êm ái. Những nạn nhân đầu tiên của cái thiếu này chính là người nghèo. Luôn luôn là người nghèo. Kinh Thánh cho chúng ta thấy lòng thương xót của Chúa là tình yêu dịu dàng chứ không phải là công minh và cảm xúc.

Ngôn ngữ của lòng thương xót trong tiếng Do Thái rất phong phú. Hạn từ đánh động chúng ta nhất là rechemhay rechamim. Nghĩa là sự gắn kết bản năng và thiết thân của người mẹ với đứa con của mình. Cái bản năng đến từ lòng mẹ, từ bên trong của người mẹ. Lòng thương xót của Thiên Chúa, sự dịu dàng của Thiên Chúa là tình mẹ phát xuất từ cung lòng của Ngài. Đó chính là mầu nhiệm tình mẫu tử của Thiên Chúa như Isaia 49, 15 viết: “Có phụ nữ nào quên được đứa con thơ của mình, hay chẳng thương đứa con mình đã mang nặng đẻ đau? Cho dù nó có quên đi nữa, thì Ta, Ta cũng chẳng quên ngươi bao giờ.” Hay Giêrêmia 31, 20 viết: “Ép-ra-im có phải là đứa con Ta yêu dấu, một đứa con Ta rất mực mến yêu? Vì mỗi lần nhắc tới nó, Ta lại thấy nhớ thương, nên lòngTa bồi hồi thổn thức, Ta thương nó, thương nó thật nhiều.”

Chúng ta hiểu lòng thương xót của Thiên Chúa không phải là tình cảm đổi thay nhưng là một mối tương quan vững chắc, thiết thân. Đó là tình mẹ dành cho con của bà. Đứa con không phải là ai khác, nhưng chính con của tôi,con trai của tôi, con gái của tôi. Tình hiệp thông là thế. Tình liên đới là thế. Trong tình hiệp thông, chúng ta không nhìn thấy người khác, nhưng nhìn thấy người là một phần của tôi. Đó là cách Thiên Chúa nhìn chúng ta như con cái của cung lòng Ngài.

Ngay cả khi đứa con được sinh ra rồi, đứa con ấy vẫn ở mãi trong cung lòng của người mẹ. Nó không bao giờ vắng mặt trong cung lòng của mẹ nó. Chính nhờ mối tương quan vững chắc ấy, chúng ta không bao giờ vắng mặt trong cung lòng của Thiên Chúa, trong thẳm sâu của Ngài. Chính nhờ mối tình hiệp thông ấy, tội nhân được hy vọng, được cứu, được có những cơ hội mới để hưởng sự sống vì họ là con cái Thiên Chúa.

Chủ đề tình liên đới và tình hiệp thông đưa chúng ta vào trong chính trái tim của Thiên Chúa và chiêm ngắm xem Ngài thể hiện thế nào, để rồi chính chúng ta cũng phải thể hiện như vậy. Khi chiêm ngắm Chúa Giêsu, chúng ta thấy tình hiệp thông, tình liên đới, lòng thương xót, sự dịu dàng nhập thể nơi Ngài. Ngài đang thách đố chúng ta sống tình liên đới, tình hiệp thông đó với nhau.

Câu chuyện người Samaria nhân hậu ở Tin Mừng Luca chương 10 cho chúng ta hiểu ai là “người thân cận”. Bất cứ ai đang cần sự giúp đỡ đều là người thân cận, đều là một phần của tôi. Người Samaria không phải là người ngoài, nhưng là người thân cận của người đang bị thương này. Không có bất cứ một ranh giới nào có thể ngăn cản. Kẻ thù (Samaria) nay trở thành người thân cận. Mọi người đều là người thân cận của nhau. Thế giới mới đang mở ra. Khi ấy chúng hiểu được điều Chúa Giêsu nói, “Hãy yêu kẻ thù.” Ngay cả những người bách hại chúng ta, họ cũng là anh chị em chúng ta, vì từ một cung lòng của Thiên Chúa chúng ta được sinh ra. Kẻ thù cũng là “con của Ta.”

Luca chương 15 lại kể cho chúng ta nghe về lòng thương xót. Chìa khoá để hiểu dụ ngôn này chính là cụm từ “của tôi” (mine, my): chiên của tôi, đồng xu của tôi, con của cha. Cho dù đó là một kẻ đầy thương tích, hay con chiên lạc, hay đồng xu vô giá trị, hay đứa con bất hiếu thì đều là của tôi. Chính trong mối tương quan bản năng này của Thiên Chúa mà chúng ta được cứu, mà chúng ta nhìn anh chị em mình là của tôi.

Thế giới chúng ta đang sống cũng đang mang đầy những thương tích do đói khát, bất công, xung đột chính trị, màu da, tôn giáo. Có nhiều loại vết thương mà mỗi người chúng ta đang mang. Đó là những vết thương tinh thần, tâm hồn, thể xác. Chúa Giêsu trong Tin Mừng Gioan (20, 19-28) mời gọi thánh Tôma hãy xỏ ngón tay vào vết thương Ngài, đặt bàn tay vào cạnh sườn Ngài. Đây là một hình ảnh đẹp của tình liên đới. Đó có thể là một kinh nghiệm kinh hoàng đối với thánh Tôma, nhưng chỉ sau cuộc gặp gỡ đó, thánh nhân mới tuyên xưng đức tin: “Lạy Chúa của con, lạy Thiên Chúa của con!”

Chúa Phục Sinh không xoá đi dấu vết của thập giá. Vết thương vẫn là vết thương. Thế giới của chúng ta đầy những vết thương. Ai nhắm mắt lại trước những vết thương của anh chị em mình thì không có quyền tuyên xưng, “Lạy Chúa của con, lạy Thiên Chúa của con!” Chạm vào những vết thương của nhân loại là điều kiện cần thiết cho một đức tin đúng nghĩa.

Chúng ta hãy chạm vào vết thương của người nghèo, hãy đặt bàn tay vào cạnh sườn bị đâm thâu của họ. Đó chính là phần tuyên xưng đức tin của chúng ta. Chối từ những vết thương của anh chị em mình là cắt đứt những cầu nối của tình hiệp thông.

Chúng ta thường sợ chạm vào những vết thương của người khác. Tại sao vậy? Vì chúng ta sợ gợi lại chính những vết thương của chúng ta. Sợ hãi này làm cho chúng ta xa cách anh chị em chúng ta. Có một mối hiệp thông sâu hơn. Đó là hiệp thông với nhau trong những vết thương chung, nỗi đau chung, cái nghèo chung. Người liên kết chúng ta lại với nhau và đã ôm lấy tất cả chính là Chúa Giêsu. Trong Ngài chúng ta hiệp thông với nhau; trong Ngài chúng ta liên đới với nỗi đau và mang lấy vết thương của anh chị em mình.

Đức Hồng Y kết thúc bài chia sẻ của Ngài bằng những kinh nghiệm gặp gỡ ở Syria và Lebanon những anh chị em đang mang đầy những thương tích, những nỗi đau mà ngài không chỉ chạm được mà còn có thể ngửi được.

Hãy gặp và chạm vào chính Chúa Phục Sinh đang mang thương tích nơi những anh chị em nghèo, bị tổn thương, bị bỏ rơi, đang lầm đường, đầy tội lỗi, bằng sự dịu dàng của lòng thương xót của Thiên Chúa. Hãy để tình liên đới với người nghèo trở thành mối tương quan bản năng của người môn đệ Chúa Kitô.

Pattaya, ngày 2 tháng 11 năm 2016

Paul Lưu Quang Bảo Vinh, C.Ss.R.

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai.