Bảo vệ đôi tai – Bảo vệ linh hồn

Nhạc nền của tâm hồn bạn là gì? Nói cách khác: Nếu đức tin đến bằng cách nghe, thì bao nhiêu phần trong danh sách nội tâm của chúng ta có nhạc của Thiên Chúa?

Nghe là món quà của Thiên Chúa. Qua đó, chúng ta có thể thưởng thức các loại âm thanh của thiên nhiên như tiếng chim hót, tiếng gió lùa qua kẽ lá và tiếng nước reo. Chúng ta có thể trải nghiệm những giai điệu tuyệt vời của những nhà soạn nhạc lỗi lạc và những đoạn thơ mang tính giáo huấn trong thánh nhạc của Giáo hội. Chúng ta có thể tiếp thu ngôn ngữ sắc bén của các Thánh Vịnh và giáo huấn nền tảng của Phúc Âm trong Thánh Lễ, và nhận được hướng dẫn qua bài giảng hữu ích.

Nhưng giống như những món quà của Thiên Chúa, thính giác có thể bị dùng sai hoặc “sắp xếp sai” như các thần học gia diễn đạt. Chúng ta có thể bỏ qua những giới hạn thận trọng và do đó làm tổn thương đôi tai của mình về thể lý, hoặc tiếp nhận những điều không tôn vinh Thiên Chúa: lời khuyên không lành mạnh, âm nhạc báng bổ hoặc khiếm nhã, những lời gây tổn thương và không yêu thương.

Thời đại của chúng ta là là thời đại ồn ào. Các doanh nghiệp và văn phòng không có âm nhạc hoặc truyền hình là rất hiếm. Người lao động làm việc ngoài trời thường chơi nhạc và các dụng cụ cơ khí có thể phát ra tiếng ồn có hại. Tôi nhớ một lần nọ, khi kết thúc chuyến đi bộ đường dài vào ngày sinh nhật, tôi bắt gặp một bà mẹ trẻ đi trên con đường mòn cùng hai đứa con nhỏ và mang theo một chiếc máy nghe nhạc di động đang phát giai điệu. Trước hết, cha mẹ nên lưu ý bảo vệ thính giác của con cái. Tổn thương và mất thính lực thường tích tụ và không hồi phục. Tôi viết từ kinh nghiệm khó khăn. Gần đây, tôi đã đến gặp chuyên gia thính thị, bà ấy xác nhận rằng nhận thức của tôi về việc khó nghe là có thật. Ngoài ra, tôi còn bị ù tai – tiếng ù liên tục trong tai, điều đó khiến tôi không thể suy ngẫm trong im lặng. Tôi không bao giờ có thể chỉ ngắm nhìn những chú chim ở sân mà không có tiếng chuông reo hoặc chỉ đơn giản là ngồi im lặng.

Tổn thương về thể lý đối với thính giác đã đủ tồi tệ, nhưng cũng có những ảnh hưởng về tinh thần và cảm xúc cần được xem xét. Trong cuốn “Wind Turbine Syndrome: A Report on a Natural Experiment” (Hội chứng Tua-bin Gió: Báo cáo về Thí nghiệm Tự nhiên) năm 2009, nhà tâm lý học và nhân chủng học Nina Pierpont đưa ra bằng chứng cho thấy âm thanh tần số thấp từ tua-bin gió có liên quan đến các triệu chứng như đau nửa đầu, say tàu xe, chóng mặt, tiếng ồn và sự nhạy cảm về thị giác, đường tiêu hóa, và sự lo lắng. Tóm lại, tiếng ồn có thể gây hại cho cơ thể chúng ta và làm gián đoạn các hoạt động hằng ngày. Còn việc xác định rằng tiếng ồn làm tổn thương tâm hồn hoặc linh hồn thì sao?

Kinh Thánh cung cấp nhiều ví dụ liên quan việc nghe, đặc biệt là các lời khuyên chú ý đến tiếng Chúa để tránh tai họa. Ông Môsê cảnh báo dân Israel về mối quan hệ đúng đắn với Thiên Chúa: “Hỡi Israel, hãy nghe những thánh chỉ và quyết định mà hôm nay tôi nói cho anh em nghe; anh em phải học cho biết những điều ấy và lo đem ra thực hành.” (Đnl 5:1) Nhưng họ không vâng lời Ngài, hết lần này đến lần khác: “Đức Chúa đã phán với vua Mơnase và dân của vua, nhưng họ không quan tâm.” (2 Sb 33:10) Trong những năm trước khi bị lưu đày ở Babylon, Israel đã đi theo con đường riêng của họ. Trong thời Tân Ước, hầu hết mọi người làm ngơ sự dạy dỗ của Chúa Giêsu. Tuy nhiên, các tông đồ vẫn tiếp tục sứ mệnh và truyền lại lời Ngài.

Thánh Phaolô đã viết cho con thiêng liêng Timôthê: “Những gì anh đã nghe tôi nói trước mặt nhiều nhân chứng, thì hãy trao lại cho những người tin cẩn, những người sẽ có khả năng dạy cho người khác.” (2 Tm 2:2) Sau đó, ngài cảnh báo Timôthê: “Còn những chuyện nhảm nhí, trống rỗng, anh hãy tránh xa, vì những kẻ nói những chuyện ấy sẽ tiến sâu vào con đường vô luân. Lời họ như một thứ ung nhọt cứ loét thêm ra.” (2 Tm 2:16-17) Những kẻ huyên thuyên không chỉ rao truyền sự dạy dỗ sai lầm và hư không, họ còn có những người sẵn lòng lắng nghe, những người bác bỏ điều tốt, ủng hộ điều xấu: “Họ sẽ ngoảnh tai đi không nghe chân lý, nhưng hướng về những chuyện hoang đường. Phần anh, hãy thận trọng trong mọi sự, hãy chịu đựng đau khổ, làm công việc của người loan báo Tin Mừng và chu toàn chức vụ của anh.” (2 Tm 4:4-5)

Thế giới tràn ngập âm thanh tạo nhiều cơ hội để chúng ta “làm theo sở thích riêng” bằng cách lắng nghe những điều không tốt. Số lượng chương trình, bài hát, video, chương trình phát sóng, cuộc nói chuyện và podcast đã nhân lên thành con số khổng lồ, trong khi nội dung tốt lành không có sẵn, nội dung tầm thường hoặc tồi tệ lại vượt qua nội dung tốt lành một cách đáng kể. Như nhiều bậc cha mẹ và vợ chồng sẽ chứng thực, mặc dù những người chúng ta yêu thương hầu như thường không lắng nghe chúng ta, nhưng con người thực sự có thể nhớ những gì họ nghe. Sau đó, hãy cân nhắc lời này của LM John Zuhlsdorf: “Kẻ thù ma quỷ không thể đọc được suy nghĩ của chúng ta, nhưng chúng có thể tiếp cận ký ức của chúng ta. Hơn nữa, ma quỷ nhớ những gì chúng ta đã quên và có thể gây trở ngại trên con đường phát triển tâm linh của chúng ta bằng cách khiến chúng ta bị phân tâm bởi ký ức về những tai nạn, thương tích trong quá khứ và tội lỗi của chính chúng ta.”

Hãy cân nhắc xem bạn có thể đã nghe bao nhiêu bài hát, cuộc trò chuyện, diễn thuyết, chương trình,… và nghĩ xem kẻ thù có thể sử dụng tài liệu đó như thế nào để chống lại bạn. Đối với tôi, nhạc pop là một trở ngại. Tôi có một “máy hát” tự động trong đầu gây trở ngại cho việc cầu nguyện, dự lễ, chiêm niệm,… Liệu chúng ta có thể nói rằng chúng ta đang sống trong thời đại của chứng háu ăn thính giác hay không?

Vậy có cách nào để giải độc khỏi tình trạng quá tải này? Mặc dù có thể có thiệt hại xảy ra, nhưng không bao giờ quá muộn để ngừng tiếp nhận rác âm thanh. Cũng giống như cách một số người kiêng cữ điện thoại và máy tính, chúng ta có thể tránh xa những thứ làm chúng ta ngứa tai. Giáo xứ của tôi có những đợt tĩnh tâm – hai hoặc ba lần mỗi năm. Qua đó chúng tôi trải nghiệm cuộc tĩnh tâm nhỏ trong im lặng (khoảng 7 tiếng đồng hồ), chỉ có linh mục lắng nghe lời cầu nguyện và các buổi hội thảo thiêng liêng. Nếu bạn là người yêu âm nhạc, hãy quyết định nên nghe nhạc thánh ca hay nhạc đời. Có các hướng dẫn Công giáo tốt để giúp bạn tắt tiếng ồn và nắm lấy sự im lặng. Bộ phim tài liệu “Into Great Silence” (Đi Vào Tĩnh Lặng) dường như là một nghịch lý. Bộ phim này nói về cuộc sống vô cùng yên tĩnh, đó là các tu sĩ Carthusian thuộc dòng Grand Chartreuse. Điều đó khiến tôi khao khát một nơi yên tĩnh hơn để sống.

Ngoài ra còn có cuốn “The Power of Silence: Against the Dictatorship of Noise” (Sức Mạnh của Sự Im Lặng: Chống Lại Sự Độc Tài của Tiếng Ồn) năm 2017, ĐHY Robert Sarah viết: “Thế giới của chúng ta không còn nghe thấy Thiên Chúa nữa bởi vì nó liên tục nói, với tốc độ và âm lượng khủng khiếp, để không nói được gì. Nền văn minh hiện đại không biết cách im lặng.” Hoặc như trong cuốn “Molchanie: Experiencing the Silence of God” (Molchanie: Trải Nghiệm Sự Im Lặng của Chúa) năm 1982, Catherine Doherty đúc kết: “Im lặng là hình thức giao tiếp cao nhất.”

Nếu cỗ máy thời gian thần thoại có sẵn để quay, tôi sẽ quay lại và bảo đảm rằng người trẻ hơn tôi đeo thiết bị bảo vệ tai khi làm việc và vui chơi, đồng thời cắt giảm đáng kể việc nghe nhạc rock. Tuy nhiên, chiếc máy thời gian không thấy đâu và rất có thể trong tương lai tôi phải dùng máy trợ thính. Nếu tôi, với tư cách là một người đàn ông ngoài sáu mươi, có thể đưa ra bất kỳ lời khuyên đáng giá nào, thì đó là: hãy bảo vệ đôi tai của bạn, bảo vệ tâm trí của bạn và bạn sẽ có một khởi đầu thuận lợi trong việc bảo vệ linh hồn mình. Bằng cách đó, khi Thiên Chúa kêu gọi, chúng ta có thể đáp lại: “Xin Ngài phán, vì tôi tớ Ngài đang lắng nghe.” (1 Sm 3:10)

GREG COOK

TRẦM THIÊN THU (chuyển ngữ từ CatholicExchange.com)