Buổi học 1 tìm hiểu về phụng vụ

Thưa anh chị em, vào lúc 19h30 ngày 08/03 và 10/03/2021, tại Nhà mục vụ Giáo xứ Thái Hà đã diễn ra buổi học đầu tiên tìm hiểu về Phụng Vụ, do cha Giu-se Đỗ Đình Tư DCCT phụ trách, cùng với sự góp mặt của khoảng 40 thành viên lớp học TSGDCCT Hà Nội.

Trong hai buổi học này, cha Giu-se đã chia sẻ với lớp học về một số nội dung căn bản liên quan đến Lịch sử Phụng vụ của Hội Thánh.

Chúng ta biết rằng Phụng vụ Ki-tô Giáo có nguồn gốc từ Do-thái Giáo. Trong thời kỳ Cựu Ước, các thực hành Phụng vụ của dân Ít-ra-en được chia thành ba nhóm: Lễ toàn thiêu, Hy lễ hiệp thông và Hy lễ đền tội; đồng thời, theo chỉ thị của ĐỨC CHÚA, họ đã tiến hành xây cất Đền Thờ Giê-ru-sa-lem và cắt cử các tư tế chuyên lo việc phụng tự.

Bước sang Tân Ước, ngay từ thời các Tông đồ, Hội Thánh đã tiếp nhận và đặc biệt coi trọng việc cử hành Phụng vụ. Sau biến cố Chúa Giê-su Lên Trời, các Ki-tô hữu tiên khởi bị giới chức sắc Do-thái Giáo trục xuất khỏi Đền Thờ vì tuyên xưng Chúa Giê-su là Kyrios – Thiên Chúa. Việc bị trục xuất đó đã khiến họ phải quy tụ lại với nhau tại tư gia vào Ngày thứ nhất trong tuần để tham dự Lễ bẻ bánh (x. Cv 2,42.46). Trong giai đoạn này, có hai cử hành Phụng vụ đã được Tân Ước đề cập tới là Phép Rửa (Cv 2,38) và Lễ bẻ bánh với ý nghĩa thể hiện Đức tin Ki-tô Giáo và sự hiện diện thực sự của Chúa Ki-tô Phục Sinh.

Trong ba thế kỷ đầu tiên, các cử hành Phụng vụ này không có tính chất bắt buộc. Trong khi cử hành, các tín hữu sử dụng Kinh Thánh Cựu Ước và Tân Ước, hát Thánh Vịnh,… dưới sự dẫn dắt của vị Giám mục chủ trì. Do đó, hình thức Phụng vụ này có tên gọi là Phụng vụ ứng khẩu. Dựa theo ghi chép của một số bản văn cổ được tìm thấy, chẳng hạn như sách Didache, ở giai đoạn này, các cử hành Phụng vụ đã phát triển khá đa dạng, bao gồm: Bí tích Rửa Tội, Bí tích Thánh Thể, kinh nguyện hàng ngày, giữ chay và Lễ tạ ơn. Ngoài ra, trong cuốn Truyền thống các Tông đồ, việc tiến hành Phong chức cho Giám mục, linh mục và phó tế đã được đề cập tới.

Mặc dù phải chịu sự bách hại vô cùng thảm khốc trên toàn đế quốc Rô-ma, nhưng Ki-tô Giáo trong ba thế kỷ này vẫn phát triển rất mạnh mẽ, kéo theo đó là sự đa dạng của các lễ nghi Phụng vụ, đặc biệt là ở Đông phương. Vào năm 313, hoàng đế Constantine I trở lại Đạo và ban bố sắc lệnh Milanô chấm dứt bách hại Ki-tô hữu. Biến cố quan trọng này khiến Giáo Hội ở Tây phương như được hồi sinh, các tín hữu trước đây vốn phải sống hầm trú để giữ đạo trong các hang toại đạo thì nay đã được công nhận trên toàn cõi Rô-ma. Đà vươn này đưa Giáo Hội tới việc hình thành ở hai nửa đế quốc hai gia đình phụng vụ dựa theo ngôn ngữ và văn hóa khác nhau là Phụng vụ Hy-lạp ở Đông phương và Phụng vụ La-tinh ở Tây phương.

Trải qua nhiều thế kỷ với rất biết bao biến cố thăng trầm của lịch sử, những cử hành Phụng vụ của ba thế kỷ đầu, cũng như đời sống đức tin trong lòng Hội Thánh dần có biến đổi và đưa tới những vấn đề nan giải đòi hỏi phải có sự canh tân. Đức trước hàng loạt những thách đố của thời cuộc như vậy, vào năm 1962, Thánh Giáo Hoàng Gio-an XXIII đã triệu tập Công đồng Vaticanô II nhằm đưa ra những quyết sách kịp thời. Chủ trương của Công đồng là tìm về nguồn, về với các Giáo phụ, với Thánh Kinh và đời sống đức tin của các tín hữu trong ba thế kỷ đầu tiên.

Sau khi Công đồng kết thúc năm 1965, bên cạnh những thay đổi to lớn trong quan điểm của Giáo Hội đối với khoa học, người Do-thái và các tôn giáo khác, thì trong Phụng vụ, có một sự canh tân mạnh mẽ về nhiều mặt. Trong đó, có thể thấy rõ nhất là việc Thánh lễ theo nghi thức mới (Novus Ordo) được sử dụng để thay cho Thánh lễ theo nghi thức cũ (Tridentine) có từ năm 1570 sau Công đồng Tren-tô (mặc dù vẫn cho một số cộng đoàn được phép cử hành).

Trong khi Thánh lễ kiểu cũ được cử hành hoàn toàn bằng Tiếng La-tinh thì Thánh lễ kiểu mới được phép sử dụng hoàn toàn bằng tiếng bản xứ. Điều này giúp người tín hữu tham dự có thể nghe và hiểu biết Lời Chúa cách tốt hơn. Ngoài ra, còn có một số khác biệt về vị trí bàn thờ, cách thức rước lễ, hát Thánh Vịnh,…

Trên đây là một số kiến thức căn bản của hai buổi học đầu tiên về Phụng vụ. Hy vọng rằng, với những chia sẻ hữu ích của cha Giu-se, các học viên TSGDCCT sẽ có được những kiến thức cần thiết cho mình trên con đường dấn thân cho ơn gọi thừa sai. Hẹn gặp lại tất cả quý ông bà anh chị em trong các buổi học tiếp theo!